Bạn đang ở đây
Cuộc sống non cao
Thoạt nhìn, Jigme Khyentse Dawa chẳng khác gì so với những cậu bé cùng độ tuổi 15 đang say mê với những nhân vật trong Harry Potter hay Chiến tranh các vì sao. Nhưng đối với các tăng sĩ và bậc cao tăng của Truyền thừa Drukpa, Ngài là một “tài năng đặc biệt”, được tôn kính là hóa thân đời thứ 9 của bậc Thượng sư vĩ đại Yongdzin Rinpoche, một trụ cột quan trọng của truyền thống Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa Drukpa. Ngự trên vương miện của Ngài là đại nguyện trì giữ, bảo tồn và phát triển dòng truyền thừa tâm linh với lịch sử quang vinh trên 800 năm và hiện có hơn 4 triệu đệ tử trên khắp thế giới. Người ta thuật lại rằng việc tìm kiếm hóa thân của Nhiếp Chính Vương Yongdzin Rinpoche đã có vô vàn trở ngại khó khăn, đến nỗi ngay cả Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cũng có lúc đành từ bỏ mọi tia hi vọng. Nhưng cuối cùng thì mối thiện duyên và ân phúc gia trì đã dẫn đến cuộc hội ngộ kỳ diệu giữa vị hóa thân trẻ tuổi và Đức Pháp vương Drukpa. Và mọi việc được ấn định, Ngài Jigme Khyentse Dawa được tấn phong là hóa thân chuyển thế của Nhiếp Chính Vương Yongdzin Rinpoche trong lễ hội Hemis năm nay.
Lễ đăng quang huy hoàng trang nghiêm
Lễ tấn phong được bắt đầu trong chính điện linh thiêng của tự viện vào đúng 9 giờ sáng, và kéo dài suốt hai giờ sau đó. Một số vị tăng trì tụng kinh kệ với âm điệu vang vọng trầm hùng, trong khi một số vị khác sử dụng các pháp khí – chiêng, xập xỏa, kèn – hết sức nhịp nhàng thuần thục. Mặc dù toàn bộ nghi lễ dường như thật phức tạp, nhưng sự trang nghiêm và những cảm xúc chí thành toát lên từ đó thậm chí có thể thuyết phục cả những người ngoại đạo vô cảm hay nghi báng nhất.
Vị tăng trẻ an tọa trên ngai tòa bên cạnh đức Pháp Vương, với khuôn mặt nghiêm trang, an nhiên trong suốt thử thách tâm linh đầu tiên của mình trước những chiếc camera và ống kính máy quay dõi gần Ngài. Buổi lễ long trọng được tiếp tục với màn trình diễn trên khoảng sân rộng nằm ngay trong lòng tự viện. “Rực rỡ sắc màu” có lẽ là cụm từ thích hợp duy nhất để tổng kết về lễ hội Hemis, được cử hành hàng năm vào ngày đản sinh của Đức Đạo Sư Liên Hoa Sinh Padmasambhava (Guru Rinpoche). Các vị tăng đeo mặt nạ trong những y phục trang nhã lướt đi qua sau cánh gà của tự viện và phô diễn vũ điệu Kim Cương thừa – màn vũ kịch xuất thần trên sân diễn, trước khán chúng là các vị du khách và người dân bản xứ đang kiên nhẫn, cứng cỏi chống lại những tia nắng chói gắt của miền non cao để thưởng thức màn trình diễn, chốc chốc lại nhiệt liệt hoan hô cổ vũ những nét đẹp của vũ điệu.
Như đã đoán trước được lượng du khách đông đảo đổ về trong ngày lễ, khắp các khúc quanh của đường núi, những người bán hàng rong và sạp hàng di động đã kịp thời có mặt. Trang sức, vòng cầu nguyện, thangka, ngay cả áo phông Hemis cùng vô số đồ lưu niệm khác cũng được rao bán với cái giá khá nặng túi tiền. Người dân Ladakh là những người dám nghĩ dám làm. Họ có thể rao bán bất kỳ thứ gì một cách đầy thuyết phục – từ những thứ có vẻ mập mờ nhất đến những đồ quý giá nhất. Bằng lời mời hứng khởi nhiệt tình, họ có thể ngay tức thì chinh phục trái tim bạn.
Những chật vật ngày đông
Chui sâu vào rặng núi Himalaya và hăm hở khám phá cảnh sắc thiên nhiên cùng những tay ghiền lái mô tô, chẳng nơi nào ở Leh lại không khiến bạn lập tức dừng chân và đắm mình trong phong cảnh ngoạn mục của bức tranh sơn dầu đã được thiên nhiên ban tặng với nét bút căng tràn nhựa sống. Nhưng, với anh chàng tài xế taxi Norpa của chúng tôi, con người luôn vun vút lái xe qua những đoạn ngoặt chữ Z bất chấp biển báo “hãy giảm tốc độ qua khúc quanh tới”, thì đơn giản đó chỉ là một thị trấn bên cạnh bao thị trấn khác. Có lẽ với người dân nơi đây, sự khắc nghiệt của mùa đông luôn lơ lửng trên đầu họ đã lấy đi vẻ lãng mạn đắm say của bầu trời xanh ngắt luôn ngự trị trong suốt những tháng mùa hè. Wang Chuk, chủ khách sạn nơi chúng tôi đang nghỉ, người thường xuyên đi lại giữa cơ ngơi của anh ở Gurgaon và Leh, nhận định “Thương mại trong mùa hè khá thuận lợi, nhưng khi giá rét mùa đông tới vào tháng 11, tôi lập tức phải chuyển đến Delhi.” Chợt nhận thấy cuộc xô xát ở quán cafe gần cạnh, Chuk hạ giọng và nói thêm, “Người Isarel! Họ thường chen chúc tới Leh vào thời gian này hàng năm và quanh quẩn cả ngày trong các quán bar và quán cafe.”
Chỉ vài năm trước, Leh chưa hấp dẫn nhiều du khách đến vậy, ngày nay nó quả là một thiên đường lý tưởng cho người dân Punjab tráng kiện, cuộc hành hương ấn tượng cho những tay thám hiểm liều lĩnh và là chuyến đi hiếu kỳ cho những ai ngang bước qua đây. Thành phố, cũng theo đó, đổi thay sâu sắc, đón chào dòng chảy tấp nập của những du khách. Với trung tâm sầm uất hiện giờ, thành phố đã và đang trải qua sự thương mại hóa ồ ạt, nhưng những vùng ngoại ô thuần khiết chính lại là nơi hứa hẹn nhiều điều kỳ thú.
Thanh âm và cảnh sắc
Bảo tháp Shanti Stupa, chỉ khoảng 5 phút lái xe từ thị trấn trung tâm, là một điểm dừng chân như vậy. Tháp là một biểu tượng của giáo lý đạo Phật nơi những viên xá lợi, kinh điển và tượng Phật được chôn giữ sâu bên trong những bức tường. Shanti Stupa được khởi công vào năm 1983 do Tỳ kheo người Nhật Gyomo Nakamura xây dựng. Ngôi bảo tháp với mái vòm màu trắng này ngự trên một đỉnh đồi dốc thoải cho một tầm nhìn bao quát toàn thị trấn Leh, ban tặng cho ta bao khoảnh khắc đẹp tựa như tranh. Sàn của tòa tháp lát đá cẩm thạch sạch và sáng bóng khiến dịu đi bước chân nóng ran mỏi mệt. Hai điểm đến khác ở ngoại vi thị trấn là Magnetic Hill (Ngọn đồi Nam châm) và Indus-Zanskar sangam. Xe cộ dường như được đẩy tới tự nhiên không cần phải nổ máy ở trên ngọn đồi; một số người cho rằng đó chỉ là lầm lẫn và ảo giác. Đây là nơi rất phổ biến cho du khách, nơi người ta không thể không thốt lên ngay từ cái nhìn đầu tiên, như khi nhà ảo thuật đột nhiên kéo chú thỏ ra từ chiếc mũ của anh ta vậy.
Cách ngọn đồi chỉ một, hai km là Sangam hay nơi hội tụ của dòng sông Ấn (Indus) và sông Zanskar. Nhưng bao nhiêu cảnh sắc vẫn không thể sánh với hồ ngũ sắc Pangong, cách 5 giờ lái xe từ thị trấn trung tâm, nằm trên độ cao khoảng 13,900 feet. Một phần tư hồ ở trên lãnh thổ Ấn Độ, phần còn lại ở trên lãnh thổ Trung Quốc, Hồ Pangong là nơi binh lính tuần tra nghiêm ngặt quanh năm. Làn nước trong mờ chuyển sắc trong từng tia nắng mặt trời đến độ như huyền ảo. Lý tưởng nhất là có thể cắm trại vì thực sự là chưa trọn vẹn nếu chỉ tới du ngoạn mà không chứng kiến cảnh bình minh và hoàng hôn đầy mê hoặc. Với những ai chưa thỏa mãn với Pangong, hồ Tsomoriri còn nằm ở độ cao lớn hơn, khoảng 15,075 ft, và phải dừng chân ở đây ít nhất 2 ngày. Những giống chim quý như sếu cổ đen, mòng biển và vịt đỏ đều cư ngụ quanh hồ. Thật bõ công khi mang một cặp ống nhòm tới đây để chiêm ngưỡng gần hơn những chú chim và loài thú quý hiếm.
Chuyện bên lề
Leh là thánh địa của những người ưa phiêu lưu mạo hiểm. Những ngọn núi chóp nhọn, dốc đứng không chỉ tạo nên khung cảnh hùng tráng mà còn là nơi đòi hỏi kĩ năng leo núi cực kỳ vững chắc. Mỗi năm, đa số những người leo núi dùng ngựa pony đã khiến cho đồng cỏ trong vùng bị tàn phá nặng nề và những nỗ lực trồng cây gây rừng phải gánh chịu bước thụt lùi đáng kể. Giám đốc Hiệp hội Thanh Niên vì sự Bảo tồn và Phát triển Công viên quốc gia Hemis (YAFCAD HNP) – Ông Khenrab đã khảo sát và đề xuất một phương án sáng tạo.
"Chúng tôi cố gắng thuyết phục người dân bản địa cho những du khách leo núi trú ngụ tại gia đình họ. Ban đầu họ lưỡng lự, vì cảm thấy nhà họ quá đơn sơ. Sau đó chúng tôi đã cung cấp cho họ những vật dụng cơ bản như – giường tốt, những gian phòng sạch sẽ, an toàn, và nước lọc,” ông Khenrab cho biết. Ông đã không chỉ giúp những người dân bản xứ cách buôn bán tiểu thương, mà còn giúp những cánh đồng cỏ trong khu vực được bảo tồn. Ngày nay, với mức giá 350 Rs một ngày bao gồm cả bữa ăn, du khách đã có thể nghỉ chân với một gia đình bản địa và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Ladakh thứ thiệt.
Điều vui mừng nhất là suốt dọc vùng Leh-Ladakh, người dân bản địa đã nỗ lực rất nhiều nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên xung quanh nguyên vẹn và an toàn. Chẳng hạn, tại trường học Drukpa Bạch Liên (Hoa sen trắng), đa dạng sinh học chiếm vai trò rất quan trọng và các học sinh đều có trách nhiệm chăm sóc mái trường cũng như những khu vực xung quanh. Nhưng, gần đây, với lượng du khách quá nhiều, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp đã trở thành một thách thức không nhỏ.
Dù miền quê ở Leh là một nơi hút hồn hấp dẫn, nhưng nó không phải là nơi dành cho những người luôn đòi hỏi tiện nghi. Với những người yêu thích tự do khoáng đạt, miền núi nơi tuyết phủ quanh năm cùng những con đường quanh co uốn lượn mang lại rất nhiều những trải nghiệm và khám phá diệu kỳ, siêu việt.
đình họ. Ban đầu họ lưỡng lự, vì cảm thấy nhà họ quá đơn sơ. Sau đó chúng tôi đã cung cấp cho họ những vật dụng cơ bản như – giường tốt, những gian phòng sạch sẽ, an toàn, và nước lọc,” ông Khenrab cho biết. Ông đã không chỉ giúp những người dân bản xứ cách buôn bán tiểu thương, mà còn giúp những cánh đồng cỏ trong khu vực được bảo tồn. Ngày nay, với mức giá 350 Rs một ngày bao gồm cả bữa ăn, du khách đã có thể nghỉ chân với một gia đình bản địa và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Ladakh thứ thiệt.
Điều vui mừng nhất là suốt dọc vùng Leh-Ladakh, người dân bản địa đã nỗ lực rất nhiều nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên xung quanh nguyên vẹn và an toàn. Chẳng hạn, tại trường học Drukpa Bạch Liên (Hoa sen trắng), đa dạng sinh học chiếm vai trò rất quan trọng và các học sinh đều có trách nhiệm chăm sóc mái trường cũng như những khu vực xung quanh. Nhưng, gần đây, với lượng du khách quá nhiều, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp đã trở thành một thách thức không nhỏ.
Dù miền quê ở Leh là một nơi hút hồn hấp dẫn, nhưng nó không phải là nơi dành cho những người luôn đòi hỏi tiện nghi. Với những người yêu thích tự do khoáng đạt, miền núi nơi tuyết phủ quanh năm cùng những con đường quanh co uốn lượn mang lại rất nhiều những trải nghiệm và khám phá diệu kỳ, siêu việt.
Viết bình luận
- 33 reads