Bí mật giản đơn trong thực hành Phật Pháp | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bí mật giản đơn trong thực hành Phật Pháp

513
07/03/2020 - 20:41

Đức Phật nhận thấy tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc nhưng họ luôn tìm kiếm hạnh phúc tạm thời ở bên ngoài. Hạnh phúc bên ngoài phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện hoàn cảnh khác nhau nên rất vô thường, mong manh, giả tạm, và vì thế luôn song hành với phiền não đau khổ. Trên góc độ này, có thể nói Đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là triết lý sống để đạt được chân hạnh phúc. 

Những xúc tình phiền não trói chặt chúng ta.

Trên thực tế, mỗi chúng ta đều trải qua những vấn đề rắc rối và sự hiểu nhầm nhất định về chính bản thân và hoàn cảnh bên ngoài, mỗi chúng ta đều có những mâu thuẫn về tình cảm, công việc, ham muốn và tiền bạc..., làm cho chúng ta phải chịu đựng những khó khăn không mong muốn, phải chìm đắm đau buồn trong sự hy vọng và sợ hãi, tạo thành những nỗi khổ triền miên của con người.

Đức Phật dạy rằng toàn bộ đời sống của chúng ta không ra ngoài ba loại khổ, đó là Khổ khổ, Hành khổ và Hoại khổ.    

Khổ khổ là nỗi khổ của sinh, già, bệnh, chết, chịu đựng những cái khổ bên ngoài: Các cảnh khổ như phải chia lìa những người thương yêu mình (ái biệt ly khổ), phải đối mặt những người mình không thích (oán tắng hội khổ), những tâm nguyện, mong nguyện không thành (cầu bất đắc khổ). Không chỉ thế mà những căn bệnh của thân Ngũ ấm của chúng ta liên tục hoành hành (ngũ ấm xí thịnh).

Còn Hoại khổ tức là cái khổ về sự biến dịch, vô thường nơi thân tâm chúng ta. Và không chỉ là cái khổ trong thân tâm mà toàn bộ vũ trụ này là luân hồi, cảnh sống của chúng ta trong sáu đạo đều bị chi phối bởi cảnh vô thường, đó là Hành khổ. Chúng ta thường tin rằng khi gặp lại bạn bè hay người thân nghĩa là mình gặp lại người hôm qua, nhưng thực ra mỗi giây phút đều thay đổi, tình cảm của họ thay đổi, tâm của họ thay đổi. Đối với thân thì các tế bào sinh diệt, tâm cũng như vậy. Cũng như khi nhìn vào một dòng sông chảy, ta tưởng rằng mình nhìn vào một dòng sông giống hệt như hôm trước, nhưng mỗi sát na, mỗi phút giây dòng nước trên sông đã thay đổi. Cho nên nỗi khổ của ba loại này luôn hiện hữu trong từng giây phút.

Cho đến giờ, dường như chúng ta chỉ cố gắng tìm cách giải quyết những vấn đề này từ bên ngoài, song những cố gắng này là tuyệt vọng và thường chỉ tạo thêm khổ đau, chướng ngại và những bế tắc không có nút gỡ.

Đối diện nỗi khổ luân hồi bằng trí tuệ và tỉnh giác

Tại sao Đức Phật lại phải nói về những nỗi khổ trong cuộc đời này? Bởi vì lòng từ bi nên Ngài muốn chỉ cho chúng ta những cạm bẫy của luân hồi và có trí tuệ để đối mặt với những nghịch cảnh, khó khăn biến động của cuộc đời, đối diện với sinh già bệnh chết, luôn an nhiên, tự tại không vì những hoàn cảnh bên ngoài chi phối.

Trưởng dưỡng tâm tỉnh thức và trái tim từ ái.

Mục đích duy nhất của tất cả các giáo pháp của Đức Phật là trưởng dưỡng tâm tỉnh thức và trái tim từ ái vốn sẵn có nơi chính mình để chúng ta có thể tìm về cội nguồn của chân hạnh phúc. Đạo Phật không là gì khác ngoài cách thức để trưởng dưỡng tâm linh bên trong thông qua chân lý giáo pháp để thay đổi cách nhìn và phương thức sống của bản thân cũng như đối với mọi người và xã hội quanh mình.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần đến sự thực hành Phật pháp bởi sự thực hành tâm linh có khả năng giải quyết vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong đời sống, không phải bằng cách tháo gỡ những vướng mắc bên ngoài mà nhờ cách nhận diện và xử lý rốt ráo những vấn đề bên trong.

Bạn nên hiểu rõ ý nghĩa đích thực của đời bạn, hiểu lý do bạn sống, mục đích của việc đã có thân người quý giá. Cho dù bạn chỉ có một giờ, thậm chí một phút để sống, mục đích ý nghĩa của cuộc đời vẫn là sống với chân hạnh phúc và vì hạnh phúc của người khác với trái tim nhân hậu và lòng bi mẫn tràn đầy từ bi trí tuệ.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Theo cách này chúng ta có thể chuyển hóa chính bản thân và thay đổi tổng thể cách mà chúng ta nhìn nhận về cuộc sống, và nhờ đó mới có thể đem lại hạnh phúc đích thực không chỉ cho riêng mình mà còn vì mọi người. Đây thực sự là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời.

(Trích ấn phẩm “Thực hành Bản tôn Chân ngôn Trí tuệ trong Kim cương thừa”, tác giả: Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,589
Số người trực tuyến: