Sứ mệnh của giáo dục là làm cho con người hạnh phúc hơn | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Sứ mệnh của giáo dục là làm cho con người hạnh phúc hơn

2794
09/08/2016 - 19:04

 

Những vấn đề của xã hội hiện đại

 

Ngày nay, con người hiện đại dường như lấy những thành công vật chất làm thước đo và định hình những khuôn mẫu hạnh phúc. Các bậc phụ huynh cho rằng để đảm bảo tương lai hạnh phúc, con cái họ cần học thật giỏi, đứng đầu trong các kỳ thi, tốt nghiệp đại học danh giá và tìm được việc làm đảm bảo ở những công ty danh tiếng…

 

Tuy nhiên, liệu thành công vật chất có phải là điều kiện tất yếu để đem lại hạnh phúc? Nếu đúng vậy thì tại sao trong thế giới thành tựu vật chất của xã hội hiện đại, chúng ta vẫn đối diện ngày càng nhiều vấn đề nan giải? Hãy mở ti vi ra để xem những gì đang diễn ra mỗi ngày: giết người cướp của, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, khủng bố, tự tử, chiến tranh, bạo động, những vụ scandal, lừa đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế…

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tặng quà Trung thu cho học sinh nghèo tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)

 

Trong mỗi gia đình, con người có xu hướng trở nên máy móc, vô cảm, mất kết nối với nhau hơn. Ngày nay, những bậc phụ huynh vì mải mê bận rộn với công việc và phải kiếm tiền cho những nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống nên gần như có rất ít thời gian dành cho gia đình, con cái. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, chúng ta lại bị cuốn hút bởi công nghệ, ngập chìm trong hàng mớ thông tin và các giải trí của truyền thông hiện đại như facebook, internet, game, … Chúng ta dần tạo thành thói quen gắn chặt với máy tính, ti vi, ipad, iphone mà không ý thức rằng mình đã không còn duy trì các mối quan hệ trực tiếp giữa người với người. Con trẻ cũng bắt đầu bị chi phối mạnh mẽ. Sau thời gian học ở trường, chúng lao đầu vào những thiết bị giải trí như của người lớn, không còn nhiều thời gian để giúp đỡ và thể hiện tình cảm đối với ông bà, cha mẹ.

Đáng buồn hơn cả là những vụ việc bạo lực, tự sát, lừa đảo, giết người cướp của, nghiện hút… của tội phạm thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ đa số và ngày càng tăng. Làm sao chấm dứt vấn nạn này? Điều này đặt ra vấn đề nhức nhối và mối quan tâm lớn của xã hội về phương pháp giáo dục lớp trẻ hiệu quả.

Những vấn đề của hệ thống giáo dục

 

Vì xã hội có khuynh hướng cho rằng thước đo của thành công là sự giàu có vật chất và địa vị xã hội, đa số các bậc phụ huynh hướng số phận và viễn cảnh tương lai của con mình vào mục tiêu này ngay từ khi chúng còn bé. Với định hướng và đo lường thiên về khía cạnh vật chất, hệ thống giáo dục ở khắp nơi đều đem đến cho con trẻ sự tiếp cận và tích lũy những kiến thức khoa học thuộc đủ mọi bộ môn. Trẻ em cần học tất cả những gì giúp chúng có thể cạnh tranh trong xã hội và đảm bảo đời sống sung túc về mặt vật chất sau này. Các nhà trường đua nhau rèn luyện cho con trẻ ý thức cạnh tranh, được cho là động lực của phát triển. Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng cạnh tranh sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực.

(Thành viên YDA Việt Nam tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn )

Theo tôi, điều mấu chốt là chừng nào chúng ta còn định hướng cho con trẻ một nền giáo dục tách biệt, cô lập trong kiến thức và những ước mơ vật chất nhưng lại thiếu đi sự kết nối và sự thấu hiểu với thiên nhiên, môi trường, với mọi người, mọi loài trên thế giới này, chừng đó mọi vấn đề xã hội đến từ lớp trẻ sẽ vẫn tiếp diễn.  

Trên thực tế, sự kết nối kiến thức với cuộc sống, và việc giáo dục cách trải nghiệm bằng tâm hồn, tình yêu thương và sự hiểu biết chân thực, để nhận ra mối tương quan tương liên sâu sắc của mọi người, mọi loài có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển nhân cách và định hướng cuộc sống sau này của lớp trẻ. Nếu cứ cô lập cô lập và đối lập bản thân trong lớp vỏ của kiến thức và những ảo tưởng sai lầm về hạnh phúc, chúng ta sẽ ngày càng đi ngược trở lại với hạnh phúc thực sự, điều đó khiến thế giới ngày càng chồng chất thêm vô số vấn đề.

 

Định hướng giáo dục đúng đắn

 

Đừng cho rằng việc dạy dỗ con em mình chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi gia đình bạn. Khi thấu hiểu mối quan hệ qua lại giữa một người với mọi người, một cá nhân với toàn thể môi trường tự nhiên và thế giới bên ngoài, bạn sẽ thấy việc bạn dạy dỗ con em có tầm quan trọng như thế nào. Nếu tất cả đều có định hướng và phương pháp giáo dục đúng đắn, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp.Chúng ta cần ý thức được rằng mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của mình đều có thể làm cho thế giới thay đổi. Hành vi của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội, bởi vậy, bạn cần nhận ra trách nhiệm của mình đối với cuộc sống. Với nguồn năng lượng tích cực cộng hưởng đó từ con người, môi trường sống, thế giới và vũ trụ này cũng sẽ được bảo vệ, duy trì, và đến lượt mình, Mẹ thiên nhiên, Mẹ trái đất sẽ dang tay che chở, bảo vệ cho chúng ta chung sống bình yên lâu dài.

(Thành viên YDA Việt Nam tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn )

Con bạn chính là tương lai của bạn. Trẻ em chính là tương lai của đất nước, xã hội, là tương lai của toàn bộ vũ trụ. Đối với thế hệ tương lai, chúng ta cần phải nhắc nhở, giúp các em có một nhận định tốt về ý nghĩa cuộc sống. Nếu con em bạn hiểu được rằng hạnh phúc cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, cộng đồng thì sau này chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp. Còn nếu như chúng ta không biết giáo dục thì các thế hệ sau sẽ dần mất đi những nền tảng căn bản, và vấn đề về đạo đức sẽ ngày càng trầm trọng như trong thế giới ngày nay. Chúng ta thấy cả những thảm họa thiên tai, môi trường có thể do nhận thức của chúng ta, do thế hệ trước chưa biết bảo vệ môi trường, để lại hậu quả cho thế hệ hiện tại và cả tương lai. Bởi vậy, để thay đổi, chúng ta cần chú trọng tới giáo dục và định hướng đúng đắn cho con trẻ, những người sẽ quyết định tương lai của trái đất sau này.

Giáo dục ngày nay phải chăng tập trung nhiều vào trí óc và hiểu biết lý trí mà đã phần nào quên đi những gì xuất phát từ trái tim và tâm hồn? Vấn đề nằm ở chỗ, làm thế nào để biến những hiểu biết từ khối óc trở thành những hiểu biết của trải nghiệm trong tâm hồn, nơi trái tim? Nền tảng căn bản của giáo dục mà tôi muốn nói đến là gì? Đó là sự rèn luyện, trưởng dưỡng tâm – hay chính là giáo dục tâm hồn. Nếu con trẻ có một trái tim giàu tình yêu thương, một tâm hồn nồng ấm luôn nghĩ đến mọi người, đến cộng đồng thì các cháu sẽ biết cách sống có ý nghĩa, biết giúp đỡ người khác và điều đó sẽ giúp thay đổi thế giới một cách tích cực. Khi đó, giá trị của mọi môn giáo dục khác đều trở nên tốt đẹp. Như vậy, giáo dục kiến thức luôn cần đặt trên nền tảng của giáo dục tâm hồn.

 

Chúng ta cần làm gì?

 

Giáo dục không chỉ là việc trao truyền kiến thức một cách thụ động mà là phương pháp giúp mỗi người trở thành những con người hoàn hảo, sống một đời sống tốt đẹp để có thể giúp đỡ, đem lại bình an đến cho cả thế giới.

Giáo dục giá trị không chỉ là dạy con trẻ các kiến thức mà bạn cần nhắc nhở, đánh thức để các em hiểu rằng mình đang không tồn tại một mình mà luôn có mối liên hệ mật thiết với môi trường, thế giới xung quanh.

Bạn nên dạy con hiểu rằng bản chất của hạnh phúc không đến từ một cá nhân. Chúng ta muốn hạnh phúc, và hạnh phúc ấy được đến từ gia đình, xã hội, môi trường. Hạnh phúc chân thật phụ thuộc vào những gì xung quanh chúng ta. Các em cần hiểu rằng sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào cây xanh, vào nguồn nước, vào không khí và trái đất này. Chúng ta hàng ngày bước đi trên đất Mẹ, sống dựa hoàn toàn vào đất Mẹ. Bởi vậy, đất Mẹ, thiên nhiên, môi trường cần mạnh khỏe thì các em mới được đảm bảo một đời sống lành mạnh. Tất cả chúng ta đều cần biết trân trọng, tri ân những điều này. Giáo dục, thay vì chỉ chú trọng dạy cách tích lũy của cải vật chất và trở nên thành công, thì cần dạy cho con cái chúng ta những giá trị cốt lõi như thế này. Nhà trường và gia đình cần là nơi truyền đạt những kiến thức như vậy.

Hãy đánh thức tinh thần trách nhiệm ở lớp trẻ, để các em không chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình, mà còn biết mở rộng lòng mình để góp bàn tay vào hạnh phúc chung của cộng đồng, để lại những điều tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.

 

Những giáo trình kiến thức khó chuyển tải vào đời sống mà chúng ta dựa vào để dạy con trẻ sẽ hầu như không mấy giúp ích cho trẻ làm giàu thêm những kết nối với môi trường, cuộc sống xung quanh. Tôi cho rằng, nền giáo dục nào cũng cần cho phép con trẻ có thể tự do trải nghiệm, tìm kiếm con đường của riêng mình cũng như phát hiện ra năng lực trực giác để kết nối với nội tâm mình và thế giới bên ngoài. Theo nghĩa này, giáo dục không nên định trước khuôn mẫu một cách hẹp hòi, máy móc.

 

Nếu bạn e rằng cuộc sống hiện đại có thể dần làm mất đi các kết nối thì những trải nghiệm tích cực mà bạn đem đến cho con trẻ sẽ giúp khôi phục lại và làm vững bền các kết nối tự nhiên này. Bên cạnh sách vở và kiến thức học được ở trường, con bạn cần được tiếp xúc với thế giới, với thiên nhiên, và mọi người xung quanh. Đó chính là trưởng dưỡng tâm linh vì tâm linh không là gì khác ngoài quá trình trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc sống của chính bạn. Với ý nghĩa này, tâm linh không hề mâu thuẫn với khoa học. Khoa học và kiến thức giúp bổ trợ và làm giàu thêm trải nghiệm, với điều kiện chúng ta không dừng lại ở kiến thức mà phải mang chúng ra kết nối với cuộc sống bằng cả tâm hồn và tình yêu thương.

Đừng tạo áp lực khiến con bạn phải phấn đấu trở thành một thần tượng nào đó của cha mẹ hay xã hội mà nên gợi cho con trẻ cách nhìn nhận vấn đề, phương pháp giúp con bạn cân bằng được sự phát triển về vật chất, kiến thức cùng với sự giàu có của tâm hồn.

 

Bạn cũng cần ý thức rằng con trẻ đón nhận sự giáo dục trong tất cả mọi lúc, mọi nơi. Từ những điều thầy cô dạy ở trường cho tới những gì các em được tai nghe mắt thấy trong cuộc sống. Bài học thực tế của con bạn chính là những hành xử của bạn hàng ngày. Nếu muốn dạy con yêu thiên nhiên, chính bạn phải là người quan tâm tới thiên nhiên, bạn không thể suốt ngày vùi đầu vào công việc và máy tính để làm gương cho con về điều này. Nếu muốn con bạn biết trân trọng, tri ân cuộc sống, bạn cần là người sống hạnh phúc, quan tâm sẻ chia với mọi người, sống có ý nghĩa trong từng việc làm hành động. Các nhà giáo dục chỉ ra rằng cha mẹ có ảnh hưởng 70 đến 80% tới việc hình thành nhân cách, thói quen ở con trẻ. Các bậc cha mẹ hãy biết tận dụng lợi thế này. Ngoài ra, những phương tiện truyền thông cũng ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ. Khi con trẻ xem ti vi, đọc tin tức, xem phim, nghe nhạc trên mạng … cũng chính là lúc các em đón nhận những bài học giáo dục từ đây. Bài học tốt hay xấu đều phụ thuộc những nội dung và cách thức mà trẻ được tiếp cận hay chia sẻ.

 

Bạn hãy tin tưởng rằng, giáo dục, nếu được thực hiện đúng đắn sẽ khiến con trẻ hạnh phúc hơn, tự tin và thấu hiểu, rộng lượng và yêu thương hơn với người khác cũng như toàn bộ thế giới xung quanh. Con trẻ sẽ biết tôn trọng và trân trọng. Kết quả của tình yêu thương chính là sự chia sẻ, hỗ trợ và đem lại hạnh phúc cho người khác, cho mọi loài đang cùng chúng ta sinh sống trên thế giới.

Chúng ta vốn sẵn có hiểu biết và năng lực tâm linh từ nguyên thủy. Có điều, đã từ lâu chúng ta lãng quên bản đồ của trí tuệ “giác ngộ” giúp chỉ dẫn cho đời sống có được hạnh phúc đích thực. Hãy hướng dẫn con trẻ tìm ra tấm bản đồ và đi trên lộ trình hạnh phúc đó, bằng cách quan tâm giúp chúng hiểu rằng hạnh phúc đến từ sự giàu có tâm hồn, dựa trên nền tảng kết nối chân thực với thiên nhiên, con người, sự trở về với sức mạnh phi thường của tình yêu thương và trí tuệ hiểu biết vốn sẵn có nơi tự thân và trong mọi hữu tình.

 

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chia sẻ trong buổi tọa đàm tại sự kiện ThinkEdu 2015)

Nguồn: http:ydavietnam.org

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,130,791
Số người trực tuyến: