Nghiệp, nhân quả và giáo pháp | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nghiệp, nhân quả và giáo pháp

770
05/06/2016 - 08:00
 
NGHIỆP,  NHÂN QUẢ VÀ GIÁO PHÁP
Chúng ta sẽ cùng đề cập về quy luật Nghiệp. Trước tiên, tôi nghĩ chúng ta cần suy ngẫm một chút. Trên thế giới này, hoặc cụ thể hơn là trong căn phòng này, mỗi người chúng ta đều khác nhau. Sự khác biệt bao gồm cả về lối sống, về quê hương, về gia đình, về địa vị xã hội. Không những thế - ngay cả mắt, mũi chúng ta cũng không hề giống nhau. Có người mũi đẹp, có người tai to, có những người dù sinh ra trong cùng gia đình nhưng vẫn có thể có học thức khác nhau, thông minh hơn hoặc kém nhau một chút. Tất cả những sự khác biệt đều có thể nhìn thấy rõ ràng ở xung quanh và trong chính chúng ta. Vậy câu hỏi ở đây là, vì sao có những khác biệt này. Theo quan niệm hiện đại, người ta có thể bảo vì gien di truyền khác nhau, vậy thì sao bạn lại sinh ra với những gien di truyền như thế. Các nhà khoa học ngày nay có thể lý giải điều này diễn ra như thế nào, nhưng trong tầm hiểu biết hạn hẹp của tôi, dường như họ vẫn chưa giải thích được vế "vì sao". Như vậy để trả lời cho câu hỏi "vì sao", theo tri kiến thiển cận của tôi – có 3 cách giải thích như dưới đây.
 
 
Cách thứ nhất cho là Ý Muốn của Đấng Tối Cao. Tức là cho rằng có một Đấng nào đó ở trên cao, bạn có thể tin rằng đó là Phật hay Bồ Tát, ai đó ở trên kia đã quyết định rằng chúng ta sẽ sinh ra với một cái mũi to hay nhỏ. Chúng ta phải gặp gỡ ai – hôm nay tất ca chúng ta đều phải tới khách sạn Luka, phải gặp nhau ở đây và cùng nhau thực hành khóa lễ cúng dường. Rồi ngày mai chúng ta có thể bị Tào Tháo đuổi, việc này cũng đã được định sẵn. Tóm lại là bạn tin rằng có một bậc quyền năng nào đó ngự trên trời, kiểm soát toàn bộ định mệnh của bạn. Khi bạn tin như vậy, bạn sẽ chẳng cần bận tâm về Nghiệp. Suốt đời bạn sẽ chẳng cần cân nhắc gì về nhân quả nghiệp báo, chẳng cần phóng sinh để mong cầu khỏe mạnh theo như luật nhân quả dạy. Bạn chỉ cần làm sao để Đấng Tối Cao ngự trên kia cảm thấy hoan hỷ, khi đó bạn muốn làm gì cũng được. Dù bạn là người tốt hay người xấu chẳng hề quan trọng. Điều quan trọng chỉ có Đấng Tối Cao - làm Ngài cảm thấy hoan hỷ hài lòng. Ngoài ra, mọi thứ còn lại đều vô nghĩa. Đây là một cách quan niệm. Có thể tôi không khuyên được bạn rằng quan niệm đó đúng hay sai. Song nếu bạn có quan kiến như vậy, thì đối với bạn Nghiệp chẳng có ý nghĩa gì. Điều quan trọng đối với bạn là cầu nguyện và làm vừa lòng Đấng Tối cao.
 

Cách nhìn thứ hai là mọi thứ đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, tùy hứng. Chả có gì ở trên kia – chẳng có Đấng tối cao nào cả. Bất cứ điều gì xảy ra đều tình cờ và chẳng liên quan gì đến nhân quả. Do ngẫu nhiên mà bạn có gien này, tình cờ bạn trở nên giàu có hay nghèo khổ… nếu như vậy, bạn sẽ phải rất cẩn thận khi lại xe, vì có thể bạn lái xe theo hướng này, nhưng rồi lại tình cờ đi đến tận Macao. Chẳng có bất cứ mối liên hệ nhân quả nào. Mọi thứ đều ngẫu nhiên. Bạn có thể nấu món Hoa nhưng kết quả lại ra món Ý. Bạn có thể bước về phía trước nhưng lại tụt lại phía sau. Tất cả mọi thứ đều chỉ là may mắn hay tai nạn. Bạn có thể trồng lúa mà gặt kim cương. Theo quan kiến này sẽ chẳng hề có chỗ cho Nhân Quả.
 

Cách nhìn thứ ba chính là quan kiến Phật Giáo, là những gì Đức Phật đã khai thị. Nói như vậy không có nghĩa là bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta đều do Phật sắp đặt. Nếu như bất cứ mọi việc chúng ta làm – bất kể tốt hay xấu, đều do Phật định, mà Đức Phật thì bình đẳng và Từ bi vô lượng, nên chúng ta cứ việc ăn ngon ngủ yên. Ngày mai khi thức giấc, trong phòng chúng ta sẽ ngập tràn kim cương nếu chúng ta mong được giàu có, hoặc có thể tất cả chúng ta đều sẽ giác ngộ khi thức giấc sáng mai. Chư Phật hoàn toàn bình đẳng và Từ bi vô lượng. Tiếc thay mọi việc không diễn ra như vậy. Đức Phật dạy rằng bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều không do một Đấng Tối cao nào định đoạt, cũng chẳng hề ngẫu nhiên tình cờ, mà đều do chính nghiệp của chúng ta tạo nên. Đó là kết quả từ những hành động, lời nói và suy nghĩ chúng ta tạo ra. Có những nghiệp bắt nguồn từ các kiếp trong quá khứ, hoặc bắt nguồn từ nghiệp tạo ra trong đời này – chính trong đời trước và và cả đời này chúng ta đã gieo nhân cho những gì đang diễn ra – hoàn cảnh của chúng ta dù xấu hay tốt cũng đều do nghiệp chúng ta quyết định. Như vậy hành động của chúng ta vô cùng quan trọng. Lời nói, ý nghĩa của chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới thế giới này, có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của chúng ta, như vậy chúng ta có trách nhiệm cả đối với bản thân và với cộng đồng.
 

 
Như vậy việc thực hành Phật pháp để chuyển hóa tâm chúng ta. Mục đích không phải để làm chư Phật hoan hỷ. Nhờ sự chuyển hóa tâm, chúng ta chuyển hóa hành động của mình và rồi thế giới xung quanh chúng ta cũng được chuyển hóa. Thí dụ, bạn có thể khiến bạn bè xa lánh vì tính tình bạn nóng nảy, thiếu sự cảm thông, bạn không có nhiều bạn bè và cũng chẳng được nhiều người ưa thích. Bạn không thể nói lỗi là do người khác, hay việc mọi người không ưa bạn là hoàn toàn ngẫu nhiên. Như vậy không đúng, rõ ràng bạn biết nguyên nhân thực sự là do đâu. Bạn biết rõ mọi người không ưa bạn vì tính bạn có thể nóng nảy, cáu giận, vô cảm, ích kỷ - như vậy điều đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ tìm ra được giải pháp đúng đắn. Bạn có thể trách ai đó ở trên kia, hoặc đổ rằng do tai nạn, thậm chí trách cứ tất cả mọi người nhưng lại chừa chính mình ra, chẳng muốn tìm hiểu xem trong câu chuyện này lỗi của mình nằm ở đâu. Trong khi có một cách rất đơn giản, là hiểu biết về nhân quả. Tất nhiên bạn có thể chống chế rằng tôi sinh ra đã có tính nóng nảy, có thể ngay từ những đời quá khứ bạn đã huân tập tính nóng giận. Nếu chúng ta không làm gì để kiểm soát tâm sân giận, nếu không thực hành rèn luyện tâm, không trưởng dưỡng tâm từ bi thì lẽ tất nhiên đến đời sau chúng ta vẫn giữ nguyên tập khí cũ.
 

Do vậy xét từ góc độ nghiệp/ nhân quả và giáo pháp, bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta trong hiện đời, đều là quả do nhân gieo từ các đời trước, hoặc do nghiệp tạo ra trong đời này. Vì thế chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về hiện tại và tương lai của mình. Đây là kiến thức đầu tiên và sơ lược về quy luật nhân quả. Chẳng hạn chúng ta biết khi gieo hạt táo, sẽ có cây táo mọc lên, nhưng chúng ta không biết rõ cần thêm những gì. Chúng ta chỉ biết cái cây mọc lên sẽ là cây táo. Thế nhưng từ một hạt táo ấy, mùa táo năm nay quả rất nhỏ và ngọt, sang năm sau quả táo to hơn, rồi năm sau nữa lại càng to hơn nữa, mà vẫn chỉ là cây táo ấy trồng trên mảnh vườn ấy. Để được thành quả táo, cần có thêm rất nhiều nhân duyên và điều kiện cùng hội đủ. Thí dụ nếu trời mưa ít, hoặc trong đất thiếu đi chất gì đó – chỉ đơn giản một quả táo thôi mà đã rất khó có thể lý giải thật cặn kẽ. Vậy thì làm sao chúng ta có thể hiểu nổi cuộc sống, bởi cuộc sống vốn không hề đơn giản như quả táo kia. Cuộc sống là từng ngày, mỗi ngày có biết bao sự việc xảy ra – thậm chí còn chằng chịt và phức tạp hơn cả mạng lưới internet. Quá nhiều dữ liệu chồng chéo qua lại. Quá nhiều nguyên nhân và kết quả cùng xảy đến. Bởi vậy nên Đức Phật mới được kính ngưỡng là bậc Toàn Tri, bởi Ngài là bậc duy nhất có thể hiểu được và chỉ rõ mọi việc thật cặn kẽ rõ ràng. Nói chung chúng ta chỉ có thể đề cập rằng Đức Phật đã dạy, nếu muốn có sức khỏe tốt, chúng ta nên bố thí cúng dường sức khỏe cho người khác. Nếu muốn sống trường thọ, chúng ta cần phải bố thí phóng sinh. Nhưng không ai có thể giải thích cặn kẽ vì sao có nhân quả ấy. Do đó bạn cũng không thể chắc chắn 100% yếu tố nào sẽ can dự vào – khi bạn làm một việc, đôi khi chỉ cần động cơ khác đi đã có kết quả hoàn toàn khác. Rồi kết quả đó lại tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi tiến trình tiếp theo. Có thể nói nghiệp có phần giống định mệnh. Thế nhưng nếu bạn nghĩ rằng định mệnh không thể thay đổi được, thì như vậy không đúng. Nếu luận về nhân quả, khi bạn không làm gì để chuyển hóa, thì đúng là nghiệp có tính chất tiền định, có thể nói tuy giống như định mệnh, song chúng ta có thể tác động để chuyển hóa.
 

Hãy thử tưởng tượng nếu đêm qua có trận động đất, khiến mái nhà có một vết nứt lớn. Chúng ta có 2 lựa chọn, thứ nhất là chúng ta ngồi chờ cả ngày xem mái nhà có bị sập xuống hay không. Giống như định mệnh, một ngày nào đó nó sẽ đổ ụp xuống đầu chúng ta. Lựa chọn thứ hai, chúng ta có thể gọi người thợ tới sửa trước khi mái nhà bị sập. Như vậy xét từ một khía cạnh, nghiệp giống như định mệnh, bởi nếu bạn không làm gì cả, lẽ tất nhiên nghiệp quả sẽ chín mùi và ập xuống, nhưng nếu bạn thực hành tịnh hóa nghiệp và tích lũy công đức để tịnh hóa mọi nhân bất thiện, thì chúng ta có thể chuyển hóa nghiệp. Chuyển hóa tới mức nào còn tùy thuộc vào khả năng tịnh hóa của chúng ta mạnh đến đâu. Chúng ta có thể sửa lại toàn bộ mái nhà, hoặc chúng ta chỉ sửa một phần để ngày mai nhà không sập, nhưng có thể 10 năm sau, sẽ có một hoặc hai viên ngói bị rơi, hoặc thậm chí nhiều viên bị rơi, song mái nhà thì không hẳn bị sập. Điều đó tùy thuộc vào việc chúng ta sửa chữa có tốt không. Và trong Phật Pháp việc sửa chữa mái nhà đó gọi là tịnh hóa nghiệp.

(Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa về Pháp tu Lục Độ Mẫu Tara (tháng 1 năm 2013 tại Hong Kong)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,030,444
Số người trực tuyến: