Kyabje Dudjom Yeshe Dorje | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Kyabje Dudjom Yeshe Dorje

635
28/02/2016 - 23:36
dudjom_formal_portrait_388_500

(Đức Kyabje Dudjom Yeshe Dorje)

Bậc Thầy của những hành giả yogi vĩ đại, ở thế kỷ 20, Jigdral Yeshe Dojre, thường được biết với hồng danh Dudjom Rinpoche. Ngài là Hóa thân của Đức Kyeo Chung Lotsawa, một trong hai mươi lăm đại đệ tử của Đức Liên Hoa Sinh. Ngài cũng là Hóa thân của Đức Lingchen Repa – Căn  Bản Thượng sư của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Tsangpa Gyare Yeshe Dorje đời thứ I.

(Kyabje Dudjom Yeshe Dorje Rinpoche khi trẻ)

Trong đời trước, Ngài Dudjom Lingpa (hay còn được biết đến với hồng danh Geley Terton) muốn xả bỏ nhục thân để có một Hóa thân mới. Vì vậy, Ngài yêu cầu chúng đệ tử chuẩn bị cho cuộc hành trình đến Pemakod ở Đông nam Tây Tạng và nói rằng nơi đó chính là thiên đường trên trái đất này. Lúc này, Ngài rất cao tuổi nên mọi người đều không tin là Ngài có thể đi được đoạn đường trường ấy cho đến khi Ngài bắt đầu tự tay làm một cỗ xe cho mình. Một số đệ tử lớn tuổi từng tới đó trước Ngài nên họ biết rằng sẽ phải mất ít nhất một năm mới đến nơi. Cỗ xe Ngài tự làm chỉ vừa đủ cho một trẻ sơ sinh, tất cả mọi người đều lấy làm khó hiểu cho đến khi thấy Ngài nhập định trong vài tuần. Về sau, hậu thân của Dudjom Lingpa được tìm thấy tại Pemakod, chính nơi mà Ngài từng huyền ký là sẽ tái sinh ở đó.

Di chúc của Dudjom Lingpa đã miêu tả chi tiết về việc tìm được phụ thân Ngài như thế nào, phụ thân Ngài là Hoàng tử xứ Kanam, dòng dõi vua Trisong Detsen và mẫu thân là Namgyal Drolma. Ngài được nhận ra và ấn chứng bởi Đức Phukhong Tulku, đệ tử của Đức Dudjom Lingpa và Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Các đệ tử ngạc nhiên vui sướng khi thấy Ngài được nhận ra,mọi người, nói chuyện với các đệ tử của Ngài bằng giọng địa phương vùng Gulok, nơi Ngài đã sống đời trước.

(Vùng Pemakod - Đông nam Tây Tạng)

Năm lên mười bốn tuổi, Đức Pháp Vương đã nổi tiếng là một học giả lỗi lạc và là Đại Thượng sư về thiền định, rất nhiều đệ tử của Ngài có những dấu hiệu thành tựu toàn giác, khi ấy, không một hành giả yogi và học giả nào trong vùng có thể sánh kịp với Ngài. Theo trí tuệ toàn tri của mình, Ngài quyết định rời quê hương năm 1958 trước khi Tây Tạng lâm vào giai đoạn biến động. Sau đó, Ngài dành trọn cuộc đời không ngừng để hoằng dương chính pháp và truyền quán đỉnh cho hàng triệu đệ tử trên khắp thế giới.

(Kyabje Dudjom Yeshe Dorje Rinpoche cùng Dordrak Rigdzin và Minling Chung, tại Samye năm1950)

Ngài thường nói với chúng tôi rằng, những hoạt động mà Ngài đã làm khi xưa ở Tây Tạng không thể kể hết nhưng Ngài nhận thấy việc truyền quán đỉnh và giảng dạy giáo lý là hai phương tiện cứu cánh nhất để lợi lạc chúng sinh. Ngài cũng nói rằng: Ngài đã thử làm rất nhiều cách khác để giúp đỡ hữu tình nhưng vì chúng sinh phúc mỏng nghiệp dày nên không được ân hưởng lợi ích như Ngài tâm nguyện,vì thế, Ngài chỉ tập trung vào việc giảng dạy giáo lý, truyền quán đỉnh và gia trì cho những ai có tâm nguyện thỉnh cầu.”

Đức Dudjom Rinpoche thị hiện nhập Niết bàn ngày 17 tháng 1 năm 1987 ở trụ xứ của Ngài tại Pháp. Một trong những vị thị giả kể với tôi rằng những xá lợi để lại là dấu hiệu cho thấy Hóa thân Ngài đã hòa tan và thể nhập với Pháp thân thanh tịnh. Nhục thân Ngài co lại khoảng 85%, phần còn lại Ngài chủ định để lại cho chúng ta chiêm bái và đang được lưu giữ trong một tòa tháp gần Boudhanath tại Nepal, một trong những trụ xứ chính của Ngài.

(Tháp Boudhanath, Nepal)

Tôi luôn tin tưởng rằng mình có nhân duyên diệu kỳ nhiều đời với Bậc Thầy của những hành giả yogi vĩ đại Kyabje Dudjom Yeshe Dorje nhưng có lẽ còn thiếu thiện nghiệp nên trong đời này tôi đã không có cơ hội được lân mẫn bên Ngài. Tuy nhiên, tôi rất vui sướng vì đã được Ngài huấn thị trực tiếp về chân tâm và truyền toàn bộ quán đỉnh Terdzod cũng như nhiều pháp quán đỉnh khác. Trong một dịp đặc biệt, tôi được Ngài giảng về chân tâm chỉ gói gọn trong ba từ. Lúc đó tôi thật không hiểu về những điều Ngài chỉ dạy. Tôi không có ý định bàn đến những điều này ở đây. Tôi xin nguyện cầu những hành giả yogi và Thượng sư vĩ đại như Ngài vẫn luôn thị hiện khắp nơi vì lợi ích hết thảy chúng hữu tình.

Nguồn: Dudjom Yeshe Dorje - Guru, www.drukpa.org

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,546
Số người trực tuyến: