Bạn đang ở đây
Linh thiêng Đại lễ Phả độ gia tiên mùa Vu Lan ở Tây Thiên
Ngày 03/09 - Trong không khí mùa Vu Lan báo hiếu cha mẹ và báo ân những bậc có công với đất nước, dân tộc, chư Tăng Ni Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên long trọng tổ chức Đại đàn cầu siêu phả độ gia tiên, cửu huyền thất tổ. Không quản ngại cái nắng oi bức ngày cuối hạ, gần 7.500 Phật tử từ khắp nơi đã vân tập về Đại Bảo Tháp với mong nguyện dành trọn một ngày tu tập hồi hướng công đức cho cha mẹ nhiều đời, bà con nhiều kiếp được vãng sinh Tịnh độ.
Mới 7h30 sáng, các Phật tử đã trật tự ngồi kín khu hành lễ, hàng trăm người thành kính, chính niệm đi nhiễu trong lòng Đại Bảo Tháp trong tiếng cầu nguyện tha thiết lên Đức Phật A Di Đà. Dưới sự gia hộ của chư Phật và tâm hiếu thuận của những người con Phật cảm ứng đến trời đất, trời nắng nóng, oi bức chỉ trong chốc lát rồi sau đó chuyển sang râm mát. Những luồng gió mát dịu, mưa gia trì rơi nhẹ hòa cùng lời trì tụng chân ngôn Đức Phật A Di Đà giúp tần sóng rung động của chư hương linh được thăng hoa, hòa nhập với năng lượng gia trì thanh cao, thoát tục của chư Phật và Bồ tát mười phương.
Khoá lễ cầu siêu tại Đại Bảo Tháp đã diễn ra miên mật từ sáng đến tối muộn qua các nghi lễ khác nhau (tụng kinh Mục Liên sám Phát, khai thị của quý Thầy về ý nghĩa cầu siêu, khoá lễ triệu thỉnh Phật A Di Đà, cúng dàng đèn hoa đăng, phóng sinh, cầu siêu quán đỉnh Changwa) với trọn vẹn sự tập trung và tâm thành của chư tăng, ni và đại chúng phật tử tham dự.
Đối với mỗi người dân tham dự, đây là một đại lễ cầu siêu không chỉ có ý nghĩa hướng tới ông bà tổ tiên đã mất của mình mà rộng hơn là cầu siêu thoát cho hương linh những bậc có công với đất nước, anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trên khắp đất nước Việt Nam.
Trong truyền thống Phật giáo nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng, lễ Phả độ gia tiên trong mùa Vu lan tháng Bảy là hoạt động tâm linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ thời đức Phật, khi Đức Mục Kiều Liên vì lòng hiếu hạnh xót thương hương linh người mẹ đã khuất còn đau khổ trầm luân nơi cõi thấp đã thỉnh cầu Đức Phật, và nương năng lực tu tập thanh tịnh và thù thắng của Tăng đoàn sau mùa an cư kết hạ (3 tháng hè) mà cầu nguyện cho thân mẫu Ngài được siêu thoát. Truyền thống này đã được trì giữ qua hàng nghìn năm với tình cảm chí thành của các thế hệ Phật tử, nhân dân hướng về ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ và rộng khắp ra là mọi chúng sinh cô hồn còn chịu khổ đau, đọa lạc chưa thể siêu thoát.
Tuy bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng lễ Vu Lan đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Bởi người Việt luôn coi trọng chữ "Hiếu". Trong chữ “Hiếu thuận', hiếu là tri ân, thuận là báo ân. Không phải tự nhiên mà chúng ta được sinh ra, lớn khôn, trưởng thành như ngày hôm nay. Mỗi chúng ta hãy cảm thấy tự hào vì được thừa hưởng, di truyền huyết thống của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Mỗi hạt cơm là mồ hôi của người nông dân, mỗi mảnh áo là mồ hôi của người thợ dệt,… cuộc sống của chúng ta thấm đẫm ân phước của nhiều người xung quanh. Trong ngày lễ này, các Phật tử đều hướng niềm tri ân đến tất cả mọi người trong xã hội.
Với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những lời cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, chúng ta rất cần làm các việc phúc thiện như phóng sinh, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, bảo vệ môi trường, thực hành thập thiện, để nương công đức đó hồi hướng cầu nguyện cho hương linh ông bà cha mẹ sớm được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.
Lễ Vu Lan thắng hội - Tự tứ thanh lương báo hiếu công đức cha mẹ sinh thành sẽ tổ chức tại Tịnh thất Tây Thiên ngày 5/9 - rằm tháng bảy.
Kính mời Quý Phật tử có đủ duyên tham dự Đại lễ!
Nguồn: http://daibaothapmandalataythien.org/
Viết bình luận
- 920 reads