Bạn đang ở đây
Khi nhận ra “cái Tôi” không bền chắc, bạn sẽ không bị cảm xúc chi phối
Một cách khái quát thì vô minh khởi xuất từ bản ngã, mà bản ngã chính là “cái Tôi”. Quan niệm về “cái Tôi” rất kiên cố, phô trương và luôn tồn tại, nhưng thực chất chúng ta không biết “cái Tôi” đó núp dưới hình thức nào. Chúng ta không biết nhìn nhận nó một cách khoa học. Theo quan điểm tôn giáo, tôi cho rằng chưa từng có ai tìm thấy được “cái Tôi”, thế nhưng mỗi chúng ta vẫn có “cái Tôi” vô cùng mạnh mẽ. Phải chăng đây chính là vấn đề - chính là kẻ gây nhiễu loạn vốn là chủ đề bàn luận của chúng ta?
Đúng vậy, đây là vấn đề chính mà chúng ta đang bàn luận. Bởi vì quan niệm về “cái Tôi” mang tới tất cả các loại cảm xúc, không chỉ cảm xúc thông thường mà còn cả những phiền não. Tôi không biết sự khác nhau giữa chúng nhiều hay ít, nhưng tôi phải nói rằng bản thân cảm xúc thì không có gì là xấu, nó là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành chướng ngại nếu là cảm xúc phiền não, bởi nó mang đến những khổ đau mà chúng ta hoàn toàn không mong đợi. Và khi đó, sự sợ hãi tất yếu sẽ hiển diện. Bản thân cảm xúc thì không sao vì nó không bị chi phối bởi “cái Tôi” (hay “Bản ngã”, nếu bạn thích dùng từ này để thay thế).
“Cái tôi” là ông hoàng ngự trị cuộc sống của chúng ta
“Cái Tôi” mạnh mẽ, hào nhoáng vô cùng và nó đang là ông hoàng ngự trị cuộc sống của chúng ta. Tôi lấy ví dụ như, chúng ta cứ suy nghĩ: “Tôi muốn điều này, tôi cần người này để mang lại cho mình hạnh phúc, tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia…”. Ý niệm về “cái Tôi” thật là kiên cố!
Nếu bạn không có hình ảnh kiên cố về “cái Tôi” thì trong cuộc sống của mình, bạn vẫn có thể có cách khác để nói: “Tôi muốn cái này, tôi cần cái kia…”, nhưng bạn lại không cảm thấy đau khổ; sự tham muốn cũng ở đó nhưng không có cảm xúc đau đớn hay sợ hãi. Ví dụ như tôi muốn đến một nơi, nhưng nếu không thể bởi một lý do nào đó, tôi sẽ không lo lắng, nuối tiếc hay đau khổ. Ðiều này xảy ra bởi vì tôi nhận thức được rằng “cái Tôi” là không bền chắc, mặc dù tôi đã sử dụng thuật ngữ “cái Tôi” và có hình ảnh về “cái Tôi” của chính mình đang hiện hữu, đang đi đâu đó, đang cần thứ này, thứ kia… hay đang có một tham muốn nào đó.
Tôi có tham muốn bởi nếu không có tham muốn thì không có cuộc sống, và nếu vậy thì có nghĩa chúng ta đang không tồn tại. Vì vậy, khi ta hoan hỷ sống ở đây, trong thế giới này, thì ta phải có cảm xúc để tiếp tục sống và cảm xúc thực chất là ái dục.
Giáo lý đã dạy rằng, cõi mà chúng ta đang sống là dục giới. Vì vậy, chúng ta không thể tránh được nó, không thể tránh được sự tham muốn. Sự tham muốn luôn hiện hữu ở mọi nơi và thúc đẩy chúng ta hành động: Bởi vì tham muốn nên tôi có nhu cầu tới đó; bởi vì tham muốn nên tôi cần uống nước; bởi vì tham muốn nên chúng ta đang ở đây. Tối nay tất cả chúng ta ở đây chẳng phải vì một tham muốn nào đó hay sao?... Những điều trên có gì sai trái chăng? Việc chúng ta có tham muốn là sai sao? Không, xin thưa không có gì sai trái cả.
Theo quan kiến Phật giáo, những si mê, phiền não thông thường của con người như tham ái khi không được nhận ra và chuyển hóa thì cảm xúc tiêu cực này sẽ là chướng ngại và mang đến khổ đau. Ngược lại, nếu biết cách tận dụng những xúc tình đó để chuyển hóa thành trí tuệ, nó sẽ trở nên rất có ích và là chất xúc tác mạnh mẽ trên con đường đạo.
(Nhóm DPVN biên soạn)
- 136 reads