Tầm quan trọng của Truyền Thừa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tầm quan trọng của Truyền Thừa

4784
17/07/2022 - 16:12
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị
 
Truyền thừa xuất phát từ sự chứng ngộ. Không có cách nào để thiết lập Truyền thừa nếu không có sự chứng ngộ. Ví dụ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một bậc nắm giữ Truyền thừa vĩ đại của Truyền thừa Phật giáo. Tất cả những người nắm giữ truyền thừa đều giống như Đức Phật bởi vì tất cả các Ngài đều chứng ngộ sự hợp nhất của lòng đại từ bi và tính không. Lòng đại từ bi phải cần phải được thực hành nhậm vận một cách tự nhiên với Shunyata hay tính không để đạt được đại hợp nhất chứng ngộ rốt ráo.
(Cây Quy Y Phúc Điền Truyền Thừa Drukpa)
 

Giác ngộ tối thượng - sự chứng ngộ cứu kính được hỗ trợ bởi rất nhiều những phương tiện thiện xảo. Một trong số đó lòng đại từ bi là phương tiện hữu ích nhất cho sự chứng ngộ Đại Hợp Nhất. Do vậy đại từ bi là một trong những phương tiện thiện xảo vĩ đại nhất được biểu trưng bởi Đức Phật Quán Thế Âm – Avalokiteshvara. Truyền thừa chỉ tồn tại được với sự nâng đỡ của lòng đại từ bi, nếu không có Truyền thừa thì không có cách nào để đón nhận dòng ân phúc gia trì.

Chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu nếu thiếu lòng từ bi. Thậm chí ngay cả khi chúng ta có thể có hàng ngàn phương pháp thực hành thì nó chỉ giống như việc đi mua sắm ở các siêu thị. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đi mua Tantra và Mantra, đi khắp mọi nơi, thu lượm tất cả mọi thứ trong siêu thị.

Nếu không có lòng từ bi thì sẽ không có Truyền thừa. Chúng ta sẽ không nhận được sự gia trì của Truyền thừa nếu thiếu lòng từ bi, chứ không phải bởi vì thiếu sự chí thành hay sự thành kính tôn trọng Truyền thừa. Chỉ bởi vì chúng ta bỏ lỡ điểm cốt yếu là việc trưởng dưỡng, trau dồi tâm đại từ bi. Gia trì là một dạng của lòng đại từ bi. Đây là lý do tại sao mà chúng ta phải ngày đêm tinh tấn lỗ lực thực hành lòng đại từ bi. Đây là con đường tu tập trau dồi phát triển thực chứng trong bản thân chúng ta. Ví dụ, đức Phật, đức Long Thọ Bồ Tát và tất cả đại Yogi đều đạt chứng ngộ thông qua lòng đại từ bi.

Trong Truyền thừa của chúng ta, Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare là một hóa thân của Đức Phật Quán Thế Âm Avalokiteshvara. Điều này đã được ấn chứng rõ ràng bởi hơn một trăm xá lợi các hình ảnh thánh tượng khác nhau của Đức Phật Quán Thế Âm được phát hiện ra từ tro của Ngài sau lễ trà tỳ. Vì thế Truyền thừa Drukpa là Truyền thừa của tâm đại từ bi vô lượng. Đây là điều cốt tủy bạn nên thấu hiểu.

(Đức Pháp Vương đời thứ I - Tsangpa Gyare)

Mục đích của cuộc sống là gì? Tất cả hữu tình chúng sinh kể cả loài kiến, gián,…đều khát khao và mưu cầu hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và mục đích của cuộc sống chỉ có thể viên mãn thông qua sự nâng đỡ của việc chứng ngộ được lòng đại từ bi.

Lòng từ bi không nên bị hiểu lầm là một dạng của việc tha thứ hay thương hại tội nghiệp. Nó cao quý và ý nghĩa hơn như thế. Lòng đại từ bi cần tay trong tay đồng hành với tính không. Nó không chỉ là việc tha thứ hay việc không thực hiện bất kỳ một hành động gì vì sự yếu đuối; đó không phải là lòng từ bi nếu bởi vì không thể tha thứ, không phản ứng hay không làm bất cứ điều gì. Điều quan trọng là lòng từ bi phải được song hành với trí tuệ. Mặc dù sự tha thứ chỉ là một phần nhỏ trong phẩm chất này. Điều mà chúng ta cần ở đây là trí tuệ. Tha thứ với sự hiểu biết rốt ráo về Shunyata hay cốt tủy của tính không là chân từ bi. Nó không chỉ là hiện thân của sự yếu đuối. Ví dụ, nếu một thái độ tội nghiệp trỗi dậy khi chúng ta nhìn thấy sự khổ đau của đứa con trai hay của một người thân, điều này chỉ là một loại tình cảm phiền não được tạo ra bởi bản ngã của chúng ta. Nếu như sự thương hại tội nghiệp đến từ sự thấu hiểu được rằng, nỗi khổ đau của chúng sinh là do sự thiếu trí tuệ hiểu biết thì sự bi mẫn tội nghiệp đó là hợp nhất của đại bi và tính không - shunyata, và đó chính là tâm đại từ bi.

Ví dụ, nếu như Bậc thầy hiểu được chúng ta như một chúng sinh vô minh và đau khổ như là nhân quả, Ngài thương xót tội nghiệp chúng ta, đó là lòng từ bi. Nếu như một Đức Phật Quán Thế Âm hiểu được vô minh của chúng sinh là nguyên nhân đưa họ tới đau khổ và điều này làm tăng sự thương cảm trong Ngài thì đó là lòng đại từ bi.

Truyền thừa là vô nghĩa nếu nó chỉ đại diện bởi kích cỡ to nhỏ hay là số lượng của các tòa tự viện và số lượng tín đồ Phật tử. Thậm chí nếu như có một tòa tự viện hoành tráng nguy nga với hàng triệu tín đồ thì điều này cũng không đại diện nêu biểu cho Truyền thừa. Truyền thừa xuất phát từ sự chứng ngộ đại trí tuệ siêu việt.

Sự trọng yếu của Truyền thừa là gì? Truyền thừa sẽ hướng đạo dìu dắt chúng ta đến giải thoát khổ đau, đó là những công hạnh chính của tâm đại từ bi. Truyền thừa Drukpa đã đi theo con đường này và là điểm quan trọng để giữ cho Truyền thừa trường tồn vì lợi ích của hết thảy hữu tình chúng sinh.


(Lá cờ Truyền thừa Drukpa)

Trách nhiệm bổn phận của tất cả Tăng đoàn, Phật tử, bằng hữu và đệ tử của tôi là phải có một thái độ đúng đắn chân chính vì lợi ích của hết thảy chúng sinh để bảo trì mãi tâm đại từ bi, để giữ cho Truyền thừa thanh tịnh và phát triển, thành tựu.

Tại sao tôi dùng từ “thanh tịnh”? “Thanh tịnh” có nghĩa là khi bạn trải qua quá trình phụng sự cho Truyền thừa, điều này không nên bị pha trộn với những cảm xúc phiền não. Bạn không nên để những cảm xúc phiền não như kiêu ngạo, đố kỵ, sân giận…kiểm soát chi phối. Nó có thể dường như tạm ổn. Nếu như có những cảm xúc phiền não liên quan chi phối vào quá trình cống hiến thì hoặc phát triển Truyền thừa thì điều này sẽ ảnh hưởng tới Truyền thừa và sự thanh tịnh. Có một số người nắm giữ Truyền thừa họ nôn nóng cấp thiết muốn phát triển Truyền thừa của họ và muốn phá hủy truyền thừa của những giáo phái khác để thu nhập vào Truyền thừa của riêng mình hoặc để xóa Truyền thừa của người khác trên bản đồ lịch sử. Điều này là vô nghĩa! Việc vận động chính trị và tuyên truyền những điểm yếu của những Truyền thừa khác yếu hơn và việc viết lại lịch sử là vô nghĩa, đặc biệt là nếu bạn là người nắm giữ Truyền thừa giáo lý Phật pháp thì một trong năm giới là không được ăn cắp. Những hành động nhiễm ô và phá hủy Truyền thừa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của lòng đại từ bi dành cho mọi hữu tình, cuối cùng sẽ gây ra sự suy thoái cho Truyền thừa của chính họ mà thôi.

Đối với chúng ta, chúng ta cần trì giữ và bảo tồn Truyền thừa của lòng đại từ bi vì lợi ích hết thảy mọi chúng sinh, và để làm được điều này, thì sự hỗ trợ từ những Phật tử của Truyền thừa là rất cần thiết. Nó cũng giống như việc nâng bốn góc của một tấm thảm, nếu thiếu đi một người thì một góc sẽ bị dốc xuống và tấm thảm đó sẽ không được nâng đỡ một cách trọn vẹn hoàn mỹ. Vì thế, với tư cách là người đứng đầu Truyền thừa Drukpa, tôi mong nguyện thỉnh cầu tất cả sự hỗ trợ ủng hộ để bảo trì Truyền thừa. Do vậy tất cả chúng ta cần luôn nhắc nhở bản thân về trách nhiệm và bổn phận của mình cho tầm quan trọng của Truyền thừa, cho các hoạt động thiện hạnh của Truyền thừa, cho sự thanh tịnh và sự thành tựu của Truyền thừa.

Để nhắc nhở tất cả chúng ta về vẻ đẹp hoàn mỹ cao quý của Truyền thừa Drukpa và cũng là Truyền thừa tôn quý của Đức Phật toàn tri, thế nên chúng ta cần tổ chức lễ kỷ niệm di sản 800 năm của Truyền thừa từ thời đại của đấng sáng lập nên Truyền thừa – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Tsangpa Gyare đời thứ I cho tới ngày nay. Truyền thừa mệnh danh là “Drukpa” có nguồn gốc từ Namdruk khi Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare nhìn thấy chín rồng thiêng cuộn mình phi thiên. Từ đó cho tới nay đã hơn 800 năm, tất cả chúng ta đang cố gắng hết sức mình để giữ cho Truyền thừa trường tồn đến tận ngày nay. Mặc dù có khi kinh qua đôi chút thăng trầm.

(Tự viện Namdruk)

Lễ kỷ niệm này là một sự cổ vũ và củng cố để nhắc nhở chúng ta trưởng dưỡng cho lòng đại từ bi tuôn tràn về phía vô lượng chúng sinh. Thế nên tất cả chúng ta sẽ tổ chức lễ di sản này trong mười năm. Bây giờ chúng ta đang ở năm thứ hai.

Tôi hy vọng sẽ chia sẻ thông điệp này với tất cả mọi người - những người quan tâm tới Truyền thừa Drukpa, những người sẽ hỗ trợ cho tất cả chúng ta để giữ cho Truyền thừa 800 năm tuổi trường tồn vì lợi ích của tất cả chúng sinh mẹ. Tôi mong chờ đi xa hơn dấu ấn 800 năm, qua nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ tới cùng với sự ủng hộ tích cực của các thiện hữu tri thức, bằng hữu, học trò và các đệ tử.

Nguồn: trích trong tạp chí "The Dragon", Special Issue, November 2007

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,116,222
Số người trực tuyến: