Đức Nhiếp Chính Vương: 'Bạn không thể download hạnh phúc cho người khác' | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Nhiếp Chính Vương: 'Bạn không thể download hạnh phúc cho người khác'

1218
23/07/2017 - 07:00
(Trích đăng bài phỏng vấn Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa của Raphael Lim - tạp chí Departure Mag Singapore tháng 11/2016)


Người ta thường cho rằng một Thượng sư Phật giáo phải rất nghiêm nghị và trang nghiêm, thậm chí không một chút hài hước nào. Nhưng giống như Thượng sư của mình là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa chia sẻ giáo lý Phật pháp thông qua những câu chuyện giản dị, hóm hỉnh mà hàm chứa triết lý sâu sắc, với cách diễn đạt gần gũi với đời sống. "Bạn không thể tải về hạnh phúc cho người khác" - Ngài nói với tôi, khi chúng tôi thảo luận về khái niệm hạnh phúc.

"Khi bạn hài lòng với một ai đó hoặc một điều gì đó, đó là vì anh ấy, cô ấy hay điều đó phù hợp với quan niệm của bạn về hạnh phúc."

Đức Nhiếp Chính Vương tin rằng những bài học của Phật giáo rất thiết thực và sâu sắc,chứ không mang nhiều tính chất tôn giáo như định kiến mà người ta thường nghĩ. Đối với một số người, thiền định có ý nghĩa như một bài tập thực hành để điều trị tâm tâm bất an hơn là mang tính chất tâm linh, giống một thói quen hàng ngày như đánh răng, hay tới phòng tập thể dục.

(Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)

Tôi hiểu rằng trong Phật giáo Himalaya, có khái niệm Bậc Hóa thân. Ngài có thể nhớ lại những đời quá khứ của Ngài?

Thực tế, trong giảng dạy Phật pháp, chúng tôi tin rằng tất cả mọi người đều tái sinh. Sự khác biệt duy nhất là đôi khi chúng ta tái sinh từ người sang động vật, và khi chúng ta tái sinh từ động vật sang người chúng ta có ít nhiều ‘mê muội.’ Nhưng trong thế giới con người, nếu bạn có một cuộc sống tốt, làm được nhiều việc thiện lành, đem lợi ích cho xã hội cùng với một tâm tỉnh thức, sáng suốt rõ ràng và an trú trong thiền định, thì trong đời sống kế tiếp của bạn vẫn duy trì sự thông minh, và trí tuệ đó. Đây là sự tiến bộ và tăng trưởng liên tục.

Nhưng đối với bản thân, cá nhân Ngài thì sao?

Tôi đã được kể lại rằng khi tôi còn trong bụng mẹ, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã có một linh kiến, một giấc mơ về tôi sẽ được sinh ra. Mẹ của Ngài nói, "Đừng nói thế. Hầu hết các Rinpoche được sinh ra là một người đàn ông. Nếu Ngài nói ra điều đó và em bé sinh ra lại là một phụ nữ, mọi người sẽ cho rằng Ngài đang nói dối. "

Nhưng Đức Pháp Vương nói: "Không, không, con có thể chứng minh điều đó." Và Ngài đã đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ là một đứa con trai và cũng chắc về ngày mà tôi sẽ được sinh ra.

Khi còn trẻ, tôi đã từng có một vài ký ức về ngôi Tự viện tôi chưa bao giờ thấy trước đây. Nhưng khi đã lớn hơn thì ký ức tôi vẫn có thể nhớ, nhưng chúng phai mờ dần.

Tôi được chính thức ấn chứng là Bậc Hóa thân khi 3 tuổi. Mẹ tôi chấp nhận điều đó, nhưng cha tôi đã rất không hài lòng. Ông không muốn tôi sống một cuộc sống tu hành.

Tại sao không?

Bởi vì phụ thân tôi một người học hành rất cao, rất thành công trong cuộc sống nhân gian, một hiệu trưởng của một trường học. Ông muốn tôi được giáo dục đào tạo sống một cuộc sống bình thường. Và tôi là con trai duy nhất của ông. Là một Bậc Hóa Thân, tôi sẽ phải ở xa gia đình của mình, và ông ấy không muốn điều đó.

Phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục ông chấp nhận điều đó. Cuối cùng ông cũng đồng ý , bởi vì ông hiểu rằng tất cả chúng ta đều có sự nghiệp của riêng mình. Nhưng nếu bạn theo đuổi một sự nghiệp tâm linh, nó không chỉ vì  bản thân mình, mà còn đem lại niềm an lạc và hạnh phúc, tạo ra giá trị  khác biệt và ý nghĩa  trong cuộc sống cho nhiềungười.

Ở Bhutan, khi đến thăm và làm việc cùng với các trẻ em tại các trường học, tôi luôn luôn hỏi các em: "Con có muốn trở thành một người giảng dạy truyền trao Phật pháp như ta không?" Và các em nói với tôi là không, các em muốn được làm luật sư, bác sĩ, các em muốn theo đuổi sự nghiệp với ý định tốt, để giúp đỡ những người khác.

Và tôi luôn luôn nói rằng, "Đó là một câu trả lời tốt." Nếu tất cả mọi người đều trở thành nhà sư tu hành, thì sẽ không có người tham gia vào các công việc khác trong xã hội. Không có nghề nghiệp xấu. Mọi người đều có mục đích sống của riêng họ; sống có mục đích tốt mới là quan trọng.

Ngài đã lớn lên như thế nào?

Không hề dễ dàng. Cuộc sống tự viện khá đơn giản: các món ăn rất đơn giản, chúng tôi không có nhiều môn thể thao hoặc giải trí. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc sống đó làm cho mình thêm mạnh mẽ. Cuộc sống càng khó khăn thì bạn càng trân trọng nó.

Thân mẫu tôi mất khi tôi 11 tuổi. Và tôi đã rất buồn, nhưng Phật pháp dạy chúng ta về vô thường: Tất cả những người được sinh ra đều phải chết, không ai sống mãi mãi. Vì vậy, tuy tôi rất buồn, nhưng tôi đã không bị sốc.

Bạn không thể định nghĩa cách sống của một người bằng cách áp đặt cách sống của người khác. Vì vậy, chúng ta không nên so sánh đời sống của nhau. Mỗi cuộc sống đều có vẻ đẹp của riêng nó, hạnh phúc và những thách thức. Điều đó cũng tương tự như trong mỗi cuộc sống, như trong mỗi quốc gia.

Và tương tự như vậy, bây giờ tôi nhìn lại [ở cuộc sống tu viện của tôi]. Khi mọi người hỏi tôi: "Cuộc sống tu viện của Ngài đã rất khó khăn phải không?', tôi luôn luôn nói "Bạn cho rằng như thế nào là khó khăn?” Ở một phương diện nào đó, tôi bị tách khỏi gia đình. Nhưng các bậc thầy, đạo hữu họ là gia đình của tôi. Liệu có thể nói là tôi cô đơn?

Và tôi luôn nói với các bạn bè của mình: Vâng, đó là sự thật, tôi đã không đi tới các hộp đêm. Tôi không biết nhảy điệu nhảy disco. Nhưng tôi biết nhảy vũ điệu Kim Cương Thừa. Ai có thể nói bạn nhảy giỏi hơn tôi?

Theo Ngài đâu là giáo pháp Phật giáo quan trọng nhất cần truyền đạt cho thế giới hiện đại?

Trọng tâm của giáo lý Phật giáo là một từ: ‘duyên hợp' [tương thuộc]. Điều này theo một cách nào đó mâu thuẫn với quan điểm hiện đại [về cuộc sống]. Những suy nghĩ hiện đại coi sự độc lập là một điều tốt.

Chúng ta mong muốn được độc lập trong nhiều kiếp sống: Ở trường, bạn cố gắng đứng đầu lớp học của bạn; ở phương Tây - sau 18 tuổi - bạn muốn sống xa cha mẹ của bạn; khi chúng ta đi làm chúng ta trở nên rất gay gắt. Chúng ta suy nghĩ về cách để vượt lên người khác, để đứng đầu, điều đó có thể làm mất việc làm của đồng nghiệp của chúng ta.

Từ quan điểm của Phật giáo, sự tồn tại độc lập là điều không thể. Nếu tin rằng một người có thể độc lập là một sự hiểu lầm. Ví dụ như bạn không thể độc lập với cha mẹ, bởi không có họ bạn sẽ không được sinh ra.

Và đó chỉ là mối quan hệ mang tính cá nhân. Tại sao chúng ta phải đối mặt với vấn đề môi trường khi bạn nhìn vào thế giới rộng lớn hơn? Bởi vì chúng ta quên rằng chúng ta hoàn toàn tương thuộc tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau: trên sông, không khí, và thế giới thiên nhiên xung quanh.

Vì vậy, đó là ảo tưởng lớn: Ảo tưởng rằng chúng ta có thể độc lập. Phật pháp dạy  rằng bạn là tổng thể của mối quan hệ nhân duyên và phụ thuộc lẫn nhau. Điều quan trọng là cách chúng ta tương tác, cư xử với mọi người như thế nào.

Nhưng với xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn trước.

Đúng như vậy, ngay cả khi chúng ta hiểu đang phụ thuộc lẫn nhau trong toàn cầu hóa, chúng ta vẫn chỉ chú tâm về kinh tế và thị trường. Nếu xét về mặt môi trường, hay mối quan hệ giữa con người với nhau thì sao? Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có những ảo tưởng về sự độc lập của bản thân với thế giới và thiên nhiên xung quanh chúng ta.

Trong thế giới hiện đại, chúng ta có những người đang rất cô đơn, họ cảm thấy không có mục đích sống trong cuộc sống này. Bởi vì nếu bạn chỉ nghĩ về bản thân, cuộc sống của bạn không quan trọng với bất cứ ai. Chính bạn sẽ không biết mục đích cuộc sống của mình  là gì. Và có lẽ đó là lý do tại sao , có rất nhiều người trầm cảm, căng thẳng, đầy tâm trạng trong thế giới hiện đại

Ngài có nghĩ rằng các công nghệ hiện đại có thể hữu ích trong việc tạo ra kết nối giữa con người?

Tôi nghĩ rằng bất kỳ chính sách, công nghệ nào, bản thân nó là trung tính. Chính chủ định của con người  định nghĩa nó. Đối với hầu hết chúng ta, tôi nghĩ rằng chúng ta không đủ khéo léo và thiện xảo trong việc sử dụng những công cụ đó để kết nối với nhau theo một cách tốt.

Ví dụ, trong trường hợp ai đó là người giàu hay có quyền lực: Thật khó để họ sử dụng tài sản và tiền bạc của họ phục vụ cho hạnh phúc của người khác. Nhiều khi họ sẽ sử dụng nó cho những mục đích sai lầm. Nhưng về cơ bản, tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì đều có mặt tích cực hoặc tiêu cực.

Ngài đã đi nhiều nơi và thấy nhiều nền văn hóa. Các quan niệm sai lầm phổ biến mà Ngài đã gặp phải về Đạo Phật là gì?

Tôi nghĩ không có quá nhiều quan niệm sai lầm đối với người không theo Đạo PHật. Những quan niệm sai lầm tôi thấy là trong cộng đồng Phật giáo. Nhiều Phật tử của chúng ta dường như tập trung vào các khía cạnh nghi thức của Phật giáo. Đạo Phật [đối với họ] có nghĩa là đi đến các ngôi chùa, cúng dường hương, xin may mắn, bỏ ra một số tiền để Đức Phật ban phước lành.

Bạn có biết rằng điều đó gần giống như bạn đang hối lộ Phật? Nhưng lý do tại sao chúng ta cúng dường Đức Phật, hoặc bố thí cho người nghèo, không phải là để làm cho Phật hạnh phúc, mà để trưởng dưỡng tâm quảng đại,  hào phóng, thiện lành bên trong chúng ta.

Mọi người nhìn thấy nghi lễ, nhưng đó không phải là ý nghĩa cơ bản.

Vâng. Đức Phật không cần tiền. Nhiều người tốt với Phật, nhưng không tốt với nhau, không tốt với những người đang khổ đau. Nếu bạn giúp mọi người, đó là sự cúng dường lớn nhất đối với Đức Phật.

Chúng ta có xu hướng đề cao quá nhiều các nghi lễ, vì vậy khi những người trẻ tuổi nhìn vào Phật giáo họ nghĩ rằng Phật giáo là một sự mê tín. Họ không nghĩ Phật pháp là một cách sống, cách trưởng dưỡng tâm hướng đến điều  tốt đẹp, chân hạnh phúc và giải thoát.

Ngài có thể đưa ra một tình huống hàng ngày để minh họa điều đó không? Rằng Phật giáo là một cách sống.

Thậm chí cách một người chồng và người vợ nói chuyện với nhau, có Phật giáo ở đó. Tôi luôn luôn nói đùa rằng nếu trong buổi sáng, người chồng cãi nhau với vợ, vào buổi tối, ông ta sẽ không có được bữa tối. Đó là nghiệp quả. Tại sao khái niệm nghiệp quả  lại được cho là quá bí ẩn? Nó chỉ mang ý nghĩa rằng mọi hành động đều có kết quả.

Vì vậy, hãy quan tâm đến hành động của mình, đừng lo lắng về Đức Phật. Đức Phật sẽ không bao giờ tức giận với bạn, nhưng những hành động của bạn thì sẽ để lại kết quả.

Tôi hy vọng Ngài sẽ không thấy câu hỏi này là thiếu tôn trọng. Người không tin vào Phật giáo có thể nghĩ rằng: Một Thượng sư Phật giáo sống một cuộc sống khác với tôi, làm sao Ngài ấy có thể dạy tôi, khi Ngài không hiểu cuộc sống của tôi?

Tôi nghĩ rằng cho dù bạn sống như thế nào, những vấn đề cơ bản chúng ta phải đối mặt hàng ngày thì không khác nhau về cuộc sống vật chất như:  nhà cửa, gia đình, tiền bạc. Đó chỉ là sự khác biệt bên ngoài. Điều thực sự làm phiền tất cả chúng ta chính là cảm xúc bên trong.

Nếu bạn sống trên núi, bạn sẽ lo lắng về hang động của bạn; thay vì các khoản đầu tư kinh doanh , bạn sẽ lo lắng về nông trại của mình. Cho dù bạn đang bám chấp vào tu viện bạn đang trụ trì hay căn hộ bạn đang sống, bám chấp vẫn làm bám chấp.

Những sự lo lắng, tham lam,bám chấp, mong muốn, là như nhau. Theo tôi cảm xúc không có sự khác biệt. Có thể được phóng đại, nhưng cảm xúc là như nhau.

Tôi được biết Phật giáo tin rằng cảm xúc vốn không phải luôn tiêu cực, nhưng có bất kỳ cảm xúc cụ thể nào mà Ngài phải đấu tranh cá nhân với nó không?

Một trong những cảm xúc lớn nhất mà Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cũng đã từng nói đến đó là sự thất vọng. Rằng Ngài cảm thấy thất vọng với các đệ tử của mình, vì Ngài hy vọng người dân của mình làm tốt, là một con người tốt, và đôi khi Ngài cảm thấy một chút thất vọng.

Nhưng cùng một lúc Ngài đã tìm ra câu trả lời. Sau khi suy nghĩ về nó, Ngài nhận ra rằng điều đó không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của Ngài, vì Ngài có quá nhiều kỳ vọng cao. Tôi nghĩ điều đó tương tự với tôi. Khi chúng ta làm việc với những người khác nhau, tổ chức khác nhau, chúng ta có thể mong đợi quá nhiều từ họ. Và sau đó cảm thấy thất vọng.

Nhưng vấn đề không phải ở họ mà ở bản thân chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được cuộc sống của những người khác? Mỗi người đều chọn cuộc sống của riêng mình. Chúng ta chỉ có thể cung cấp các điều kiện. Cha mẹ, ví dụ, không thể kiểm soát cuộc sống của con cái. Bạn chỉ có thể cung cấp cho đứa trẻ điều kiện thuận lợi khiến chúng hạnh phúc, thành công. Nhưng mọi người đều phải đi con đường riêng của mình, phải gánh chịu nghiệp quả họ đã tạo ra trong quá khứ.

Đạo Phật tin rằng mọi người đều có trách nhiệm cho hạnh phúc, sự thịnh vượng và thành công của bản thân mình. Không ai có thể thực sự làm cho bạn hạnh phúc. Chỉ có bạn mới có thể làm cho mình hạnh phúc hay bất hạnh. Những người khác chỉ cung cấp các điều kiện.

Điều đó đúng với một Thượng sư Phật giáo, bạn có thể mang đến cho mọi người trí tuệ, sự giúp đỡ. Nhưng họ có hạnh phúc hay không thực sự phụ thuộc vào họ.

Ngài có nghĩ rằng có một bất hạnh riêng đối với những thành phố lớn?

Tôi nghĩ rằng ở nhiều thành phố lớn, nhiều người cảm thấy rất cô đơn. Đặc biệt là trong thế hệ người già tuổi đã cao. Dường như có một số người không ý thức làm thế nào tương tác và hỗ trợ nhau tốt nhất: họ nghi ngờ, sợ hãi về người khác. Điều đó gần giống như là tất cả mọi người là xấu vậy, và bạn phải chứng minh mình là tốt. Thay vì niềm tin rằng tất cả mọi người là tốt, nhưng một số có thể làm điều xấu.

Và điều đó tương phản thế nào với các quốc gia nền nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế?

Tôi sống ở Bhutan, và tôi nghĩ rằng ở Bhutan, bạn có thể đi ra khỏi nhà, nói chuyện với bất cứ ai trên đường phố và khi họ nhìn bạn họ không có sự nghi ngờ bạn. Họ có niềm tin đầy đủ rằng bạn là một người bạn, đang nói chuyện với họ, nói: "Xin chào, bạn thế nào? " Sự tương tác giữa các thế hệ trong một gia đình là tốt hơn nhiều. Có rất nhiều sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau.

Ở nhiều nước phát triển, chúng tôi nói về hiệu quả trong công việc. Hiệu quả, năng suất. Theo cách nào đó bạn là một cỗ máy. Bạn phải sản xuất ra rất nhiều.

Ở Bhutan, mặc dù bạn làm việc trong ... một ngân hàng, ví dụ vậy. Đôi khi bạn có thể có một buổi lễ tôn giáo của gia đình, một vài lần trong một năm. Nếu bạn xin nghỉ phép và nói “Tôi có một buổi lễ cầu nguyện gia đình ở nhà” người quản lý ngân hàng sẽ cho phép bạn nghỉ. Đó là một điều bình thường ở đất nước Bhutan.

Nói thế nào nhỉ? Các giá trị của nhân loại quan trọng hơn năng suất lao động. Điều này rất quan trọng. Bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình. Bạn và gia đình sẽ có sự liên kết gắn bó hơn, và bạn sẽ hạnh phúc. Và khi bạn đến làm việc, bạn đến với niềm hạnh phúc trong tâm.

Tôi biết rằng Ngài thích Henry David Thoreau. Ông ấy không phải một Phật tử, nhưng dường như có sự tương đồng với giáo lý nhà Phật. Có bất kỳ cuốn sách nào dạy những điều tương tự không?

Tiêu đề không phải là tốt, nhưng tôi thích quyển “Súp gà cho tâm hồn”

Tôi xin lỗi, tại sao tiêu đề lại không tốt?

Bởi vì súp gà ... bạn phải lấy cuộc sống của chúng sinh khác.

Vâng, tôi chắc chắn đã không nghĩ về nó theo cách đó.

Khác với các tiêu đề, tôi thực sự thích một câu chuyện cụ thể.

Một người mẹ yêu cầu con trai của mình làm một số công việc trong nhà. Sau khi cậu con trai làm xong việc nhà, anh ta đưa cho mẹ một hóa đơn: Cho việc dọn sạch vườn, cho việc cắt cỏ, cho việc dọn sạch phòng.

Ngày hôm sau, mẹ anh ta đưa cho anh ta một hóa đơn: Cho việc nuôi dưỡng con trong bụng mẹ chín tháng mười ngày; cho việc cho con ăn; dạy con tập đi và tập nói.

Nhiều người trong thế giới hiện đại nói rằng họ cảm thấy không được yêu thương. Và họ mong đợi ai đó làm điều gì đó để họ cảm thấy được yêu thương. Nhưng tôi nghĩ rằng để cảm nhận tình yêu, trước tiên bạn phải trân trọng.

Khi bạn trân trọng, bạn sẽ cảm thấy được yêu. Khi bạn không trân trọng thì dù người khác làm nhiều điều cho bạn cũng không có ý nghĩa gì. Trân trọng và lòng biết ơn là những bí mật để có cảm giác được yêu thương.

Trong cuốn sách, Tâm An Lạc, Ngài mô tả tâm an lạc là một tâm trí đạt được sự cân bằng giữa một bên là sự trân trọng, và một bên là sự hiểu biết rằng mọi sự vật hiện tượng đều vô thường thoáng qua trong giây lát. Có phải đó chính là điều gây mất cân bằng trong cuộc sống hiện đại, và đang là xu hướng?

Tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự đã hoàn toàn mất đi sự cân bằng đó. Thứ nhất, chúng ta không biết  trân trọng. Khi có cơ thể khỏe mạnh - chúng ta không biết quý giá đôi chân giúp mình có thể đi bộ, có đôi mắt để nhìn thấy vạn vật và ánh sáng mặt trời – thay vào đó chúng ta lại tập trung vào những điều chúng ta không có. Một điều rất hài hước là để trân trọng những thứ chúng ta đang có, con người g cần trải qua khổ đau và mất mát.

Ví dụ, bạn phải đối mặt với một bệnh tật nào đấy, đi khám bác sĩ, bị phẫu thuật, và phải trả $ 1000. Và sau đó bạn cảm thấy rất hạnh phúc! Nhưng ngày hôm nay, khi chúng ta không có vấn đề và bệnh tật gì cả, chúng ta không tìm thấy niềm vui trong đó nữa.

Mọi người nói rằng họ muốn tận hưởng cuộc sống, nhưng để tận hưởng cuộc sống họ muốn có một chiếc xe thật đẹp và sang trọng. Khi bạn có chiếc xe tốt và đang ở trong xe, liệu bạn có nói rằng: "Tôi rất may mắn khi có một chiếc xe đẹp như vậy? ” Câu trả lời: “Không”. Bởi ngay sau khi lái xe  được một vài tháng, bạn bắt đầu suy nghĩ và mong muốn những thứ khác.

Hoặc bạn đang nghĩ đến việc chiếc xe của người khác đẹp hơn chiếc xe của mình như thế nào.

Vâng, chúng ta không biết  trân trọng. Và mặt khác, chúng ta không hiểu rằng mọi thứ đang thay đổi, không có gì tồn tại mãi mãi.

Vì vậy, khi chúng ta mất đi chiếc xe, chúng ta không biết tận hưởng những điều mới mẻ của cuộc sống? Thay vào đó  chúng ta đau khổ. Đối với các mối quan hệ cũng vậy, chúng ta cũng không biết trân trọng ? Khi chúng ta mất đi người thân, bạn bè và phải xa rời họ, chúng ta đau khổ. Sức khỏe và sự thịnh vượng chúng ta có ngay bây giờ, khi chúng ta không có nó thì sẽ thế nào? Chúng ta cũng sẽ đau khổ.

Vì vậy, chúng ta không đánh giá cao những gì chúng ta đang có, và không chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi.

Các chủ đề du lịch là một phần lớn trong các ấn phẩm của chúng tôi. Ngài có thể chia sẻ một câu chuyện du lịch đáng nhớ trong cuộc sống thường nhật được không,?

Tôi đã ở trong xe taxi ở thành phố Los Angeles, Mỹ và người lái xe taxi là một người đàn ông từ Ấn Độ, một người nhập cư. Trong quan điểm của tôi, cho dù bạn là một người lái xe taxi hay một giám đốc điều hành, không có sự khác biệt: bạn đang làm việc để có thực phẩm và chăm sóc gia đình của bạn. Các bạn không lớn cũng không nhỏ. Các bạn như nhau.

Vì vậy, tôi đã nói chuyện với ông ấy về cuộc sống của mình. Và ông ấy là người lớn tuổi so với tôi, vì vậy tôi gọi ông là "Ngài", như chúng ta xưng hô với những người lớn tuổi trong văn hóa Á Đông. Tôi đoán ở Mỹ họ không gọi người nhiều tuổi hơn theo cách  kính cẩn đó, họ sử dụng tên để gọi. Vào cuối của chuyến đi, tôi hỏi ông phí là bao nhiêu, và sẵn lòng trả toàn bộ số tiền, nhưng ông đã giảm giá cho tôi.

Khi tôi kể lại điều đó với phụ thân tôi, ông đã rất ngạc nhiên. Ông cho biết, thường là ở Mỹ, bạn không chỉ phải trả tiền phí taxi, mà còn phải trả tiền tip. (Cười) Ông nói với tôi, rằng tôi là người duy nhất được giảm giá từ một lái xe taxi Mỹ.

Tôi biết đối với người lái xe taxi, điều quan trọng hơn tiền típ là đã được đối xử với sự tôn trọng. Tại sao tôi cần tôn trọng ông lái taxi đó? ? Bởi ôngcó nhiều trải nghiệm cuộc sống và hiểu biết thế gian hơn tôi.

Ngài đã làm việc với thế hệ trẻ ở Bhutan. Ngài có nghĩ rằng, so với thế hệ trước, những người trẻ tuổi thường  gặp khó khăn và khác biệt gì về mặt tư tưởng ?

Giấc mơ của thế hệ trẻ là làm những điều mà những người lớn tuổi đang làm: Kiếm một công việc, tạo dựng các mối quan hệ vv

Trong khi những người lớn tuổi đang nghĩ "Ôi ... công việc rất căng thẳng, mối quan hệ là rất căng thẳng, gia đình là rất căng thẳng. Tôi đã rất hạnh phúc khi tôi còn trẻ ".

Đó là một nghịch lý chúng ta gặp phải.

Một điều nữa tôi muốn nói thêm về thế hệ trẻ, đó là họ chú ý nhiều đến các thứ mang trên người như thời trang cao cấp. Tôi thấy một cảm giác bất cập ở nhiều trường học, rằng bạn cảm thấy không đủ tốt vì người khác mặc quần áo tốt hơn bạn, hoặc có mặt hàng cao cấp hơn.

Vì vậy, đó là điều tôi cố gắng nhấn mạnh: Giá trị của sự sang trọng chỉ là một khái niệm mà bạn đặt cho nó. Hàng hóa không có giá trị. Mọi người tự đặt danh ngôn, khái niệm và giá trị lên hàng hóa đó.

Trên thế giới có những người cực đoan thực hiện những hành động tàn bạo để hủy hoại các tôn giáo khác.Trong giáo lý Đạo phật, làm sao để lý giải được vấn đề đó?

Tất cả các tôn giáo đều có hai khía cạnh. Một là phần tôn giáo: Các chùa, lễ phục, các bức tượng. Đó là hình thức vật chất của tôn giáo. Và đó là những gì mọi người có thể lấy đi hoặc phá hủy.

Phật giáo thực sự, tôn giáo thực sự, là tinh thần của nó: lòng tốt, lòng từ bi, trí tuệ, sự đồng cảm với người khác. Đó là Phật giáo thực sự, và nó không thể bị phá hủy bởi bất cứ ai. Nó chỉ có thể bị phá hủy bởi chính chúng ta.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,068
Số người trực tuyến: