Khi võ sư là phụ nữ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Khi võ sư là phụ nữ

397
08/03/2016 - 12:04

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khẳng định: “Phụ nữ, ngay cả chư Ni luôn bị coi là phái yếu. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi định kiến này.”

 

Tiếng trầm trồ thán phục lan khắp đám đông khi 58 sư Ni Drukpa (Ấn Độ) biểu diễn điệu múa cờ với những động tác tay uyển chuyển cùng những cú đá dũng mãnh của một môn võ cổ truyền Việt Nam. Sau 15 phút biểu diễn, họ tiếp tục với màn múa Thăng Long đầy sôi động với những kỹ thuật rất khó, hòa cùng với âm điệu hào hùng của bài hát Dòng máu Lạc Hồng khiến đám đông như vỡ òa.

 
(Ni sư tại tự viện Druk Amitabha đang luyện tập múa rồng để chuẩn bị cho màn trình diễn)
 

Các sư Ni đã để lại dấu ấn sâu đậm cho khán giả tham dự một kỳ Đại Hội đồng Drukpa Thường niên (ADC) tại tự viện Druk Gawa Khilwa Shey, Ladakh, Ấn Độ. Họ là các sư Ni trẻ, có tín tâm và dũng lực. Hàng ngày họ thức giấc từ trước bình minh và cùng nhau tập võ trong khoảng hai tiếng trước khi bắt đầu những công việc thường nhật. Có điều gì đặc biệt trong việc này? Thông thường việc tập luyện võ thuật cũng như múa rồng không được coi là  chuyên môn của những người xuất gia. Nhưng các  sư Ni này thuộc về Truyền Thừa Drukpa, truyền thừa Phật giáo Kim Cương Thừa được lãnh đạo bởi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, một bậc Thượng sư có tư tưởng rất hiện đại. Ngài nói “Phụ nữ, ngay cả chư Ni luôn bị coi là phái yếu. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi định kiến này.”

 

Múa rồng là loại hình nghệ thuật đòi hỏi rất cao về sức khỏe cũng như kỹ năng võ thuật. Hơn 10 người biểu diễn điều khiển một chú rồng sặc sỡ bằng vải. Họ phải liên tục chạy, nhảy để chuyển động của chú rồng được thần thái, uyển chuyển sống động. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng cả một màn múa.


(Ni sư tại tự viện Druk Amitabha đang luyện tập múa rồng để chuẩn bị cho màn trình diễn)

Truyền Thừa Drukpa với gần 1000 năm lịch sử, còn gọi là Truyền thừa Thiên Long Giác Ngộ dựa trên nền tảng triết lý Phật giáo Đại Thừa. Truyền thừa này hiện nay là quốc giáo của vương quốc Bhutan và có Phật tử ở khắp nơi trên thế giới.

 

Theo truyền thống, chư Tăng luôn được coi trọng và ở vị trí cao hơn chư Ni về thứ bậc. Cô Carrie Lee, Chủ tịch Live to Love, một tổ chức phi chính phủ do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thành lập, cho hay: “Chư Ni luôn bị áp đặt định kiến rằng họ có vai vế thấp hơn chư Tăng và phải tịnh hóa rất nhiều để có thể được tái sinh làm Tăng - thân trượng phu tướng và đạt được giác ngộ.” Điều này giờ đây đã thay đổi. Sư Ni không chỉ được hướng dẫn võ thuật và múa rồng mà cả những kỹ năng xã hội cơ bản, được phép thực hành các pháp tu cao cấp trước đây vốn chỉ dành cho chư Tăng. Các sư Ni tại tự viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu, Nepal tự mình quản lý một căng tin, quầy phát hành đồ pháp khí, lưu niệm và nhà khách.

 

(Một buổi luyện tập kung-fu của Ni sư tự viện Druk Amitabha)
 

Các sư Ni bắt đầu một ngày mới từ 4h sáng với một bài kung-fu và họ nói bài luyện tập thể chất này giúp họ vững vàng đối mặt với công việc vất vả trong một ngày: thực hành nghi quỹ Mật thừa, vũ điệu Kim cương, thiền định, học ngữ pháp tiếng Tạng, Phật Pháp, tiếng Anh và sử dụng máy tính. Ngoài ra họ cũng làm những công việc thường ngày như quét dọn tự viện.

 

Tất cả bắt đầu kể từ khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa viếng thăm đất nước Việt Nam vào năm 2008 và chứng kiến chư Ni Truyền thừa Drukpa Việt Nam tập võ. Ngài quyết định đưa võ thuật vào chương trình hàng ngày của tự viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu. Đức Pháp Vương đã mời các võ sư và mười sư Ni Tây Thiên, Việt Nam sang Nepal để giới thiệu chương trình luyện tập cho ni chúng tại tự viện. Đến nay, khoảng 300  sư ni tuổi từ 14 đến 22 ở hai chi nhánh của tự viện tham gia luyện tập võ thuật hàng ngày.

 
(Một buổi luyện tập kung-fu của Ni sư tự viện Druk Amitabha)
 

Ngài Jetsunma Tenzin Palmo, một bậc Ni trưởng chứng đắc xuất thân là một nữ thủ thư người Anh, người thành lập ni viện Dongyu Gatsal Ling ở Kangra, Himachal Pradesh, phát biểu: “Thái độ của cộng đồng đối với sư ni đang dần thay đổi và mọi người đã bắt đầu coi trọng khả năng của nữ giới.” Sư ni rất lạc quan về sự thay đổi tích cực trong lối sống của họ mà võ thuật đem tới. Sư cô Jigmet Tontam Wangmo đã học võ được bốn năm và nay đã trở thành người huấn luyện cho các sư ni khác.

 

Một sư ni khác, Jigmet Migyur Palmo nói “Võ thuật giúp chúng tôi hoạt bát, cam đảm hơn và chúng tôi gần như không ốm vặt nữa. Trước khi xuất gia, tôi cũng đã muốn học võ sau khi xem phim của Jackie Chan”. Sư cô Jigmet Konchok Wangmo, một người Ladakh ở ni viện Shey nằm ngay sau trường Bạch Liên Hoa nói: “Võ thuật sẽ giúp chúng tôi tự tin và có thể tự vệ khi cần thiết”.

 

“Ở vùng đất hẻo lánh này của Ấn độ, sư ni Drukpa đã vượt lên trên những nghĩa vụ thông thường, xa hơn rất nhiều so với sư ni của các truyền thống khác” ông Chandramouli Basu, giám đốc sản xuất bộ phim tư liệu với tiêu đề “ Sư Ni Luyện Tập Võ Thuật” (Kungfu Nuns) đã nói. Bộ phim này đã được trình chiếu trên kênh BBC.


(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và các Ni sư tự viện Druk Amitabha)

Những năm gần đây, người ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh đoàn sư Ni trong các chuyến thăm giảng pháp của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ở nước ngoài, điển hình là tại Việt Nam và Đài Loan (năm 2011) với sự tham gia của 108  sư ni. Ngài hy vọng những chuyến đi này sẽ giúp “nâng cao sự tự tin trong cộng đồng nữ hành giả.” Còn với sư ni, họ cũng có thêm một mục tiêu: trở thành võ sư huấn luyện võ thuật trong tự viện để lợi ích bản thân và nhiều nữ hành giả khác
 

Theo Telegraph Magazine

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,618
Số người trực tuyến: