“Cái Tôi” thực sự đang chi phối chúng ta như thế nào? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

“Cái Tôi” thực sự đang chi phối chúng ta như thế nào?

240
13/06/2021 - 06:08

Bất cứ điều gì “cái Tôi” thôi thúc, bạn đều phục tùng theo nó. “Cái Tôi” hay bản ngã mạnh mẽ đến mức bạn là nô lệ cho nó trong mọi lúc; bất cứ khi nào bản ngã lên tiếng là bạn phải chạy theo… Thế đấy! Bạn không bao giờ biết mình đang đi đâu, nhưng vẫn cứ chạy theo, mặc dù điều đó làm bạn mệt mỏi, song bạn vẫn chạy theo dòng chảy của các ham muốn, bị thúc đẩy bởi “cái Tôi” một cách mơ hồ và vô định. Bạn cứ tiếp tục chạy theo mãi bởi bản ngã vẫn không ngừng lên tiếng và cuối cùng bạn quá mệt mỏi, rồi kiệt sức hoàn toàn. Không chỉ có vậy, bạn còn sống cùng với cảm xúc sợ hãi, vì thế trong bạn không có sự tự do vô úy, không có trạng thái tự do,  không có hạnh phúc thực sự và chân thật.

Tất cả mọi điều bạn làm chỉ là phục tùng “cái Tôi”

Nếu không có được tự do này, bạn sẽ không thể đạt đến vô úy, không thể đạt đến hạnh phúc đích thực mà vô úy lẽ ra đã mang lại cho bạn. Nhưng khi thiếu cảm giác vô úy, bạn có thể tìm cầu được hạnh phúc đích thực ở đâu? Thực ra, tất cả chúng ta đều đang mưu cầu hạnh phúc,  từ những hành giả tâm linh, những thương gia, phụ nữ, đến những kẻ lang thang, tất cả chúng ta. Mọi người thảy đều mong muốn có được hạnh phúc; đều tìm cầu hạnh phúc, nhưng chúng ta đang không có hạnh phúc đích thực.

Các bạn hãy tự suy xét xem thực sự mình đang có hạnh phúc đích thực hay không. Tôi không thể trả lời  thay cho các bạn bởi mỗi người chúng ta là một trường hợp riêng. Chúng ta có những khái niệm khác nhau, những cảm giác khác nhau, những trải nghiệm khác nhau theo cách riêng của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta hiếm khi có hạnh phúc đích thực. Bởi vậy, chúng ta luôn sân giận chính vì chúng ta không có hạnh phúc đích thực.

Bởi luôn sợ hãi nên chúng ta không có chân hạnh phúc

Nỗi sợ hãi cứ luôn hiện hữu mà căn nguyên của nó là do “cái Tôi” của chính chúng ta. Hết nỗi sợ hãi này đến nỗi sợ hãi khác, nỗi sợ hãi này gây ra nỗi sợ hãi kia giống như một chuỗi dài bất tận. Chúng ta đang tìm cầu hạnh phúc, nhưng chúng ta tìm cầu mà không biết sự sợ hãi và “cái Tôi” thực sự đang chi phối chúng ta như thế nào.

Nhiều người có thể nghĩ những gì được chia sẻ phía trên thuộc phạm trù tôn giáo, nhưng sự thực không phải như vậy, quan niệm đó là một sai lầm lớn. Chính bản thân tôi cũng không thực sự là người theo tôn giáo, thành thực mà nói tôi không muốn trở thành một người ràng buộc cố chấp vào tôn giáo. Có thể tôi có một tôn giáo, nhưng cá nhân tôi thích mình không chấp thủ vào tôn giáo. Tôi xin đảm bảo với các bạn về điều này. Tôi không bao giờ đề cao sự bám chấp vào tôn giáo, tại sao tôi phải làm như thế chứ? Người ta cứ nghĩ rằng, khi bạn nói về vô minh và cho nó là nguyên nhân của thứ này hay thứ khác thì đó là tôn giáo, nhưng thực chất không phải vậy.

Sự chấp thủ theo kiểu tôn giáo

Chúng ta thường nghĩ về tôn giáo như một đối tượng bên ngoài rất kiên cố. Ví dụ như nếu có thứ này thì nhất thiết phải có một thứ khác tạo ra nó, giống như việc tin vào sự tồn tại của Chúa trời là đấng tạo ra hạnh phúc, muốn có hạnh phúc bạn phải làm hài lòng Chúa trời. Hoặc bạn nghĩ tới người được gọi là Đức Phật và bạn cho rằng sẽ phải làm Ngài hoan hỷ, làm Ngài hạnh phúc, khi đó Ngài sẽ ban gia trì hạnh phúc cho bạn. Đó là sự chấp thủ theo kiểu tôn giáo, nếu bạn nghĩ như vậy thì điều này sẽ chỉ nhân đôi những rắc rối chướng ngại của bạn lên mà thôi.

Tôi đang đàm luận về những trải nghiệm của chính mình, những suy nghĩ, quán chiếu của chính mình chứ không phải của người khác. Những rắc rối phiền nhiễu sẽ tăng gấp đôi nếu tôi cứ tin rằng Đức Phật đang chú ý đến mình, Ngài phải chịu trách nhiệm khi tôi không hạnh phúc, khi đó tôi phải đổ lỗi cho Ngài. Tôi bất hạnh tới mức đã đổ hết lỗi cho Ngài, điều này có nghĩa là tôi đang gặp rắc rối lớn. Tôi đang ở đây, mong chờ Ngài gia trì một điều gì đó, và thậm chí đôi lúc si mê tới độ tôi nghĩ có lẽ nhờ có Đức Phật mà tôi đang có khoảng thời gian đẹp đẽ này, có được một mẩu bánh, một tách trà thơm hay một thứ gì đó đại loại như vậy.

Bạn phải tự trưởng dưỡng tất cả mọi điều

Nhưng khoảng thời gian hạnh phúc mà bạn đang có không phải do Đức Phật từ bi gia trì mà chính là phụ thuộc vào bạn, người đang pha tách trà ngon đó hay đang làm việc này việc nọ. Đó chính là nhờ vào nghiệp của bạn; ở đây chúng ta sử dụng từ nghiệp. Nghiệp chính là luật nhân quả. Khi bạn làm một điều gì đó và kết quả đến từ những hành động bạn đã làm, đó là nghiệp.

Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy rằng, bạn phải tự trưởng dưỡng tất cả mọi điều; bất kể thứ gì bạn muốn, bạn phải tự tạo ra nó. Ngài dạy: “Ta ở đây với tư cách là một người hướng đạo, chỉ cho các con thấy những gì đang xảy ra và chỉ như vậy thôi.” Ðó là những huấn từ quý giá và chân chính của Ngài tới tất cả chúng ta. Bởi vậy, điều cốt yếu tôi vừa bàn tới là chúng ta nhất thiết phải thấu hiểu bản ngã. Bất luận bạn có phải là một người mộ đạo, một triết gia, một hành giả, một Phật tử hay chỉ là một người vô thần, bất luận là gì đi nữa thì bạn phải tin rằng “cái Tôi” chính là căn nguyên của những rắc rối chướng ngại.

Tôi nghĩ rằng thấu hiểu vấn đề này là vô cùng trọng yếu với tất cả mọi người. Nếu như bạn đã yên tâm và vững tin rằng bạn đã thấu hiểu “cái Tôi”, thấu hiểu nó vốn không phải là chướng ngại, thì khi đó hai sự hiểu biết chân thực này đã đến độ chín muồi. Tới lúc đó, hết thảy mọi sự sẽ được viên mãn. Còn nếu không, trước hết bạn phải thấu hiểu “cái Tôi” bởi vì nó là nguyên nhân tạo ra tất cả mọi vấn đề phức tạp. Bạn không được có cảm xúc thù hận khi nhìn nhận về “cái Tôi”, bởi hận thù thực chất không bao giờ tốt đẹp, nó tạo ra gấp đôi những chướng ngại phiền nhiễu trong cuộc sống.

(Lược trích ần phẩm: “Vô úy trong thời mạt pháp”

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,121,089
Số người trực tuyến: