Bardo - Có nên gọi hồn người thân sau khi chết? (Hỏi - đáp 3) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bardo - Có nên gọi hồn người thân sau khi chết? (Hỏi - đáp 3)

19472
13/11/2016 - 10:00
"Bardo - Hộ niệm người lâm chung", ấn phẩm do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành năm 2014 sẽ giải đáp một số thắc mắc của thân nhân gia đình khi có người mất.

Hỏi: Nên lựa chọn Hỏa táng hay Địa táng người chết? 
Đáp: Sau khi thần thức đã chuyển di ra khỏi thân xác và được giải thoát, bạn có thể tùy chọn hình thức mai táng nào cũng được. Nhưng ở vùng Himalaya, khi đó, người ta thường Hỏa thiêu rồi dùng tro người chết trộn với 25 vị thuốc (ngũ cốc, ngũ bảo, ngũ dược, ngũ hương và ngũ vị) và đất, nước thánh địa nặn thành hình các Bảo tháp Mandala Tsa-Tsa, yểm tâm kỹ càng bằng kinh và các chân ngôn rồi đặt các Mandala này tại các nơi sơn động và thánh địa linh thiêng. Như thế phần di thể người chết không chỉ được lợi ích giải thoát, mà gió thổi qua Mandala đó còn mang lại sự ban phúc đến các chúng sinh. Việc lựa chọn Địa táng thường phức tạp hơn nhiều vì liên quan đến đất đai và quá trình tan rã ảnh hưởng đến môi trường chung và môi trường tâm linh của những người thân còn sống. Ngược lại, trường hợp không chắc thần thức đã được chuyển di ra ngoài thân xác, việc vội vã đem người quá cố đi Hỏa táng có thể là nguyên nhân gây cho thần thức vô cùng đau đớn, đọa lạc thành các loài quỷ ma.

 
Hỏi: Cách sắp đặt ban thờ và không gian viếng như thế nào?
Đáp: Thông thường chúng ta phải đặt ban thờ Phật phía trước quan tài để Phật tiếp dẫn hương linh người chết. Sau đó, đến ban thờ vong rồi mới đến quan tài. Điều quan trọng nữa là khi viếng, người viếng cần nhiễu quanh kim quan theo chiều kim đồng hồ để tạo ra năng lượng từ trường tích cực theo vận hành vũ trụ và người nhà cần đứng bên trái của kim quan để tạ khách.
Cách sắp đặt ban thờ vong cần có đèn và bảy bát nước trắng cúng dàng. Đèn cần được bật liên tục để cúng dàng ánh sáng trí tuệ, nếu không tiện dùng đèn dầu hay nến chúng ta có thể thắp đèn điện trên khu vực ban thờ. Xung quanh khu vực ban thờ nên trang trí các tràng phan chiến thắng, lọng báu và phướn.
 
 
Hỏi: Đi viếng đám tang cần lưu ý những gì?
Đáp: Điều lưu ý đầu tiên là chúng ta cần phải có lòng bi mẫn hướng đến người quá cố, cầu nguyện cho họ được giải thoát, đồng thời cũng phát triển Bồ đề tâm của bạn. Để lợi ích, bạn nên quán tưởng người quá cố tan thành ánh sáng tan vào luân xa tim của Đức Di Đà và được chuyển di về cõi Tịnh độ. Bạn hãy trì thầm chân ngôn và các lời chúc nguyện vãng sinh cho hương linh.
Đối với những người sức khỏe không tốt, khi đi viếng nên mang theo một chút long não hoặc thần xa, chu xa trong người để có thể đẩy những năng lượng tiêu cực. Những người bệnh nặng hoặc mang thai nên tránh những nơi có đám tang. Phật tử tu tập không nên mang theo các đồ pháp khí hành trì như linh chử, tràng bí mật đến những nơi này. Sau khi di chuyển người chết hoặc vừa đi đám tang về nhà, bạn cũng nên dùng các hương liệu đặc biệt như Gugul (hương trầm Châu Phi) và Bạch giới tử đốt lên để tịnh hóa bản thân và môi trường.
 
