Nguồn gốc tên gọi Truyền thừa Drukpa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nguồn gốc tên gọi Truyền thừa Drukpa

2760
25/06/2021 - 06:08

(Thánh địa Namdruk, tự viện đầu tiên của Truyền thừa Drukpa)

 

Truyền thừa được mệnh danh Drukpa bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, khi Đức Quan Thế Âm Đại Từ Đại Bi hóa thân vào vùng Himalaya làm đại đệ tử của Đại thành tựu giả Lingchen Repa.

Đấng tôn quý có hồng danh là Drogon Tsangpa Gyare (1161-1211), trong tiếng Tạng có nghĩa là “Bậc Hộ trì chúng sinh” (Drogon), “đản sinh tại vùng Tsang”  (Tsang),  “trong một bộ tộc cao quý” (Gya);  “hành giả Yogi áo vải” (Re). 

Cách đây hơn 800 năm, khoảng năm 1206, theo lời huyền ký từ thượng sư của Ngài là Đức Lingchen Repa (1128-1188), Đức Drogon Tsangpa Gyare Yeshe Dorje, Đức Phật Đại Bi, đã đi tìm thánh địa để xây tự viện tại vùng Nam-gyi Phu gần Lhasa. Tương truyền, khi vừa đến địa điểm này, Ngài đã nhìn thấy chín rồng thiêng, hiện thân của các đại thành tựu giả Ấn Độ, từ dưới đất cuộn mình phi thiên trong tiếng rồng sấm vang rền. Trước điềm cát tường như vậy, Ngài Drogon Tsangpa Gyare liền đặt cho Truyền thừa mệnh danh là Drukpa, do đó cả Truyền thừa cùng các đệ tử của Truyền thừa đều được gọi là  Drukpa. 

Đức Drogon Tsangpa Gyare đặt tên cho tự viện xây dựng tại Thánh địa đó là Namdruk, có nghĩa là “Thiên Long”, hay còn gọi là Namdruk Sewa Jangchub Ling, có nghĩa là “Thánh địa Tỉnh thức của Rồng thiêng giác ngộ”. Tất cả các đời hóa thân chuyển thế của Đức Drogon Tsangpa Gyare đều lấy danh hiệu là Gyalwang Drukpa và được ấn chứng là bậc lãnh tụ tâm linh tối cao của truyền thừa Drukpa.


Đức Pháp Vương đời thứ I Drogon Tsangpa Gyare

Đức Drogon Tsangpa Gyare có vô số đệ tử. Tại hai trụ xứ Tổ đình chính là Namdruk và Ralung, mỗi khi Ngài thuyết Pháp, thường có tới hàng chục nghìn hành giả vân tập để thụ nhận giáo pháp khẩu truyền thanh tịnh.

Đức Drogon Tsangpa Gyare đã ba lần yêu cầu các đệ tử phân chia đi khắp chốn để hoằng dương chính pháp. Mỗi lần như vậy, những đại đệ tử xuất chúng đã thành tựu thân cầu vồng lên cõi Devas (tiếng Phạn nghĩa là “chư thiên”), một số xuống cõi Nagas (tiếng Phạn nghĩa là “rắn trời”, tức loài Rồng) và một số tới các cõi nhân gian. Các đệ tử bậc trung đến Oddiyana, Shambhala, Sri Lanka, Serling hay “Đảo Vàng” (Sumatra), Sangling hay “Đảo Đồng” (Java), và những miền xa xôi khác. Số đệ tử còn lại trải khắp những miền đất từ Jalandhara ở Ấn Độ tới những miền địa đầu của Trung Hoa.

Nhờ vậy mà nền di sản tâm linh đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và phân thành nhiều nhánh:

- Ở miền Tây Himalaya, dòng Thượng Drukpa (tiếng Tạng là To Druk), chúng đệ tử nhiều như hằng hà sa số sao trên trời.

- Ở miền Đông Himalaya, dòng Hạ Drukpa (tiếng Tạng là Me Druk), chúng đệ tử nhiều như cây cối sống trên mặt đất.

- Ở miền Trung Himalaya, dòng Trung Drukpa (tiếng Tạng là Bar Druk), chúng đệ tử nhiều vô số. Chỉ riêng những bậc hành giả đạt thành tựu tâm linh thượng thừa, được tôn vinh là “Bảo cái tối thắng”, đã có tới hơn 2800 vị.

Một hôm, Đức Bản tôn Tối Thắng Kim Cương Chakrasamvara của Đức Drogon Tsangpa Gyare đã khải thị cho Ngài rằng trong hiền kiếp này Ngài sẽ thành tựu ngôi Chính Đẳng Chính Giác, Phật hiệu là Moepa.

Trong Cung Điện Bích Hồ tại thánh địa Tsari, Phật mẫu Vajra Yogini cũng huyền ký rằng Truyền thừa tâm linh của Ngài sẽ phát triển rực rỡ khắp mười phương.

Đúng như lời huyền ký, người dân Himalaya lưu truyền bài kệ cho thấy tầm ảnh hưởng của Truyền thừa Drukpa và sự hưng thịnh của chúng đệ tử tại Himalaya vào thời điểm ấy:

Dòng Drukpa Quang Vinh tối thắng

Đem chính Pháp trải khắp muôn nơi

Linh thứu sải cánh tận chân trời

Mười tám ngày không hề ngừng nghỉ.

Ngoài ra, còn lưu truyền câu ngạn ngữ rằng:

Một nửa người dân là đệ tử Drukpa.

Một nửa đệ tử Drukpa là hành giả Yogi.

Một nửa hành giả Yogi là đại Thành tựu giả.

Thậm chí vào thời mạt pháp ngày nay, Truyền thừa Drukpa vẫn thịnh vượng với khoảng một ngàn tự viện tại vùng Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Lahaul, Kinnaur, Nepal, Bhutan, Sikkim thuộc dãy Himalaya, và còn phát triển lan rộng đến rất nhiều quốc gia trên thế giới. Truyền thừa Drukpa tiếp tục hướng đạo cho hàng triệu chúng sinh trên khắp thế giới sống một đời sống trí tuệ, yêu thương và hoà hợp.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,141,058
Số người trực tuyến: