Bạn đang ở đây
Giảng pháp và ban gia trì Quan Thế Âm tại Chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, 03/04
Lễ hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội văn hóa du lịch tâm linh cấp quốc gia. Năm nay lễ hội được tổ chức đặc biệt quy mô. Ban tổ chức hoan hỉ cung nghinh sự quang lâm đầy cát tường của Đức Pháp Vương Guyalwang Drukpa, hóa thân chân thật của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, hiển hiện nơi đây để ban ân phúc gia trì, cử hành các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an và ban truyền giáo pháp trân quý tới toàn thể đại chúng.
Chương trình lễ hội ngày 03 tháng 4 bắt đầu từ 6h30 sáng với sự tham gia của Chư tôn Hòa thượng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Tăng đoàn Drukpa do Ngài Drubpon Ngawang Tenzin, Trưởng đại diện Truyền thừa Drukpa tại Châu Âu dẫn đầu, Đại biểu chính quyền các cấp và hàng chục ngàn Phật tử, thiện hữu trí thức từ khắp các miền Tổ quốc cùng về vân tập. Trong không khí lễ hội hân hoan và tràn đầy đạo vị là phần trình bày các nghi lễ truyền thống như lễ rước kiệu, múa lân, múa rồng, lễ khai kinh, cầu nguyện Quốc thái dân an, giảng pháp về Bồ tát Quan Thế Âm. Cũng trong sáng 3/4, Ban tổ chức khai mở bức tranh ngọc đá “Chùa Một Cột” và bức “Thiên Long Việt đồ” độc nhất vô nhị được kiến tạo với một nghìn con rồng vàng kiểu dáng khác nhau, sắp xếp theo bản đồ Việt Nam do các nghệ nhân dân gian dày công thực hiện. Điểm nhấn của chương trình Lễ hội buổi sáng là lễ khởi công động thổ xây dựng chùa Ngọc Thạch, ngôi chùa bằng đá ngọc được kiến lập trên diện tích gần 4.200m2, ngự trên một tòa sen 5 cánh tượng trưng cho thuyết Ngũ Hành của dịch lý Đông Phương, tương ứng với danh thắng Ngũ Hành Sơn - Non Nước.
Vào hồi 9h, Đức Pháp Vương thăng tòa. Ngài cử hành khóa lễ khai đàn cầu nguyện Quốc thái dân an, cho phép các Đại đức Tăng truyền thừa một lần nữa phô diễn vũ điệu Kim Cương Thừa thiêng liêng gieo hạt giống giải thoát và đưa tâm thức khán chúng vào cảnh giới thiền định rộng lớn vô biên của tâm giác ngộ. Tiếp theo là màn trình diễn đầy truyền cảm của khúc Kim Cương thừa Chứng đạo ca. Giọng ca mạnh mẽ, hào hùng, trang nghiêm, thanh bình và tràn đầy năng lượng giác ngộ và Vũ điệu Kim Cương của hành giả Truyền thừa giúp chuyển dịch năng lượng nơi thân tâm, và tiêu trừ những phiền não tiêu cực ám chướng cho những ai có phúc duyên chiêm ngưỡng.
Buổi chiều là phần giảng pháp quan trọng và rất tỉ mỉ về Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Từ Đại Bi với hạnh nguyện vô lượng vô ngã độ sinh bao trùm khắp pháp giới. Trong thời pháp, Đức Pháp Vương một lần nữa nhấn mạnh về khía cạnh tâm linh không tôn giáo của Đạo Phật, vốn là triết học vĩ đại về chân lý vũ trụ với mục đích mang lại cho con người một nhân sinh quan và điều kiện sống lành mạnh, bình an, giúp trưởng dưỡng hạnh phúc chân thực, bền vững nơi mỗi người và lợi ích cho hết thảy chúng hữu tình. Theo đó, cần phải tiếp cận với Đạo Phật qua sự hiểu biết khoa học, không mê tín, hai chân lý tuyệt đối và tương đối cần phải được tôn trọng và thực hành cùng một lúc. Đây cũng là phương thức để giúp phát triển đất nước, mang lại an bình và đời sống xã hội sung túc. Ngài cũng dạy cần phải nỗ lực tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường, đây cũng chính là thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn. Giáo lý Đức Phật Thích Ca từng tuyên thuyết từ 2.500 năm trước giờ vẫn còn nguyên giá trị nhiệm màu, hướng đạo cho con người tìm về với tự tính tâm nguyên sơ, trong sáng của chính mình.
Đức Pháp Vương dạy rằng, Bồ Tát Quan Thế Âm không hẳn là một đấng quyền năng bên ngoài, mà Ngài chính là hiện thân của tâm từ bi và trí tuệ vĩ đại vốn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Đức Pháp Vương chiết giải rất cặn kẽ về ý nghĩa, lợi ích của việc trì tụng thần chú Quan Thế Âm. Việc trì tụng câu thần chú "Om Mani Padme Hung" ít nhất 20, 50 hoặc 100 biến mỗi ngày giúp chúng ta dần trưởng dưỡng tâm từ bi và trí tuệ. Trì tụng câu thần chú này giúp cho chúng ta thanh tịnh thân tâm, qua đó có thể chuyển hóa cuộc sống đầy rẫy khổ đau thành cuộc sống ngập tràn hạnh phúc. Theo quan kiến Kim Cương Thừa, trì tụng thần chú Quan Thế Âm còn mang lại sự cân bằng năng lượng phụ tính (từ bi) và mẫu tính (trí tuệ) vi tế và thiết yếu nơi mỗi người.Sau phần chiết giải, Đức Pháp Vương đã trì tụng khóa lễ ngắn khẩu truyền câu thần chú Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn này và gia trì, ban phước cho đại chúng.
Khóa lễ kết thúc vào hồi 17h cùng ngày với nghi thức tác bạch và cúng dường lên Đức Pháp Vương của Đại Đức Thích Huệ Vinh, Trụ trì chùa Quan Âm. Thật cảm động khi chứng kiến với lòng từ bi thương xót vô hạn tới người dân và hữu tình Việt Nam, Đức Pháp Vương cùng Tăng đoàn đã không quản ngại khó nhọc, đường xa, tiếp nối cuộc hành trình xuyên Việt từ Bắc chí Nam kéo dài gần hai mươi ngày, để quay trở lại với miền Trung nắng gió, một lần nữa ban trải ân phúc gia trì và mang giáo pháp giác ngộ trân quý tới cho người dân nơi này. Đáp lại, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa bày tỏ lòng cảm kính tri ân tới Chính quyền và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến hoằng pháp của Ngài và Tăng đoàn thành tựu viên mãn vì lợi ích hữu tình Việt Nam.
Sáng sớm ngày mai, Đức Pháp Vương cùng Tăng đoàn Truyền Thừa Drukpa sẽ rời Việt Nam quay trở lại Kathmandu, Nepal, nơi có hàng ngàn bậc hành giả Yogi, các bậc Thượng sư, học giả và hành giả Truyền thừa Drukpa đang vân tập chờ đón cung nghinh Đức Pháp Vương khai mạc Đại hội Thường niên Drukpa (ADC) lần thứ II, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 15.4 tại Tự viện Druk Amitabha với tôn chỉ "Kính ngưỡng và Tri ân với Tình yêu thương và Sự hiểu biết".
Để biết thêm thông tin về các hoạt động Phật sự của Đức Pháp vương, vui lòng ghé thăm trang web chính thức của Drukpa Việt Nam: www.drukpavietnam.org. Để cập nhật thường ngày về hoạt động Phật sự của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche và chư vị Thượng sư Truyền thừa Drukpa tại Hội nghị ADC, xin vui lòng ghé thăm trang web: http://www.drukpacouncil.org (phần tiếng Việt)
Viết bình luận
- 10 reads