Bạn đang ở đây
Bạn trao tặng gì cho thế hệ tương lai?
Ngày 22/7, bất chấp trời mưa to và đường đất xa xôi, gần 300 em học sinh từ 4 trường tiểu học và hơn 250 thầy cô giáo từ 46 trường tiểu học và mầm non thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã đến tham dự ngày tập huấn “Kỹ năng tự vệ và phòng chống xâm hại trẻ em”.
Đây là lần đầu tiên ngày tập huấn “Kỹ năng tự vệ và phòng chống xâm hại trẻ em” được tổ chức tại Cà Mau, do CLB Tuổi trẻ Thăng Long (YDA Việt Nam), Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện U Minh và Trung tâm Ứng dụng Tâm lý Hồn Việt phối hợp thực hiện.
YDA Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển dự án này tại Cà Mau bằng cách cho in tài liệu, tờ rơi, cô đọng lại kiến thức giảng của ThS Nguyễn Thị Tâm thành bộ giáo án dành riêng cho người lớn và trẻ nhỏ.
Theo UNICEF, trong 5 năm qua, có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam, nghĩa là cứ 8 giờ trôi qua lại có một bé bị xâm hại. Đặc biệt, trẻ nhỏ ở vùng sâu vùng xa nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lạm dụng do thiếu thông tin hiểu biết. Mới đây, Công an huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đang điều tra làm rõ hai vụ xâm hại trẻ em trong cùng một ngày xảy ra tại xã Đất Mũi (theo thông tin đăng tải trên Báo Dân Trí, ngày 1-6).
Trước tính chất nghiêm trọng của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ, dù trời mưa to và đường đất xa xôi nhưng Hội thảo vẫn thu hút gần 300 em học sinh từ bốn trường tiểu học và hơn 250 thầy cô giáo, các anh chị phụ trách đội từ 46 trường tiểu học và mầm non thuộc huyện U Minh đến tham dự.
Đại diện Phòng Giáo dục huyện cho biết, với sự hỗ trợ từ YDA Việt Nam, lần đầu đơn vị tổ chức thành công một chuyên đề đào tạo, phổ biến kiến thức chuyên sâu về “Kỹ năng tự vệ và phòng chống xâm hại trẻ em” với giáo trình giảng dạy được nghiên cứu biên soạn chuyên biệt dành cho từng nhóm học viên trẻ em và người lớn.
Tại khóa học này, những kiến thức và kỹ năng căn bản trong hai bộ “Quy tắc 5 ngón tay”, “Quy tắc đồ lót” được trình bày sinh động, dễ nhớ, thu hút sự tìm hiểu của trẻ, giúp các em biết cách tự vệ, phòng ngừa kẻ xấu lạm dụng.
Như ThS Tâm phân tích: Đối tượng xấu có thể là hàng xóm, là họ hàng người thân dụ dỗ các em bằng cách cho quà bánh, bằng hành vi âu yếm khiến nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng con không thể bị đưa vào “chuyện người lớn”.
Chính sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trong việc bảo vệ con cũng khiến trẻ trở thành nạn nhân. Đa số phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, ngay cả tại các huyện lân cận TP Hồ Chí Minh như Nhà Bè, Bình Chánh..., cũng chưa có nhận thức đúng đắn, đánh giá mức độ quan trọng của vấn đề xâm hại đối với cuộc đời của con em mình.
Trẻ em khi bị xâm hại phải chịu sang chấn tâm lý mạnh, tật nguyền về tinh thần. Các em bị rơi vào mặc cảm tội lỗi, thấy mình không có giá trị, tự ti về bản thân nên rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại tiếp theo. Nghiêm trọng hơn, khi lớn lên, các em không dám quan hệ với người khác giới, đánh mất niềm tin cuộc sống, buông xuôi cuộc đời phụ thuộc vào các chất gây nghiện (ma túy, sex) và dễ trở thành gái mại dâm...
Cô giáo Nguyễn Ngọc Thu, Trường mẫu giáo Hoa Ngọc Lan (xã Hưng Thuận) chia sẻ: “Do trẻ mầm non còn quá nhỏ chưa thể hiểu hết nội dung chương trình nên chúng tôi tập trung vào hướng dẫn cha mẹ. Chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để truyền thông kiến thức tiếp thu được từ diễn đàn tới phụ huynh”.
Thầy giáo Nguyễn Trí Thức, Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Khánh Hội): “Vào năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ dành thời gian chào cờ đầu tuần để phổ biến kiến thức. Sau đó, chúng tôi sẽ giao về cho giáo viên chủ nhiệm tổ chức các buổi nói chuyện dành cho học sinh và ban phụ huynh. Mô hình này sẽ được phổ cập trong toàn trường”.
Để hỗ trợ khối nhà trường, YDA Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển dự án này tại Cà Mau bằng cách cho in tài liệu, tờ rơi, cô đọng lại kiến thức giảng của ThS Nguyễn Thị Tâm thành bộ giáo án dành riêng cho người lớn và trẻ nhỏ.
“Mong muốn của chúng tôi là phổ cập kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho tất cả học sinh vùng khó khăn địa đầu Tổ quốc”, Chủ nhiệm YDA Việt Nam, Phạm Khắc Hà cam kết.
(Một thư viện được thành lập tại trường học)
(Món quà khích lệ các em có thành tích học tập tốt)
Viết bình luận
- 175 reads