Tấm gương viên tịch của các hành giả giác ngộ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tấm gương viên tịch của các hành giả giác ngộ

1384
04/08/2017 - 23:28
Khác với chúng ta, những phàm phu mà các tiến trình Bardo đời sống và sau khi chết hoàn toàn bị chi phối bởi nghiệp lực, những hành giả chứng ngộ có khả năng an trụ trong tự tính tâm, trong đại định, bởi vậy các Ngài không hề bị lôi cuốn bởi gió nghiệp.

Vào giai đoạn Bardo Pháp tính, tất cả chúng ta đều để tuột mất cơ hội quý giá khi tâm ta trở về bản tính giác ngộ vốn có được hiển hiện trong giai đoạn này, hoặc là lướt qua mà không thể an trụ trong trạng thái tâm trong sáng tự nhiên đã thoát khỏi mọi tham sân si ràng buộc. Nhưng đối với các hành giả cao cấp, các ngài có thể chú tâm vận dụng năng lực thiền định của mình xuyên suốt toàn bộ tiến trình tan rã và bằng cách đó có thể giác ngộ về bản thể tâm. Sau đó, nếu có tâm nguyện quay trở lại thế gian để lợi ích cho hết thảy hữu tình, các Ngài có khả năng lựa chọn người cha, người mẹ và cảnh giới tái sinh thích hợp để lợi lạc cho chúng sinh.
 
 
Đối với các hành giả cao cấp, cái chết luôn là thước đo của sự thực chứng và cơ hội giải thoát lớn lao. Trong đạo Phật có rất nhiều ví dụ về cái chết của những hành giả có kinh nghiệm tu tập, ngay cả khi tình trạng sức khỏe rất nguy ngập, họ vẫn an nhiên tự tại. Vào giờ phút lâm chung, khi tất cả bạn bè thân quyến tới chia buồn, trong khi mọi người ai cũng đau xót bởi sự chia ly thì những hành giả đó lại thường mỉm cười rạng rỡ bởi họ đã nhận ra các dấu hiệu tiếp dẫn về cõi Tịnh độ của chư Phật, họ có thể nhìn thấy chư Daka, Dakini thị hiện trong hư không tấu thiên nhạc thỉnh đón mình về cõi Tịnh độ của các Ngài. Cơ hội được tiếp dẫn giải thoát khỏi luân hồi sinh tử phụ thuộc vào năng lực của chính hành giả.
Có những người được tiếp dẫn ngay từ giai đoạn rất sớm, chẳng hạn như một năm trước khi chếtCó người nhận được dấu hiệu tiếp dẫn khi lâm bệnh và cái chết xảy đến sau vài tuần lễ  .Lại có người thấy được linh ảnh tiếp dẫn ngay trước khi chết, nhưng thông thường những hành giả chứng ngộ có thể trải nghiệm sự tiếp dẫn qua từng giai đoạn của tiến trình chết và thời khắc thần thức thoát ra khỏi cơ thể là thời khắc hành giả có cơ hội được tiếp dẫn về cõi Tịnh độ của chư Phật có nhân duyên với mình. Với Đại Bồ đề tâm nguyện lợi ích chúng sinh, có những bậc Đại Thượng Thừa giác ngộ đã áp dụng những Mật pháp bí truyền như Yoga chuyển thức mãnh liệt (chuyển thức không qua Bardo) để chuyển thức vào một thân khác, do sự giới hạn của thân xác hiện tại trở ngại các Ngài trong việc hoàn thành các công hạnh lợi tha.
 
 
 
Câu chuyện về con trai của Ngài Marpa là một ví dụ sinh động về Yoga này. Chuyện kể rằng con trai của Ngài Marpa bị tổn thương trầm trọng trong một tai nạn cưỡi ngựa. Là hành giả cao cấp, ông quyết định tìm một thân xác mới để chuyển di tâm thức của mình vào đó. Để đạt mục đích này, ông cần một xác chết toàn vẹn và tức thời đã tìm thấy xác của một con chim bồ câu. Ông liền chuyển thức mình vào xác chú chim và con bồ câu sống lại. Tuy nhiên, với thân chim, con trai Marpa không thể làm gì để lợi ích chúng sinh nên vì thế ông lại tiếp tục đi tìm một thân mới để viên mãn tâm nguyện lợi tha. Sau đó, nương vào năng lực của cha mình là Đức Marpa, ông đã tìm được xác chết của một hành giả yogi thực chứng. Thần thức con trai Marpa một lần nữa lìa khỏi xác chim bồ câu và nhập vào thân của vị hành giả mới viên tịch. Với thân này, con trai Marpa đã sống nhiều năm ở Ấn Độ, tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp. 
 
 
Một câu chuyện khác mà chúng ta có thể kể đến là tiểu sử của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X (1884-1930). Trong cuộc đời mình, Ngài không thị hiện năng lực tu tập ra bên ngoài và cũng không giáo hóa chúng sinh bằng danh tiếng của bậc Thượng sư đạo hạnh. Ngài lựa chọn cuộc sống nhập thế, thành công trong các công việc thế gian và đối xử rất khắt khe, đôi khi là thô bạo với những vị bộ trưởng, giới quan chức, người làm công và tùy tùng của mình. Vì tất cả những điều trên, rất nhiều đệ tử của Ngài không nghĩ rằng Ngài là một Bậc Thầy giác ngộ.

Duy chỉ có Zigar Choktrul Rinpoche Ngawang Tenzin Palzang đời thứ VII (1892 - 1937) là có niềm tin tuyệt đối rằng Căn bản Thượng sư Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X bất khả phân với Đức Phật Kim Cương Trì và Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X cảm thấy mình sắp viên tịch, Ngài đưa ra những di huấn cụ thể rằng chỉ có Zigar Rinpoche là có thể đảm trách tất cả những nghi thức tâm linh và lễ Trà tì (hỏa thiêu) của mình. Nhưng trong khoảng thời gian quan trọng này, Zigar Rinpoche lại đang thuyết pháp ở Bhutan theo lời thỉnh cầu của Hoàng gia Bhutan. Pháp Vương nói với Ngài rằng:”Con nên đi nhanh chóng và mau trở về sớm, vì ta nghĩ rằng thời gian không còn nhiều”. Sự thật đã xảy ra sau bốn tháng, khi Zigar Rinpoche nhận được tin tức từ văn phòng của Đức Pháp Vương thỉnh cầu Ngài khẩn cấp trở về, nhưng thật không may, khi Ngài về đến nơi thì Thượng sư đã viên tịch.
 
 
Theo lời di huấn của Thượng sư, Zigar Rinpoche đã đảm trách lễ hỏa táng. Trước sự chứng kiến của nhiều bậc Thầy quan trọng và các Viện trưởng của tất cả các tự viện tại vùng Himalaya, cuối buổi lễ hỏa thiêu, đột nhiên trái tim của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X bỗng vọt ra khỏi ngọn tháp nơi diễn ra việc hỏa thiêu và rơi ngay vào vạt áo trong lòng Zigar Rinpoche. Ngài phát hiện trái tim đó vẫn còn nguyên vẹn và khi Ngài lắc thì nghe một tiếng động bên trong chứng tỏ trái tim còn chứa một vật thể. Với lòng tôn kính vô hạn tới Thượng sư, Ngài không thể cắt trái tim đó ra được, nên đã dùng gậy trúc chà xát đến khi trái tim mở ra, bên trong là Xá lợi Bồ tát Quán Âm hai tay. Như vậy, đối với các bậc tu hành giác ngộ, cái chết đối với các Ngài giống như một trải nghiệm hết sức bình an. Các Ngài tự tại đối với cái chết và tự tại lựa chọn hoàn cảnh tái sinh phù hợp để có thể lợi ích hữu tình.

Trích ấn phầm BARDO - HÀNH TRÌNH LIỄU SINH THOÁT TỬ, Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành, 2014

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,140,937
Số người trực tuyến: