Bạn đang ở đây
Đức Pháp Vương khai thị: Tên gọi và duyên khởi của Bát Nhă Tâm Kinh
Bát nhã Tâm Kinh được coi là một trong những giáo pháp thâm diệu và tối thượng nhất của Đại thừa. Giáo pháp Kim cương thừa, vốn dựa trên nền tảng Đại thừa, cũng có cùng quan điểm như vậy. Giáo pháp Kim cương thừa không tách rời khỏi giáo pháp Bồ đề tâm và Bát nhã Ba la mật của truyền thống Phật giáo Đại thừa.
Truyền thống thực hành Kim cương thừa chính là sự kết hợp giữa truyền thống Đại thừa và phương tiện thiện xảo. Vì thế, truyền thống Kim cương thừa hết sức đề cao Bát Nhã Tâm Kinh. Trong thực hành Kim cương thừa, Bát Nhã Tâm Kinh là trí tuệ tuyệt đối và các nội dung thực hành còn lại nêu biểu lòng bi mẫn hay phương tiện thiện xảo.
Tinh túy của giáo pháp Đại thừa là Lục độ Ba la mật, bao gồm bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Trong sáu Ba la mật kể trên, năm Ba la mật đầu tiên được gọi là các phương tiện thiện xảo để phát khởi và trưởng dưỡng lòng bi mẫn. Ba la mật cuối cùng là giác ngộ hay trí tuệ. Đó là lý do tại sao nếu chỉ thực hành phương tiện thiện xảo, có nghĩa là chỉ thực hành từ bi, thì chúng ta sẽ được bình yên, thậm chí rất an vui, nhưng sẽ không bao giờ thoát khỏi luân hồi vì chúng ta không viên mãn trí tuệ. Ngược lại, nếu có trí tuệ nhưng không có lòng bi mẫn thì chúng ta sẽ không phải là hành giả tu tập Đại thừa. Chúng ta có thể đạt giác ngộ, giải thoát được bản thân nhưng không có tâm nguyện lợi ích chúng sinh. Vì vậy, từ bi và trí tuệ được coi là đôi cánh của giáo pháp Đại thừa và Kim cương thừa.
(Bát Nhã Tâm Kinh do chính Đức Pháp Vương chấp bút, được khắc chữ vàng nổi)
Giống như giáo pháp Đại thừa, Kim cương thừa đòi hỏi thực hành cả Từ bi và Trí tuệ. Nhưng phần lớn các nội dung thực hành trong Kim cương thừa đều kết hợp đồng thời cả từ bi (tức phương tiện thiện xảo) và trí tuệ (tức tính không). Từ bi và trí tuệ không thể thực hành tách rời nhau. Chẳng hạn, khi đang thực hành phương tiện thiện xảo bằng cách quán tưởng sắc thân Phật, chúng ta cần có hiểu biết về tính không. Hiểu biết về tính không cần xuyên suốt trong thực hành quán tưởng sắc thân Phật: hình ảnh quán tưởng đó cần được hiểu giống như hình ảnh phản chiếu trong gương - đang tồn tại rất rõ ràng nhưng đồng thời lại không có thực. Đây là hiểu biết về tính không và hiểu biết này được thực hành cùng với phương tiện thiện xảo là lòng bi mẫn.
Tên gọi và duyên khởi của Bát Nhã Tâm Kinh
Chúng ta sẽ bắt đầu với tựa đề Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Phần lớn giáo pháp của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy được giảng bằng tiếng Pali trong khi các giáo pháp Đại thừa được giảng bằng tiếng Phạn.
Vì cuốn Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa là giáo lý Đại thừa nên được trình bày bằng tiếng Phạn. Trong cụm từ “Prajnaparamita”, Prajna phiên âm là “Bát nhã” có nghĩa là trí tuệ, Paramita như trong Lục độ Ba la mật, có nghĩa là “bậc siêu việt luân hồi”. Hrdaya có nghĩa là tâm. Điều này có nghĩa giáo pháp về Trí tuệ Bát nhã là cốt tủy mọi giáo pháp của Đức Phật, đó là lý do giáo pháp này được gọi là “Tâm”. Không những là Trí tuệ Ba la mật, mà còn là Trí tuệ Ba la mật của Phật, có nghĩa là sự toàn giác. Chư Bồ tát cũng có hiểu biết về Trí tuệ Ba la mật, các bậc A La Hán cũng hiểu về Trí tuệ Ba la mật, nhưng ở các cấp độ khác nhau và chưa phải là toàn giác. Chỉ chư Phật mới chứng ngộ viên mãn Trí tuệ Ba la mật. Vì thế, trong Kinh này, chúng ta đang bàn về cấp độ hiểu biết tuyệt đối, rốt ráo của Phật.
(Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)
Giáo pháp căn bản về trí tuệ được coi là khía cạnh trí tuệ của hết thảy chư Phật trong khi lòng bi mẫn được coi là tình yêu thương của hết thảy chư Phật. Nếu không có hạt giống bi mẫn ngay từ đầu, chúng ta sẽ không bao giờ có động cơ đạt được giác ngộ. Và ngay cả khi có tâm nguyện thành tựu giác ngộ, nếu lòng bi mẫn không song hành trong thực hành trưởng dưỡng bản thân, thì ý chí của chúng ta sẽ dễ dàng bị thoái chuyển. Chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi và rất khó thực hành. Ngay việc thực hành bố thí cũng sẽ là thử thách lớn, chưa nói gì đến thực hành Thí thân pháp thực sự của bậc Bồ tát. Chẳng có gì níu giữ khi chúng ta không đủ lòng bi mẫn. Ngay cả khi đã giác ngộ, chúng ta sẽ không có tâm nguyện lợi ích chúng sinh vì không có lòng bi mẫn hoặc lòng bi mẫn chưa đủ mạnh. Vì thế lòng bi mẫn là vô cùng cần thiết và được coi là hạt giống giác ngộ.
Khi kết hợp lòng bi mẫn (hay tình yêu thương vô điều kiện) với Trí tuệ Bát nhã, chúng ta có thể đạt được Phật quả. Tức là trí tuệ hiểu biết đầy đủ về tự tính của vạn pháp, không còn bất kỳ tạo tác, vọng tưởng nào. Khi thấu suốt bản chất của vạn pháp, đó là lúc chúng ta thành Phật.
Nói về duyên khởi của Bát nhã Tâm Kinh, bối cảnh được thuật lại là: “Một thời Đức Thế Tôn đang ở tại Rajgriha, tức Đỉnh Linh Thứu…” Theo giáo pháp Đại thừa, Đức Phật đã chuyển bánh xe pháp ba lần. Lần chuyển pháp đầu tiên diễn ra tại Vườn Lộc Uyển (Sarnath). Lần chuyển pháp thứ hai diễn ra tại Đỉnh Linh Thứu, nơi Đức Phật đã giảng Bát nhã Ba la mật.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Rajgriha là một địa danh ở Ấn Độ. Sở dĩ nơi đây được gọi là Đỉnh Linh Thứu vì hai lý do. Lý do thứ nhất là toàn bộ hình dáng của ngọn núi này giống một con chim linh thứu. Lý do thứ hai là theo giáo pháp Đại thừa, trong thời gian Đức Phật giảng pháp, tim Ngài tỏa ra ánh sáng rạng ngời. Chư Phật mười phương thấy ánh sáng đó, liền dạy đệ tử rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng pháp và họ nên đến đón nhận giáo pháp. Vì thế, các vị Bồ tát đã đến phủ kín cả ngọn núi với tâm nguyện được nghe giảng pháp. Đối với chúng sinh thanh tịnh, các Ngài thị hiện là Bồ tát, còn đối với chúng sinh bất tịnh, các Ngài thị hiện thành chim linh thứu. Nhiều người đã không thấy được sắc tướng Bồ tát của các Ngài, thay vào đó, họ thấy cả ngọn núi tràn đầy chim linh thứu khi Đức Phật giảng pháp. Đó là lý do tại sao ngọn núi này được gọi là Đỉnh Linh Thứu.
Nhiều bậc Thầy trong quá khứ đến thăm Đỉnh Linh Thứu đã không thể leo lên núi như chúng ta ngày nay. Khi ngước nhìn đỉnh núi, các Ngài thấy mọi tảng đá đều là Kinh điển và Giáo pháp. Bởi thế, các Ngài chỉ cung kính đỉnh lễ từ dưới chân núi và quay trở về.
Cùng với chư Bồ tát mười phương vân tập trong sắc tướng chim linh thứu còn có đại chúng gồm chư Tăng, chư Bồ tát và chư Thánh chúng. Đức Phật đã nhập đại định về “Đại bình đẳng xả với trí tuệ Diệu quán sát”.
Giáo pháp dạy rằng Đức Phật không ở trong mà cũng không ở ngoài thiền định. Đối với chúng ta, thiền định là khi chúng ta an trú trong tự tính tâm. Khi không thiền định, chúng ta thấy vạn pháp trở nên rất chắc thực. Ngay cả các bậc Bồ tát, khi xuất định, các Ngài có thể không coi vạn pháp là hoàn toàn thực chắc nhưng vẫn phần nào bám chấp. Còn đối với Đức Phật thì hoàn toàn khác: Đối với Ngài, không có thiền hay không thiền. Đức Phật luôn an trú trong tự tính. Tuy nhiên, vì lợi ích chúng sinh mà chúng ta nói rằng Đức Phật đang an trụ Bát nhã Ba la mật. Và nhờ gia trì của Đức Phật, Đức Quán Tự Tại cũng an trụ trong tính không của Ngũ uẩn.
(Đức Pháp Vương tại chùa Vĩnh Nghiêm trong Pháp hội 2017)
Tiếp theo, chúng ta tập trung vào phần gia trì. Đức Phật đã ban gia trì cho Bồ tát Quán Tự Tại và Đức Xá Lợi Phất. Các bậc Thầy dạy rằng trong Tâm Kinh có ba loại gia trì. Một là gia trì khẩu vì Đức Phật đã dùng khẩu gia trì cho Đức Quán Thế Âm và Đức Xá Lợi Phất, rồi cuộc thảo luận được tiếp tục. Gia trì thứ hai là khi Đức Phật dạy Đức Quán Thế Âm: “Đúng vậy, đúng vậy”, đó là Đức Phật cho phép bằng lời. Gia trì thứ ba về khẩu là vào lúc mở đầu bài Kinh, khi Đức Kim Cương Thủ viết: “Như vậy tôi nghe” và phần còn lại trong Kinh về giáo pháp Đức Phật đã giảng khi Ngài nói: “Mọi thứ đều đúng. Chuyện đã diễn ra như vậy”. Phần đó được gọi là sự cho phép bằng lời.
Do vậy, do được Đức Phật cho phép, Tôn giả Xá Lợi Phất đã thỉnh cầu Đức Quán Tự Tại - “Thiện nam tử…” Câu hỏi mang nghĩa là một bậc Bồ tát hoặc những người tu tập Bồ tát đạo “có cần thực hành Bát nhã Ba la mật thâm diệu hay không?” Đức Quán Tự Tại trả lời Tôn giả Xá Lợi Phất như sau, “Bất kỳ Bồ tát nào có tâm nguyện thực hành Bát nhã Ba la mật đều cần thấy rõ vạn pháp theo cách này. Các Bồ tát cần thấy rõ rằng ngay cả năm uẩn cũng đều là như huyễn, không thật”.
(Còn tiếp)
- 2304 reads