Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa

9494
09/01/2016 - 17:11
Kinh điển Sangay Phepo Chey dạy rằng mặc dù có rất nhiều các bậc giác ngộ viên mãn công đức lợi ích cho vô số chúng sinh, hoàn thành tạo ra các cõi Tịnh Độ do công đức và hồi hướng của mình và thành tựu Phật tính của Tam thân; song trong khi vẫn còn an trụ trong cảnh giới Pháp thân với lòng từ bi và trí tuệ vô tác diệu lực, các Ngài vẫn sẽ tiếp tục không ngừng lợi ích cho hết thảy hữu tình.

Như mặt trăng phản chiếu xuống hàng ngàn ao hồ, bóng trăng in bóng dưới nước và mặt trăng trên bầu trời đêm bất khả phân; từ cái nhìn tuyệt đối, các bậc giác ngộ là bản chất trí tuệ của Pháp thân, các Ngài có thể hiện thân trong hình thức Báo thân hay Hóa thân để lợi ích chúng sinh mà không bao giờ rời bản chất trí tuệ Pháp thân Nguyên thủy.

Các Ngài hiện thân để lợi ích hết thảy chúng sinh tùy theo căn cơ, mức độ hiểu biết khác nhau của mỗi chúng ta. Lòng từ bi của các Ngài thật vĩ đại, thậm chí nếu chỉ còn một chúng sinh trầm chìm trong luân hồi khổ đau, các Ngài vẫn không ngừng hiện thân để tận độ cho đến khi chúng sinh đó đạt được giác ngộ giải thoát.

Sự xuất hiện của truyền thừa Khamtrul đã được Thượng sư Liên Hoa Sinh tiên tri không chỉ một lần, mà được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các kho tàng Terma được khám phá trước kia và gần đây. Các Bậc Thầy giác ngộ như Drupthob Lhawang Drakpa, Lochen Sangay Pelzang và Rigzin Jatshoen Nyingpo (Bậc Thầy vĩ đại của Truyền thừa Ningmapa), cũng như rất nhiều Bậc Thầy khác đã tiên tri và tán thán sự xuất hiện của Truyền thừa Khamtrul.
 


(Một cảnh thiên nhiên ở tỉnh Kham)
 

Trong tiếng Tạng, “Kham” là tên địa danh và “Trul” nghĩa là hóa thân. Thuật ngữ “Khamtrul” có nghĩa là “Hóa thân từ tỉnh Kham” xuất phát từ mối liên hệ của bậc sáng lập truyền thừa, Đức Khamtrul Rinpoche đời thứ nhất Ngawang Tenphel (1569-1627) với tỉnh Kham, một trong ba tỉnh lớn bao phủ khu vực đông nam Tây Tạng. Đôi khi, người ta đề cập tới Khamtrul là ‘Do - Kham’, có nghĩa là “Hóa thân từ Do - Kham”, nơi ngày nay bao gồm cả tỉnh Kham và Amdo ở Tây Tạng. Truyền thừa Khamtrul được hoằng truyền từ thế kỷ 16 đến nay đã sang tới đời thứ IX, nổi tiếng với sự chứng ngộ tâm linh và các công hạnh lợi tha của các đời hóa thân Khamtrul, đặc biệt là Khamtrul Rinpoche đời thứ I, III, IV, VI, và đời thứ VIII. Những hóa thân chuyển thế của Khamtrul Rinpoche đều được tôn kính là những hóa thân chân thực của Đức Liên Hoa Sinh Guru Padmasambhava.
 

Khamtrul Rinpoche đời thứ I là đệ tử của Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo đời thứ I và sau đó Ngài là đệ tử của Bậc toàn tri tôn quý, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV Kunkhyen Pema Karpo trứ danh. Bản tôn Vajra Yogini đã tiên tri rằng Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo sẽ có 40 đại đệ tử, các Ngài sẽ thành tựu tỉnh giác bất nhị; chín trong số những đại đệ tử này sẽ thành tựu chứng ngộ siêu việt, các Ngài chứng đạt tất cả các mức độ thực chứng giác ngộ.
 


(Các đời Nhiếp Chính Vương Khamtrul thứ I, thứ II, thứ III và thứ IV)
 

Một trong chín bậc giác ngộ này là Khamtrul Rinpoche đời thứ I. Khamtrul Rinpoche đời thứ I đản sinh tại Khotsa Rinchengang ở Kham Riwochey, mẫu thân Ngài là Khandro Burn (trăm ngàn Dakini) và thân phụ là Ri Nyima. Từ thuở ấu thời, Ngài đã thích khoác bộ đồ bằng vải cotton trắng giống như những Yogi du phương và thường tuyên bố rằng Ngài là một Yogi của Truyền thừa Drukpa. Bởi Ngài thường nói như vậy nên mọi người thường gọi Ngài bằng một cái tên trìu mến “Drukpa”.

 

Ngài được gửi tới tự viện là Samten Lingpey Densa, ở đó dưới sự hướng đạo của Bậc Thầy Sonam Gyaltshen, Ngài được truyền dạy những Pháp tu mở đầu và được trao pháp danh là Sonam Wangchuk. Ngài dễ dàng hiểu được tất cả nghệ thuật Rigney không chút khó khăn, từ đó Ngài tự nhiên biết cách đọc và viết những kinh điển, chơi những loại nhạc cụ, pháp khí, khắc, vẽ và thực hành những nghi lễ tôn giáo.

Trong quá trình tu học, Ngài đã được nghe rất nhiều về giáo pháp Đại thủ ấn Mahamudra nổi tiếng, Ngài rất khát khao tới trung tâm Tây Tạng để đón nhận giáo pháp của Truyền thừa Drukpa quang vinh. Ngài thấp thỏm khát khao mong chờ tới mức đã không ăn không ngủ trong nhiều ngày. Một ngày kia, Ngài gặp một nhóm người đang tới trung tâm Tây Tạng. Mong mỏi được đi cùng họ, Ngài xin phép tự viện và được sự đồng ý để tới Kongpo - trung tâm Tây Tạng. Tại Kongpo, Ngài được nghe danh Bậc Thầy vĩ đại trứ danh Lhatsewa Ngawang Zangpo và tâm nguyện được đón nhận giáo pháp từ Bậc Thầy vĩ đại này, Ngài đi tới Gongkar nơi Bậc Thầy Zangpo đang an trú. Khi Ngài tới nơi, Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo đang cử hành một đại Pháp hội. Lúc Khamtrul Rinpoche nhìn thấy Bậc Thầy vĩ đại này, Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo đang nhìn về phương đông và an tọa trên chiếc tọa cụ màu trắng. Trong giây phút đó, những sự ảo tưởng về cuộc sống trong tâm Ngài đột nhiên dứt bặt, Ngài cảm thấy sự chí tâm sung kính, niềm hỷ lạc vĩ đại tràn ngập khắp châu thân.

Khamtrul Rinpoche đã thụ đại giới Tì Kheo và được đặt pháp danh là Ngawang Tenphel bởi Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo. Ngài đón nhận rất nhiều giáo pháp bao gồm Đại thủ ấn (Mahamudra) và chỉ trong một vài ngày, Ngài đã đạt được đại quang minh và tín tâm bất thoái.

Một ngày kia khi đang đón nhận giáo pháp, bản sư của Ngài nhìn một cách chăm chú về hướng của Khamtrul Rinpoche và nói rằng: “Không cần thực hành nhiều pháp. Điều quan trọng là phải giác tỉnh được bản chất của tự tâm”. Ngay lập tức, Khamtrul Rinpoche đã thấu hiểu lời khai thị của Thầy mình và sau đó nhất tâm tinh tiến tu tập. Chỉ trong 18 ngày, Ngài đã chứng ngộ tự tính tâm bản lai. Ngài đã truyền tải sự chứng ngộ bản chất tự tính tâm tới Bậc Thầy của mình. Bản sư của Ngài, Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo gửi cho Ngài một bức thư tay và yêu cầu: “Những gì ta viết đây giống như những gì con đã chứng ngộ?” Ngài đọc lá thư và nhận ra rằng những trải nghiệm chứng ngộ của Ngài và những gì Thầy mình đã viết là nhất như bất khả phân.

 

Từ thời điểm đó, Ngài chỉ khoác y phục bằng vải trắng rất giản dị của Yogi du phương, không mang theo bất kỳ một tư trang cá nhân thế tục nào ngoại trừ một chiếc tù và bằng xương và chiếc chén sọ người. Ngài thiền định và sống rất giản dị trong dãy núi Chowori, Choeshul Chogmo Rithoe, Gang Teysay, Lachi và Tsarita. Ngài đã đón nhận vô số giáo pháp từ nhiều Bậc Thầy trứ danh như Lhawang Drakpa và Jetsun Taranata.

Ngài đã phô diễn rất nhiều dấu hiệu thần diệu của tâm giác ngộ. Ví dụ, khi du phương tới khu vực của người du mục Dog Taru và bị đàn chó săn hung dữ tấn công, Ngài đã bay lên bức tường làm bằng đá thô gần đó và đã nhảy múa dọc theo bức tường, để lại dấu chân hằn trên đá cứng và rồi bỏ đi trong sự kinh ngạc thán phục tột cùng của những người chứng kiến.  
 


(Một trong rất nhiều dấu tay và dấu chân của Đức Liên Hoa Sinh để lại trên nhiều Thánh địa khác nhau
ảnh: dấu tay trước cửa động Liên Hoa Sinh tại Nepal và dấu chân gần hồ Tso Pema, Ấn Độ)

 

Sau khi đến thăm Tsari, Ngài đã viếng thăm Bản sư lúc bấy giờ đang an trú ở Namgyal Lhumphur. Ở đó, Ngài đã cúng dàng Bản sư phẩm vật là viên đá quý màu trắng. Sau đó, khi đã sáng tỏ những tà kiến nghi ngờ còn trong tâm, Ngài đón nhận tất cả những giáo pháp còn lại trong lễ đăng quang đại chúng. Lần này, Bản sư của Ngài, Đức Lhatsewa Ngawang Zangpo tiên tri: “Nếu con tới Kham, những công hạnh hoằng dương của con sẽ được truyền bá trải rộng từ Kham tới tận Trung Hoa”. Rồi Bản sư cử Khamtrul Rinpoche tới khu vực tỉnh Kham hoằng dương Phật pháp. Tuy nhiên, những người ở Kham Riwochey rất ghen tị với Ngài, họ đã lăng mạ, đánh đập Ngài cho tới khi Ngài gần chết. Nhưng bởi Ngài đã siêu vượt tất cả tư tưởng nhị nguyên, Ngài an trụ trong trạng thái bình đẳng xả, nơi mà những khen chê, vui buồn đều như nhau; Ngài phát khởi lòng từ bi cầu nguyện cho những người đã làm tổn hại Ngài, rằng trong tương lai Ngài có thể làm lợi ích vô số cho họ.

Một vài ngày trước khi Khamtrul Rinpoche phải dời tỉnh Kham để đến Trung Quốc, Ngài đã có linh kiến về những dãy núi tại Trung Quốc, Ngài cho đây là dấu hiệu cho thấy mình phải ở lại tỉnh Kham. Người ta nói rằng, người dân ở tỉnh Kham đã được lợi ích rất nhiều từ quyết định này vì sự hiện diện siêu việt của Ngài truyền cảm hứng tới rất nhiều vị vua đối nghịch lẫn nhau tại khu vực tỉnh Kham. Họ đồng tôn Ngài là Bậc Thầy tâm linh của mình và nhờ vậy, Ngài đã hòa giải họ một cách an bình, cứu độ được rất nhiều người và ngăn chặn được những cuộc nội chiến liên miên.

Ngài đã khám phá ra một sơn động linh thiêng và đặt tên là Daki Sangwaphu trong thung lũng Bra, Ngài đã thiền định chín tháng trong tư thế Kim Cương tọa mà không ăn, ngủ, nghỉ ngơi.

Khamtrul Rinpoche thu nhận nhiều đệ tử ở tỉnh Kham. Ngài đã truyền dạy cho họ những giáo pháp thông thường và siêu việt không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Khi đón nhận được những giáo pháp này, tất cả đệ tử của Ngài đều nhận được sự chứng ngộ, nội chứng tâm linh tích cực. Sau đó Khamtrul Rinpoche đã bế quan nhập thất miên mật trong nhiều năm.

Khi sắp viên tịch, Khamtrul Rinpoche đã nhìn thấy tất cả những dấu hiệu về khoảng thời gian mà Ngài từ bỏ thế giới này. Ngài đã gặp Bậc Thầy tôn quý, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ V Pagsam Wangpo, hóa thân chuyển thế của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV Kunkhyen Pema Karpo, người đã thỉnh cầu Ngài trường thọ vì lợi ích của hết thảy hữu tình. Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đã nhận lời tâm nguyện của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Pagsam Wangpo và Bản sư của Ngài, Ngài đã thực hành pháp tu Trường thọ tại Gyang Yak Kurgyel Shenyer. Đức Quán Âm, Lục Độ Mẫu  Tara và Thượng sư Liên Hoa Sinh, Mã Đầu Minh Vương cùng rất nhiều Bản tôn An bình và Uy mãnh khác đã thị hiện khi Ngài tu tập.

Trong suốt cuộc đời của Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche, những giáo pháp của Ngài phát triển đến mức người ta nói rằng, đệ tử và giáo pháp của Ngài có mặt ở hầu hết mọi nơi từ sơn động, dãy núi, thung lũng ở tỉnh Kham. Ngài thị hiện nhập Niết bàn tại trung tâm nhập thất Mishig Dorji Dzong Gyi Drubney (trung tâm nhập thất Kim Cương bất hoại) với rất nhiều điềm cát tường vi diệu của hào quang cầu vồng và mưa hoa. Ngài trụ thế 69 năm.

Khamtrul Rinpoche nổi tiếng là chân hóa thân của Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh và cũng là một hóa thân của Đức Ling Gesar, vị vua chinh chiến của Ling. Ngài cũng được công nhận là hóa thân của Đức Sangay Khorwa Jig, Briopa Palden Choechong, Drubthob Pema Benzar, Pa Dampa Sangay (bậc nắm giữ dòng thực hành Chod), hai Pháp tử của Thượng sư Liên Hoa Sinh là Namkhai Ningpo và Ngakchang Dunjum Roelpatsel, Ngadag Meteypa Chenpo (bậc nắm giữ giáo pháp Đại Thủ Ấn, đệ tử của Đại thành tựu giả Naropa và bậc Thầy của Đại dịch giả Marpa), Khriwa Gonpo Dorje (đệ tử của Đại Thành tựu giả Milarepa), Drogoen Phagmo Druba (Bậc Thầy của Đức Lingchen Repa) Pharung Dorjee, Talung Drakpel, Do Serwa Rinchhen Singye Barwa Gyeltshen Pelzam, Choegyal Rinchhen Lingpa (từ terton Lingpa Truyền thừa Nyingmapa), Trulshik Namkhai Nyeljor, Tsaripa Chenpo Sangay Pelzang, Khuenpang Gyumey Garkhen Sherab Gyatsho.

Ba Đại đệ tử thượng thủ của Ngài là Zigar Sonam Gyamtsho (tức Đức Zigar Rinpoche đời thứ I), Trulshik Trinley Gyamtsho (tức Đức Adeu Rinpoche đời thứ I) và Dugu Choegyal Gyamtsho (tức Đức Dugu Rinpoche đời thứ I) được tôn kính như là Ba Đại Dương. Nhóm đệ tử trứ danh khác bao gồm các Ngài Onpo Konchok Rinchen, Karma Gyaltsho, Sangay Rinchen, Manipa Lodra Zangpo, Kuncho Gyatsho, Kuenga Zangpo, Zhenphen Gyatsho, Tashi Paljor…


(Các đời Nhiếp Chính Vương Khamtrul thứ V, thứ VI, thứ VII và thứ VIII)

Trong số các hóa thân chuyển thế đời sau, Đức Khamtrul Rinpoche đời thứ III Ngawang Kunga Tenzin (1680 - 1728) trứ danh với sở học uyên bác của mình. Ngài đã trước tác 17 bộ luận bao gồm những luận giải về Pháp tu mở đầu và Pháp tu tập căn bản Đại thủ ấn Mahamudra. Đó là một trong những bộ luận giải cặn kẽ chi tiết nhất trong kho tàng giáo pháp của Truyền thừa Drukpa. Theo lời huyền ký của Đức Liên Hoa Sinh Guru Padmasambhava, Khamtrul Rinpoche đời thứ III đã kiến lập tự viện Khampagar trứ danh hay còn gọi là Phuntshok Chokhor Ling tại Tiểu quốc Lhathok thuộc tỉnh Kham dưới sự bảo trợ của Đức vua Og Lhathok. Trong suốt hơn hai thế kỷ, nơi đây là một trong những biểu tượng ngưỡng mộ của kiến trúc và văn hóa Kim Cương thừa với lớp mái dát vàng và quy mô đồ sộ nguy nga như một tòa lâu đài, đồng thời cũng là một trung tâm Phật học sầm uất với tầm ảnh hưởng rộng lớn trong khu vực. Tự viện Khampagar đã đào tạo hàng trăm ngàn Tăng sĩ và những Truyền thừa của các vị Thượng sư thực chứng nổi tiếng khắp Tây Tạng. Đây cũng là một trung tâm nghệ thuật và vũ thuật cổ truyền trứ danh trong lịch sử văn hóa Himalaya và Phật giáo Kim Cương thừa.

Khamtrul Rinpoche đời thứ IV Chokyi Nyima (1730 – 1779), trứ danh với bộ luận bằng thơ có tiêu đề “Khampai Nyen Ngag Drelchen”, được tôn kính lưu truyền trên toàn đất nước Tây Tạng.

Khamtrul Rinpoche Tenpai Nyima (1849 - 1907) đời thứ VI đã khám phá và giải mã được những kho tàng giáo lý cất giấu bởi Đức Liên Hoa Sinh Guru Padmasambhava ở sơn động Kerong Dorje Chang vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Ngài chính là Thượng sư của Đức Drubwang Shakya Shri (1854 – 1919), một bậc Yogi vĩ đại nhất của truyền thống Kim Cương thừa cuối thế kỷ trước.
 

(Đức Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII)
Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII, Dongyu Nyima (1931-1980) là một Đại thành tựu giả, Đại học giả trứ danh trong nghệ thuật truyền thống về tranh vẽ Thangka, vũ điệu trong các nghi lễ, y dược Tây Tạng, điêu khắc gỗ và kim loại. Ngài là một trong những Thượng sư chính khôi phục Truyền thừa Drukpa ở Ấn Độ. Với sở học uyên bác của mình, Ngài đã trở thành thành viên trong Ủy Ban soạn sách của Hội Đồng Giáo dục chính phủ Tây Tạng lưu vong vào đầu những năm 1960, khi những trường học cho trẻ em Tây Tạng lưu vong được xây dựng tại Ấn Độ. Ngài đã để lại bảy bộ sưu tập viết tay và ba bộ sử thi về Ling Gesar dựa trên linh kiến của Ngài.

Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII chỉ trụ thế 49 năm. Năm 1980, mượn chút bệnh duyên, Ngài đã thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch mang theo tâm nguyện chuyển thế hoằng pháp độ sinh trong đời kế tiếp.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời từng kể lại lần gặp gỡ cuối cùng hạnh ngộ với Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII: “Mười hai năm sau khi đăng quang ngôi vị lãnh đạo Truyền thừa Drukpa, Khi lên 16 tuổi, tôi mới gặp lại Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche và lúc đó Ngài đã 48 tuổi. Đức Khamtrul Rinpoche đang trên đường hành hương tới Bhutan, Ngài dừng chân tại Darjeeling để gặp tôi. Ngay lập tức, tôi trào dâng tình cảm gần gũi kỳ lạ đối với Ngài. Bởi Khamtrul Rinpoche nổi tiếng là hóa thân chân thật của Thượng sư Liên Hoa Sinh nên tôi đã thỉnh Ngài ban cho tôi quán đỉnh Bản tôn Liên Hoa Sinh và về phần mình, tôi cũng truyền cho Ngài quán đỉnh Vô Lượng Thọ Phật. Trong cuộc gặp mặt đó, Ngài quỳ xuống chân tôi, khóc mà nói rằng thọ mạng của Ngài sắp hết và Ngài sẽ không thể tiếp tục lợi ích chúng sinh như Ngài mong nguyện. Tôi đã thỉnh cầu Ngài trụ thế nhưng Ngài thấy không thể và đã thỉnh cầu tôi chăm sóc hóa thân tiếp theo và cả truyền thừa của Ngài. Khi ấy, cả hai chúng tôi đều xúc động đến lặng người. Một năm đó, Ngài viên tịch ở Bhutan. Năm tiếp theo, một trong những đệ tử và cũng là bậc Nhiếp chính của Ngài đã đến thỉnh cầu tôi đi tìm kiếm hóa thân đời sau của Ngài”.

Trong lần nhập thất ở Tự viện Hemis vào năm 1981, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã có một linh kiến kỳ lạ. Ngài thấy một người ăn vận y phục Tăng sĩ Ấn Độ tới gần Ngài và nói: “Tôi là Khamtrul Rinpoche và tôi sẽ tái sinh trong gia đình Ngài”. Linh kiến này lặp lại hai đến ba lần. Cuối cùng, trong một linh kiến khác, Ngài thấy Khamtrul Rinpoche xuất hiện với vẻ ốm yếu nói rằng: “Tôi đã tìm kiếm Ngài nhưng Ngài vẫn cứ thờ ơ với tôi”.

Cùng buổi sáng hôm đó, Đức Pháp Vương nhận được bức thư từ một người phụ nữ tên là Chimey Yudon, trong thư bà thỉnh cầu Ngài cầu nguyện cho đứa con trai ốm yếu của bà. Ngay sau đó, trong một linh kiến khác, Đức Pháp Vương lại thấy một đứa bé trai chỉ còn da bọc xương, rất mỏng manh, và đang trong tình trạng rất nguy kịch. Ngài cảm thấy rất muốn chăm sóc đứa trẻ nhưng Ngài đã không làm như vậy. Đứa trẻ trông như đang cận kề cái chết.


(Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa hiện đời cùng cha mẹ và em gái)
 

Một ngày sau, Đức Pháp Vương lại nhận được bức thư cùng tấm ảnh của chính đứa bé đó, trong thư bà mẹ thưa rằng đứa trẻ đang sắp chết và thỉnh cầu Đức Pháp Vương cầu nguyện cho cậu bé. Ngài cho rằng tất cả những điều đó đều là sự hàm ẩn nên đã kể lại cho Mẫu thân về câu chuyện này. Bà đã cho biết rằng mẹ đứa trẻ chính là một người bà con trong dòng tộc của Đức Pháp Vương. Tất cả những điềm báo này lặp lại ba, bốn lần nữa.

Sau đó, Đức Pháp Vương thuật lại cho Thượng sư của Ngài, Thuksey Rinpoche đời thứ I. Ngài xác nhận những đặc điểm đứa trẻ chính là hóa thân của Khamtrul Rinpoche. Vì vậy, Thuksey Rinpoche viết thư thỉnh Đức Dalai Lama và được trả lời rằng Đức Dalai Lama đã tiên đoán ba lần và đều xác nhận cậu bé đó chính là hóa thân chân thật của Khamtrul Rinpoche. Đức Pháp Vương sau đó đã chính thức ấn chứng, đón nhận giáo dưỡng và ban pháp danh cho cậu là Jigme Pema Nyinjadh.
 

(Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwang Dokhampa cùng Thượng sư Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
và Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche)

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, còn được biết đến rộng khắp với hồng danh Khamtrul Rinpoche, Ngài tu học những giáo pháp căn bản ở tự viện Druk Thupten Sangag Choeling, tại Darjeeling. Tại đây Ngài dành cả thời thơ ấu và thuở thiếu thời dưới sự hướng đạo Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Ngoài Căn bản Thượng sư là Đức Pháp Vương, Ngài còn theo học bậc Giáo thọ chính là Thượng sư Omze Sherab, đệ tử của Ngài Trulshik Pema Chogyel, một Đại thành tựu giả yogi giác ngộ của Truyền thừa Drukpa và cũng là Thượng sư của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XI.

Sau thời gian tu học rất nghiêm túc và miên mật, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwang Dokhampa đã tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học tự viện danh tiếng Tango, Bhutan. Cùng tu học với Ngài là các đạo hữu và những người bạn chí thành, như Đức Gyelsey Tenzin Rabgay, Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II, các Bồ tát hóa thân chuyển thế Tulku trứ danh và hàng trăm Tăng sĩ khác.
 


 

Bởi pháp duyên thuở trước với Vương quốc Bhutan, Ngài giữ mối liên hệ sâu sắc với đất nước này, đặc biệt là Đại học tự viện Tango, nơi Ngài có phúc duyên lân mẫn học hỏi các bậc Thầy khiêm cung và vô cùng uyên bác như Viện chủ Đại học Tự viện Tango Thượng sư Khenpo Tsering Dorjee, Thượng sư Tsuklak Lopen Samten Dorjee và nhiều bậc Thầy tôn kính khác.
 

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa từng hai lần được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Drukpa thường niên, nơi vân tập tất cả các bậc Thượng sư trứ danh và các hành giả thực hành của Truyền thừa Drukpa trên toàn thế giới. Ngài cũng được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa giao phó trách nhiệm giáo thọ chính và bậc hướng đạo tâm linh cho các quốc gia tại Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kong, Malaysia, Singapore, Việt Nam…
 

Bởi xã hội ngày nay đang trở nên cuồng loạn với các thước đo vật chất hư vọng giả tạm nên nhu cầu truyền tải những giá trị sống tốt đẹp trên nền tảng Đạo Phật tới thế hệ trẻ càng trở nên cấp bách. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa kỳ vọng các bậc Nhiếp Chính kế thừa tâm linh như Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche sẽ chia sẻ đại nguyện hoằng pháp, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng và thắp ánh tuệ đăng cho những hành giả và Phật tử tín tâm ở khắp nơi trên thế giới.

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,139,888
Số người trực tuyến: