Bạn đang ở đây
Tara
Độ Mẫu – nghĩa đen là “bậc cứu độ”; một hoá thân của Đức Avalokiteshvara, đã thị hiện từ những giọt lệ của Bồ Tát để trợ giúp Ngài trong các thiện hạnh; Ngài có hai mươi mốt hình tướng, trong đó Đức Lục Độ Mẫu và Đức Bạch Độ Mẫu quen thuộc hơn cả đối với các hành giả.
Tantra
Mật giáo – nghĩa đen là “không gián đoạn”, giáo pháp bí mật trong Kim Cương Thừa; một thuật ngữ dùng để chỉ vô số giáo pháp, thông thường chứa đựng hệ thống thiền quán Kim Cương Thừa, hoặc giáo pháp bí mật của một Truyền thừa được truyền không gián đọan từ Đức Phật tới bậc trì giữ Truyền thừa hiện đời.
Tango
còn được gọi là Tago, có nghĩa là “mã đầu”, có nguồn gốc từ hòn đá hình đầu ngựa trên một mỏm đá nhô ra, được tin là dấu ấn tự thân chứng đắc của bản tôn Hayagri. Đây là một trong những trường đại học bề thế nhất của Bhutan, nằm gần thủ đô Thimphu.
Tamdrin
Xem thêm Hayagriva
Takin
quốc thú của vương quốc Bhutan, tiếng địa phương gọi là Drong Gemtse, có đầu dê và mình bò tót. Theo truyền thuyết, khi Đức Drukpa Kunleg (1455-1529) ghé thăm Bhutan, một chúng hội gồm rất đông người dân địa quận Wangdu đã thỉnh cầu Ngài phô diễn thần thông. Với những cách hành xử bất thường và kỳ lạ, Ngài liền yêu cầu trước tiên Ngài phải được cúng một con bò và một con dê cho bữa ăn trưa. Sau khi dùng bữa xong, Ngài lấy đầu con dê và lắp nó vào bộ xương con bò, rồi chỉ sau một cái búng ngón tay, con vật đã đứng lên và chạy tuốt vào thung lũng. Loài thú này về sau được gọi là Takin.
Swayambhunath
nghĩa đen là “Đức Phật tự thân hiện hữu”; một trong những thánh địa cổ kính và linh thiêng nhất của thung lũng Kathmandu thuộc Nepal. Đây còn được gọi là Chùa Khỉ vì có vô số khỉ sống ở mạn phía tây bắc. Truyền thuyết cho rằng chúng được biến thành từ những con rận trên đầu Đức Văn Thù, người đã nhìn thấy sen mọc và lửa bốc lên từ vùng Swayambhunath, thời đó còn là một hồ nước. Đức Văn Thù đã làm cạn hồ nước bằng cách dùng kiếm của Ngài vạch thành một đường đèo giúp cho người dân Himalaya có thể vào được nơi này.
Sutra
Kinh Tạng – một trong Tam Tạng (Kinh Tạng, Luận Tạng, Luật Tạng), ghi chép những giáo thuyết của Đức Phật trong ba lần chuyển pháp luân.
Sutlej
đôi khi còn được gọi là “Sông Hồng”, một nhánh sông nằm ở tận cùng phía đông dòng Indus. Bắt nguồn từ hồ Lanka hay Rakshastal, sông chảy xuôi về phía tây và tây nam, vào địa phận Ấn độ qua khe Shippi La thuộc Himachal Pradesh, hòa nhập vào dòng Beas ở bang Punjab, Ấn độ và tiếp tục chảy theo hướng đông nam tới Pakistan và nhập với dòng Chebab tạo nên sông Panjnad nằm về phía Nam Multan cổ. Dòng Panjnab nhập vào dòng Indus tại Mithankot.
Sumery
còn được gọi là Núi Meru, một ngọn núi linh thiêng theo vũ trụ học Phật Giáo, được coi như trung tâm của vạn pháp hữu hình, siêu hình và tâm linh.
Sukhasiddhi
Một bậc Dakini Trí Tuệ đã thị hiện vào thế kỷ thứ mười một; được coi như sự thị hiện của từ bi và hỷ xả.
Sugata
Thiên Tuệ - nghĩa đen là “người ra đi”; đôi khi được sử dụng như một danh hiệu của Đức Phật.
Stupa
bảo tháp –còn được gọi là chorten trong tiếng Tây Tạng. Ban đầu chỉ là một nấm đất hình núi chứa xá lợi của Đức Phật Thế Tôn và những bậc thầy tâm linh xuất chúng trong quá khứ, dần dần phát triển thành nhiều kiến trúc khác nhau, chẳng hạn như chùa, theo sự phát triển rộng rãi của Đạo Phật ở Châu Á. Trong Đạo Phật Tây Tạng, có tám bảo tháp có liên hệ tới các sự kiện trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca: sự đản sinh (“Lotus Blossom Stupa” hay Pepung Chorten), giác ngộ (“Enlightment Stupa” hay Jangchub Chorten), chuyển pháp luân lần thứ nhất (“Stupa of Many Doors” hay Gomang Chorten), giáng trần từ cõi chư thiên (“Stupa of Descent form the God Realm” or Lhabab Chorten), phô diễn thần thông (“Stupa of Great Miracle” or Chotrul Chorten), Tăng già hòa hợp (“Stupa of Reconciliation” hay Yendum Chorten), trường thọ (“Stupa of Complete Victory” hay Namgyal Chorten) và nhập niết bàn (“Stupa of Nirvana” hay Nyangde Chorten).
Sthaviravada
Trưởng lão bộ - xem thêm Vaibhasika.
Sthavira Angaja
Trưởng lão Nhân Yết Đà – vị đầu tiên trong 16 bậc A La Hán xuất chúng; Ngài trụ tại Núi Kailash trong chúng hội gồm 1300 vị A La Hán
Songtsen Gampo, Vua
Đức vua Songtsen Gampo (617-650) - người kiến lập nên vương quốc Tây Tạng và là một trong ba vị Pháp Vương đầu tiên của Tây Tạng; là vị vua đời thứ ba mươi ba trị vì triều đại Yarlung. Ngài lên ngôi vua vào năm mười ba tuổi và cử sứ giả của Thonmi Sambhota sang Ấn độ để nghiên cứu phát minh ra chữ viết cho Tây Tạng và đã mang về vô số di sản văn hóa cũng như phát kiến kỹ thuật cho Tây Tạng. Ngài đã thành hôn với công chúa Bhrikuti Devi của Nepal và công chúa Wencheng (Văn Thành) của Trung Hoa (623-680), Người đã mang theo hai bức tranh của Đức Phật Thích Ca và góp phần du nhập Đạo Phật vào Tây Tạng.