Bạn đang ở đây
Rigden
bậc trì giữ trí tuệ; cũng là danh hiệu của các đời vua Shambhala.
Rewalsa
một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Mandi ở Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Hồ nước nổi tiếng Tso Pema hay “Hồ Liên Hoa” có liên hệ mật thiết tới Đức Guru Padmasambhava. Đức vua của Mandi hay Zahor, cha của công chúa Mandarava, đã hạ lệnh thiêu sống Đức Guru Padmasambhava sau khi hay rằng con gái của Người vốn là một ni sư xuất gia lại chung sống với bậc đạo sư Ấn Độ này. Giàn thiêu đã cháy trọn một tuần với từng làn khói đen bốc lên cao ngất nhưng một hồ nước đã xuất hiện ngay tại nơi đặt giàn thiêu vào cuối tuần lễ đó và Đức Guru Padmasambhava hiện lên trong thân tướng một chàng trai mười sáu tuổi đứng trên một bông hoa sen mọc ở giữa hồ. Khi chứng kiến hiện tượng này, đức vua và hết thảy thần dân đều quy theo đạo Phật. Hồ nước về sau được gọi tên là Hồ Liên Hoa theo kỳ tích này.
Refuge
quy y nương tựa - nguồn che chở; chốn tin cậy; đối tượng ban sự gia trì. Ngoài việc Quy y Tam Bảo, tức là Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, được coi là những đối tượng quy y bên ngoài, trong Kim Cương Thừa, Quy y bên trong và Quy y bí mật cũng vô cùng quan trọng. Quy y bên trong nghĩa là Quy y Tam Căn Bản, nghĩa là Guru (Thượng Sư, cội nguồn của sự gia trì), Yidam (Bản Tôn, cội nguồn của phương tiện và thành tựu) và Dakini (Không Hành Mẫu, cội nguồn của sự hộ trì và công hạnh lợi tha), cũng vô cùng quan trọng. Quy y bí mật là Quy y nương tựa vào Tam Thân Phật, tức là Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân.
Rechungpa (1084-1161)
còn được biết đến với pháp danh Rechungpa Dorje Drakpa, một trong hai đệ tử lỗi lạc nhất của bậc hành giả yogi xuất chúng Milarepa (1040-1123). Ngài đã kết tập giáo pháp Sáu Pháp Vị Bình Đẳng (tiếng Tây Tạng là ronyom) từ nhiều nguồn tại Ấn Độ và đã giấu kín giáo pháp này để sau này được tìm ra bởi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I Tsangpa Gyare Yeshe Dorje (1161-1211) và giáo pháp này đã trở thành pháp thực hành cốt yếu của Truyền thừa Drukpa.
Ratnasambhava
Đức Phật Bảo Sinh - một trong Ngũ Trí Phật, có màu vàng, tương ứng với phương nam và thuộc về Bảo bộ. Những pháp tu tập liên quan tới Đức Phật Bảo Sinh có năng lực chuyển hóa độc từ tham lam và ngã mạn trở thành Bình đẳng tính trí.
Ratna Lingpa
(1403-1473) - một bậc khám phá kho tàng người Tây Tạng đã kết tập giáo pháp Nyingma Gyu Bum.
Ratna
Bảo châu
Raksha
Ái La Sát - một loại ngã quỷ.
Rabjung
một chu kỳ sáu mươi năm.
Praytyeka Buddha
Duyên Giác Phật (Bích Chi Phật) – nghĩa đen, “Độc Giác Phật”, người đã đạt được giác ngộ giải thoát nhờ sự thiền quán thâm sâu về thập nhị nhân duyên; giác ngộ hoàn toàn đạt được do tự thân.
Phajo Druggom Shigpo
(1184-1251) - một đệ tử của Đức Onre Darma Senge (1177-1237), một người cháu của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Yeshe Dorje (1161-1211). Theo lời huấn thị và huyền ký của Đức Tsangpa Gyare, Ngài đã được Đức Onre Darma Senge cử tới Bhutan vào năm 1224 và thiết lập nền tảng vững chắc cho Truyền thừa Drukpa tại nơi này.
Phago Drupa
(1110-1170) còn được biết đến với pháp danh Khampa Dorje Gyalpo, Ngài được tôn kính là hóa thân của Đức Phật thứ hai trong hiền kiếp này, Đức Phật Kracuccanda (Câu Lưu Tôn Phật). Ngài là pháp tử chân chính của Đức Gampopa. Trong số 80,000 đệ tử thành tựu của Ngài có Đức Lingchen Repa Pema Dorje (1128-1188), chính là bậc thượng sư đã có đệ tử xuất chúng nhất là Đức Tsangpa Gyare Yeshe Dorje (1161-1211), người sáng lập nên Truyền thừa Drukpa Vinh Quang.
Pema Lingpa
(1445/50 – 1521) – xem thêm five terton kings.
Pekar Jungne
được Đức Shabdrung Ngawang Namgyal (1594-1651) tấn phong là Bậc Giáo chủ Je Khenpo đời thứ I, vị lãnh tụ tâm linh của tất cả các tự viện ở Bhutan.
Patrul Rinpoche
(1808-1887) tác giả của The Words of My Perfect Teacher (Lời vàng của Thầy Tôi), sinh thời Ngài là một trong những bậc thượng sư được sùng kính nhất và nổi danh với sự uyên bác, lỗi lạc, sự xả bỏ và tâm từ bi của Ngài.