Bạn đang ở đây
Truyền kỳ về ba Bậc Thánh Điên vùng Himalaya
Vào thế kỷ XV, vùng đất Himalaya chứng kiến sự xuất hiện của hiện tượng Nyonpa hay “bậc cuồng yogi”. Những bậc Yogi này được tôn kính là Nyonpa, những bậc thánh cuồng, bởi cách cư xử và những hành động không theo chuẩn tắc thông thường trong xã hội của các Ngài. Ba đại diện tiêu biểu vĩ đại nhất của truyền thống Nyonpa là Tsangnyon Heruka (1452–1507), Drukpa Kunleg (1455–1529) và Unyon Kunga Sangpo (1458–1532).
Tsangnyon Heruka
Đức Tsangnyon đản sinh vào ngày rằm tháng 5 năm Nhâm Thân (1452) tại Kharga ở Thượng Nyang, vùng Tsang Tây Tạng. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình ba anh em trai, phụ thân là Lama Ngag Chang Sangye Palden, còn mẫu thân là Sangye Dren.
Khi lên 7 tuổi, Tsangnyon đã thọ giới Getshul (tiếng Tạng nghĩa là Sadi) từ Khenchen (Đại Phương Trượng) Jamyang Kunga Sangye, người đã ban cho Ngài pháp danh Sangye Gyaltshen. Năm 18 tuổi, trong một linh kiến, Tsangnyon gặp 15 thiếu nữ lạ mặt thúc giục Ngài tới Tsari, nơi triều bái linh thiêng của Bản tôn Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara, và tới thánh địa đó qua Dagpo. Nhận thấy đây là một điềm báo vô cùng quan trọng, Ngài đã lên đường.
(Vùng đất Tsari)
Tại Labar Zurkhar ở Dagpo, Tsangnyon đã hạnh ngộ dược sư trứ danh Apho Choje Nyamnyid Dorje, người đã cúng dường vị khất sĩ trẻ tuổi thức ăn và nơi ở trong suốt thời gian Ngài lưu lại đây. Trong khoảng thời gian đó, Ngài đã hạnh ngộ Đức Shara Ramjampa, người đã từng được Apho Choje thỉnh mời cử hành một số nghi lễ. Ngay khi hạnh ngộ Đức Shara Ramjampa, trong lòng Tsangnyon liền trào dâng niềm sùng kính vô bờ và mối liên hệ giữa thượng sư và đệ tử được thiết lập.
Đức Shara Ramjampa đã trao truyền những giáo pháp thâm diệu của Truyền thừa khẩu truyền và ban cho Tsangnyon Pháp danh Chokyi Dragpa. Sau đó, Tsangnyon tu tập giáo pháp tại những nơi nhập thất cô tịch, nơi những bậc yogi tiền bối đã từng tu tập thiền định. Thượng sư Ramjampa dạy Ngài phải thụ nhận thêm những giáo pháp bí truyền từ các đạo sư khác.
Tsangnyon quay trở lại Tsang và gia nhập Học viện Gurpa của Pal Khorlo Dechen Chode, nơi Ngài thụ nhận giáo pháp Mật thừa Hỷ Kim Cương Hevajra và Phổ Ba Kim Cương Khon Vajrakila từ các Ngài Gyulungpa Yonten Gyatsho, Lobpon Kunga Nyima và Panchen Dhondub Dragpa.
Vào khoảng năm 1471, Tsangnyon nhận thấy đời sống tu học tại tự viện sẽ không giúp Ngài vươn tới sự chứng ngộ cao hơn. Từ đó, Ngài bắt đầu thể hiện tính cuồng điên thần thánh, hành xử rất lạ lùng, không ngừng nói những điều dường như vô nghĩa và luôn cười như người cuồng trí. Vào một ngày nọ, khi hoàng tử Gyaltse (một trong những người bảo trợ cho Tsangnyon) viếng thăm tự viện, Tsangnyon đã cư xử một cách rất thô lỗ và lăng mạ hoàng tử. Vì thế, Tsangnyon đã phải rời khỏi tự viện. Ngài trở lại Kharga và vào năm 1472, cùng với người anh trai là Konchok Gyaltshen, Ngài bắt đầu cuộc hành trình tới Tsari.
Tsangnyon trụ lại khoảng ba năm tại Tsari và có nhiều trải nghiệm rất phi thường huyền diệu tại đây. Những Bản Tôn hộ mệnh của Ngài đã ban cho Ngài pháp danh bí mật là Thrag Thung Gyalpo. Vào cuối giai đoạn này, Ngài bắt đầu cuộc hành trình qua Nyal và Jayul, tới gặp người bảo trợ của mình là Ja Nagso Tashi Dhargye. Sau đó Ngài tới Kharchu tại Lhodrag, nơi đây Ngài đã hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ II Kunga Paljor (1428–1476). Ngài thuật lại cho Pháp Vương về những trải nghiệm của mình. Đức Pháp Vương rất hoan hỷ và ban cho Ngài ân đức gia trì của Hộ Pháp Mahakala Bốn tay cùng những giáo pháp của Truyền thừa thực hành khởi nguồn từ Đức Shang Drowei Gonpo tới Đức Tsangpa Gyare và từ Đức Phagmo Drupa tới Đức Lingchen Repa. Ngoài ra, Tsangnyon còn thụ nhận quán đỉnh và giáo pháp Phật Trường Thọ Amitayus của truyền thống Rechung.
Sau đó, khoác trên mình những sức trang hoàng bằng xương, tay cầm khatvamga (chiếc đinh ba với ba sọ người xếp trồng lên nhau), không sợ hãi, không nghi ngờ và không chấp trước, Tsangnyon bắt đầu du hý khắp các vùng U và Tsang của Tây Tạng như một người điên. Khi Ngài tới Lhasa, tất cả người dân ở đó ngay lập tức hoảng loạn, kinh sợ và la hét: “Kẻ ăn thịt người đang tới!” Buổi sáng hôm sau, khi một vài người mạnh dạn bước ra ngoài đường, Ngài liền lắc chuông kim cương và thổi kèn kangling (một loại tù và làm bằng xương đùi người), khiến một lần nữa tất cả mọi người lại hoảng sợ chạy tán loạn. Trong khi một số người hoảng sợ nói: “Có kẻ ăn thịt người đang ở đây” thì những người khác lại cho rằng: “Đó chính là đại hành giả yogi Thangthong Gyalpo”. Những vị tăng từ Pal Khorlo Dechen Chode nhận ra Đức Tsangnyon và cung thỉnh Ngài ban giáo pháp. Depa Paljor Gyalpo, người cai quản Neuzong gửi một sứ thần thỉnh mời Tsangnyon tới cung điện của ông. Một số Geshe từ tự viện Sera, Drepung và Ganden cũng có mặt và họ yêu cầu được tranh biện với Tsangnyon. Họ hỏi Ngài: “Chúng tôi chưa từng đọc trong kinh văn của Đức Phật dạy về cách hành xử và y phục như vậy. Chưa từng có ai khoác lên mình một y phục như vậy. Y phục và hành tung của Ngài thuộc truyền thống nào vậy?”. Tsangnyon trả lời: “Con kiến không thể thấy biết được ta. Con ếch trong đáy giếng không thể thấy được đại dương bao la rộng lớn. Bàn tay trẻ nhỏ không thể che lấp bầu trời. Nếu những y phục này chưa từng tồn tại trong quá khứ thì những Bản Tôn của Vajrayana và 84 Đại thành tựu giả Ấn Độ cũng chưa từng tồn tại. Chẳng nhẽ các Ngài chưa từng bao giờ được chiêm ngưỡng những bức họa này? Hành tung và y phục của tôi đã được nhắc tới trong những Tantra Yoga cao cấp của Vajradhara và đặc biệt trong Tantra Hevajra.”
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên tới Swayambhunath ở Nepal, Tsangnyon thiền định suốt sáu ngày trong tư thế Kim Cương tọa, vào ngày thứ bảy thì chư Daka và Dakini xuất hiện. Các Ngài trang hoàng với các trang sức bằng xương, ngọc quý, những pháp khí âm nhạc ngân vang cùng với những phẩm vật cúng dường đầy khắp hư không. Trong hư không phía trước Đức Tsangnyon, Kalachakra đã xuất hiện trong hình tướng sắc thân cầu vồng và chỉ dạy: “Này hành giả Yogi, đã đến lúc con mang lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh thông qua giảng dạy giáo pháp và kết tập kinh điển. Bởi vậy con hãy thực hiện sứ mệnh cao cả này”.
Khi trở lại, Đức Tsangnyon thiền định tại sơn động Dre-lha Phug, nơi Đức Milarepa đã thành tựu đại giác ngộ. Vào một buổi sớm bình minh, trong một linh ảnh, Ngài được Đức Hevajra chín mặt và mười tám tay chỉ dạy: “Hỡi Pháp tử cao quý, đây là lúc con bắt đầu những công hạnh lợi tha. Hãy soạn những kinh điển nghi quỹ về Hevajra và Chakrasamvara”. Ngày hôm sau, Đức Tsangnyon bắt tay soạn bản thảo Gyepa Dorje Ngon Tog Tsig Ched Ma, bản luận giải về Hevajra.
Đức Tsangnyon tới đỉnh Kailash hai lần và trùng tu Tự viện Ja-kyib Gompa. Trở lại Lachi sau chuyến viếng thăm đầu tiên tới đỉnh Kailash, Ngài thiền định trong sáu sơn động của Milarepa. Ngài cũng thiền định trong những sơn động nổi tiếng của Gungthang trong ba năm.
Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai tới Tsari, Nyen Gyud Dorje Tshig Kang được tiết lộ với Ngài trong một linh kiến và Ngài đã soạn rất nhiều luận giảng về Demchog Nyen Gyud hay còn gọi là “Truyền thừa Khẩu truyền Bí mật Chakrasamvara”. Khi trở lại Lachi, Ngài bắt đầu soạn tiểu sử và tuyển tập những bài thơ ca của Milarepa. Sau đó, Ngài viếng thăm chính điện Mustang lần thứ hai rồi quay trở lại tỉnh Tsang.
Trong suốt khoảng thời gian ba năm an trú tại Lachi Gangra, Ngài bắt đầu soạn Nyen Gyud Yigcha, một bản kết tập về Rechung Nyen Gyud, Ngen Dzong Nyen Gyud và Dagpo Nyen Gyud. Sau đó Ngài viếng thăm Nepal theo lời thỉnh cầu của nhà vua và hoàng gia Nepal. Từ Nepal, Ngài tới thiền định trên đỉnh Kailash. Trên đường trở về từ đỉnh Kailash, trong thời gian ở Chubar, Tsangnyon được thỉnh mời để ban gia trì tấn phong cho ngôi đại điện vàng Mustang. Đức Tsangnyon cũng bắt đầu trùng tu tháp Swayambhunath dưới sự bảo trợ của vua Ratna Malla và tể tướng.
Đức Tsangnyon đã soạn tiểu sử và tuyển tập những bài thơ ca của Marpa và hoàn thành tuyển tập Nyen Gyud Yigcha. Ngài cũng hiệu đính bản thảo bằng vàng Nyen Gyud Yizhin Norbu gồm mười ba tập.
Đức Tsangnyon viên tịch tại Rechung Phug giữa những điềm cát tường thù thắng vào ngày 15 tháng 5 năm 1507 theo lịch Kim Cương thừa, trụ thế 56 năm.
Đức Tsangnyon thuộc Truyền thừa Rechung Kaguyd, một nhánh của Truyền thừa Kaguyd. Giáo pháp trọng yếu nhất của truyền thống này là Rechung Nyen Gyud của Truyền thừa Khẩu truyền Demchog Khandro Nyen Gyud hiện đang được các hành giả truyền thừa Drukpa tu tập phổ biến. Bởi vậy, Đức Tsangnyon cũng được tôn kính là một Đạo sư thuộc Truyền thừa Drukpa.
Viết bình luận
- 805 reads