Bạn đang ở đây
Điều gì khiến tâm chúng ta bất an?
Việc không có cơm ăn hay nhà ở khiến chúng ta đau khổ đến mức nào? Nhiều người trên thế giới hiện vẫn còn đang thiếu nơi ăn chốn ở, song tôi nghĩ đa số chúng ta đều có đủ cơm ăn, áo mặc. Vậy tại sao tâm chúng ta vẫn đau khổ? Vì sao tâm chúng ta vẫn bất an?
Thông thường, chính ý thức về bản ngã gieo vào tâm chúng ta những hạt giống bất an. Chúng ta cố gắng tìm hiểu bản thân, cố định nghĩa mình bằng những danh xưng khái niệm. Kết quả là ta bị mắc kẹt trong sự tự định nghĩa này đến nỗi phải dằn vặt với mỗi suy nghĩ hành động: Ai lại làm như thế? Sao lúc nào mình cũng phản ứng như vậy? Chúng ta luôn cảm thấy tiếc nuối khi nghĩ rằng lẽ ra mình có thể làm tốt hơn, có thể thành công hoặc được nhiều người yêu mến hơn.
Mối quan hệ nhân duyên giữa chúng ta với mọi người vốn là một nguồn vui to lớn trong cuộc sống, song đôi khi cũng là nguồn gốc của sự bất an. Chúng ta sợ phải sống cô đơn, lo lắng sẽ thua kém người khác. Rồi có những người dường như luôn làm chúng ta bực bội, cố tìm cách trêu tức, châm chọc và điều khiển chúng ta.
Nhiều người luôn có cảm giác bất an khi nghĩ về thời gian - họ luôn thấy không có đủ thời gian trong một ngày, luôn hối hả vội vàng mỗi giờ và mỗi ngày, tưởng như cuộc sống tốt đẹp hoặc đã trôi qua, hoặc còn nằm ở phía trước. Ngày nay, áp lực cuộc sống đến từ mọi hướng: công nghệ hiện đại khiến chúng ta có thể làm việc suốt 24 giờ một ngày, mỗi ngày có vô số việc phải giải quyết khiến chúng ta luôn có cảm giác kiệt sức, những lo lắng về tiền bạc và áp lực phải thành công hoặc xứng tầm với những kỳ vọng do chính mình và những người xung quanh đặt ra.
Làm sao bạn có thể giải tỏa được những áp lực này? Làm thế nào để bạn tìm lại được không gian mỗi ngày và trong cuộc sống, để có thể hít thở và đơn giản là hân hưởng, làm tốt mọi việc và kịp thời gian, để cảm thấy hài lòng, thư giãn và hạnh phúc? Một lần nữa, mấu chốt của vấn đề chính là biết buông xả. Chính vì luôn cố gắng nắm giữ mọi thứ, cả thực tại cũng như vọng tưởng, mọi ý nghĩ và cảm xúc, nỗi sợ hãi, hoang mang và kỳ vọng, nên trái tim chúng ta dần nặng nề và tâm trở nên lo lắng bất an. Vì cố gắng quá nhiều nên chúng ta cảm thấy thất vọng khi không thể làm tốt mọi việc (thậm chí chẳng làm nên việc gì), hoặc ân hận vì đã không quan tâm đầy đủ tới một ai đó (do bị phân tán bởi vô vàn mối quan tâm khác nhau).
Những dấu hiệu nhận biết tâm bất an
Giờ hãy cùng xem những dấu hiệu cho thấy tâm ta đang bất an:
Sợ hãi và lo lắng; Cảm thấy vội vàng; Cảm thấy áp lực và quá tải; Cảm thấy bực bội; Dễ bị phân tâm; Hay trì hoãn công việc hàng ngày, từ nhỏ đến lớn; Thường xuyên thay đổi công việc hay chỗ ở; Mất ngủ; Ăn uống không điều độ; Sử dụng chất kích thích để giải tỏa; Do dự, thiếu quyết đoán; Thiếu tự tin, thất vọng về bản thân; Luôn bị ám ảnh bởi cảm giác cô đơn hay đau khổ; Luôn cảm thấy thiếu thốn, muốn có nhiều hơn nữa (tình cảm, vật chất); Thường xuyên chỉ trích người khác; Phản ứng thái quá trước những khó chịu vụn vặt; Cảm thấy bế tắc mất phương hướng; Dễ chán nản; Dễ xấu hổ; Cảm giác bị đe dọa; Cảm giác không được người khác yêu thương; Cảm thấy cuộc đời bất công; Ganh tỵ với người khác; Hay nghĩ ngợi, lo âu; Nghĩ đến điều xấu nhất.
Khi trải nghiệm những dấu hiệu tâm bất an như trên, chúng ta rất dễ bị bế tắc. Tuy nhiên, nếu biết lùi lại một bước, biết thư giãn soi rọi lại tâm mình, ta sẽ nhận ra mình có thể đảo ngược được tình thế. Ở đây, chúng ta không nên kỳ vọng giải quyết được vấn đề ngay lập tức. Việc tìm kiếm giải pháp đúng đắn cho từng vấn đề không phải là điều quan trọng. Thay vào đó, chúng ta cần tìm hiểu về tự tính tâm để biết các cảm xúc bộc phát được hình thành theo thói quen ra sao, nhận ra đâu là nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau. Ta cũng sẽ thấy những bài tập đơn giản về thiền định và chính niệm có hiệu quả như thế nào trong việc điều phục tâm bất an và nuôi dưỡng những suy nghĩ cảm xúc tích cực giúp ta thêm yêu đời và sẵn sàng đương đầu với mọi thăng trầm cuộc sống.
Dưới đây là ba căn nguyên chính của tâm bất an
-
Bệnh tật trong cơ thể và những nỗi đau tinh thần.
-
Tham muốn - không đạt được những mong cầu của bản thân, phải sống trong những hoàn cảnh bất như ý, phải lìa xa những gì mình yêu quý.
-
Ý thức bám chấp vào “bản ngã” hay về bản tính của mình – do bám chấp vào quan điểm cho rằng lẽ ra mình phải là người tốt hơn, được nhiều người yêu mến hơn, thành công hơn, hoặc do có quan điểm rất cứng nhắc.
~ Trích ấn phẩm “Tâm an lạc” - Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa
- 11705 reads