Bạn đang ở đây
Gieo nhân giải thoát nhờ thực hành thập thiện nghiệp
Đức Phật dạy chúng ta tu thập thiện cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phúc báo để đời này được an vui, và kiếp sau không đọa đường ác. Đây là cội gốc của các pháp lành thế gian và xuất thế gian.
Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật chỉ ra Mười điều lành bao gồm:
- 3 nghiệp về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm
- 4 nghiệp về khẩu: không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói ác khẩu, không nói lời thêu dệt,
- 3 nghiệp về ý: không tham lam, không sân hận, không si mê tà kiến.
Muốn chấm dứt hoàn cảnh khổ đau trong cuộc sống, vượt thoát cảnh tù tội của thế gian, hoặc những tai nạn hiểm nghèo, những bệnh tật khó trị, những xung đột tỵ hiềm, nhỏ mọn, ích kỷ, dối trá, xảo quyệt, v.v..., Đức Phật đã dạy chúng sinh phải biết tu mười điều lành nói trên!
Thập Thiện còn được gọi là Thập Thiện Nghiệp, Thập Thiện Giới, Thập Thiện Pháp. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng, tùy theo cách nói về nghiệp, nói về giới luật hay nói về pháp tu.
Hành thập thiện là những điều mà Đức Phật giảng tại Long cung Sa Kiệt La, trước tám ngàn Đại Tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ tát. Đó là bản Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Đây là phương pháp tu đưa nhân loại đến với hạnh phúc chân thật, giúp con người thoát cảnh đau khổ trên trần thế, gieo nhân lành tránh đọa lạc vào ba đường ác:
- Tu thập thiện giúp cho người ta trở nên điềm đạm, có đức tính khiêm hạ, giản dị, có nhân cách cao đẹp và có đủ sức kiên trì nhẫn nại để vượt qua những khó khăn của đời sống.
- Tu thập thiện sẽ chuyển cảnh khổ đau, đói rét thành cảnh an vui, no ấm, giúp cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống có đạo đức, chân thật, làm gương tốt cho mọi chúng sinh.
- Tu thập thiện giúp chúng ta tránh mọi tham lam, sân hận, si mê, không tham đắm ngũ dục, do đó giúp cho con người không thể trở thành những kẻ hung ác, giết người, trộm cướp, hiếp dâm. Nhờ thế tâm hồn con người sống trên trần thế không còn lo sợ phải tù tội và đọa lạc vào ba đường ác.
- Tu thập thiện giúp cho thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm lỗi lầm, không tạo nghiệp ác.
Người không biết tu thập thiện thì ba nghiệp (thân, khẩu, ý) tạo đủ mười điều ác do đó sẽ phải gánh mọi nghiệp quả khổ đau, sẽ bị đọa vào địa ngục là con đường khổ đau nhất trong sáu nẻo luân hồi. Những người như thế ngay khi còn sống họ cũng đã phải chịu một cuộc đời đau khổ, nếu họ không làm mười điều lành mà chỉ làm mười điều ác (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, tham lam, sân hận, và si mê). Những kẻ một đời làm ác, sẽ không có lúc nào được an vui, dù họ ở vào địa vị nào trong xã hội, dù có quyền lực, giàu sang hay nghèo hèn thì bản thân và tâm hồn của họ vẫn luôn đen tối và đau khổ triền miên.
Để vượt ra khỏi ba cõi thế gian, đạt đến các quả vị Thanh văn, Duyên giác thuộc hàng Nhị thừa, hành giả phải tu theo các pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và để đạt đến hàng Bồ tát Đại thừa, cần phải qua pháp Lục Độ mới đi đến giác ngộ hoàn toàn. Muốn thực hiện được các pháp môn đó, hành giả không thể bỏ qua được pháp môn Tu thập thiện. Tu Thập thiện nghiệp như một nấc thang quan trọng cần phải vượt qua nếu muốn đạt được thành quả cao hơn nữa. Vì lẽ đó, người ta nói Hành thập thiện là cái gốc của các pháp lành thế gian và xuất thế gian.
Lợi ích về hành thập thiện
Thập thiện là một pháp môn giúp cho người học Phật từ kẻ sơ cơ đến người xuất gia tu hành đạt được kết quả tiến bộ trên con đường giải thoát. Phật tử kiên tâm thực hiện được việc hành thập thiện, chắc chắn sẽ được giải thoát khỏi những nỗi đau khổ thế gian, bởi vì hành thập thiện là cái mấu chốt tránh được mọi nghiệp ác, tránh khỏi bị đọa lạc vào ba đường khổ. Không những thế, còn được hưởng mọi an vui trong cuộc sống.
Hàng trăm tình nguyện viên đi bộ hàng tháng trời trên khắp vùng Himalaya để nhặt rác thải và khuyến khích người dân bảo vệ môi trường
Chỉ có những người theo Phật, hiểu được giáo lý của đạo Phật, ý thức rõ rệt lợi ích của Hành thập thiện đối với cuộc sống mới quyết tâm thực hành được mười nghiệp lành. Phải tinh tấn tu hành thập thiện, giải trừ mười nghiệp ác, có như thế mới đem lại tươi vui cho cuộc sống, mới thoát được vòng đau khổ. Pháp tu Thập thiện có công năng giúp cho Phật tử và hành giả ngăn ngừa được các hành vi độc ác, nhờ vậy mọi hoàn cảnh đều được yên lành vui tươi. Pháp tu Thập thiện giúp cho thân, khẩu, ý người tu được thanh tịnh. Do tâm hồn thanh tịnh nên con người mới thoát ly sinh tử và cuộc sống mới được hoàn toàn an vui trong mọi cảnh. Do thanh tịnh, thanh thản thì cơ thể sẽ không bệnh tật, tâm luôn thư thái an lạc, không hề bị chướng ngại trong cuộc sống.
Thực hiện nghiêm mật Hành Thập Thiện sẽ đạt được những lợi ích mà kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy là:
1. Thân và tâm trở thành tốt đẹp, hành động thân, khẩu, ý biểu lộ đầy đủ đạo đức, từ bi bác ái phát triển. Chúng sinh đều bình đẳng, thương xót lẫn nhau.
2. Không còn lòng hận thù do lấy ân trả oán, vì thế từ oán thù sẽ trở thành ân nghĩa, thương yêu. Có tinh thần nhẫn nhục để biến đổi sự hung dữ thành hiền lành
3. Con người không còn tranh đấu giết hại lẫn nhau mà chỉ có một lòng tương thân, tương ái mà thôi.
4. Khi hành giả quyết tâm thực hiện mười điều lành, chắc chắn sẽ được sinh lên cõi Trời hay cõi Phật, được hưởng phúc đức đời đời, bởi vì Đức Phật đã chỉ ra rằng Mười phương ba đời chư Phật và các bậc Thánh hiền thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, chứng quả Vô Thượng Bồ Đề đều phải tu Thập Thiện và lấy Thập Thiện làm nền tảng cho sự tu hành của mình.
(Nguồn: www.phatgiao.org.vn)
Viết bình luận
- 2806 reads