Hỏi: Trong 49 ngày có nên đi gọi hồn hay không?
Đáp: Trong thời gian này, thần thức vẫn sống trong cảnh giới lưu động vọng tưởng. Theo luật nhân quả, người quá cố tùy theo nghiệp đi theo cảnh giới đã tạo nên việc gọi hồn như thế thật trái luật nhân quả. Hơn nữa, người gọi hồn không phải bậc thành tựu tâm linh cao cấp, chưa đạt thiên nhãn thông, tha tâm thông và túc mạng thông nên không có khả năng triệu vong một cách chính xác. Họ thường thờ phụng quỷ thần ma xó, linh cái, âm binh, loại ma đấy có nguyện cúng cấp ràng buộc với nhau, ân oán chẳng thể dứt, hỗ trợ người gọi hồn tìm hiểu gia cảnh chứ thực ra không phải vong về thật. Trong Kinh còn dạy hư không là thành quách của ma quỷ, khi câu triệu như thế các loài ma quỷ vất vưởng nhập vào để thụ hưởng sự cúng bái, cũng không phải thật sự thân bằng quyến thuộc của mình. 

 
Hỏi: Có hay không chuyện người thân mới mất hiện về báo mộng? Có cách nào để kiểm chứng điềm báo mộng thật hay giả?
Đáp: Bản chất chung của giấc mơ là sự kết hợp của hư và thực. “Thực” ở đây là những trải nghiêm tham sân si trong đời sống. Những tình cảm tâm sinh lý với người thân, bạn bè,... được kết hợp với tiềm thức trong Tạng thức, tái hiện lại lúc mơ. Đây là phần “hư” tự vận hành. Cho nên khi mơ người mơ thấy cảnh giới như thật nhưng thật ra đều là ảo cảnh, là sự phóng chiếu của tâm.
Khi bạn có một người thân mất đi, bạn có thể cảm nhận rõ ràng những tình cảm, kỷ niệm đối với người mất sẽ trỗi dậy rất mạnh mẽ trong mình. Do vậy việc mơ thấy người thân mới chết không có gì là lạ, và phần lớn chỉ là sự phóng chiếu của tâm thức.
 
 
Tuy nhiên, thực hành tâm linh liên quan nhất định đến giấc mơ. Một hành giả có thể xem xu hướng giấc mơ của mình để biết mình đang mất cân bằng về đại nào trong Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không. Ngoài ra, một số hành giả thành tựu có thể trải nghiệm trực tiếp những gì sẽ diễn ra trong tương lai, hoặc kết nối được với người đã mất. Nhưng ngay cả những bậc Thượng sư giác ngộ cũng không bao giờ tin ngay mà phải kiểm chứng cẩn thận giấc mơ của mình. Nói chung, giấc mơ là không đáng tin cậy. Trong trường hợp ngoại lệ, một giấc mơ được lặp đi lặp lại với một thông điệp xuyên suốt, hoặc nhiều người thân cùng mơ một giấc mơ giống nhau. Lúc này, chúng ta có thể xem xét lại thông điệp được gửi gắm trong giấc mơ.
 
 
Hỏi: Đồ dùng của người quá cố sau khi chết nên kiêng kị không?
Đáp: Thực ra người chết trong giai đoạn trung gian vẫn chấp trước, nên tốt nhất trong 100 ngày sau khi chết không nên phân phát hay định đoạt các vật dụng tài sản cá nhân của họ, nếu có vật dụng tốt nhất là dành cho việc phúc thiện, như bán chia tiền cho người nghèo, phóng sinh tu phúc, cúng đèn, hồi hướng cho người đã khuất. Quan trọng là động cơ vì lợi ích của người đã khuất thì sẽ không có chướng ngại gì, còn nếu vì mục đích cá nhân hay tư lợi đi ngược ý chí tâm nguyện của người đã khuất thì sẽ có nhiều chướng ngại quả báo không có lợi. 


Đức Phật nói rằng cho dù người chết đã chết 100 năm, thần thức đã đi đầu thai lên cõi Trời nhưng khi người thân đem công đức hồi hướng, dù cõi Trời người ta vẫn nhận được từ trường lành, như thế gọi là báo ân, chứ không phải ta xóa hết ngày chết không có ngày gì hết, vẫn phải kỷ niệm và nhân những ngày ấy chúng ta thành tâm tưởng nhớ đến ân đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Chúng ta tu tập, tích lũy công đức, thiện hạnh để hồi hướng cho cha mẹ mình, bởi cho dù họ có đang bị đọa lạc cõi thấp hay sinh lên cõi Trời hoặc được làm người cũng có thể đón nhận trọn vẹn công đức đó. Những phúc thiện được tạo ra không chỉ lợi ích người chết mà còn lợi ích chính bản thân người sống.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,101
Số người trực tuyến: