Bạn đang ở đây
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ VIII (1768 - 1822)
(Đức Pháp Vương đời thứ VIII, Kunzig Mipham Chokyi Nangwa)
Đức Pháp Vương Gyalwang Kunzig Mipham Chokyi Nangwa đản sinh năm 1768 với vô số điềm lành xuất hiện tại ngôi làng Luteng ở trung tâm Khachu Jowo, thung lũng Nyang, tỉnh Kongpo. Nguồn gốc hiện thân của Ngài rất minh bạch. Ngài thuộc dòng dõi hoàng tộc Tây Tạng, phụ thân là Tsewang Gonpo còn mẫu thân là Pema Kyimo.
Đức Hộ Trì Quy Y Pawo Rinpoche Tsuglag Gawa nhận ra Ngài chính là Hóa thân của Đức Kargyud Thinley Shingta đời trước.
Năm lên năm tuổi, Ngài được cung thỉnh đến tự viện Sangag Choeling. Trên đường đi, Ngài dừng chân tại tự viện Jatshoen Namgyal Ling Drukpa, thuộc truyền thống Choeding. Tại đây, Ngài gặp Đức Je Pawo Tsuglag Gawa và được làm lễ giá kéo, thọ giới dành cho cư sĩ.
(Tự viện Sangag Choeling)
Tại tự viện Sangag Choeling nhằm ngày cát tường, Ngài được đăng quang ngôi vị Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Trong buổi lễ đăng quang, tất cả Thượng sư đứng đầu của Truyền thừa Drukpa và các Thượng sư Truyền thừa Drikung và Nam Drukpa từ Bhutan đều cung kính dâng phẩm vật cúng dường lên và cầu nguyện Ngài trường thọ. Sau đó, Ngài Yongzin Jampal Pawo của Truyền thừa Drukpa đã khai đại lễ truyền pháp, và giáo pháp đầu tiên Ngài thọ nhận là pháp tu Bạch Văn Thù.
Năm lên sáu tuổi, Ngài có năng lực ghi nhớ và đọc thuộc nhanh chóng tất cả các kinh văn, nghi quỹ của Truyền thừa Drukpa cũng như Manjushri Nama Sangirti (gồm tất cả Pháp hiệu tôn quý của Đức Văn Thù) và toàn bộ Tantra Gốc của Hỷ Lạc Kim Cương Hevajra.
Năm lên chín tuổi, Ngài tới Lhasa diện kiến Đức Dalai Lama Jampal Gyatso đời thứ VIII để làm lễ thế phát theo truyền thống.
Ngài thụ nhận hầu hết các quán đỉnh, Kinh điển, giáo pháp từ Đức Je Yongzin Jampal Pawo tại tự viện Dechen Choekhor. Ngài thụ giới sa di và được Đức Yongzin ban Pháp danh Mipham Kunzig Choekyi Nangwa nghĩa là : "Đức Pháp Vương Toàn Tri Vô Song".
Năm mười ba tuổi, Đức Terton Zigar Dorje Dragpo vĩ đại của tự viện Zigar đã truyền cho Ngài pháp Đại Toàn Thiện và đặc biệt là tất cả các thừa pháp Terma mà đích thân Đức Terton đã khám phá.
Chẳng lâu sau, Thượng sư Tôn quý Jetsun Tinley Yarphel tại tự viện Kongpo của Truyền thừa Drukpa Kargye ở Choeding được cung thỉnh tới tự viện Sangag Choeding để dạy Ngài học trong bảy năm. Đức Pháp Vương đã trở nên bất khả phân với Thượng sư tôn quý của mình. Thượng sư Jetsun Tinley Yarphel dạy Ngũ Minh, truyền lại các giáo pháp đặc biệt về hai giai đoạn thiền định trong Kim cương thừa và pháp Đại Thủ Ấn. Bậc Thầy luôn ở bên cạnh nâng đỡ Ngài bằng những trải nghiệm trực tiếp của chính mình. Qua sự hướng đạo của Thượng Sư, Ngài đã chứng ngộ tự tính thực tại tuyệt đối, vì vậy Ngài cung kính Thượng sư Tinley Yarphel là Căn bản Thượng sư của mình.
Năm hai mươi bảy tuổi, Ngài thụ giới Tỳ Kheo từ Đức Karmapa Dudul Dorje. Sau đó, Ngài tiến hành trùng tu tôn tạo và mở rộng các trụ xứ Ralung và Sangag Choeling. Hàng năm, Ngài thường hành hương đến thánh địa Tsari xa xôi ở trên vùng núi cao và nhập thất ba năm ba tháng trong một hang động ẩn cư của Ngài Rechungpa tại tự viện Jar Phunag. Mỗi khi có thời gian nghỉ giữa những hoạt động hoằng pháp, Ngài thường nhập thất một năm, vài tháng ở Tsari và nhiều thánh địa khác.
(Tự viện cổ Hemis, trụ xứ chính của Truyền thừa Drukpa ở Ladakh)
Theo lời thỉnh cầu của vua Ngari Choegyal và vị Thái tử xứ Ladakh, Ngài đã đến viếng thăm tự viện Hemis, Chemray và nhiều ngôi tự viện khác. Đến đâu Ngài cũng được đón tiếp rất chu đáo và long trọng. Qua những buổi cầu nguyện, giảng pháp và quán đỉnh, Ngài đã kết mối duyên pháp với đức Vua, với các thành viên của hoàng tộc và dân chúng. Dưới sự gia trì của Ngài, tất cả sở nguyện của họ đều được viên mãn.
(Tự viện Chemdray, Ladakh)
Nguồn: Biographies - 8th Drukpa- http://www.drukpa.org
Kunzig Mipham Chokyi Nangwa - Trích trong cuốn: "The Wand That Opens The Eyes And DispelsThe Darkness of Mind"
Viết bình luận
- 162 reads