Guru Yoga - Giác ngộ tự tính tâm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Guru Yoga - Giác ngộ tự tính tâm

791
18/03/2023 - 15:51
(Trích Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Khóa chuyên tu Guru Yoga năm 2012 tại Kathmandu, Nepal).
 
Lời đầu tiên, xin được chào mừng các bạn đến với khóa tu này, có thể coi như đây là một kỳ chuyên tu. Khóa chuyên tu này sẽ được thực hiện một cách nhẹ nhàng, giúp các bạn thư giãn và tĩnh tâm bằng nhiều phương tiện thiện xảo của giáo pháp, do chính Đức Phật Thế tôn từng truyền giảng.

Tôi biết các bạn từ rất nhiều nơi trên thế giới đến vân tập tại đây, đa số nơi này là những đô thị ồn ào, náo nhiệt. Trong nhịp sống hàng ngày, các bạn gần như không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, không có những giây phút tĩnh tại, thư thái trong tâm. Lý do là vì từng giờ từng phút, các bạn đều bận rộn hối hả với vô số việc phải làm. Nhiều người thậm chí không có thời gian để ngủ. Vì vậy, khóa tu này thật sự vô cùng cần thiết cho các bạn, những người không có nhiều cơ hội nghỉ ngơi và an tĩnh thân tâm.

 

(Tại tự viện Drukpa Amitabha Moutain, Kathmandu, Nepal)
 
Giác ngộ bản chất tâm là mục đích tối hậu của Phật tử
Tại sao những hành giả tâm linh, những người tu học Phật pháp như chúng ta cần có những khoảng thời gian tĩnh tâm và buông xả như vậy? Đó là vì, chúng ta muốn giác ngộ bản chất của tâm, tự tính tâm. Đây chính là cốt tủy của giáo pháp và cũng là mục đích tối hậu của mỗi Phật tử. Đó cũng là lý do Đức Phật chuyển pháp luân, tuyên thuyết 84.000 pháp môn khác nhau phù hợp căn cơ của chúng sinh. Là Phật tử, chúng ta không có mục tiêu thực hành Pháp nào khác ngoài việc đạt được giác ngộ bản chất của tâm, hay là tự tính tâm.

Lẽ dĩ nhiên, mỗi tôn giáo có các cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn như, một vài tôn giáo tin vào Thượng đế. Họ tin tưởng rằng Thượng đế, hay đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo nên toàn bộ vũ trụ và đời sống của con người. Vì vậy, để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, hiển nhiên, họ cần phụng sự Chúa, làm Ngài hài lòng và họ cần phải tu dưỡng và trau dồi đạo đức, giữ gìn giới luật ...để cuối cùng làm Thượng Đế hoan hỷ. 
 

Tự tính tâm chính là nguyên lý căn bản của quy luật nghiệp
Còn đạo Phật không phải như vậy. Đức Phật luôn thuyết giảng về “nghiệp”, “quy luật nghiệp” hay “luật nhân quả”. Triết học Phật giáo cho rằng thế giới này không phải do Thượng Đế hay Chúa Trời sáng tạo nên. Sự hình thành của toàn bộ vũ trụ và vận hành của đời sống là do “Nghiệp”. Nghiệp là tích lũy các hành động tạo tác của thân khẩu ý; mọi việc làm, lời nói, suy nghĩ của chúng ta đều có tâm thức, đều phụ thuộc vào tâm và do tâm quyết định. Nghiệp báo hiện tại là kết quả của những hành động chúng ta đã tạo từ trong các kiếp quá khứ. Xét về bản chất sâu xa, tự tính tâm chính là nền tảng, là nguyên lý căn bản của quy luật nghiệp. Không có nghiệp đứng ngoài tâm, không có luật nghiệp khác biệt hay ở ngoài tự tính tâm. Điều này là chân lý.
 
(Tự viện Drukpa Amitabha Moutain, Kathmandu, Nepal)
 
Có rất nhiều người không hiểu được như vậy. Trên thực tế, các Phật tử luôn nói đến “nghiệp” hay “quy luật nghiệp”, đều hiểu rằng Nghiệp là luật nhân quả báo ứng. Từ những hành giả tu tập cho đến những học giả nghiên cứu Phật pháp đều hiểu điều này, nhưng một cách sâu xa, họ không hiểu rằng về bản chất Nghiệp chính là tự tính tâm. Đó là sự vô minh, nhận thức của chúng ta còn vô cùng phiến diện và thiển cận. Do đó mục đích tu tập và thực hành của mỗi hành giả là  giác ngộ bản chất tâm hay tự tính tâm.
  
Phiếm bàn hý luận thì rất đơn giản nhưng tu tập thực hành khó khăn vô cùng. Vì vậy, Đức Phật từ bi đã giúp chúng ta tìm ra giải pháp. Giải pháp căn bản nhất chính là “Nghiệp”: chúng ta cần giác ngộ về “nghiệp”, thực hành “nghiệp”, trưởng dưỡng và định hướng “nghiệp” một cách đúng đắn. Cách tiếp cận đúng đắn về Nghiệp sẽ đem lại cho chúng ta một đời sống quân bình, tự tại và lợi ích. Nói một cách chung nhất, có được thân người quý báu này, chúng ta phải biết sống hoan hỷ, an vui, có ý nghĩa và đem lại lợi ích không chỉ cho bản thân, gia đình mà rộng ra cả toàn xã hội. 
 

Có nhiều vô số thực hành giúp chúng ta đạt được chân hạnh phúc
Chúng ta ai cũng muốn sống an vui, hạnh phúc và tự tại, song chúng ta không biết tu tập như thế nào để có được điều đó. Có rất nhiều cấp độ thực hành để đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống này. Đôi lúc, chúng ta bối rối không hiểu điều này vì chúng ta cho rằng chỉ có một con đường duy nhất để thành tựu. Nhưng không phải vậy. Mỗi người đều có con đường riêng vì mỗi người mỗi thế giới quan khác nhau. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên không có gì đáng ngạc nhiên cả. Tôi thích cái mà bạn không thích, và ngược lại, cái tôi không thích bạn lại có thể thích.

Chẳng hạn, bạn muốn uống nước, tôi lại không. Bạn thích uống rượu, tôi lại không ham rượu. Trà, cà phê hay đồ ăn cũng vậy. Có người thích ăn thịt, tôi thì không. Có người thích ăn cơm, tôi không thích. Chúng ta có những sở thích khác biệt. Điều đó hàm nghĩa rằng tất cả chúng ta đều có cách cảm nhận, cách nhìn nhận và tiếp cận khác nhau về thế giới hay cuộc sống này.
 
 
Chúng ta không chỉ khác nhau về căn cơ, hình tướng, thói quen trong cuộc sống, mà cách tiếp cận và cảm nhận về thế giới xung quanh của chúng ta cũng hoàn toàn khác biệt. Đây chính là lý do có vô số con đường đến với Phật pháp và tu tập giác ngộ. Điều này cơ bản giải thích vì sao Phật pháp nhiều vô lượng, tám vạn bốn ngàn pháp môn tuỳ căn cơ sai biệt của chúng sinh mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Không một học thuyết hay tôn giáo nào khác có khối lượng giáo pháp đồ sộ như vậy. Hồi giáo có lẽ chỉ có một hoặc hai bộ kinh chính. Thiên chúa giáo cũng chỉ có duy nhất cuốn Kinh Thánh. Hindu, một tôn giáo lớn với rất nhiều tín đồ, tuy còn rất nhiều kinh điển khác nhưng kinh điển chính, đóng vai trò quan trọng nhất chỉ có một bộ.

Nhìn lại Phật Pháp, ít nhất chúng ta có hàng trăm bộ kinh điển khác nhau trên thế giới này. Ngoài ra, còn vô vàn kho tàng kinh điển và mật điển khác, được đem đến các thế giới khác ngoài cõi Sa Bà, như là ân đức gia trì của Đức Phật. Chỉ duy những kinh điển được Đức Phật truyền giảng và khai thị cho cõi người đã lên tới hàng trăm bộ. Chúng ta có vô số giáo pháp chỉ bày vô vàn con đường khác nhau để đi đến giác ngộ. Bởi căn cơ của chúng ta sai biệt không đồng, lẽ đương nhiên, chúng ta khác nhau về suy nghĩ, cảm nhận, quan kiến, sở thích v.v… Bởi vậy, chúng ta cần muôn vàn giáo pháp khác nhau để đối trị phù hợp căn cơ, trình độ, khả năng và phiền não của mỗi chúng sinh.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,344
Số người trực tuyến: