Giải mã ý nghĩa của Phật Bản tôn An bình và Uy mãnh? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Giải mã ý nghĩa của Phật Bản tôn An bình và Uy mãnh?

331
23/02/2019 - 06:08

Khi bạn nhìn thấy một Bản tôn Uy mãnh hay Bản tôn An bình thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Bản tôn đó an bình hay giận dữ. Các vị Phật Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng sinh. Vì con người có vô số xúc tình phiền não khác nhau nên các Bản tôn cũng như vậy, các Ngài có vô số hình tướng khác nhau. Thế nhưng rốt cuộc chúng ta phải hiểu rằng mỗi xúc tình, mỗi hiện tượng, xét từ quan kiến Đại thừa, đều phải được hiểu là Tính không. Trong Đại thừa, chúng ta nói Tính không là Pháp thân, Pháp thân chính là Phật.

Chư Phật Bản tôn được thờ phụng trong đạo Phật hoàn toàn không tách rời với cuộc sống và những kinh nghiệm hàng ngày của con người, mà chính là sự phản ánh các trạng thái ý thức khác nhau. Đó có thể là các trạng thái siêu việt hoặc tích cực được thể hiện qua hình ảnh chư Phật Bản tôn An bình hoặc những khuynh hướng chưa được chuyển hóa như: thù hằn, đố kị, tham lam và tội lỗi biểu trưng qua hình ảnh của chư Phật Bản tôn Uy mãnh.

Khi chúng ta không biết đến những năng lượng tiềm ẩn hay còn gọi là phần tối trong con người mình thì những năng lượng đó sẽ bị bộc lộ một cách tiêu cực. Nhưng khi biết chủ động nhìn nhận chúng một cách có ý thức, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn với chính bản thân cũng như với người khác. Về mặt sự tướng, chư Phật Bản tôn hiện diện bên ngoài là một đối tượng thiền định hoàn hảo, song về mặt lý, chư Bản tôn nêu biểu cho những năng lượng tích cực và tiêu cực bên trong mỗi người. Vì thế, việc thiền định Phật Bản tôn giúp chúng ta chuyển hóa những năng lượng tiềm ẩn bên trong mình thành năng lực sáng tạo tốt đẹp.

Một cách chung nhất, chư Phật Bản tôn có thể được phân loại về mặt sắc tướng như sau:

Phật Bản tôn An bình

Mỗi vị Phật Bản tôn An bình biểu trưng cho sự tiếp cận tâm linh và có những phẩm tính riêng của mình. Ví dụ, Đức Phật Bản tôn Quan Âm biểu trưng cho lòng Từ là trọng tâm của trải nghiệm tâm linh; Đức Phật Bản tôn Văn Thù thì lấy Trí tuệ làm trọng tâm và Đức Phật Bản tôn Kim Cương Thủ lại nhấn mạnh tới sự Dũng cảm và Trí lực để tương ứng với Trí tuệ thiêng liêng.

Phật Bản tôn Uy mãnh

Những vị Phật Bản tôn Uy mãnh biểu trưng cho sự đấu tranh mạnh mẽ để chuyển hóa những cảm xúc sân giận thành dũng lực nơi mỗi người. Vị Phật Bản tôn này là hiện thân của tất cả phiền não bên trong làm “đen tối” những tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta; ngăn cản chúng ta đạt đến mục đích giác ngộ hoàn toàn. Theo truyền thống, những Bản tôn Uy mãnh được hiểu là những khía cạnh của nguyên lý Từ Bi, chỉ đáng sợ đối với những người thấy họ như những thế lực bên ngoài. Khi nhận ra được những khía cạnh của tự thân và được thuần dưỡng bằng sự thực hành tâm linh thì hành giả nhận ra pháp tướng bên ngoài của các Bản tôn này rất thanh tịnh và từ bi.

Vào ngày Tạ đàn (24/02) tại Pháp hội Cầu an Đại Bi Quan Âm 2019, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa sẽ cử hành Đại Pháp hội quán đỉnh ‎100 chư Phật Bản Tôn An Bình Uy Mãnh khai thị cứu độ thân trung ấm, chuyển di Tâm thức, giải thoát siêu độ chư hương linh. Tham dự Đại lễ cầu siêu cũng là sự thể hiện lòng hiếu kính hướng về cửu huyền thất tổ, sự tri ân hướng về các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền non sông và cũng là thực hành lòng trắc ẩn với vong linh những kẻ bỏ thân nơi đất khách quê người trong chiến tranh, trận mạc.. Quý vị xem lịch trình chi tiết tại đây: http://drukpavietnam.org/thong-bach-phap-hoi-dai-bi-quan-am-2019-luc-gia-tri-dai-lac-kim-cuong-mandala

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,904
Số người trực tuyến: