Bạn đang ở đây
Nơi bắt gặp những ngọn nguồn Phật giáo
Cũng như mọi tôn giáo lớn khác, qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, từ ngọn nguồn ấy, Phật giáo cũng dần dần phân nhánh thành những dòng sông Đạo pháp và tu tập khác nhau, nhưng thảy đều có một ngọn nguồn duy nhất ấy.
Đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam là có sự tồn tại song song giữa hai dòng truyền thừa lớn nhất là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông (Theravada), bên cạnh là phái Khất sĩ, và chúng ta còn tự hào có dòng thiền Trúc Lâm do đức Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng.
Trong Phật giáo Bắc tông, bên cạnh truyền thống Thiền-Tịnh song tu, còn có sự chung sống gắn bó giữa Thiền-Tịnh-Mật.
Những năm qua, cùng với sự phát triển hội nhập của đất nước, chủ trương của Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc phát huy di sản Phật giáo dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu sự giao thoa, học hỏi giữa các truyền thống văn hóa Phật giáo đã được thể hiện rõ nét, tạo nên sự năng động và luồng sinh khí mới cho môi trường văn hóa xã hội nói chung và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Nổi bật trong các hoạt động này là Phật giáo Việt Nam đã tham gia và chủ trì nhiều hội nghị thế giới, khu vực như Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới (2009), Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (năm 2008, 2014). Các chức sắc lãnh đạo và Ban Phật giáo Quốc tế cũng đã đón tiếp và làm việc với hàng trăm đoàn Phật giáo nước ngoài: phái đoàn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới, Vua sãi Tép Vong, phái đoàn Hội quán đạo đức Phật giáo Nhật Bản, phái đoàn Phật giáo Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ), phái đoàn Viện Liên kết toàn cầu Hoa Kỳ, các phái đoàn Phật giáo Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Nhiều hội thảo quốc tế về văn hóa, giáo dục, đạo đức Phật giáo cũng diễn ra với kết quả tốt đẹp. Điều này thể hiện thế mạnh của Việt Nam như một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, nơi các giá trị minh triết và đạo đức Phật giáo được thấm nhuần trong lịch sử dân tộc và trở thành nét đẹp văn hóa Việt, đồng thời cũng thể hiện đặc điểm dễ hòa nhập, lan tỏa, có tính phổ quát vũ trụ của giáo lý đức Phật, vượt qua mọi biên giới địa lý và rào cản văn hóa.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thứ 12 tại pháp hội ngày 27/9, Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Trong sự giao lưu Phật giáo đó, chúng ta thấy sự hiện diện tích cực và hòa đồng của Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ), truyền thống Phật giáo có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tại vùng Ấn Độ - Himalaya với bậc lãnh đạo tinh thần là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được thế giới vinh danh là nhà hoạt động thiện hạnh và môi trường quốc tế. Được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền thừa đã nhiều lần viếng thăm cử hành các pháp hội quán đỉnh cộng đồng cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh Anh hùng Liệt sĩ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai bão lụt, chia sẻ thông điệp Từ bi - Trí tuệ của đức Phật và khơi nguồn cảm hứng Phật Pháp tại nhiều vùng miền đất nước. Đặc biệt, từ năm 2011, theo lời thỉnh cầu từ tăng ni phật tử và với tâm nguyện đóng góp một công trình tâm linh có ý nghĩa vào di sản văn hóa Việt Nam, Ngài đã trực tiếp hỗ trợ việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, gia trì yểm tâm Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Kiến trúc nghệ thuật Mandala này là Đại Bảo Tháp đầu tiên tại Việt Nam và cũng là Bảo tháp quy mô lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
“Đạo Phật được hoằng truyền vào Việt Nam từ hơn 2.000 năm. Như vậy nền tảng văn hóa và tâm linh của người Việt Nam là Phật giáo. Người Việt Nam nên quay trở lại với cội nguồn của chính mình. Niềm vui của tôi là được thấy mọi người cười trong hạnh phúc, biết trân trọng tri ân cuộc sống, biết hướng tìm chân hạnh phúc trên nền tảng tâm linh tốt đẹp quý giá mà các bạn may mắn được kế thừa!”. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. |
(Theo phatgiao.org.vn)
Viết bình luận
- 104 reads