Bạn đang ở đây
Tại sao nên tham gia Đại lễ yểm tháp Phật?
Phật giáo Kim cương thừa không bao giờ thờ phụng tượng rỗng hay tháp/chùa rỗng mà phải tiến hành nghi lễ yểm trước khi đưa vào sử dụng để tạo nên Tứ khí (bao gồm linh khí, vượng khí, tú khí và quý khí). Điều đáng nói là không chỉ các bậc tu hành mà toàn dân đều có thể tham gia nghi lễ yểm. Những người có đủ phước duyên tham dự và cúng dường phẩm vật trong Đại lễ Yểm tâm thực sự rất may mắn bởi mỗi đại lễ yểm tâm chỉ được thực hiện duy nhất một lần và năng lượng gia trì linh thiêng sẽ lợi ích mãi hàng trăm, hàng nghìn năm sau.
Công đoạn yểm rất tỉ mỉ và có vai trò cực kỳ quan trọng đối với một Bảo tháp hay Mandala Kim Cương Thừa. Đặt những phẩm vật cát tường dưới nền, bên trong cũng như trên đỉnh tháp và phong kín lại gọi là “yểm”. Việc này sẽ giúp bảo tháp trở thành linh thiêng. Nghe có vẻ kỳ bí nhưng ta có thể hiểu theo cách đơn giản: Yểm là đặt các thứ có năng lượng cát tường vào trong lòng tượng, tháp hoặc chùa rồi niêm phong kín lại.
Đặc biệt trong các nghi lễ yểm thường có rất nhiều bảo bình bằng đồng đỏ. Trước khi các bảo bình được đặt xuống, ai cũng muốn chạm vào để lấy may. Trong bảo bình có gì thì chỉ các sư tự tay bỏ vào rồi hàn kín lại mới biết. Một Sư thầy tiết lộ các bảo bình đó chứa các loại ngũ cốc (tạo sinh khí), ngũ hương (tăng ích và tạo năng lượng tốt), ngũ dược (để tịnh hóa chướng ngại bệnh tật) cùng ngũ bảo: san hô, mã não, xà cừ, vàng, bạc... (trì giữ khí) và không thể thiếu kinh điển nhà Phật. Những người thực hiện việc cuộn kinh phải ăn chay trường. Những băng giấy dài in Mật điển hay Chân ngôn (bằng tiếng Phạn) được phết nước thơm (chế từ dược liệu) màu vàng đặc sánh, phơi khô rồi được cuộn chặt và sơn son. Cùng với tâm nguyện mọi người gửi vào khi đặt bảo bình xuống, tất cả tạo thành sức mạnh để bảo bình viên mãn mọi nguyện cầu của chúng sinh. Các bảo bình sẽ được đặt xuống trước tiên, sau đó mới đến các phẩm vật được yểm khác.
Nghi thức yểm theo Kim cương thừa bao hàm mọi tinh túy của các truyền thống tâm linh và cũng chính là vũ trụ học. Khi một Bảo tháp hay chùa được xây dựng theo mô hình Mandala vũ trụ thì bảo tháp hoặc chùa đó tự nhiên đón nhận năng lượng an lành của đại vũ trụ bên ngoài, đem đến những an lạc cát tường cho mọi người.
Việc yểm tháp, chùa sẽ do các bậc cao tăng đảm nhiệm. Tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, người đầu tiên thực hiện yểm tháp là Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa – bậc Kim Cương Thượng Sư đứng đầu truyền thừa Drukpa (Ấn Độ). Đích thân Ngài đã đặt các xá lợi linh thiêng tại tâm Đại Bảo Tháp và an vị bức tượng Phật cổ tại tầng thứ 7 của Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên.
Đến với Pháp hội Cầu an Đại Bi Quan Âm 2019 tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên từ ngày 22 đến 24/2/2019, Quý vị sẽ có cơ hội tham dự Đại lễ yểm tâm Cung điện Mandala Liên Hoa với hơn 300 bảo bình được chuẩn bị công phu trước đó hàng tháng trời theo đúng nghi thức được ghi trong Mật điển.
- 1468 reads