Bạn đang ở đây
Ghi chép từ khóa Đại lễ Monlam Zangchod
Đoàn Phật tử chúng tôi trở lại Tự viện Druk Amitabha lần này vào một đầu chiều nắng sớm tháng Ba trong tâm trạng hồi hộp mong chờ của những người con lâu ngày được về thăm cha mẹ. Sau hơn một giờ đồng hồ ngồi xe, bỏ lại phía sau những ồn ào, bụi bặm có phần ngột ngạt của các tuyến đường lớn nhỏ nội đô Kathmandu, chúng tôi cũng đã đến được chân núi thiêng, nơi tọa lạc trụ xứ chính của bậc Kim cương Thượng sư, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Khi chiếc Landcruiser đi vào con đường độc đạo gồ ghề dẫn lên núi cũng là lúc trong tôi hiện lên nguyên vẹn những kỷ niệm sâu sắc về đại hội ADC lần thứ nhất…Mới đó thấm thoắt đã ba năm kể từ lần đầu tiên tôi có nhân duyên được tới cõi Tịnh độ nhân gian này. Niềm hạnh phúc càng dâng trào khi tôi được chiêm ngưỡng Druk Amitabha ngày nay còn tráng lệ, trang nghiêm hơn trước rất nhiều. Chư Ni tại đây đón chào chúng tôi rất chu đáo với chiếc khăn kharta ban phước, cùng những nụ cười rạng rỡ và lời hỏi thăm chân thành. Chúng tôi gặp các đạo hữu Việt Nam đã đến trước và được tham dự đại lễ cầu nguyện Pháp Vương trường thọ trong lễ mừng sinh nhật của Đức Pháp Vương diễn ra tuần trước, và ngày mai đây chúng tôi lại cùng nhau được tham dự khóa đại lễ Monlam Zangchod Boom, được tổ chức ngay dưới chân bảo tháp Swayambunnath linh thiêng.
Thật phúc duyên khi ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến Druk Amitabha, chúng tôi đã có được cơ hội đỉnh lễ Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche và được nhận những lời khai thị quý báu từ Ngài về ý nghĩa khóa Đại lễ Monlam Zangchod. Đức Thuksey Rinpoche hiện đời là hóa thân của đức Phật Kim Cương Trì, là Pháp tử của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Ngài vừa trở về tự viện Druk Amitabha sau chuyến hoằng pháp dài ngày tại Châu Âu. Ngài rất hoan hỷ khi gặp lại các Phật tử Việt Nam và dạy rằng: “Đây là lần thứ ba khóa lễ Monlam Zangchod được cử hành, những lần trước chúng tôi cũng cử hành khóa lễ này định kỳ hai năm một lần, song thành phần tham gia không mở rộng mà đa phần chỉ có chư Tăng ni. Tuy nhiên hiện nay, khi thiên tai, dịch bệnh đang hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới do nghiệp xấu của chúng sinh, Đức Pháp Vương đã quyết định mở rộng đối tượng tham gia đại lễ này! Trước đó, Đức Pháp Vương đã cho các chư Ni đăng thông bạch rộng rãi để chư Tăng ni và Phật tử có duyên quanh vùng có thể cùng đến tham dự…” Ngài dạy tiếp: “Để tu tập, trước hết chúng ta phải là một người tốt, người tốt với gia đình, bạn bè, những người xung quanh. Đây là nền tảng căn bản sau đó mới có thể thọ nhận các pháp tu cao cấp. Đức Liên Hoa Sinh từng khai thị rằng hoàn cảnh không đổi thay, chỉ có tâm con người đổi thay. Càng ngày tôi càng tâm đắc với câu nói này, và cảm thấy càng đúng đắn hơn với hoàn cảnh hiện nay. Lấy ví dụ khía cạnh vật chất. Chỉ một trăm năm trước đây thôi, bưng được một bát cơm là người ta đã cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc rồi, nhưng ngày nay, khi đã kiếm được 100$, bạn lại muốn có thêm 1000$ và thậm chí khi có hàng tỷ đô bạn vẫn chưa thấy hạnh phúc. Vậy đó, hoàn cảnh không đổi thay, chỉ có tâm con người là đổi thay mà thôi. Thay vì là chủ của tài sản vật chất, chúng ta lại mải mê bám chạy và trở thành nô lệ của chúng. Là Phật tử, chúng ta phải tin sâu vào lý nhân quả! Trong thời mạt pháp, thế giới đang suy vi, lại phát sinh thêm rất nhiều thiên tai dịch bệnh, hoàn cảnh chướng duyên bên ngoài, nhưng thực chất đấy lại là hậu quả do chính chúng ta gây ra". Lần này, Pháp hội được tổ chức dưới chân tháp Swayambunath là một Bảo tháp rất linh thiêng, xung quanh bảo tháp, trang trí, kiến trúc… đều do con người xây dựng, nhưng bên trong của Tháp là hoàn toàn tự nhiên thị hiện từ thời đức Phật Ca diếp và tồn tại cho đến ngày nay. Truyền thuyết còn kể lại rằng: Đức Văn Thù (Manjusri) từ Ngũ Đài Sơn bay sang Nepal, thủ đô Kathmandu lúc đó là một hồ nước rộng mênh mông bao quanh bởi dãy Hy mã lạp sơn và những rặng núi cao vút trời, Ngài đã đặt chân đến ngọn đồi Swayambhunath và phát lời nguyện xẻ núi thoát nước để Kathmandu thành một vùng đất vô cùng linh thiêng để hoằng dương Phật pháp. Do linh thiêng như thế nên Đức Pháp vương đã quyết định tổ chức pháp hội tại nơi này…”. Những lời khai thị ân cần của Nhiếp chính Vương đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về động cơ tu tập đúng đắn của người Phật tử, và chuẩn bị tâm thật tốt trước khi tham dự khóa đại lễ Monlam!
Sau khi đỉnh lễ đức Nhiếp Chính Vương, 17 phật tử trong đoàn chúng tôi cùng các đạo hữu đến trước có dịp được Thầy Bảo Tâm gặp mặt và chia sẻ. Thầy thăm hỏi, dặn dò sách tấn các Phật tử, nhắc nhở các Phật tử cố gắng không phan duyên chuyện gia đình ở nhà, gọi điện thoại, hay chỉ chăm chú đến việc mua sắm. Thầy dặn: “Chúng ta đã không quản đường xá xa xôi đến nơi đây là miền đất rất linh thiêng, hãy xả bỏ tạp niệm, các suy tư thế gian để tâm lắng xuống, hãy tranh thủ những thời khắc quý giá này để sống trọn vẹn với giáo pháp, hòa với tâm giác ngộ của chư Phật Bồ tát, của Đức Pháp Vương và chư thượng sư Truyền thừa ….” Thầy kể lại sự linh thiêng của Bảo tháp Swayambunnath: “Bảo tháp này có từ thời đức Phật Ca Diếp và linh thiêng đến nỗi cứ vào nửa đêm ngày rằm tháng sáu hàng năm, trên bầu trời tại nơi đây đều xuất hiện 3 ngọn tháp (Tháp Bồ đề đạo tràng, Tháp Swayambunnath, Tháp Boudha) hiện rõ ràng trên không trung trong khoảng thời gian chừng hai tiếng đồng hồ. Bởi lẽ này mà vào thời điểm đó, chư Tăng Ni và người dân quanh đây vân tập rất đông xung quanh tháp và trì tụng Monlam Zangchod. Lần đó các Sư ni Việt Nam sang đây gặp được cơ hội hy hữu quá, vội chạy từ tự viện Druk Amitabha xuống nhưng không kịp, ba tòa tháp linh vừa thị hiện đã tan rồi. Tiếc quá, trời lúc đấy mưa to nhưng các Sư ni cứ ngồi dưới mưa cầu nguyện để được chiêm bái tháp, cả các sư ni địa phương cũng ngồi tụng theo, tụng kinh Phổ hiền này…càng trì tụng thì mưa lại càng to, nhưng các chư ni vẫn kiên trì ngồi dưới mưa mà khẩn cầu. Cuối cùng các Phật tử biết điều gì không? Mây đen ở đâu về ùn ùn kéo đến, mây đen nhé, mà trời lại tạnh mưa, chợt ánh sáng dần dần tỏ rạng và ba tòa tháp xuất hiện lần thứ hai! Đây là điều chưa từng có trong lịch sử, có một số người dân địa phương ở lại cũng được chiêm bái. Như vậy chúng ta thấy một điều gì ạ? Rằng chư Phật luôn ở đó, năng lực của các Ngài thật khó nghĩ bàn, điều gì các Ngài cũng có thể làm được, các Ngài có thể xoay chuyển cả Thái dương hệ để chứng minh cho chúng ta thấy. Như vậy nếu đặt trọn tâm chí thành để nguyện cầu thì mọi tâm nguyện của các Phật tử sẽ đều thành tựu! Cho nên các Phật tử không phải băn khoăn điều gì nhiều hết mà hãy chuyên tâm vào khóa lễ cầu nguyện…”. Thầy Bảo Tâm cũng vô cùng hoan hỷ vì đoàn đã có cơ hội đỉnh lễ đức Nhiếp Chính Vương, và Thầy không quên căn dặn các Phật tử hãy thành tâm cầu nguyện để có được cơ hội đỉnh lễ Quy y với Đức Pháp Vương.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi xuống núi và thành kính bước vào chân tháp Swayambunnath, đàn tràng thật trang nghiêm với hơn 500 tăng ni từ tự viện Darjeeling, Druk Amitabha, các đệ tử của Ngài Sengdrak ở Nepal và các phật tử quốc tế từ khắp các nơi đến tham dự khóa đại lễ. Hơn 50 thành viên trong đoàn Phật tử Việt Nam chúng tôi có phúc duyên được xếp ngồi chính giữa phía cuối đạo tràng và từ đây được chiêm ngưỡng Đức Pháp Vương trong suốt ba ngày cử hành Đại Lễ. Sau khi quang lâm đăng đàn, Đức Pháp Vương khai thị: “Đây là khóa lễ Monlam Zangchod được cử hành lần thứ ba. Lần đầu tiên, một người bạn là đệ tử đồng thời là thị giả bậc Thượng sư của tôi khi sắp viên tịch đã thỉnh cầu chúng tôi trì tụng 100.000 lần khóa lễ Monlam Zangchod và mong nguyện điều này sẽ tiếp tục được duy trì, vì khóa lễ này đặc biệt lợi lạc cho rất nhiều chúng sinh. Lần thứ hai diễn ra trong khóa lễ cầu nguyện Trường Thọ. Kể từ lần này, đại lễ sẽ trở thành hoạt động thường niên. Khóa lễ Monlam Zang chod Boom, “Monlam” nghĩa là “cầu nguyện”, “Zang” nghĩa là “tốt” , “Chod” nghĩa là “cư xử”, “Zangchod” nghĩa là “cách cư xử tốt”, Boom nghĩa là 100.000 lần. Như vậy nếu dịch ra thì ý nghĩa của khóa lễ là “Nguyện cầu thành tựu các thiện hạnh”. Là một Phật tử, dù tu tập thế nào, tu tập ra sao, chúng ta cũng không được khiến những người xung quanh phải phiền não. Để mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người, điều quan trọng là bạn phải biết cách cư xử với mọi người và môi trường xung quanh. Cách cư xử tốt thực chất chính là “Live to love” và bản chất của Zangchod chính là sống để yêu thương. Đây cũng chính là lý do tôi đề xướng và nỗ lực thúc đẩy các thiện hạnh Live to love để tình thương được thắp sáng và ban trải khắp pháp giới hữu tình. Các bạn cần phải thực hành Live to love, thực hành ngay trong đời sống hàng ngày. Đây cũng chính là ý nghĩa của cuộc sống. Ngày hôm nay, thông qua trì tụng, cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hành điều này…”
Thật xúc động biết bao nhiêu vì trong ngày đầu tiên của Khóa lễ, Đức Pháp Vương đã căn dặn chư Tăng Ni hãy tụng chậm tạo điều kiện cho các cho các Phật tử Việt Nam có thể kết duyên theo kịp nhịp trì tụng, góp phần tích lũy công đức. Tất cả Phật tử chúng tôi đều hòa nhập trọn vẹn vào bầu không khí trang nghiêm, song thật thư giãn, dồn dập mà đầy nhịp điệu thiêng liêng cộng hưởng của tiếng trì tụng đại chúng, âm thanh pháp khí và đặc biệt trên hết là năng lượng gia trì từ bi-trí tuệ được Bậc Căn Bản Thượng Sư tôn kính chan trải tới hết thảy hữu tình. Đến cuối ngày, Đức Pháp vương căn dặn đại chúng: “Như vậy chúng ta đã cùng trải qua ngày đầu tiên của khóa Monlam. Xin tùy hỷ công đức các Phật tử đã cố gắng tham dự trọn vẹn thời khóa đầu tiên này. Song với tốc độ tụng như vậy chúng ta sẽ không thể kịp viên mãn đủ 100.000 biến Phổ Hiền trong thời gian dự tính. Vì thế ngày mai mỗi chúng ta sẽ cố gắng trì tụng nhanh hơn. Sáng mai, nếu ai thọ bát quan trai giới sẽ có mặt lúc 5h sáng và khóa lễ trì tụng sẽ bắt đầu từ 7h”
Sáng sớm ngày thứ hai của khóa đại lễ, Đức Pháp Vương đăng tòa truyền giới. Chúng tôi nhận được sự khai thị của Ngài về giới luật thọ bát quan trai. Ngài dạy: “Tất cả những giới luật do đức Phật đặt ra đều nhằm giảm thiểu tối đa bản ngã. Ví như việc đeo đồ trang sức, kể từ khi bạn nhận giới, bạn không nên đeo thêm bất cứ đồ trang sức nào, bởi đeo đồ trang sức khiến bản ngã của bạn tăng trưởng. Mọi thực hành đều nhằm làm giảm thiểu bản ngã, chư Tăng Ni không bao giờ đeo đồ trang sức, thậm chí đến cả y phục, vào thời đức Phật, các Ngài cũng nhặt lượm những mảnh vải cũ, đã bị vứt đi, bẩn rách không ai dùng, sau đó đem giặt và may lại rồi mặc, tất cả để nhằm giảm thiểu tối đa bản ngã. Dù các bậc Yogi thành tựu có thể vận trang sức pháp khí, nhưng thực sự họ đã tự tại không còn ngã chấp. Nên nếu không làm tăng trưởng bản ngã, bạn có thể đeo bất cứ đồ trang sức nào khi thọ giới. Hôm nay, chúng ta sẽ trì tụng nhanh hơn để hoàn thành đủ 100.000 biến theo đúng thời hạn. Chúng ta nên có tinh thần thoải mái khi trì tụng, nhưng nếu quá dễ dãi, bản ngã của chúng ta sẽ được nuông chiều và có cơ hội tăng trưởng. Nếu không theo kịp, không ngồi lâu được, mọi người có thể thay đổi tư thế, kinh hành quanh khu vực đàn tràng, đi lại vài vòng, như là đi nhiễu tháp rồi sau đó trở lại. Một điều nữa là khi trì tụng, bạn nên biết điều phục bản ngã! Tôi không nói rằng chúng ta hãy trừ khử nó đi, vì như vậy tôi không biết chúng ta sẽ đi đến đâu và trở thành như thế nào, (cười), tôi chỉ nói rằng lúc này bạn hãy cố gắng điều phục bản ngã, không cho bản ngã cất tiếng quấy rối động niệm mình! Kinh Phổ Hiền là kinh từ chính kim khẩu của đức Phật tuyên thuyết bằng tiếng Phạn, sau đó được dịch ra tiếng Tạng. Và bản kinh chúng ta đang trì tụng đây chính là bản tiếng Tạng. Nào, chúng ta hãy cùng trì tụng!” Lúc này, tất cả chư Tăng Ni và Phật tử cùng tụng nhanh dần lên và càng về cuối nhịp điệu càng nhanh hơn, tiếng xúc xắc giữ nhịp càng thúc giục hơn, các Phật tử Việt Nam chúng tôi dường như hòa nhập rất nhanh với nhịp điệu và lời kinh bằng tiếng Tạng, và diệu kỳ thay lại thấy như bản thân đang tụng và nhậm vận hơn lời tụng bằng tiếng Việt mà trước đây mình mới chỉ thấy quen. Tiếng trống dồn khi sái tịnh Tshog mang đến những cung bậc thăng trầm khác nhau trong suốt buổi lễ. Vào cuối ngày, Đức Pháp Vương dặn ngày mai sẽ tiếp tục trì tụng, và khoảng 9h sáng sẽ là khoá lễ cầu nguyện Ngài Sengdrak Rinpoche trường thọ (theo như thỉnh cầu của các Sư ni đệ tử ngài). Đức Pháp Vương dặn đại chúng rằng việc thành tâm cầu nguyện Ngài Sengdrak Rinponche Trường Thọ cũng là cầu nguyện cho Ngài Trường Thọ!
Ngày cuối cùng của khóa lễ, sau khi cúng dường đèn và trì tụng, các Sư ni đệ tử của Ngài Sengdrak Rinpoche đồng loạt đứng lên hướng về Ngài để dâng khăn và phẩm vật cúng dường. Đây là phần các vị mong chờ nhất! Khi các Sư ni đồng loạt đứng lên, một số người rưng rưng ngấn lệ vì cảm động. Bầu không khí xung quanh đạo tràng lúc này như cô đọng lại, đúng lúc này những bóng đèn thắp xung quanh khu vực đạo tràng lần lượt nổ tan, phải chăng vì sự xúc động đang trào dâng quá mãnh liệt khắp cả không gian. Quán chiếu được tâm tư chúng sinh, Đức Pháp Vương nói các Phật tử hãy tập trung trì tụng cho đủ số biến, những ai trì tụng được hãy tập trung trì tụng: “Đây là phần đặc biệt dành cho các Sư ni đệ tử cũ của Ngài Sengdrak Rinpoche dâng khăn chúc phúc, còn chúng ta vẫn tiếp tục trì tụng!” Chúng tôi chợt nhận thấy tầm quan trọng của việc tu tập và trì giữ giới nguyện. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đức Pháp vương vẫn luôn chú trọng đến việc hoàn thành đầy đủ những hạnh nguyện của Ngài!
Đến thời điểm cuối khóa lễ, sau rất nhiều sự tập trung cả sức lực cũng như tinh thần, khi nhịp điệu trì tụng đạt tới đỉnh điểm với tiếng trống pháp dồn dập thì bỗng nhiên trời nổi sấm rền theo nhịp trống, gió thổi mạnh giật căng mái bạt che pháp hội. Tiếng sấm chính là tiếng Pháp cổ, báo hiệu chư Phật chuyển pháp luân. Thật trùng hợp, đây cũng là một trong 10 hạnh Phổ Hiền, thỉnh chuyển pháp luân - và chúng tôi cũng thấy tâm thức như thăng hoa theo thời khắc vô cùng đặc biệt và cát tường ấy. Mưa xối xả, tiếng sấm rền vang, ánh chớp chói lòa, gợi nhớ lại những lời kinh mô tả trong Đại thừa, ánh quang minh của chư Phật, chư Bồ tát biến chiếu khắp mười phương, rọi xuống cả địa ngục, khai mở giải thoát cho vô lượng vô số chúng hữu tình. Sau này tìm hiểu chúng tôi mới biết mùa này đang là mùa khô ở Kathmandu, tiết trời hầu như không bao giờ mưa. Chính vào thời khắc đặc biệt này, Đức Pháp Vương hoan hỷ tuyên bố đại chúng vừa hoàn thành 100,000 biến tụng nghi quỹ Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương, để hồi hướng cho sự giải thoát khỏi luân hồi cho vô lượng chúng sinh hữu tình. Ngài tùy hỷ công đức tất cả đại chúng và dặn tiếp Pháp hội năm sau có thể được tổ chức tại chính tự viện Druk Amitabha! Thật diệu kỳ khi tận mắt mục kích đất trời như cảm ứng thị hiện hoan hỷ cùng với chúng Tăng và Phật tử đã viên mãn thiện hạnh lớn lao! Tất cả Phật tử chúng tôi vỗ tay không ngừng và ai cũng hiển lộ vẻ mặt hạnh phúc hân hoan vô cùng khi vừa được tham gia vào thời khắc viên mãn đại nguyện tuyệt vời dường ấy, thậm chí có những người đã đi bộ từ Bảo tháp lên Druk Amitabha dưới mưa để được cảm nhận trọn vẹn sự gia trì của những giọt mưa pháp chỉ tạnh khi tất cả Phật tử về hết trên núi.
Như thấu đạt tâm cầu nguyện từ nhiều ngày nay của chúng tôi, hôm sau đoàn phật tử Việt Nam có phúc duyên được đỉnh lễ riêng Đức Pháp Vương và lại được nghe những lời Pháp trìu mến từ Ngài: “Các Phật tử hãy quán chiếu xem có phải hiện tại chúng ta làm bất cứ điều gì cũng chỉ vì mình, từ ăn, mặc, đi, đứng cũng đều vì bản thân mình. Hãy thay đổi cách nghĩ, hãy nghĩ tới tất cả chúng sinh và cần mở rộng trái tim mình. Chư Phật và Bồ tát luôn ở khắp mọi nơi, giống như mặt trời luôn tỏa sáng, nhưng chúng ta thì lại như căn nhà luôn đóng cửa, vì thế chúng ta không thấy được ánh sáng mặt trời, nhưng không phải vì thế mà mặt trời không tồn tại. Chúng ta cần mở rộng trái tim, mở rộng cửa sổ tâm hồn để đón nhận ánh sáng mặt trời. Các Ngài luôn ở đó, luôn sẵn sàng, chỉ cần chúng ta mở rộng cửa sổ tâm hồn thì sẽ đón nhận được sự hiện diện gia trì của các Ngài. Mặc dù khóa lễ này không phải do Việt Nam đăng cai, nhưng tôi mong người Việt Nam sẽ đến đây càng nhiều càng tốt bởi người Việt Nam có động cơ rất thanh tịnh. Kinh Zangchod này do chính từ kim khẩu của đức Phật tuyên thuyết ra, lời nói từ một bậc Thầy đã chứa đựng ân phước gia trì rất lớn, lời nói từ kim khẩu của chính đức Phật thuyết ra thì năng lực còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trì tụng 1 lần khóa lễ Monlam Zangchod thôi cũng được vô biên công đức, huống hồ chúng ta trì tụng đủ 100.000 lần. Khi về nhà, các bạn nên trì tụng mỗi ngày 3 biến, bất cứ ai cũng có thể trì tụng kinh này, một năm có 365 ngày, như vậy các bạn sẽ trì tụng được 1,000 lần, sang năm các bạn có thể trì tụng theo kịp. Các bạn hãy thông báo rộng rãi cho các Phật tử ở nhà để lần sau họ cùng tham dự. Nếu một năm các bạn không có nhiều điều kiện sang đây 2, 3 lần, thì các bạn có thể chỉ cần tham dự khóa lễ Monlam này, vì khóa lễ này rất quan trọng, thậm chí còn hơn cả Hội nghị thường niên Truyền thừa (đại hội ADC). Lần trước các bạn đã cầu nguyện cho tôi được trường thọ, vì vậy tôi nhất định sẽ trường thọ để viên mãn tâm nguyện chí thành tha thiết của các bạn!” Lúc này nhân duyên hội đủ, chúng tôi tiếp tục được đỉnh lễ Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche khi Ngài vừa trở lại Amitabha, thật xúc động trong cùng một thời gian, chúng tôi được lân mẫn cả 2 Ngài, như khi hai Ngài cùng đảo giá từ hàng quang lâm Việt Nam những lần trước kia! Thật là hạnh phúc lớn lao, viên mãn ước nguyện hành trình dài lần này!
Sáng hôm sau, theo lời thỉnh cầu của một số Phật tử kết duyên theo đoàn, trong bầu không khí vô cùng trang nghiêm, Đức Pháp Vương đã làm lễ Quy y ban pháp danh và cắt tóc cho các Phật tử tại ngay ngôi chính điện Tự viện. Ngài dạy rằng: “Mọi người đã Quy y, tức là phát nguyện không làm tổn hại đến bất cứ ai. Phẩm hạnh quan trọng nhất của một hành giả Phật pháp chính là lòng từ bi. Quý Phật tử cần luôn tâm niệm và nỗ lực trưởng dưỡng lòng từ bi. Có thể tâm chúng ta chưa được tốt, nhưng chúng ta cần phải có lòng từ bi. Ví dụ như, do tập khí sâu dầy, chúng ta còn ăn thịt tức là ăn thây chết của chúng sinh, điều này không có lợi nên mọi người nên cố gắng ăn chay…” Với tôi, khoảnh khắc Đức Pháp Vương đứng nghiêm trang, dặn dò các Phật tử quy y giữ giới khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh đức Phật ngày xưa dưới cội bồ đề, ân cần dặn dò các hàng đệ tử của Ngài hãy chú trọng từ bi, không nên làm tổn hại đến bất kỳ sinh linh nhỏ bé nào… Chúng tôi vẫn biết rằng không nên bám chấp vào hình tướng con người của Bậc Thầy, nhưng không biết từ lúc nào, những nụ cười rạng rỡ và trìu mến, những lời sách tấn tận tình và ấm áp của các Ngài, đã trở thành năng lượng không thể thiếu cho chuyến hành trình tu tập của mỗi chúng tôi, và là hành trang mong đợi nhất cho chặng đường về lại với cuộc sống bận rộn thường nhật. Trên chặng đường về lại Việt Nam, dường như năng lượng gia trì ấy lan tỏa trong cả nhóm Phật tử chúng tôi với sự nhậm vận và thực hành pháp đến từ những người và ở những nơi chúng tôi không ngờ nhất. Tuy không thực sự chia sẻ hết bằng lời, nhưng trên chặng về ấy, hình như khái niệm về hạnh phúc của chúng tôi vừa mới được định nghĩa lại, để mỗi người thấy mình muốn và đang biết sống để yêu thương lợi ích cho bản thân và mọi người hơn!
Nguyện dòng thác gia trì Vô úy của Bậc Kim cương Thượng sư tuôn chảy mãi trong lòng những đệ tử truyền thừa Drukpa, để Bồ đề tâm tôn quý nở hoa từ bi, kết trái trí tuệ, lan tỏa hương sắc cho đời và trở thành nguồn cội của tất cả thành công và hạnh phúc ban trải khắp pháp giới quần sinh!
Chào thân ái Amitabha! Mong nguyện sớm có ngày trở lai!
Nhóm Phật tử tham dự Monlam,
Jigme Osal Khandro, Jigme Samten Donme, Jigme Tseden
Dưới đây là một số hình ảnh từ khóa đại lễ mừng sinh nhật Đức Pháp Vương và khóa Monlam Zangchod, Kathmandu, tháng 3.2011
Viết bình luận
- 167 reads