Ghi chép về lễ động thổ Đại Bảo tháp Tây thiên | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ghi chép về lễ động thổ Đại Bảo tháp Tây thiên

254
20/04/2011 - 00:00

 

alt

Năm nay quả là một năm đặc biệt với chư ni trụ xứ Tây thiên Truyền thừa Drukpa khi liên tiếp  vòng hai tuần, các quý Thầy nơi đây tổ chức hai Phật sự quan trọng: Lễ đón nhận quyết định bổ nhiệm Trụ trì và động thổ xây dựng ngôi Tam bảo chùa Tây thiên Thăng Long cổ tự trên nền chùa cổ Phù Nghì, và vào thứ hai ngày 16.3 (â.l) là lễ động thổ khởi công xây dựng ngôi Đại Bảo Tháp linh thiêng dưới chân núi Tây Thiên!

Trong đạo Phật và đặc biệt trong quan kiến Kim Cương thừa, Bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng! Đây là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí). Ba phần của Tháp tượng trưng cho Thân Khẩu Ý giác ngộ của Đức Phật. Bởi thế đỉnh lễ và cúng dàng vi nhiễu Bảo tháp là đỉnh lễ cúng dàng mười phương ba đời chư Phật. Bảo tháp được xây dựng và yểm tâm đúng pháp sẽ trở thành viên ngọc như ý, có quyền năng viên mãn mọi lời cầu nguyện. Chúng sinh bất cứ ai với tấm lòng trong sạch, phục lậy trước bảo tháp, nhiễu quanh tháp, chiêm bái tháp sẽ đạt lợi ích phúc tuệ không thể nghĩ bàn.

Đại Bảo Tháp Tây thiên, thiết kế ba tầng, cao 37 mét, được xây dựng theo lời thỉnh cầu của chư ni Tây Thiên thay vì lợi ích hữu tình Việt Nam lên trên Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa. Chúng tôi có nghe đích thân Đức Pháp Vương đã quán chiếu lựa chọn và gia trì cho địa điểm đặt ngôi Bảo tháp. Sau nhiều năm tháng chờ đợi, nhân duyên cát tường hội đủ, với sự ủng hộ của chính quyền và sự phát tâm công đức tịnh tài, sức lực của các thí chủ và quần chúng nhân dân, Phật tử xa gần, nay Quý thầy Tây thiên đã có được ngày lành để khởi công xây dựng Bảo tháp.

Do ngày động thổ Bảo tháp diễn ra vào thứ hai, ngày làm việc nên các Phật tử Drukpa Hà Nội chúng tôi có thỉnh cầu các quý Thầy cho phép tổ chức các khóa lễ cầu nguyện vào buổi chiều Chủ nhật, để những ai không đủ duyên tham dự vẫn có cơ hội được chấp tác các công việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại, cũng như có thể cùng cầu nguyện trước đó để chư Phật Bồ tát Hộ pháp thiện thần gia hộ cho Phật sự lớn lao này sớm được viên thành.

Khởi hành từ buổi sáng, đến Tây Thiên Vĩnh Phúc vào tầm giữa trưa, vừa xuống xe chúng tôi đã được các Sư già ân cần đón tiếp, mời vào ăn trưa. Khác với mọi ngày lên Tây thiên là mải miết thượng sơn tham gia chấp tác chuyển đá gạch xây dựng chùa Tây thiên Thăng Long, lần này đoàn Phật tử chúng tôi chỉ dừng lại ở dưới chân núi, chia thành từng nhóm tham gia các công tác hậu cần cho buổi lễ tối hôm đó và ngày hôm sau. Cho tới buổi chiều, chúng tôi mới biết nơi Bảo Tháp sắp được xây dựng nằm trên một bãi đất trống cách khá xa Thiên Ân Cổ Tự, bao quanh là những ruộng lúa xanh tươi. Trước đó tại nơi này, đơn vị thi công công trình là Công ty xây dựng Lạc Hồng đã phát tâm hỗ trợ san mặt bằng, dựng phông, khán đài và nối điện để chuẩn bị buổi lễ.    

Khu đất này đã được Đức Pháp Vương chọn lựa bởi địa thế Long Chầu Hổ Phục, là nơi quy tụ linh khí của đất trời Tây Thiên, rất thích hợp cho việc xây dựng một Bảo Tháp linh thiêng, vừa để thu hút năng lượng từ bi và trí tuệ của Chư Phật mười phương, mang lại từ trường an lành, hạnh phúc trước là cho dân chúng Tây Thiên – Vĩnh Phúc, rộng hơn nữa là cho cả đất nước Việt Nam. Đức Pháp Vương đã tự tay thiết kế ngôi Bảo Tháp, ban gia trì và lựa chọn ngày cát tường cho sự kiện động thổ ngôi Bảo Tháp linh thiêng để lợi ích vô số hữu tình. Bởi vậy nên vào ngày giờ này, tại chính nơi địa linh này, việc cử hành khóa lễ cầu nguyện cho công trình xây dựng Bảo Tháp được sớm ngày thành tựu có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

alt

alt

Vào hồi 7 giờ tối, công việc chuẩn bị đã xong, các Thầy bắt đầu vào khóa lễ. Trên đàn phẩm vật cúng dàng Tshog đã được bày biện như pháp, Ni chúng y hậu trang nghiêm đăng đàn. Phía dưới, Phật tử nhóm thì khẩn trương thắp nến, bày đèn theo đồ hình Mandala, nhóm thứ tự ngồi thành hàng tham dự khóa lễ.

Buổi cầu nguyện bắt đầu bằng khóa lễ cúng dường Bản tôn Hộ Pháp Mahakala. Khóa lễ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, vô cùng an lành và trang trọng. Khi khóa lễ kết thúc thì trăng rằm cũng vừa lên, tròn vành vạnh tỏa ánh sáng dịu mát như lòng từ bi của Chư Phật ban trải khắp muôn phương.

Sau khóa cúng dường Mahakala là tới khóa lễ cúng dàng đèn. Toàn thể ni chúng Tây Thiên cùng đại chúng Phật Tử thành kính cúng dàng lên Ngôi Bảo Tháp hàng ngàn ngọn đèn trí tuệ xếp theo đồ hình Mandala, với mong nguyện những ánh nến lung linh này sẽ soi sáng khắp mười phương, để hết thảy chúng sinh có thể nương ánh sáng tuệ giác này mà đạt được giác ngộ giải thoát.

alt

alt

alt

alt

alt

alt

Các Thầy dạy rằng: Buổi lễ cầu nguyện vô cùng cát tường và mang lại vô lượng công đức cho những người tham dự, cũng như tất cả những ai phát tâm ủng hộ việc xây dựng ngôi Bảo Tháp Tây Thiên, dù là cúng dường đất ruộng, đóng góp tịnh tài hay công sức lao động, hoặc chỉ đơn thuần tùy hỷ, thì vô số công đức tích lũy cũng được mang lại phước báu cho con cháu đời sau. Bởi sự tích lũy công đức như vậy nên tiếp theo khóa cúng dường đèn, chư Ni cùng đại chúng tiếp tục cử hành khóa Đại Đàn Thí Thực, triệu thỉnh hết thảy những cô hồn chúng sinh vẫn còn lưu lạc trong cõi trung ấm hoặc ngã quỷ, những chúng sinh đang bị đọa đày nơi địa ngục, để nhân công đức ấy, hồi hướng cho họ hoặc thoát khỏi những cảnh giới thấp, hoặc  ít nhất cũng tới được nơi đàn tràng này, trước là thọ hưởng no đủ phẩm vật cúng dàng, sau là được nghe pháp nhằm khai mở tâm mê. Thầy dạy toàn thể đại chúng trước khi vào khóa lễ, hãy dành một phút an tịnh quán tưởng triệu thỉnh hết thảy chư hương linh hoặc gần xa, hoặc thân sơ, đều tới đàn tràng để tham dự khóa lễ.

Một phút trang nghiêm tĩnh lặng trôi qua. Chắn hẳn ai nấy đều tập trung tinh thần nghĩ về những người thân đã khuất, và nghĩ cả về những hương linh không quen biết giờ này còn đang lưu lạc trôi lăn trong cõi u minh. Trời đã dần về đêm, bầu không khí vẫn tĩnh lặng như tờ, trời trong không một gợn mây và vầng trăng tròn vẫn sáng vằng vặc trên cao.

Giọng thỉnh mời tha thiết của Quý Thầy chủ sám vang lên. Toàn thể đại chúng im phăng phắc, lắng nghe từng lời kệ xót thương cho thân phận của những vong hồn oan uổng còn lẩn quất cõi âm. Và lạ lùng cảm ứng làm sao! Giữa chốn quang thanh trăng lộng, xung quanh đang yên ả như tờ, từng cơn gió lốc bỗng chợt nổi lên, ào đến cuốn tung bụi đất khiến không gian trong phạm vi đạo tràng bỗng chốc trở nên mờ ảo huyền bí. Mỗi câu kệ triệu thỉnh bi thương trôi đi là một luồng gió thổi đến, đợt sau mạnh hơn đợt trước, đất trời chuyển mình như trăm ngàn vong linh đang cùng lúc tập hội về tham dự đàn tràng.

Trước sự biến đổi bất thường và bất ngờ của thời tiết, đại chúng không khỏi sợ hãi hoang mang. Một số Phật tử địa phương đã bắt đầu lo lắng đứng dậy như muốn rời khỏi đạo tràng để tìm nơi trú ẩn. Tiếng gió cuốn ào ào át cả tiếng kệ ngân nga của Thầy Chủ sám, bụi tung mù mịt xóa mờ hình bóng Ni chúng vẫn tự tại trong tư thế an tọa. Rồi một đợt gió lốc ập tới xé tan tấm bạt che nơi chúng tôi ngồi, để lộ bầu trời bên trên vẫn trong không một gợn mây, vầng trăng vẫn dịu dàng và tròn vành vạnh.

Giữa lúc gió lốc cuốn ào ào và tiếng người nháo nhác, bỗng âm thanh trầm hùng như tiếng Đại Hồng Chung của sư thầy Bảo Tâm ngân lên câu chú niệm Hồng danh Bồ Tát Đại Từ bi Quán Thế Âm, như nhắc nhở toàn thể chúng hội thỉnh cầu năng lực hộ trì của Chư Phật mười phương. Một tiếng niệm Hồng danh Quán Thế Âm Bồ Tát thật có năng lực nhiệm màu giúp chúng tôi trở nên vững tâm hơn. Chúng tôi bình tĩnh ngồi xuống, một lòng tha thiết niệm “Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm”, với tín tâm sâu sắc rằng Chư Phật, Chư Bồ Tát, Đức Pháp Vương và các Bậc Thầy sẽ chứng được lòng thành kính và động cơ thanh tịnh của toàn thể đại chúng nơi đây, hết mực gia trì để khóa lễ sẽ có thể tiếp tục cho tới hồi viên mãn. Chỉ ít phút sau, quả nhiên gió lốc lặng dần. Trước sự cảm ứng này, lòng chúng tôi dạt dào cảm xúc, không ít Phật tử đã không thể kìm được những giọt nước mắt tri ân Chư Phật, Chư Bồ Tát đã từ bi thương xót, cảm ứng lời cầu nguyện của chúng tôi, xót thương cứu độ cho những vong hồn lang thang vất vưởng đến dự đàn tràng cầu thính pháp!

Sư thầy Thanh Tịnh hoan hỷ dạy chúng tôi rằng: như vậy là lời triệu thỉnh của chúng tôi đã được ứng nghiệm. Giờ phút này có vô số vong linh đã nương công đức tu tập của đại chúng mà nhất thời thoát khỏi cõi địa ngục, ngã quỷ u minh, đang tụ hội quanh đây, chờ được ân hưởng phẩm vật và đón nghe giáo pháp khai thị. Bao nhiêu ngọn nến bị gió thổi tắt là bấy nhiêu linh hồn đã nương công đức này thoát được khỏi cảnh giới u mê và được tùy nguyện vãng sinh…

Sau một đêm dài đầy cảm xúc, những Phật tử không đủ điều kiện ở lại đã từ biệt các quý Thầy lên đường quay về. Khoảng 30 Phật tử Hà Nội có duyên ở lại đã cùng các Phật tử thuần thành địa phương tất bật trợ duyên các Quý Thầy tiếp tục dọn dẹp chuẩn bị trang trí lại Phật đài và các công tác hậu cần cho buổi lễ chính thức tổ chức sáng mai. Và như thế, với sự tập trung nỗ lực của rất nhiều người, vào 8h30 sáng, đàn tràng và khu vực khán đài đã lại được bày biện trang nghiêm để nghi lễ động thổ có thể chính thức bắt đầu.

Vào buổi sáng cát tường này, trời Tây thiên mưa lất phất gia trì, hàng trăm Phật tử và quan khách không quản khó nhọc vất vả đường xa đã vân tập đông đủ từ sớm, háo hức trông mong sự kiện quan trọng này! Thay mặt chư ni Tây thiên, sư thầy Bảo Tâm đứng ra có đôi lời tri ân quan khách và Phật tử tham gia cùng giới thiệu vắn tắt chương trình động thổ. Sư thầy Thanh Tịnh, trụ trì chùa Tây thiên Thăng Long cũng có lời tri ân sâu sắc tới các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương đã hết lòng ủng hộ Phật pháp, cho phép xây dựng ngôi Đại bảo tháp với ý nghĩa lợi lạc lớn lao này! Thầy chia xẻ: “Bảo tháp được thiết kế theo sự kiến lập vũ trụ, với trục trung tâm thu hút năng lượng vũ trụ trượng trưng cho trí tuệ, phần chân đế tỏa rộng tượng trưng cho từ bi. Vũ trụ hình thành bởi hai năng lực từ bi và trí tuệ! Cũng như vậy, cuộc sống con người phải được soi sáng bởi trí tuệ hiểu biết mới có ý nghĩa. Thêm vào đó là năng lực tình thương để ban trải trí tuệ lợi ích mọi hữu tình. Bảo tháp như vậy chính là một Mandala, một ngọc như ý, sự hợp nhất vẹn toàn giữa từ bi và trí tuệ là các phẩm hạnh cao quý tốt đẹp của đạo Phật để lợi ích  mọi người mọi nhà, rng ra cho đến tòan vũ trụ...” Tiếp đến, sau phần lễ cúng dường 10 phương chư Phật Bồ tát gia hộ là khóa lễ Hỏa tịnh. Trong thoáng chốc, không gian nơi đây như được tịnh hóa! Khói hương phẩm vật cúng dàng tỏa ngát một vùng trong tiếng pháp khí và thanh âm cầu nguyện tha thiết trầm hùng của chư ni và đại chúng! Ánh nắng mặt trời từ đâu đã thoát khỏi làn mây phủ dài nơi lưng trời tỏa sáng ấm áp tới mọi người, xua tan đi những vô minh che chướng bằng nguồn năng lượng cát tường đầy từ bi của ngày mới.

Trong không khi ngập tràn đạo vị đó, bác Đặng Kim Ngăn thay vì Phật tử địa phương đã đứng dậy đại diện tác bạch, kính cẩn bái tạ chư Phật, Bồ tát Hộ pháp thiện thần, và tri ân các quý Thầy đã phát đại hùng bi, xúc tiến một Phật sự quan trọng vì nhân dân địa phương và hữu tình đất nước.

Cụ Bùi Ngọc Tài, một Phật tử và cũng là đại diện Hội người cao tuổi địa phương đã thức cả đêm soạn cúng dường một bài thơ cảm khái. Bài thơ có đoạn: “…Hôm nay ngày hội đến rồi. Mừng sao tả xiết bồi hồi trong tim. Bao năm con đợi con tìm. Bảo tháp sừng sững huy hoàng nơi đây. Vút cao 37 tầng mây, Ơn đức sâu dầy cho cả chúng sinh. Bảo Tháp hùng vĩ hiên ngang, Gội ân mưa pháp thấm nhuần toàn dân. Đem lại hạnh phúc bình yên, Dân an quốc thái bội phần ấm no…”.

Trong niềm hân hoan của đại chúng, Ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc công ty xây dựng Lạc Hồng, chủ đầu tư thi công công trình cũng phát biểu đôi lời chia sẻ về dự án và qua đó nói lên tâm nguyện của mình: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi được tỉnh Vĩnh Phúc và bà con nhân dân và quý Thầy Tây thiên tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng bảo tháp, là hạng mục được UBND Tỉnh cho phép xây dựng từ tháng 12- 2009. Cách đây 6 tháng, ngôi bảo tháp may mắn được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chọn ngày 16.3 năm Tân Mão là ngày động thổ. Vì thế ngày hôm nay rất có ý nghĩa và như chúng ta thấy thời tiết không gian hôm nay đẹp và thanh tịnh làm sao! Công ty chúng tôi tự hào được đứng ra xây dựng bảo tháp,  là công trình và công đức của địa phương và bà con cả nước. Chúng tôi hứa với bà con nhân dân Bảo tháp sẽ đạt chất lượng thi công tốt nhất và an toàn nhất. Ngôi bảo tháp có đường kính phần đế là 58 m, chiều dài đế 10 mét, thân tròn 17 m, ngọn tháp 10 m, tổng cộng 37 mét chiều cao, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 9 đến 12 tháng! Mong nguyện lãnh đạo, nhân dân địa phương sẽ ủng hộ hết mình để Bảo tháp sớm hoàn thành, trở thành địa điểm tâm linh không chỉ cho địa phương, cho cả nước mà cả khách hành hương quốc tế sang thăm chúng ta…”

Và rồi giờ linh đã đến, đúng 10h sáng, chư Ni Tây thiên trình diễn vũ điệu Thăng long (múa rồng) và mũi khoan đầu tiên nơi lòng đất đã đánh dấu sự kiện động thổ xây dựng ngôi Bảo Tháp Tây Thiên. Giữa tiếng pháo lễ nổ vang xen lẫn tiếng vỗ tay hoan nghênh của toàn thể pháp hội, hàng ngàn chú chim sẻ được phóng sinh cùng nhau bay lượn trên bầu trời tự do, trong bầu không khí hào hứng hân hoan. Sau khi hồi hướng, chư Phật tử ai nấy đều hoan hỷ trở về, thâm tâm mong nguyện ngôi Bảo tháp khi kiến lập sẽ là ngọn hải đăng soi chiếu thế gian, là phương tiện thù thắng mang năng lực ân đức gia trì linh thiêng chuyển hóa khổ đau, viên mãn những tâm nguyện lợi tha vì lợi ích khắp mười phương pháp giới chúng sinh!

Nhóm thông tin Drukpa Việt Nam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,030,849
Số người trực tuyến: