Cầu An - Ý nghĩa và Nghi thức | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cầu An - Ý nghĩa và Nghi thức

8704
31/01/2017 - 08:00

Cách cầu an giải hạn đầu năm lợi ích nhất

Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Ai cũng có một mong nguyện là đi lễ chùa để cầu an cho một năm được hanh thông, may mắn, hoặc nếu ai biết năm nay mình hạn nặng thì cũng muốn đi lễ chùa để cầu giải hạn và bình an. Tuy nhiên, nếu không hiểu ý nghĩa của việc đi lễ chùa cầu an, giải hạn, bạn có thể sẽ tốn kém rất nhiều tiền bạc để lập đàn cầu cúng giải hạn hay cầu an nhưng lại không đạt được kết quả như ý.

Cầu an là mong muốn có được đời sống an vui hạnh phúc, không bệnh tật, khổ não, ít rủi ro, bất trắc… “An” ở mỗi con người là thân an, (khỏe mạnh, sống lâu, không bệnh tật, không tai nạn, rủi ro…), tâm an (trạng thái tinh thần thanh thản, thoải mái, không lo âu phiền muộn, không sợ hãi, khủng hoảng, không căng thẳng bức bối…), hoàn cảnh an (gia đình ấm no hạnh phúc, điều kiện sống, hoàn cảnh sống tốt, các mối quan hệ tốt đẹp, gặp nhiều thuận duyên trong cuộc sống…).

Bất an bắt nguồn từ đâu?

Trong cuộc đời một con người có thể có những năm gọi là năm hạn, có sao xấu hay điều bất tường sẽ xảy đến. Có một số quan điểm cho rằng có một số phận được định trước bởi một Đấng tạo hóa hay do một người nào đó bí mật đã định trước số phận cho mỗi người khi họ sinh ra trên cuộc đời này. Đức Phật có dạy rằng mỗi người sinh ra không phải do Trời hay bất kỳ thần linh nào sắp đặt sẵn. Không ai có thể ban phước giáng họa cho chúng ta kể cả Đức Phật. Nếu người tạo nhiều nghiệp bất thiện mà người khác có thể gánh chịu thay cho hoặc giúp cho thoát khỏi quả khổ thì định luật nhân quả nghiệp báo không còn. Nhiều người sinh ra trong gia đình khá giả, được cha mẹ nuôi nấng chu đáo nên người, cuộc sống thuận buồm xuôi gió nhưng cũng có những người gặp rất nhiều điều bất an trong cuộc sống. Có người sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng cha mẹ lại chia lìa, của cải cha mẹ để lại rồi cũng phá tán hết. Sự không may mắn này theo quy luật nghiệp đều chính do mình tạo nên.

Trong mấy chục năm của đời người hẳn có lúc thăng lúc trầm. Không có ai sinh ra rồi có một cuộc sống sung sướng mãi hay khổ đau mãi. Ai cũng có những giai đoạn bình an, và có những giai đoạn bất an. Nhưng nhiều người không tìm ra nguyên nhân tại sao con người lại có những năm bất an như vậy. Họ nghĩ ra những đàn lễ thật lớn với nhiều gà vịt, lợn bò bị giết hại để cúng tế. Theo cách nhìn nhân quả, gieo nhân nào phải hái quả đấy, nếu chúng ta giết hại nhiều mạng sống tức là tạo ra nỗi khổ đau cho rất nhiều loài vì sự bình an của mình thì làm sao có thể mong mình bình an được?

Có thể đời sống hiện tại của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, khổ đau, bất hạnh, đó là do nghiệp nhân từ những đời trước hoặc quá khứ của đời này, nhưng các nghiệp thiện được tạo tác trong hiện tại có thể hóa giải phần nào các nghiệp bất thiện trước kia. Bởi vì từ nhân đi đến quả có các yếu tố duyên xen vào nên nghiệp quả sẽ có sự chuyển biến. Cũng có trường hợp nghiệp quả không hình thành do sự can thiệp quá mạnh của các duyên.

Trong kinh Pháp cú Thí dụ, phẩm Vô thường thứ I có kể về vị trời Đế Thích sắp mãn phúc, mất đi năm đức tướng (Ngũ suy tướng: 1. Mất hào quang, thân thể hôi dơ, 2. Hoa trên mũ đội trên đầu khô héo, 3. Không còn ưa thích chỗ ở của mình, 4. Dưới nách chảy mồ hôi, 5. Bụi bám lên thân).

Ngài biết mình sắp mạng chung và tái sinh vào thai con lừa của một người thợ làm đồ gốm. Ngài hết sức lo buồn, vội tìm đến xin Phật cứu độ cho. Vua trời Đế Thích đến nơi gặp Đức Phật liền phủ phục sát đất đỉnh lễ, chí tâm quy y Phật, Pháp, Tăng. Nhờ công đức phúc lành đó mà Ngài thoát khỏi kiếp lừa sắp tái sinh và giữ được thân tướng Thiên Đế đầy đủ năm đức tướng.


(Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)

Nghi thức cầu an tại các chùa

Trong các chùa thường có lễ cầu an đầu năm, có thể 7 ngày hoặc dài hơn. Cầu an trong chùa khuyến thỉnh mọi người làm nhiều việc thiện lành:

1. Phóng sinh

Trong lễ cầu an bao giờ cũng phóng sinh. Bởi không phúc nào nhiều bằng phúc cứu mạng của chúng sinh khác. Giống như khi mình đang sắp chết mà có người cứu mạng thì lòng biết ơn thật vô cùng sâu sắc. Tâm trân trọng, mừng rỡ của các loài hướng về bạn sẽ khiến tăng trưởng phúc báo của bạn.

2. Cúng dường chư Phật

Ngoài phóng sinh, trong lễ cầu an còn có lễ cúng dàng Phật. Công ấy ấy vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Công đức cúng dáng sẽ làm dày thêm phúc báo, giúp bạn vượt qua được những hoạn nạn trong năm.

3. Tụng kinh

Trong lễ cầu an bao giờ cũng có tụng kinh. Kinh chính là những lời thiện lành của Đức Phật. Bởi vậy, khi tụng kinh, tâm chúng ta sẽ lắng xuống bình an. Sự bình an đó tạo nên một từ trường an lành. Sóng an lành đó sẽ dung thông với các sóng an lành khác, nhờ vậy chúng ta vượt qua được những tai nạn trong một năm.

Thực hành cầu an hàng ngày

Những năm bình thường chúng ta đã nên làm việc thiện, huống hồ những năm càng suy sụp bao nhiêu bạn lại càng phải nỗ lực làm nhiều việc lành, việc thiện bấy nhiêu. Có rất nhiều cách, không nhất thiết chỉ có một phương cách duy nhất là đến lễ chùa. Bạn hãy khởi tâm thiện lành đối với mọi người, sẵn sàng làm các thiện hạnh giúp đỡ mọi người.
 

Đặc biệt, trong những năm hạn, bạn nên Quy y Phật, tức là bạn tìm đến một sự nương tựa tâm linh. Con người đang sống ở thế giới vật chất thuộc về dạng thô lậu trong khi thế giới tinh thần thuộc về phần tinh tế. Thân chúng ta là đất, nước, gió, lửa hợp thành, tức là phần nặng, vì vậy, chúng ta không nhìn thấy phần vi tế tồn tại dưới dạng năng lượng. Những năm mà phúc báo của bạn mạnh, vòng năng lượng bảo vệ rất khỏe. Những năm mà phúc báo của bạn cạn kiệt, vòng bảo vệ này rất yếu. Bạn luôn nghĩ rằng trong năm nay mình gặp rất nhiều chuyện không may. Về bản chất, những chuyện không may ấy chính là những năng lượng không an lành từ bên ngoài xâm nhập vào. Ví dụ, nhiều giận dữ sẽ tạo nên năng lượng màu đen, tham lam, sân hận, si mê, tật đố, ganh ghét, tạo ra những dạng sóng bất tường. Hai sóng bất tường bị hút vào nhau, chính vì thế bạn cứ thấy mình gặp toàn chuyện không may. Đã không may thì tâm bạn càng không an. Mà càng không an thì lại càng không may nữa. Cứ như vậy, bất an kết thêm bất an đến mức bạn bị suy sụp và trầm chìm trong phiền não.


(Hàng ngàn người từ khắp nơi tham dự lễ Cầu An tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)

Ngược lại, nếu tâm bạn thanh thản, bình an, tự bạn đang tỏa ra vòng năng lượng để bảo vệ mình. Có thể hiện nay bạn biết mình không thể tự bình an, hạnh phúc. Vậy bạn hãy bắt đầu quy y Phật, để có thể gửi trọn lòng thành kính lên Đức Phật, và nhờ đó, tâm có được chỗ nương tựa. Tâm bạn giống như con thuyền lênh đênh ngoài biển không bờ không bến nhưng giờ đây, bạn đã chọn cho mình một bến đỗ rất an toàn, để khi gặp gió bão, thuyền có thể cập bến. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không tìm cho mình một chỗ nương tựa tâm linh, kiếp người của chúng ta sẽ trôi dạt, gặp may mắn thì lên, gặp bất an thì xuống. Nhưng nếu chúng ta biết thực hành theo lời Phật dạy, dù lúc an hay không an, chúng ta đều có thể yên tâm rằng mình có một bến đậu an toàn.


(Đức Phật Dược Sư)

Nếu năm nay bạn thấy mình có vấn đề về mặt sức khỏe, bạn có thể trì tụng câu chân ngôn Đức Phật Dược Sư. Khi tri tụng như vậy, bạn đang tỏa ra năng lượng an lành để tự bảo vệ mình. Năng lượng ấy sẽ kết nối năng lượng gia trì, bình an của chư Phật. Và nhờ vậy bạn có thể vượt qua được những cơn bệnh nặng. Hoặc khi bạn thấy mình gặp những khó khăn trong công việc hay bất cứ khó khăn nào khác, bạn có thể cầu nguyện lên Đức Liên Hoa Sinh, Đức Lục Độ Mẫu Tara, hay Đức Quan Âm.

Nếu bạn chưa quy y, hãy niệm một câu danh hiệu Phật hay tìm một chỗ yên tĩnh thực hành để tạo sự bình yên trong tâm hồn. Chỉ có sự bình an trong tâm mới có thể thu hút từ trường bình an từ chư Phật. Giống như sóng đài, sóng ti vi tuy không nhìn thấy nhưng khi mở ti vi lên, bật đúng kênh sẽ có hình chiếu trong ti vi. Bản thân hình ảnh không nằm trong ti vi mà nằm trên hư không. Tần sóng an bình của chư Phật cũng ở trong hư không không khác. Chỉ cần bạn giữ lòng mình thanh thản, bình an, đừng tạo khổ đau hay phiền não cho mọi người tức là bạn đã cùng tần sóng bình an của chư Phật.

 

Nếu bạn muốn được bình an, hãy đem bình an chia sẻ cho mọi người. Nếu bạn muốn có được hạnh phúc, hãy đem hạnh phúc chia sẻ cho mọi người. Đừng chỉ nghĩ đến sự bình an và hạnh phúc của riêng mình. Đó là cách cầu an tích cực và lợi ích nhất.

Nguồn: daibaothapmandalataythien.org

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,131,107
Số người trực tuyến: