Bạn đang ở đây
Tại sao cần thực hành quán tưởng trong Kim Cương Thừa?
Tại sao chúng ta cần phải quán tưởng? Có những người còn tự hỏi lợi ích của việc quán tưởng là gì? Có phải là thật đâu, tôi chỉ quán tưởng ra thôi, vậy thì lợi ích là gì?
Trước hết, bạn cần phải hiểu rằng Toàn bộ cõi luân hồi này hiện hữu đều do sự phóng chiếu chấp trước mà ra. Chúng ta vẫn luôn phóng chiếu ra mọi thứ để rồi bám chấp và khổ đau vào kết quả của sự phóng chiếu đấy.
Nếu bạn đã rất thuần thục trong sự thực hành, tức là đã trải qua một quá trình công phu tu tập - bạn có thể chỉ cần an trụ trong tự tính tâm, an trụ trong tính không và rồi bản chất của vạn pháp sẽ tự nhiên hiển lộ. Thế nhưng vào lúc này, hành giả sơ cơ như chúng ta không thể làm như vậy. Chúng ta chỉ cần ngồi như thế này và tự kiểm soát để tâm mình không lang thang khắp mọi nơi cũng đã là điều vô cùng khó khăn. Đó chính là nguyên nhân tại sao Kim Cương thừa lại có rất nhiều phương tiện thiện xảo. Ví dụ như thực hành quán tưởng buộc bạn sẽ phải tập trung, phải đào luyện tâm thông qua những thứ lớp tiến trình và cách thức thiện xảo. Theo cách này bạn sẽ tự rèn luyện để kiểm soát và nhận thức tâm mình. Trong Kim Cương thừa, nhờ vào quán tưởng chúng ta có thể có được sự định tâm, định ở đây có nghĩa là khả năng tập trung vào một chủ điểm. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, cho dù còn có vô số nguyên nhân sâu xa liên quan tới sự quán tưởng, song lúc này vì chúng ta còn đang có nhiều khái niệm về cái đẹp, xấu,… và vô số khái niệm nhị nguyên như vậy, nên thông qua quán tưởng, bằng cách quán rằng tất cả mọi thứ đều thanh tịnh, rằng cõi này là cảnh giới Tịnh độ, mọi Bậc Thầy đều là Phật, hết thảy Tăng Già là chư Bồ Tát, đất nước này cũng là cõi Tịnh độ, mọi quán tưởng của chúng ta đều hướng tới sự thanh tịnh vô nhiễm. Sở dĩ chúng ta hướng tới sự thanh tịnh vô nhiễm là vì nếu như không có những khái niệm nhị nguyên, chúng ta sẽ không phân biệt xấu đẹp, khen chê. Tất cả mọi thứ vốn hoàn hảo tự nhiên. Xấu hay tốt là do khái niệm ngụy tạo!
Như vậy, việc quán tưởng giúp bạn hiểu ra rằng nếu như không phải do sự tạo tác của chúng ta thì vạn pháp vốn tự nó đã hoàn hảo và toàn thiện. Chính vì vậy nên trong truyền thống Kim Cương thừa, việc tôn kính Thượng sư là Đức Phật là điều vô cùng quan trọng. Bởi nếu bạn muốn hiểu được chân lý tuyệt đối và bản chất tuyệt đối của tâm bạn, bạn cần phải quán tưởng bằng trí tuệ bất nhị.
(Cảnh giới Tây Phương Cực Lạc)
Một trong những phẩm chất quan trọng là bạn cần phải quán tưởng hình ảnh giống như bóng ảnh phản chiếu trong nước, giống hệt như cầu vồng. Phẩm chất của cầu vồng và bóng ảnh là không có thực cho dù vẫn thị hiện. Tương tự như vậy, đẹp xấu hay đau khổ hạnh phúc vốn không thực sự hiện hữu, chỉ do nhân duyên mà thị hiện ra. Như vậy phần hiện hữu được gọi là chân lý tương đối. Phần không hiện hữu được gọi là chân lý tối thượng. Điều đó để hiểu ra rằng vạn pháp dù thị hiện nhưng đều không có thật, không thực hữu nhưng vẫn thị hiện.Bạn sẽ thấy nếu tâm không tạo tác, không chấp nhận cũng không chối bỏ các niệm khởi lên thì chúng sẽ tan biến trở lại vào bản chất tự nhiên, giống như sóng hòa tan vào biển. Khi bạn cảm thấy sân giận, buồn bã hay hạnh phúc, thay vì bám chấp, quan niệm, tưởng tượng, hay cảm thấy hạnh phúc, hãy để mặc những cảm xúc này với tự tính của nó, rồi nó sẽ tan biến và quay trở về với tự tính, bất kể đó là sự giận dữ hay xúc tình nào khác. Nếu bạn không tạo tác, mọi thứ đều sẽ hoàn hảo, đều ổn cả.
(Trích ấn phẩm "Bản tôn, chân ngôn, trí tuệ Kim Cương Thừa" - Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)
- 2325 reads