Bạn đang ở đây
Hạnh Ngộ Minh Sư
Nam mô đại bi Quán Âm thường cứu khổ.
Nam mô đại từ Quán Âm hằng ban vui.
Con xin chắp tay nguyện cầu bậc Vô Úy.
Con xin chắp tay nguyện cầu đấng Pháp Vương.
Xin rủ lòng thương, xóa niềm sân hận.
Con xin chắp tay nguyện cầu bậc Tôn quý.
Con xin chắp tay nguyện cầu đấng Toàn tri.
Thầy là rặngTuyết Sơn ngàn đời ban trải.
Thầy là hương ngàn sen thơm ngát mọi miền.
Con xin chắp tay nguyện Thầy luôn trụ thế,
Con xin chắp tay nguyện Thầy sống dài lâu.
Thầy là suối từ bi muôn đời tuôn chảy.
Thầy là cây tình thương che mát mọi loài.
Di sản 800 năm phụng sự nhân loại và vũ trụ
Theo lời thỉnh cầu của các đệ tử cố Thượng Tọa Thích Viên Thành, Đại đức Thích Minh Trí, Chánh Văn Phòng Phật Giáo Hà Nội, kiêm trưởng ban Phật giáo Quốc tế đã thỉnh mời Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII cùng hai Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II, Khamtrul Rinpoche đời thứ IX và 9 vị đại Tăng viếng thăm Việt Nam trong ba ngày, từ ngày 07/11/2007đến 09/11/2007, để tham dự pháp hội kỷ niệm di sản 800 năm dòng truyền thừa Drukpa và 15 năm phát triển truyền thừa Drukpa tại Việt Nam. Đây là dấu ấn lịch sử của Kim Cương Thừa nói riêng và có thể của Phật giáo Việt Nam nói chung.
Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, hiện thân của Đại Bồ Tát Quán Thế Âm, hoá thân chuyển thế của Đức Vua Songsten Gampo - vị hoàng đế theo Đạo Phật đầu tiên của Tây Tạng, hóa thân của đại thành tựu giả Naropa và đại đệ tử Gampopa của Milarepa cũng như của nhiều đại thành tựu giả khác. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện nay là hoá thân chuyển thế đời thứ XII, người đứng đầu đồng thời nắm giữ dòng truyền thừa Drukpa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiếp chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II và Khamtrul Rinpoche đời thứ IX là hai pháp tử chân truyền thừa của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, hai Ngài sẽ đại diện Pháp Vương hoằng dương du hóa truyền giảng Phật pháp trên thế giới vì lợi ích của hết thảy hữu tình và dòng truyền thừa Drukpa.
Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ I là hóa thân của đức Phật Kim Cương Trì. Pháp danh của Ngài là Ngawang Gyurme nghĩa là "Viên Âm Thần lực Bất Biến”; còn có pháp danh là "Mipham Shedrub Chokyi Nyinje" có nghĩa “Mặt Trời Phật Pháp Vô Song Uyên Bác Thành Tựu”. Ngài là pháp tử của Gyalwang Drukpa đời thứ X, là căn bản thượng sư của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII. Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II hiện đang học ở Đại học Tự viện Tango tại Bhutan .
Một nửa đệ tử truyền thừa Drukpa là Du Già khất sĩ,
Một nửa Du Già khất sĩ là Đại thành tựu giả.
Sự kiện quán đỉnh cầu nguyện quốc thái dân an quan trọng này bắt đầu được diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 12 năm 2007 cát tường, trong khung cảnh linh thiêng tràn đầy pháp vị và ân đức gia trì của hằng sa chư Phật, pháp hội quán đỉnh cầu nguyện quốc thái dân an đã được cử hành với nghi thức Kim Cương Thừa truyền thống diễn ra tại chùa Quang Ân và nơi đây đã hội đủ các nhân duyên thành tựu quán đỉnh. Với sự tham dự của gần 10.000 Tăng Ni Phật tử Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước, với lòng chân thành tín tâm sâu sắc, ai nấy đều bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ, nhiệt liệt cung nghinh Pháp Vương, một bậc chân Tăng hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đã đăng đàn làm Kim Cương Thượng Sư truyền trao quán đỉnh và khẩu truyền trực tiếp ý nghĩa thâm diệu của Kim Cương Thừa. Thông qua trì chân ngôn thần chú, chiêm ngưỡng Mandala, ban phúc gia trì, pháp khí, âm nhạc triệu thỉnh thì hàng ngàn người đã được nhận sự chân truyền thừa gia trì từ nơi Ngài.
Pháp Vương quang lâm Chùa Vạn Niên.
Cuộc sống đời người rất quý giá nhưng vô thường chợt còn, chợt mất. Thật phúc duyên may mắn, ngay trong thời mạt pháp hỗn loạn này, chúng ta có được một cơ duyên hy hữu quí giá biết chừng nào để được hạnh ngộ, nâng đỡ, gia trì của chân đạo sư Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, được đón nhận những giáo pháp đại từ bi thù thắng. Để rồi chúng ta có cơ hội chan trải tình yêu thương và lòng bi mẫn đến mọi ngõ ngách của cuộc sống và thấm nhuần đến mười phương khổ não chúng sinh.
Với trái tim tràn đầy vô ngã vị tha, từ bàn tay trăm phúc trang nghiêm của Pháp Vương cùng hai Nhiếp Chính Vương và Tăng đoàn Drukpa, các Ngài đã xuống tòa để gia trì ban phúc chia những viên Pháp dược, những pháp khí biểu tượng thân, khẩu, ý giác ngộ tới từng người bất kể già trẻ, gái trai, sang hèn cho đến người cuối cùng. Đàn tràng quán đỉnh thành tựu viên mãn với sự hoan hỷ của tất cả mọi người.
Buổi tối, Pháp Vương và phái đoàn quang lâm chùa Vạn Niên với sự cung kính đón tiếp của Đại Đức trụ trì Thích Minh Tuệ, một trong những đệ tử của cố Thượng Tọa Thích Viên Thành với sự tham dự của khoảng 3000 tăng ni phật tử. Chùa Vạn Niên - Hà Nội là nơi cố Thượng tọa Thích Viên Thành đã từng sống và hoằng dương Phật Pháp.
Pháp Vương đã tâm sự, chia sẻ tâm nguyện của mình. Ngài đã kể về hóa thân Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I với những công hạnh và sự thành tựu thực chứng. Sau khi viên tịch, Pháp Vương đời thứ I đã để lại hơn 35 xá lợi Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trên toàn bộ thân thể. Đó là minh chứng của chân hóa thân Quán Thế Âm Bồ Tát và cũng là biểu trưng cho tình yêu thương và lòng bi mẫn vô bờ. Tôn chỉ của dòng truyền thừa chính là tâm từ bi, đó là ân đức gia trì để dòng truyền thừa trường tồn không gián đoạn hơn 800 năm tới tận ngày nay.
Pháp Vương đã nhấn mạnh rằng: “Không có tâm từ bi thì không có sự trường tồn của dòng truyền thừa”. Ngài đã chia sẻ tâm nguyện của mình sẽ hóa thân vô lượng kiếp để tận độ chúng sinh không còn xót một ai, hư không có thể tận, nguyện của Ngài không cùng tận. Ngài khích lệ sách tấn mọi người hãy thương yêu tha thứ giúp đỡ trong tình tương thân tương ái, chỉ có như vậy mới đem lại sự an bình nội tâm cũng như nền hòa bình thực sự trên toàn thế giới. Đó là ý nghĩa của truyền thừa Drukpa, di sản của đại từ bi.
Pháp Vương quang lâm chùa Hương
Ngày mùng 8 tháng 12 năm 2007
Đại Đức Thích Minh Hiền cùng khoảng 2000 Phật tử, đa phần tăng ni phật tử thuộc sơn môn Hương Tích, các tầng lớp trí thức, phóng viên đài báo, nhiệt liệt cung đón Pháp Vương, hai Nhiếp Chính Vương và phái đoàn trong khung cảnh trang nghiêm rực rỡ cờ hoa. Pháp Vương đã viếng thăm động Hương Tích làm lễ gia trì cầu nguyện, trì tụng chân ngôn, thực hành nghi quỹ Quan Âm, Tara, Liên Hoa Sinh.
Sau đó, Ngài trở lại pháp hội bắt đầu truyền pháp quán đỉnh Quan Âm. Sở dĩ Ngài truyền quán đỉnh Quan Âm bởi đó là sự nhân duyên kết nối với ý nghĩa truyền thừa Drukpa. Bởi động Hương Tích là Thánh địa linh thiêng của Quan Thế Âm Bồ Tát biểu trưng cho tình yêu thương và lòng bi mẫn, Ngài cũng là chân hóa thân của đức Quan Âm, pháp môn thực hành chính của Ngài là tâm Từ bi và truyền thừa Drukpa nghĩa là dòng truyền thừa tâm đại từ bi. Đó là lòng đại bi xuyên suốt 800 năm từ Pháp Vương Tsangpa Gyare đời thứ I trải qua 12 đời hóa thân chuyển thế cho đến tận ngày nay để phụng sự nhân loại và vũ trụ.
Pháp Vương đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quần thể Hương Tích và khai thị rằng: “Theo truyền thống Đại Thừa, nơi đây là cảnh giới liêng thiêng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Theo truyền thống bản lai Kim Cương Thừa, nơi đây là cảnh giới tịnh độ của Yidam Chakarsambhava (Thắng Lạc Kim Cương) và là thánh địa của hằng sa chư Phật, Bồ Tát, bản tôn, Daka và Dakini”. Hàng năm, mọi người hành hương tới chùa Hương để mong cầu thỏa mãn hạnh phúc. Pháp Vương nhấn mạnh đến việc cầu nguyện và thấu hiểu nhân của hạnh phúc. Khi thấu hiểu nhân của hạnh phúc, chúng ta phải tu tập để chuyển hóa chính bản thân, chuyển hóa tâm mình, những ác nghiệp vô minh thành cuộc sống tràn ngập yêu thương minh triết tuệ giác. Đó chính là làm mới lại cuộc sống của mình với tinh thần “Sống để yêu thương”. Đó là ý nghĩa mục đích của quán đỉnh và đó cũng là điều thiết yếu nhất mà loài người cần phải trau dồi, trưởng dưỡng để chan trải trí tuệ và lòng bi mẫn tới vạn loài vô tình cùng hữu tình chúng sinh.
Pháp Vương quang lâm chùa Hà Tiên
Đại đức trụ trì Thích Minh Trí và khoảng 20.000 Tăng Ni Phật tử, với lòng chí thành khát ngưỡng giáo Pháp đã vân tập từ 3h sáng xếp hàng trang nghiêm để cung đón Pháp Vương và phái đoàn. Ngài đã đăng đàn truyền quán đỉnh Di Đà và chỉ dạy một số các phương pháp tu tập quán tưởng Di Đà. Ngài khai thị về luật nhân quả, Ngài đã nói một cách rất rõ ràng rằng: “Đức Phật không phải là một đấng quyền năng, Ngài không phải là đấng sáng tạo ra thế giới vũ trụ và không tạo ra bất cứ một thứ gì cho chúng ta, Ngài cũng không sáng tạo ra giáo pháp hoặc là những lý thuyết Phật Pháp. Đơn giản là Ngài chỉ ra bản chất của mọi sự vật hiện tượng, bản chất vũ trụ và bản chất cuộc sống của con người, đó là Nghiệp”. Nghiệp - quy luật của tự nhiên không thể bị lạm dụng mà cần phải được tôn trọng. Nhờ tích lũy thiện nghiệp, chúng ta có những cuộc sống tốt đẹp hơn. Do tạo các nghiệp xấu, chúng ta phải chịu đựng cuộc sống đau khổ hơn. Vì vậy, cuộc sống tốt đẹp hay đau khổ đều phụ thuộc vào nghiệp lực mà chúng ta đã tạo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chủ yếu chỉ ra những phương thức hoặc con đường để làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn từ khổ đau dẫn đến chân hạnh phúc, từ vô minh đạt đến Niết Bàn tối thượng qua rất nhiều các phương tiện pháp môn khác nhau như Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cương Thừa. Nhờ những phương tiện thiện xảo này, chúng ta có thể chuyển hóa tâm thức, khai phát Bồ đề tâm. Đó là trái tim tràn đầy lòng từ bi, tràn đầy năng lượng vô ngã vị tha tuôn tràn thấm nhuần đến vô lượng hữu tình, trải rộng những công hạnh đầy tính nhân đạo đến mọi chúng sinh trên thế giới.
Pháp Vương quang lâm Tây Thiên Phù Nghì
Buổi chiều ngày mùng 9 tháng 12 năm 2007
Ngài đã khai thị, khuyến khích sách tấn Ni chúng nên sống đời sống ẩn cư nơi thâm sơn cô tịch, những ai có khả năng tu tập nơi thâm sơn thì đều có tiềm năng giác ngộ. Đây là tăng thượng duyên cho thực chứng giác ngộ ngay trong hiện đời. Và cũng là trọng điểm của Kim Cương Thừa. Có nhiều bậc thầy vĩ đại không chỉ trong Kim Cương Thừa mà còn trong Đại Thừa và Tiểu Thừa đã giành trọn cuộc đời sống ẩn cư như thế và họ đã đạt được giác ngộ ngay trong một đời.
Sau đó, Pháp Vương, Nhiếp Chính Vương cùng Tăng đoàn ban gia trì cho nền chùa Phù Nghì. Đây là một ngôi chùa cổ với chiều dài lịch sử khoảng 2000 năm. Nhiều năm nay, Ni chúng Tây Thiên mong nguyện xây dựng trùng tu ngôi chùa cổ Phù Nghì linh thiêng để trở thành di sản của đất nước, và là nơi tu tập tâm linh cho những ai có hạnh nguyện thực hành chính pháp. Pháp Vương đã cử hành nghi lễ hộ ma, đặt trụ đá, ban phúc gia trì cho nền chùa cổ. Vào lúc đó có rất nhiều điềm cát tường trong suốt thời gian gia trì cầu nguyện. Ngài đích thân trọn chỗ trồng hai cây Bồ Đề biểu trưng cho từ bi và trí tuệ (hai công hạnh căn bản của chư Phật và Bồ Tát) và để khuyến khích phong trào trồng cây bảo vệ môi trường ngăn ngừa thiên tai bão lụt. Tất cả chúng ta sinh tồn trên thế giới này đều nhờ vào môi trường, nên ngoài việc chuyển hóa nội tâm, thực hành tâm linh chúng ta phải quan tâm, bảo vệ chăm sóc môi trường để cho chúng ta cùng với hết thảy hữu tình, vô tình chúng sinh có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thanh bình hơn. Thiện hạnh này chính là tâm nguyện “hoàn thành Nhân Gian Tịnh Độ, trang nghiêm vô thượng Bồ Đề”.
Không biết thiện căn của chúng ta đã gieo trồng từ kiếp nào mà hôm nay hội đủ duyên lành được hạnh ngộ Pháp Vương giữa bầu trời đất Việt, gần 20.000 người được lắng nghe pháp âm vi diệu trầm ấm chính từ kim khẩu của Pháp Vương ngay giữa không gian thân thuộc quê nhà.
Xúc động hân hoan trước sự hiện diện của Pháp Vương cùng hai Nhiếp Chính Vương và Tăng đoàn Drukpa, ánh sáng giác ngộ tỏa ra từ trái tim thấm đậm yêu thương tràn đầy trí tuệ từ bi vô hạn của các Ngài đã giành cho Tăng Ni Phật tử Việt nam và chuyến thăm của Ngài là niềm khích lệ sách tấn vô biên cho Tăng ni Phật tử Việt Nam trên con đường phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc, phụng sự chúng sinh.
Mỗi giây phút Pháp Vương và phái đoàn hiện diện tại Việt Nam cùng những hoạt động vô ngã vị tha, hoằng pháp lợi sinh, khẩu truyền quán đỉnh quốc thái dân an đem lại trí tuệ và sự hiểu biết, an bình và hạnh phúc cho Tăng ni Phật tử Việt Nam. Mỗi giây phút Ngài hiện diện tại Việt Nam ban trải tinh túy giáo Pháp Kim Cương Thừa đem lại lợi ích cho hết thảy pháp giới bình đẳng hữu tình. Đây chính là thông điệp hòa bình, tiến bộ, từ bi, trí tuệ của đức Phật. Và đây cũng là ý nghĩa cao quý nhất, thiêng liêng nhất và lợi ích nhất của Pháp hội kỷ niệm di sản 800 năm truyền thừa Drukpa tại Việt Nam.
Trong suốt chuyến viếng thăm, mỗi nơi Pháp Vương đến để chia sẻ giao lưu trao đổi văn hóa và tư tưởng Phật giáo, Ngài đều gửi lời cảm ơn:
“Tôi (Pháp Vương) xin chân thành tri ân và cảm niệm chính phủ Việt Nam, giáo hội thành hội Phật giáo Hà Nội, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể tại thành phố Hà Nội và địa phương đã quan tâm giúp đỡ gián tiếp hoặc trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức pháp hội được viên mãn. Tôi cũng cảm niệm công đức tới các quan khách, Phật tử và quý thiện hữu gần xa đã nhiệt thành tham dự pháp hội. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo chứng minh và gia hộ toàn thể quý vị thân tâm thường lạc, Bồ đề quả mãn, vô lượng bình an, cát tường như ý!”
Bao nhiêu công đức xin hồi hướng chư Tôn Sư phúc thọ diên trường, chúng sinh dị độ và cũng xin hồi hướng vãng sinh tịnh độ cho tứ ân, tam hữu, xin nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc! Nguyện cầu Phật Pháp trải khắp muôn phương và trường tồn mãi mãi!
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát!
Viết bình luận
- 201 reads