Không tin vào cõi Tịnh Độ là một đại chướng ngại cho con đường giải thoát giác ngộ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Không tin vào cõi Tịnh Độ là một đại chướng ngại cho con đường giải thoát giác ngộ

2435
05/05/2023 - 22:47

Cõi Tịnh Độ có thật hay không ?

 

Có nhiều tư tưởng và lời dạy sai về ý nghĩa vãng sinh Tịnh Độ, có người khẳng định rằng không có cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, của đức Phật A Súc Bệ hay thập phương, mười phương Tịnh Độ đều không có. Họ cho rằng chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không giảng về pháp môn Tịnh Độ mà pháp môn Tịnh Độ do tự sau này đặt lên chứ không có cõi Tịnh Độ nào cả, lập lên cõi Tịnh Độ chỉ để lừa dối người khác. Đó là tư tưởng tà kiến cho rằng đức Phật chỉ dạy Tứ diệu đế, và không dạy gì hơn ngoài Tứ đế, làm cho hàng triệu Phật tử bị mê mờ. Nếu chúng ta có những loại tà kiến như vậy, không tin vào cõi Tịnh Độ, không tin vào giáo pháp của đức Phật thì đây là một đại chướng ngại cho con đường giải thoát và giác ngộ.
 

Đức Phật A Di Đà
 

Có rất nhiều loại tà kiến như vậy. Nhưng đối với những người Phật tử có đức tin sâu sắc thì những tà kiến ấy không gây ảnh hưởng cho họ. Dù họ nghe nói rằng không có cõi Tịnh Độ thì đức tin của họ rất là chắc chắn, không thay đổi cho nên họ không nghi ngờ gì cả và không gặp chướng ngại nào khi bị nghe những tà kiến như vậy. Còn chúng ta là những người thường, có đức tin rất là mỏng manh, dễ giao động. Khi chúng ta nghe những lời khuyên, đặc biệt từ những vị nổi tiếng v.v… chúng ta sẽ thấy lòng mình giao động. Và chính sự giao động này trở thành độc tố vô cùng nguy hiểm, và nó sẽ giết chết đức tin của chúng ta. Khi chúng ta nghe rằng không có cõi Tịnh độ, chúng ta tin theo, nghe nhiều người nói rồi nghe những bậc thầy nổi tiếng nói, chúng ta tin theo và đây là đức tin sai lầm, gọi là độc tố.
 


Cảnh giới Tịnh độ Tây phương Cực Lạc
 

Những độc tố này sẽ ăn vào tủy, vào não của chúng ta và trở thành một trong những chướng ngại lớn khiến chúng ta không thể thực hành pháp tu chuyển di tâm thức. Và nếu đã có nghi ngờ như vậy thì dù chúng ta có thể thực hành cả năm cả tháng cũng vẫn không đạt đến kết quả. Bởi vậy, đức tin sâu sắc là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Bản chất tinh túy của đức Phật A Di Đà

 

Tất cả những điều nghi ngờ tà kiến vừa rồi không phải chỉ là chướng ngại riêng cho người thực hành pháp tu chuyển di tâm thức mà nó còn là chướng ngại cho toàn bộ hành giả tu tập theo Đại Thừa. Bởi khi không tin có cõi Tịnh Độ, chúng ta hủy báng Đại Thừa, hủy báng giáo pháp của đức Phật, nền tảng căn bản của Đại Thừa. Tinh túy của Đại Thừa chính là bồ đề tâm. Bồ đề tâm tức là gồm cả trí tuệ và từ bi, sự hiểu biết. Nói về trí tuệ chúng ta cần tin chắc vào bản chất của vạn pháp vốn là Pháp tính, vốn là tính Không, là sự hợp nhất giữa sắc và không, và cần phải trưởng dưỡng đức tin sâu sắc như vậy, sự hiểu biết như vậy. Đấy cũng là một phần của bồ đề tâm.
 


Đức tin vào tính không hay còn gọi là tính Phật, tức là tin chắc rằng vạn pháp luôn luôn ở trong trạng thái hợp nhất của có và không. Lấy ví dụ như khi chúng ta nhìn thấy cái cột, mắt phàm chúng ta nhìn thấy cái cột này chắc thật, nhưng đức Phật thấy rõ cột đang hiện hữu một cách tùy duyên, do nhân duyên đầy đủ cột đang có, nhưng khi nhân duyên tan hoại cột trở về không. Vậy thì bản chất của cột vốn là không, tùy duyên mà hiện có. Trong Bát Nhã Tâm kinh gọi là “Sắc tức là không”. Đó là sự hợp nhất giữa không và sắc, chính là bản chất tinh túy của đức Phật A Di Đà. Như vậy bản chất tinh túy của đức Phật A Di Đà chính là trí tuệ để nhận ra được thực tại tuyệt đối giữa sự hợp nhất của tất cả các pháp.
 


 

Chúng ta thấy được cái này có mặt trong cái kia, tất cả vạn pháp tùy duyên hiển hiện trên hình tướng và sắc, và bản chất tùy duyên tan biến gọi là không, chân không mà diệu hữu. Đó chính là trí tuệ của bồ đề tâm. Chúng ta đừng hiểu rằng bồ đề tâm chỉ là tình thương yêu hướng về chúng sinh, chỉ là thiện hạnh mà bồ đề tâm cần phải dựa trên nền tảng căn bản của trí tuệ. Trí tuệ và từ bi đó chính là tinh túy của đức Phật A Di Đà. Trong kinh điển Đại Thừa giới thiệu về đức A Di Đà chính là giới thiệu về bản chất phật tính của tất cả chúng sinh, của tất cả vũ trụ. Khi chúng ta nhận ra được tính không, bản chất của sự hợp nhất của tất cả vạn pháp trong vũ trụ chúng ta nhận ra được đó là tịnh độ, đó là đức Phật A Di Đà. Bởi vậy khi thực hành tất cả pháp tu về đức Phật A Di Đà chính là chúng ta đang dần trở về với Phật tính của mình hay cũng là tinh túy của đức Phật A Súc Bệ, đức Phật A Súc Bệ hay tất cả các đức Phật trong Ngũ trí Như lai đều đồng một bản chất là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ.
 


 

Sự nghi ngờ tà kiến là vô cùng nguy hiểm

 

Nếu chúng ta có sự nghi ngờ về đức Phật A Di Đà, cõi Tịnh Độ của Ngài, chúng ta sẽ nghi ngờ về cõi Tịnh độ của đức Phật A Súc Bệ hay đức phật Bất Không Thành Tựu, đức phật Bảo Sinh hay ngũ trí Như lai, chúng ta nghi ngờ và rồi chúng ta cũng nghi ngờ về chính hiện hữu mà chúng ta đang sống, chúng ta không có đức tin về chính cuộc sống mà chúng ta đang sống, không tin về tất cả vạn pháp hiện hữu chúng ta đang sống. Và như vậy sự tà kiến ấy trở thành một độc tố hủy hoại toàn bộ giáo pháp của Đại Thừa, hủy hoại toàn bộ giáo pháp của đức Phật. Bởi vậy, những sự nghi ngờ tà kiến là vô cùng nguy hiểm phải được loại trừ trước khi chúng ta thực hành bất kỳ một pháp tu nào.

 

(Trích bài khai thị của Đức Pháp Vương tại Tịnh Thất Tây Thiên)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,141,055
Số người trực tuyến: