Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa trở lại Việt Nam sau bốn năm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa trở lại Việt Nam sau bốn năm

45
26/01/2023 - 09:10

Trở lại Việt Nam lần thứ 11 sau bốn năm, người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa thế giới có nhiều hoạt động cầu quốc thái dân an trong hai tuần.

Đức Pháp vương cùng Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa sẽ đến Hà Nội ngày 26/1 (mùng 5 Tết) - thời điểm tốt lành nhất trong năm, thích hợp cho các hoạt động cầu an, thực hành tu tập thiện nguyện. Lần gần nhất ông đến Việt Nam là năm 2019, sau đó bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Trong hành trình viếng thăm miền Bắc từ ngày 26/1 đến 10/2, Đức Pháp vương sẽ cử hành nhiều hoạt động tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trước ngày lên đường, Đức Drukpa chia sẻ niềm hoan hỷ khi cùng tăng đoàn trở lại Việt Nam, đặc biệt chủ trì pháp hội Đại Bi Quan Âm dịp xuân Quý Mão tại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc) với ước nguyện mang may mắn cho đất nước, con người Việt Nam.

"Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, việc kết nối với suối nguồn an vui thực sự bên trong là tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh thức, giúp chúng ta hạnh phúc hơn, xã hội bình an và từ đó góp phần thay đổi thế giới", ông tâm niệm.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đến Việt Nam năm 2018. Ảnh: Ngọc Thành

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đến Việt Nam năm 2018. Ảnh: Ngọc Thành

Mở đầu chuỗi hoạt động, triển lãm Pháp vũ rồng thiêng đã khai mạc chiều 25/1 và kéo dài tới 10/2 tại bảo tháp Mandala Tây Thiên. Triển lãm có 324 hình ảnh chia thành 15 chủ đề, điểm lại hành trình 15 năm gieo duyên phật pháp của Đức Drukpa cùng Tăng đoàn với người dân, phật tử Việt Nam.

Thượng tọa Thích Thanh Lâm, Phó ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin rằng qua các hình ảnh, nhiều người sẽ cảm nhận được tình cảm của Đức Pháp vương Drukpa với người dân Việt Nam và ngược lại.

Lần đầu tiên ngay sau Tết Nguyên đán, pháp hội Đại Bi Quan Âm cầu mong quốc thái dân an kéo dài ba ngày sẽ tổ chức tại bảo tháp Mandala Tây Thiên, từ 27 đến 29/1 (mùng 6 - 8 Tết). Phật tử có thể gửi gắm nguyện ước bình an đầu năm mới cho gia đình và bản thân qua các nghi lễ truyền thống Phật giáo Kim cương thừa do Đức Drukpa cùng Tăng đoàn chủ trì.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa cũng sẽ viếng thăm chùa Phật Tích (Bắc Ninh); giảng pháp tại tịnh thất Tây Thiên, đại lễ gia trì cộng đồng tại chùa Thiên Ân, chùa Bảng, chủ trì tọa đàm "Sống hạnh phúc" tại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc); cầu quốc thái dân an tại chùa Quế Lâm (Phú Thọ).

Chư tôn tăng ni cùng khách mời tham quan triển lãm ảnh Pháp vũ rồng thiêng khai mạc ngày 25/1 tại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Drukpa Việt Nam

Chư tôn tăng ni cùng khách mời tham quan triển lãm ảnh Pháp vũ rồng thiêng khai mạc ngày 25/1 tại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Drukpa Việt Nam

Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây gần một nghìn năm, có ảnh hưởng rộng khắp các quốc gia và lãnh thổ trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Nepal, Bhutan... Ngày nay, các trung tâm tu học của Truyền thừa Drukpa tiếp tục được phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa sinh năm 1963 trong một gia đình hành giả Kim cương thừa có dòng dõi tôn quý. Gần bốn thập niên truyền giảng Phật pháp toàn thế giới, Đức Pháp vương đã khởi xướng nhiều dự án nhân đạo, thúc đẩy nhiều nhóm việc thiện nguyện liên quan bảo vệ môi trường, cứu trợ, giáo dục, dịch vụ y tế và bảo tồn di sản.

Trường Bạch Liên Hoa và Tự viện Druk Gawa Khilwa (vùng Himalaya) do ông thành lập là nơi dạy học miễn phí cho trẻ em, nơi tăng chúng và ni chúng được truyền dạy Phật pháp bình đẳng, không phân biệt giới tính. Những nỗ lực nhân đạo và bảo tồn môi trường của ông được Liên Hợp Quốc tôn vinh với các giải thưởng "Vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ", "Bậc bảo hộ vùng Himalaya", "South - South Awards"...

15 năm qua, Đức Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa đã nhiều lần đến Việt Nam chia sẻ Phật pháp, cử hành nhiều pháp hội cầu an, đóng góp tri thức và hướng đạo trong việc xây dựng di sản kiến trúc văn hóa Phật giáo cho người dân Việt Nam.

(Nguồn: VNExpress)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,498
Số người trực tuyến: