Bàn tròn trực tuyến trên Vietnamnet với Đức Pháp Vương - Phần giới thiệu | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bàn tròn trực tuyến trên Vietnamnet với Đức Pháp Vương - Phần giới thiệu

12
23/03/2010 - 00:00

Tác giả: TUẦN VIỆT NAM
Bài đã được xuất bản.: 21/03/2010 23:19 GMT+7

Lời Tòa soạn: Thế giới như mỗi ngày một văn minh hơn bởi sự phát triển khoa học và công nghệ, thế giới như mỗi ngày một no đủ hơn bởi số của cải vật chất làm ra, nhưng sự thật, thế giới mỗi ngày như chìm thêm vào bóng tối của sợ hãi và hận thù.
Tôi nhận thấy cá nhân con người tôi, tôi nhận thấy cá nhân con người bạn và cá nhân của hàng tỷ con người trên mặt đất này đã từng có những lúc bất chợt thức dậy trong sâu thẳm bóng đêm. Đấy không phải là chứng mất ngủ, đấy là cơ hội như một món quà ban tặng cho chúng ta. Bởi trong bóng đêm sâu thẳm ấy, mỗi cá nhân chúng ta mới có điều kiện rời xa cái đầm lầy dục vọng vô bờ cho dù chỉ trong một khoảnh khắc để nhìn sâu vào đời sống chúng ta đang sống. Và chúng ta nhận ra đời sống ấy chứa quá nhiều nỗi sợ hãi và lòng hận thù.
Đó không chỉ là nỗi sợ hãi về bệnh tật, về đói ngèo, về thiên tai, về chiến tranh hạt nhân mà cả nỗi sợ hãi mơ hồ về một sự bất trắc khủng kiếp nào đó xẩy ra trong tương lai nhân loại. Đó không thì là sự hận thù đối với một ai đó cụ thể mà cả sự hận thù vô cớ đối với con người và muôn vàn cỏ cây nuông thú. Và đôi khi đó là sự hận thù với chính con người cá nhân của mình.
Tại sao con người lại rơi vào bóng tối của sự u mê và ác độc này ? Chúng ta bị ma quỷ cướp mất linh hồn chăng ? Phải chăng những điều kỳ diệu vốn có trên thế gian này đã không còn tồn tại nữa ? Phải chăng những điều kỳ diệu ấy đã chấm dứt như đất đai kết thúc những mùa màng?

Những điều kỳ diệu ấy không hề rời bỏ thế gian. Chúng nằm trong mọi nơi chốn của đời sống đợi chờ thức dậy và lan toả trên toàn bộ đời sống ấy. Sự thức dậy của chúng chỉ chờ đợi một cơ hội.
Cơ hội đó là tình yêu thương của con người đối với con người. Khi tình yêu thương lan toả đến đâu thì những sợ hãi và thù hận tan biến đến đó. Đấy là chân lý vĩnh hằng trong đời sống vũ trụ này.
Chính vì điều ấy mà VietNamNet đã chọn ngày 9 tháng 9 hàng năm là Ngày của thế gian, Ngày hoà giải và yêu thương để con người cùng nhau xua đi bóng tối của sợ hãi và hận thù.
Con người hãy cùng nhau bước qua bóng tối của sợ hãi và hận thù, chuyển hóa oán hận thành tình yêu thương. Đây là nội dung Bàn tròn trực tuyến lần này của VietNamNet.
Khách mời Bàn tròn trực tuyến là một vị khách đặc biệt : Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngài cùng các Nhiếp chính vương và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa.
Đức Pháp Vương sẽ trả lời các câu hỏi của bạn đọc hay nói cách khác là mang đến cho bạn đọc cái nhìn của ánh sáng vào bóng tối của sợ hãi và hận thù.
Người dẫn Bàn tròn trực tuyến là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều.
Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Hãy chuyển hóa oán hận thành yêu thương" sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 30 sáng ngày 23/3/2010.

Theo lời thỉnh mời của Thành hội Phật giáo Hà Nội, đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Drukpa thuộc Phật giáo Đại Thừa - Kim Cương Thừa với lịch sử quang vinh hơn 800 năm, đã viếng thăm Việt Nam lần thứ 3 từ ngày 14/3/2010 đến ngày 4/4/2010 trên khắp ba miền đất nước.
Truyền thừa Drukpa là một trong những truyền thừa chính trong Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa. Trong lịch sử phát triển huy hoàng hơn 800 năm của mình, dòng truyền thừa Drukpa trứ danh với những bậc hành giả chân tu, thanh tịnh và khiêm cung cứu độ vô số chúng sinh. Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa được tôn kính là hiện thân của Bồ tát Quán thế Âm, là hoá thân chuyển thế Đức vua Songten Gampo và của đại Thành tựu giả Naropa.
Dòng truyền thừa Drukpa có tầm ảnh hưởng rộng khắp Tây Tạng, Nepal, Ấn độ, Trung Quốc, khu vực Hymalaya, là quốc giáo của vương quốc Bhutan, Ladakh, tới nay đã phát triển rộng khắp các nước phương Tây và Phương Đông như Pháp, Mỹ, Đức, Malaixia, Hồng Kông...
Pháp vương Gyawang Drukpa đời hiện tại là đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, bậc lãnh tụ dòng truyền thừa Drukpa trên toàn thế giới. Vào năm 1963, Pháp Vương Gyalwang Drukpa đản sinh bên hồ Liên Hoa linh thiêng, nơi Đức Liên Hoa Sinh đã từng đản sinh ở miền Bắc Ấn Độ vào ngày mồng mười tháng giêng cát tường trùng với ngày Đức Liên Hoa Sinh đản sinh hồi thế kỷ thứ VIII.
Từ thuở ấu thời, Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã thể hiện những phẩm chất siêu việt của một Thượng sư tâm linh vĩ đại. Khi còn là ấu nhi, Ngài đã luôn từ bi và quan tâm rất tự nhiên đối với côn trùng hàm thức, súc vật và tất cả sinh linh bị khinh rẻ và trà đạp. Trước khi học đọc và học viết, Ngài đã có thể nhận biết được những trang kinh điển bị xếp không theo thứ tự hay bị đảo ngược.
Pháp vương Gyalwang Drukpa trẻ tuổi tinh thông kinh điển không chút khó khăn trở ngại nào trên cả hai phương diện giáo lý, thực hành thiền định và thực hành Kiến, Thiền, Hành sâu xa. Vào năm lên chín tuổi, Ngài bắt đầu học thiền dưới sự hướng đạo của Thuksey Rinpoche và cũng chính năm đó, Ngài đã chứng nghiệm một cách sâu sắc quan kiến tuyệt đối về tính không. Ðôi khi, vị Drukpa trẻ tuổi đột nhiên rớt nước mắt trong lúc nói về lòng từ bi vô ngã khiến cho mọi người đều hết sức kinh ngạc.
Cùng với việc hoằng dương Phật pháp trên khắp thế giới nhằm "khai thị chúng sinh Ngộ nhập Phật tri kiến", ngài còn phát động phong trào "Sống để yêu thương", ngài đã triển khai rất nhiều các dự án phát triển giáo dục, cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, bảo tồn di sản văn hóa, để biến bi tâm thành hành động, hòa nhập giáo pháp vào trong đời sống, nhằm xoá đi tất cả những rào cản về văn hoá, ngôn ngữ, quốc tịch... để mọi người nỗ lực chung sống trong hoà bình, tương thân tương ái, thấu hiểu lẫn nhau cùng đạt đến chân hạnh phúc.
Cuối năm 2009 vừa qua, tạp chí The Economic Times Ấn Độ đã tổ chức một cuộc bình chọn và đã tôn vinh đức Pháp vương là một trong 8 nhân vật trong các lĩnh vực khác nhau có ảnh hưởng nhất tại Ấn Độ. Ngài rất được tôn kính bởi những thiện hạn trong việc bảo vệ môi trường, cứu trợ và bảo tồn di sản văn hóa. Ngài cũng vừa được Thái tử Charles của Vương quốc Anh và Ban Tổ Chức GIẢI THƯỞNG TRÁI ĐẤT thỉnh mời tham gia Ủy Ban Giám Khảo của giải thưởng cao quý này.
Từ ngày 14 tháng 3 đến 4 tháng 4 năm 2010, Pháp vương và Tăng đoàn Drukpa viếng thăm Việt Nam tại khắp 3 miền của đất nước nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, 800 năm lịch sử truyền thừa. Tại các địa danh ngài viếng thăm, Pháp vương sẽ đăng đàn cử hành Pháp hội cầu nguyện thế giới hoà bình, quốc thái dân an với nghi thức Kim cương thừa kết hợp với những hoạt động như đóng kịch đức Bồ tát Quán thế âm, phóng sinh, tham dự lễ Hội Quan Âm Miền Trung.
Nhờ vậy, giúp khai mở trí tuệ và tình yêu thương nơi mỗi người, đem lại lợi ích cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam cùng muôn loài hữu tình. Nguyện cầu mỗi giây phút Pháp Vương và phái đoàn hiện diện tại Việt Nam cùng những hoạt động vô ngã vị tha, hoằng pháp lợi sinh, khẩu truyền quán đỉnh quốc thái dân an đem lại trí tuệ và sự hiểu biết, an bình và hạnh phúc cho Tăng ni Phật tử Việt Nam.
Mỗi giây phút Ngài hiện diện tại Việt Nam ban trải tinh túy giáo Pháp đức Phật đem lại lợi ích cho hết thảy pháp giới bình đẳng hữu tình. Đây chính là thông điệp hòa bình, tiến bộ, từ bi, trí tuệ của đức Phật. Và đây cũng là ý nghĩa cao quý nhất, thiêng liêng nhất và lợi ích nhất của Pháp hội kỷ niệm di sản 800 năm truyền thừa Drukpa và chuyến viếng thăm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại Việt Nam của Ngài.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,425
Số người trực tuyến: