Bạn đang ở đây
Đừng than thân trách phận, hãy thử tìm cách thay đổi
Nếu nhẫn nại với chính mình, bạn sẽ trưởng thành hơn và không dễ nản lòng, bỏ cuộc.
Chắc hẳn bạn từng nhiều lần nghe nói kiên nhẫn là một phẩm hạnh, song để đạt được phẩm chất đó quả là một thách thức bởi chúng ta đã quá quen với việc phản ứng. Việc thực hành nhẫn nại không hề dễ, song có rất nhiều cách để bắt đầu. Trước tiên bạn nên hiểu: Để trưởng dưỡng sự nhẫn nại và bao dung cần rất nhiều sự chiêm nghiệm và thấu hiểu. Không dễ để bao dung trước những sự việc đi ngược lại hoàn toàn với giá trị của bạn, với cách bạn nhận thức và phân biệt đúng sai, tốt xấu, hay khi mọi người ứng xử theo cách không phù hợp với thế giới quan của bạn.
Cách chúng ta phản ứng trong những tình huống như vậy chính là tấm gương phản chiếu mức độ bao dung của mình. Nhưng chẳng có gì ngăn cản bạn bắt đầu thực hành để giảm bớt những dấu hiệu của sự nóng nảy kinh niên nơi mình.
Khi nhẫn nại bạn sẽ trưởng thành hơn
Tôi không khuyên bạn bỏ cuộc, mặc kệ chẳng làm gì khi có ai đó đối xử không tốt hoặc lạm dụng lòng tốt của bạn. Điều tôi muốn nói ở đây là khi nhẫn nại, bạn sẽ trưởng thành hơn, sẽ không dễ dàng chán nản, bỏ cuộc. Bạn sẽ không để những xúc tình tiêu cực nảy sinh từ nghịch cảnh bủa vây hay kiểm soát mình.
Bạn sẽ không còn than vãn “Tại sao chuyện đó lại xảy ra với mình?” và sẽ không tự hỏi liệu ngày mai bạn còn gặp đau khổ nữa không. Thay vì vậy bạn sẽ tự hỏi mình nên làm gì, nên thay đổi bản thân như thế nào. Điều này không dễ, nhưng nếu biết bắt đầu với sự cảm thông thì bạn sẽ dần dần hiểu ra.
Chẳng hạn, khi ai đó đối xử không tốt với bạn thì chắc hẳn điều đó phải có lý do. Hãy tìm hiểu nguyên nhân để hiểu hơn về người đó và biết lý do của hành vi người ấy dành cho mình. Có thể vì bản thân họ yếu đuối hoặc hiểu nhầm bạn, cũng có thể bạn đã làm gì khiến họ phật lòng. Nếu hiểu được nguyên nhân, bạn sẽ thấy những cảm xúc tiêu cực trong mình nguội đi.
Thậm chí cho dù người đó cư xử rất tệ và bạn chẳng thể làm gì ngoài việc quay lưng bỏ đi, bạn cũng sẽ không để tâm bám chấp và thấy chẳng việc gì phải mang tâm trạng bực tức theo mình.
Trong cách thực hành này, bạn cần trung thực với chính mình. Giả sử có ai đó nói xấu bạn, nếu điều đó không đúng mà chỉ là những câu chuyện thị phi tầm phào, thì chẳng việc gì bạn phải lăn tăn khó chịu. Hãy bỏ qua và tiếp tục bước đi. Còn nếu trong những lời nói đó có chút gì đúng, hãy suy ngẫm và thành thực tự điều chỉnh, hoàn thiện mình và sau đó cũng đừng tự dày vò bản thân quá mức về lỗi lầm đã xảy ra.
~ Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
- 572 reads