Hân hoan được về nhà (Homecoming Joy) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hân hoan được về nhà (Homecoming Joy)

15
14/09/2012 - 00:00

Con gấu bông Tsewa dùng để trao đổi với tôi(For original English article, please click here)

Đã bao giờ bạn bắt gặp cảm giác quen thuộc, gần gũi như ở nhà khi tới miền đất nào đó hay gặp gỡ một ai đó chưa? Đây chính là nghiệp quả hay dấu ấn của nghiệp từ những đời quá khứ và từ tiềm thức chúng ta trong những đời quá khứ để lại. Cũng giống như ý thức, ký ức của chúng ta được mang theo nguyên vẹn từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, có những người chúng ta vừa gặp đã quý mến, có những nơi ta vừa đặt chân tới đã cảm thấy thân quen, cũng có cả những người, những nơi vừa gặp hay vừa đến đã khiến ta có cảm giác nặng nề, khó chịu. Thế gian thường gọi đó là trực giác. Tôi cho rằng đó là dấu ấn của Nghiệp. Đây chính là điều kỳ diệu, là phép màu mà chỉ có Luật Nhân Quả mới có thể thực hiện.

Tsewa (tên gọi đời này của chú chó Holy trước đây) rất láu lỉnh và thông minh. Chú tìm thấy một chú gấu Teddy đồ Con rồng mà Tsewa muốn đổi lấychơi trong phòng của ai đó, và mang về để cúng dàng lên tôi. Chú mong tôi nhận món đồ này nhờ đó tôi có thể sẽ cho chú mượn chú rồng nhỏ của tôi. Tôi không đồng ý nhưng Tsewa vẫn kiên trì đặt chú gấu Teddy lên giường tôi, mong tôi sẽ cho chú mượn chú rồng đồ chơi. Trò chơi thú vị này kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy rất ấm lòng khi chơi đùa cùng chú chó, đây là một cách giúp chúng ta kết nối và giao tiếp với nhau rất hiệu quả. Tuy vậy, trong thời đại ngày nay, hầu hết mọi người coi việc giao tiếp và dành thời gian cho nhau như vậy là “lãng phí thời gian”. Hầu hết chúng ta không muốn tiếp xúc, không muốn giao tiếp với mọi người, vì chúng ta cảm thấy không có thời gian. Với quan kiến, thái độ như vậy, chúng ta nuôi lớn trong mình thói quen nôn nóng, thiếu kiên nhẫn. Dù cho nhiều lúc chúng ta có thể đóng kịch với vẻ ngọt ngào, tử tế bề ngoài, chỉ để giữ xã giao hay vì những mục đích chính trị nào đó, nhưng sâu thẳm bên trong, tận đáy lòng mình, thực ra chúng ta chẳng quý mến ai, chẳng hứng thú đối với bất cứ điều gì. Chúng ta luôn sẵn sàng than phiền, luôn sẵn sàng tìm ra những khuyết điểm ở người khác. Điều này không hẳn do chúng ta xấu bụng, mà vì chúng ta không muốn “lãng phí thời gian” theo cách chúng ta vẫn nghĩ thông thường, do vậy chúng ta cảm thấy khó chịu, phiền toái với tất cả mọi người và mọi thứ xung quanh đã chiếm thời gian của chúng ta. Theo cách này, chúng ta đã khiến cho đời sống ngắn ngủi của mình trở nên vô cùng tồi tệ. Dù hôm qua tôi có chia sẻ với các bạn rằng vì còn vô lượng kiếp vị lai ở phía trước nên khi mắc lỗi, chúng ta vẫn có cơ hội sám hối, thay đổi và khiến mình trở nên tốt đẹp hơn, tuy nhiên, dù vậy chúng ta vẫn không nên phí phạm một giây phút nào của đời sống này. Vì xét cho cùng, chúng ta không thể biết chắc mình có đủ thiện duyên may mắn để gặp lại nhau trong những đời sống tiếp theo hay không.

Tôi luôn nỗ lực hết sức để khách quan và công bằng, bằng cách thấu hiểu rằng mọi chúng sinh đều có quan kiến cho rằng mình luôn đúng. Với hiểu biết như vậy, tôi cố gắng hết sức lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người mà không khởi tâm phán xét, phân biệt. Khi tất cả mọi người đều chê trách một ai đó, tôi gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao người bị chê trách lại hành xử như vậy. Tôi cũng luôn tìm cách để đánh giá động cơ của những người đến kể với tôi chuyện về người khác. Dù cho câu chuyện họ kể về người khác đó là chê trách hay khen ngợi, thì động cơ của người kể chuyện là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong thế giới này, chúng ta không thể sống an vui, hòa hợp nếu chúng ta không công bằng. Thế giới này luôn đầy ắp xúc tình và dục vọng, tất cả mọi chúng sinh đều mang trong mình ý thức về bản ngã vô cùng kiên cố. Ở một khía cạnh nào đó, có thể tất cả đều đúng. Nhưng xét ở khía cạnh khác, tất cả đều sai. Điều này giải thích tại sao người bạn thân thiết nhất có thể trở thành kẻ thù tồi tệ nhất và ngược lại. Đây chính là vẻ đẹp diệu kỳ của Chân lý Vũ Trụ.

Ký ức của chúng ta có vô số điểm bị che mờ, khuất khúc. Bất cứ khi nào vén được bức màn che phủ này để nhớ lại một phần của đời sống trong quá khứ, chúng ta đều cảm thấy vô cùng thú vị và ngạc nhiên. Khi Tsewa gặp một người bà con của tôi tên là Wangdi tới thăm, chú bộc lộ niềm vui sướng nồng nhiệt một cách rõ rệt. Wangdi là một trong những người bạn rất thân của chú chó Holy khi xưa. Điều tuyệt diệu là Tsewa có thể nhớ rất rõ về những người thân thiết, gần gũi  với chú trước đây. Vậy là, cuối cùng thì Holy cũng đã trở lại, trong một hình tướng khác. Tôi quyết định đặt tên cho chú là “Tsewa” và anh chú là “Gawa”. “Tsewa” mang nghĩa “từ bi” và “Gawa” mang nghĩa “hỷ lạc”. Bất cứ khi nào được đoàn viên với các bậc Thầy, bằng hữu hay học trò, hay bất cứ chúng sinh nào tôi từng quen biết trong đời quá khứ, tôi đều cảm thấy vô cùng hoan hỷ, xúc động. Điều đó luôn củng cố tín tâm kiên cố của tôi vào Quy luật Nhân Quả, cũng như tôi luôn tin tưởng chắc chắn rằng, chính nhờ “Tsewa” hay “tâm từ bi” vô lượng khiến chúng ta được hội ngộ vô số lần trong các kiếp đời quá khứ, hiện tại và tương lại.

Tôi  xin dừng bút ở đây và mong nguyện từng giây phút trong cuộc sống của các bạn đều đầy ắp niềm hỷ lạc của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Điều đó sẽ giúp chúng ta trở về gần hơn ngôi nhà tâm linh của mỗi người. Giống như niềm hoan hỷ được trở về nhà, chúng ta sẽ tìm thấy chân hạnh phúc khi quay về với ngôi nhà tâm linh của chính mình.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,838
Số người trực tuyến: