Cung đón Hồi hương | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cung đón Hồi hương

7
30/10/2009 - 00:00

Khi chúng ta làm một việc bất thiện, đặc biệt là để thỏa mãn ích kỷ tự ngã và dục lạc giả tạm nhất thời, chẳng hạn như hủy hoại những chúng sinh khác, gây tác hại cho môi trường của chính chúng ta và gây đau khổ cho những người mà chúng ta coi là kẻ thù, chúng ta lại luôn mong cầu rằng chúng ta sẽ không phải chịu nghiệp quả đau khổ do những ác hạnh đó, và đôi khi có những người còn hung hăng tới mức thậm chí nghĩ rằng họ không chịu sự chi phối của luật nhân quả.

Chắc hẳn tất cả các bạn đều đã biết, tôi sẽ đến Darjeeling để tấn phong ngài Gyalwa Lorepa. Lễ ấn chứng, tấn phong cũng như mọi nghi thức khác cũng đều là kết quả của nghiệp. Các bậc Thượng sư vĩ đại như Ngài vẫn luôn quay trở lại cõi chúng ta không chỉ bởi các Ngài đã phát đại nguyện cứu khổ, cứu nạn mọi loài chúng sinh, mà cũng vì mối thiện duyên với chúng ta. Bởi vì các Ngài là những bậc chứng ngộ nên lễ tấn phong đăng quang vô cùng quan trọng để chúng ta cung đón sự giáng lâm của một bậc giác ngộ, cũng có thể nói là chúng ta cung đón sự giáng lâm của một bậc giác ngộ có nhân duyên kết nối với chúng ta từ những đời trước. Lễ tấn phong biểu trưng cho sự thừa nhận những phẩm hạnh giác ngộ trong hình tướng một con người và khẳng định rằng giác ngộ là điều chắc chắn có thể.

Ngày này có đến một nửa số người trên trái đất không tin vào sự tái sinh, và vì thế họ thậm chí còn không tin hay chẳng màng quan tâm tới nghiệp. Nếu không hiểu biết và không tin vào nghiệp, thế giới này sẽ trở nên rối loạn bởi lẽ người ta sẽ không tin rằng làm thiện nghiệp sẽ mang lại phúc báo và gây ác nghiệp sẽ đưa đến quả báo. Đạo đức sẽ không được coi trọng. Sự tấn phong một bậc giác ngộ không chỉ minh chứng cho thế giới thấy các ngài đã hóa thân chuyển thế, mà còn nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về quy luật nghiệp nhân quả đồng thời khích lệ sách tấn chúng ta rằng chính chúng ta cũng có thể chứng đạt giác ngộ giải thoát. Mỗi sự tấn phong giống như một sự ấn chứng về khả năng đạt tới cảnh giới toàn hảo siêu việt luân hồi khổ não.

Sự hóa thân chuyển thế của Ngài Lorepa đặc biệt quan trọng với dòng Truyền thừa Drukpa chúng ta vì Ngài là một trong hai đại đệ tử thượng thủ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ Nhất, Tsangpa Gyare, vị đệ tử còn lại là ngài Gyalwa Gotsangpa. Dòng Truyền thừa Drukpa là một trong những dòng truyền thừa trứ danh nhất vào thế kỷ thứ 12 tại Tây Tạng và từ Đức Tsangpa Gyare cùng các đệ tử của Ngài đến các đệ tử đời sau của họ đã có ba nhánh truyền thừa được phát triển – Drukpa Thượng, Drukpa Trung và Drukpa Hạ, được mệnh danh dựa theo tên vùng miền nơi dòng truyền thừa đó phát triển thịnh vượng. Đức Gyalwa Lorepa là người đứng đầu dòng Drukpa Hạ và theo lý Ngài đã phải hóa thân chuyển thế giữa đời đầu tiên đó và đời này, song những hóa thân của Ngài đã không được tìm ra và không được ấn chứng, cho tới tận hóa thân hiện nay.

Có rất nhiều cách để tìm kiếm các hóa thân của các bậc thượng sư giác ngộ, hoặc thông qua những linh kiến thiền định, hoặc nhờ vào những lời huyền ký do hóa thân đời trước của các Ngài để lại trước khi thị hiện viên tịch, hoặc qua những di huấn do các Ngài truyền lại cho những đệ tử lân mẫn nhất và đôi khi còn thông qua những lời sấm huyền ký. Hóa thân đời này của Đức Gyalwa Lorepa đã được phát hiện bởi một hộ pháp ở Bhutan. Một hộ pháp đã thị hiện trong hình tướng của một vị tiên tri đáng kính và nói với chú của Ngài là Karma Rinpoche, lúc đó đang có mặt ở Bhutan trong một chuyến hành hương triều bái thánh địa, rằng nên trao Ngài cho tôi. Từ khi còn nhỏ, Ngài đã thường nói với mẹ Ngài rằng Ngài phải trở về nhà, một ngôi nhà bên trên có rất nhiều đá. Trên thực tế đó là ngôi nhà của Đức Gyalwa Lorepa ở Bhutan, được gọi là Tharpa Ling, đã tồn tại từ hơn 700 năm nay. Thậm chí mẹ của Ngài đã từng tới Bhutan để kiểm chứng xem ngôi nhà đó có tồn tại không và đúng là ngôi nhà vẫn đang ở đó.

Nghiệp hay duyên nghiệp hay khuynh hướng nghiệp, cho dù bạn có gọi là gì đi nữa, thì một cách rõ ràng và chắc chắn nó vẫn tồn tại không thể mảy may nghi ngờ. Nếu không như vậy thì làm sao một đứa trẻ ở tận Boston nước Mỹ lại có thể nhớ ngôi nhà của mình sau hàng trăm năm như vậy? Khi nhân duyên chín muồi, Ngài đã hóa thân chuyển thế trở lại với chúng ta.

Xin thay mặt cho toàn thể gia đình Drukpa của chúng ta, cung đón ngài với sự nồng hậu nhất: “Xin cung đón Ngài đã Hồi hương!”
Tôi hy vọng ở Darjeeling có kết nối mạng tốt để tôi có thể chia sẻ với các bạn vài tấm ảnh cùng tin tức.

Tôi xin tạm dừng lại ở đây!

Chủ nhật, 24 tháng 10 năm 2009

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,343
Số người trực tuyến: