'Giác ngộ mỗi ngày' - sách khơi trong suối nguồn cuộc sống | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

'Giác ngộ mỗi ngày' - sách khơi trong suối nguồn cuộc sống

175
09/04/2014 - 00:00

Trang viết của Pháp vương Gyalwang Drukpa là nhịp chân bộ hành thong thả, nhắc ta sống chậm, thấu hiểu sức mạnh của trí tuệ, nội tâm trong sáng và tinh thần an lạc.

Tên sách: Giác ngộ mỗi ngày
Tác giả: Pháp vương Gyalwang Drukpa
Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam
Nhà xuất bản Văn hóa thông tin

Ngày nay, dòng sách nghệ thuật sống thường chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng bạn đọc. Bởi ai cũng hy vọng tìm thấy điều gì đó đặc biệt từ những lời khuyên trong sách, từ những phương pháp có thể phần nào giúp cải thiện cuộc sống quá nhiều bận rộn, mệt mỏi, lo toan, áp lực và đầy rẫy những bám chấp, vọng tưởng... Xuất phát từ nhu cầu, hàng loạt ấn phẩm rao giảng giá trị đạo đức, nâng cao giá trị cuộc sống ra đời. Điều này vô tình tạo nên tình trạng "khủng hoảng thừa" dòng sách rèn kỹ năng và nâng cao giá trị sống. Đôi khi trước một cuốn sách kiểu như thế, bạn đọc lại cảm thấy khó tiếp nhận, thấy chai sạn hoặc vô cảm trước những lời khuyên.

Thế nhưng, điều đó khó có thể xảy ra với tác phẩm Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại. Ngay từ trang sách đầu tiênđộc giả lập tức bị cuốn xoáy, không phải vào con chữ, mà vào bức chân dung vớinụ cười an lạc của Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa - tác giả cuốn sách. Trong bức chân dung, ông ngồi thẳng lưng, hai tay chắp khoan thai cùng tràng hạt, nụ cười tỏa rạng như đóa sen lung linh, ánh mắt hiền từ nhìn thẳng vào người đang đối diện trang sách. Nụ cười, ánh mắt ấy chỉ có thể toát ra từ một con người hiểu rõ sức mạnh nội tâm, thấu hiểu giá trị của bản thân khi được đặt trong giá trị sống rộng lớn hơn của cuộc đời. Ông chưa kịp nói: "Hãy tin tôi và hãy đọc tôi" thì có lẽ bạn đã muốn lật trang tiếp theo để tìm ý nghĩa của nụ cười an nhiên ấy.

Pháp vương Gyalwang Drukpa

Bức chân dung Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12 ở đầu sách "Giác ngộ mỗi ngày".

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa được tôn kính là chân Hóa thân Quan âm đại từ bi, là bậc lãnh tụ tâm linh đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa. Hơn 30 năm, ông và các môn đệ, đệ tử đi khắp nơi truyền giảng Phật pháp, làm việc không mệt mỏi ngày đêm để tham gia và gầy dựng nên các hoạt động giáo dục, dịch vụ y tế, bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền bình đẳng dành cho nữ giới, cứu trợ nhân đạo... Là con người tu tập Phật pháp, tâm và thân ông luôn rất gần gũi với đời sống tất bật. Ông không đặt mình ra khỏi dòng chảy của nhịp sống hiện đại hối hả, mà hòa vào nó, trôi cùng nó, đồng thời không để bị nó cuốn trôi đi. Ngược lại, với nguồn sức mạnh của trí tuệ và nội tâm, ông khơi thông những điều hay, ý đẹp, góp chút sức lực của mình làm trong thêm dòng chảy bộn bề ấy, khơi thêm những suối nguồn tươi trẻ từ tâm hồn của mỗi con người.

Gyalwang Drukpa gạn lọc những tri thức và kinh nghiệm mà ông có được trên đường tu tập để đưa vào cuốn sách của mình. Bên cạnh những suy ngẫm tư tưởng tôn giáo, mỗi trang sách còn mang đến nhiều lời khuyên, bài học về kỹ năng sống rất hiện đại: từ việc chọn bạn mà chơi, chọn thầy mà học, đến việc chấp nhận hoàn cảnh, thích nghi thực tại, hoặc tự giải quyết, phân tích những vấn đề của bản thân, tự hoạch định cho mình một cuộc sống tốt đẹp, làm nên một xã hội tốt đẹp...

Sách gồm ba phần: "Hành trình siêu việt", "Tiến bước trên hành trình của bạn" và "Vượt qua chướng ngại trên đường tu tập". Ở mỗi phần là những mô tả chi tiết về các phương pháp giúp mỗi con người vận dụng Phật pháp, những lời khuyên giảng, triết lý được soi rạng qua chính thực tiễn cuộc sống hàng ngày từ đó được áp dụng ngược trở lại cuộc sống. Những tâm tình, khuyên nhủ, lời răn hay sẻ chia trong sách được xây dựng trên một bề dày thẩm thấu giáo lý Phật pháp. Nhưng cái hay của sách nằm ở chỗ vượt lên khỏi sự giáo điều và đạo giáo để hướng đến cuộc đời bao la. Chính sự rộng mở trong tư tưởng và triết lý của trang sách, khiến cho dù con người ta thuộc tôn giáo nào, vẫn có thể nhận thấy ở đây bài học quý báu, để đi tìm ý nghĩa của trọn vẹn của hai từ: hạnh phúc và bình yên của đời người.

Ở những dòng dẫn nhập vào tác phẩm, Pháp vương Gyalwang Drukpa thường nhắc đến hình ảnh con rùa. Sự hóm hỉnh của ông khi nhắc đến câu lạc bộ rùa hay những con người chậm chạp, thường bị tụt lại phía sau đoàn người hành hương cùng ông trên những chuyến đi dài ngày, có thể làm người ta bật cười. Nhưng đằng sau cái cười ấy là một lời khuyên và giá trị của việc sống chậm, không phải chậm ở hoạt động hướng ngoại, mà là để tâm bình an lại, như chú rùa cảm nhận từng bước dịch chuyển nhỏ nhoi của mình giữa thế giới bao la. Không vội vã, không quá cuồng nhiệt lao về phía trước mà quên đi rằng ta đang sống, đang hít thở, đang cần cảm nhận hành trình mỗi ngày chứ không chỉ là đặt tất cả giá trị của cuộc sống nhắm vào đích đến. Chỉ khi tâm bình an giữa biến thiên của cuộc sống, thì tâm ấy mới hình thành nên được những tính cách tốt đẹp ở mỗi người. Tính cách tốt đẹp giúp con người ta bớt sân hận, oán hờn, trói mình vào những chấp nhặt, lo sợ hay đau khổ.

Bìa cuốn sách "Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại".

Bìa cuốn sách "Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại".

Hành trình siêu việt mà tác giả cuốn sách muốn dẫn người đọc đi cùng không chỉ là hành trình chinh phục thế giới với những mục tiêu của riêng mỗi người mà còn là một hành trình rất đỗi thân quen. Nó nằm ngay chính bên trong bản thân ta, khi ta biết an trú trong hơi thở, nhìn ngắm, quan sát cuộc sống, lắng nghe nhịp đập của con tim, nhịp khoan thai của bước chân. Đời sống không chỉ là những cuộc chạy đua vội vã, chạy đến hết hơi để rồi kiệt sức. Đời sống quý giá hơn thế. Nó mang đến cho ta vô vàn cơ hội để tận hưởng và tri ân, để yêu thương và trân quý, từ vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật xung quanh, đến vẻ đẹp của tâm hồn và những hành động thiện nguyện. Khi một con người không chỉ đau đầu với câu hỏi: "Làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền và sử dụng đồng tiền vào việc gì?" mà còn đau đáu với câu hỏi: "Mình đang sử dụng thời gian của mình như thế nào và vào việc gì?", thì đó là lúc người ta nhận ra sự mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống không chỉ nằm ở giá trị vật chất.

"Đọc cuốn sách này cũng là dịp để bạn nghỉ ngơi, thư giãn, tạm tách ra khỏi nhịp sống hối hả để suy ngẫm và kết nối lại với chính bản thân và mọi người. Hãy bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn những động cơ sâu xa nhất bên trong và những điều bạn thực sự mong muốn đạt được. Quan trọng nhất, cuốn sách là người bạn tri ân nhắc nhở chúng ta sống với trí tuệ thức tỉnh, biết trân trọng ý nghĩa cuộc đời, yêu thương mình và mọi người. Điều đó sẽ giúp ta lắng dịu dòng vọng tưởng và buông bỏ mọi định kiến phiền toái" - bậc hiền giả gửi lời tâm tình đến những bạn đọc của mình như thế.

Cuốn Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại có bản quyền thuộc về Nhà xuất bản Penguin. Tác phẩm này được xếp hạng sách bán chạy nhất thế giới ngay từ lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 2012, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Đức, Pháp, Italy, Trung Quốc.

Những trích dẫn hay trong sách Giác ngộ mỗi ngày:

* "Hãy cởi mở, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Bỏ thìa muối vào một ly nước, nước sẽ mặn chát không uống được. Nhưng nếu bỏ thìa đó xuống hồ, nước trong hồ vẫn giữ nguyên vị ngọt" - (Đức Phật).

* "Người bạn xấu còn đáng sợ hơn loài thú hoang. Một con thú hoang có thể làm tổn thương xác thân này, nhưng người bạn ác sẽ hủy hoại tâm trí bạn" - (Đức Phật).

* "Nếu ngày mai phải chết, ta vẫn còn tối nay để thấu hiểu một điều gì đó" - (Ngạn ngữ Tây Tạng).

* Thấy nơi một hạt cát, cả thế giới Hằng sa
Bên trong một bông hoa, cả thiên đường Tam giới
Nơi lòng tay bé nhỏ, ta trì giữ Vô biên
Thời khắc ngắn ngủi qua, là Trường tồn miên viễn"

(William Blake, trích bài thơ Auguries of Innocence)

* "Hãy thử sống một ngày thảnh thơi, không bận tâm bởi những điều vụn vặt. Bạn thức dậy thật sớm, nhẹ nhàng dùng điểm tâm, để mọi thứ đến rồi đi, mặc tiếng chuông reo và lũ trẻ khóc quấy. Học cách tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc đang qua bởi thời gian chính là suối nguồn mát lành của cuộc sống" - (Henry David Thoreau)

* "Chẳng ai có thể cho ta lời khuyên tốt hơn chính bản thân mình" - (Cicero).

* "Bậc anh hùng là người chiến thắng những phiền não của chính mình" - (Fyodor Dostoyevsky).

Thoại Hà

(Theo Vnexpress.net)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,616
Số người trực tuyến: