Hạnh ngộ Minh sư | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hạnh ngộ Minh sư

380
20/12/2016 - 09:00
Trong những năm 1990, với tâm nguyện đem sự thực hành tâm linh lợi ích cho người dân Việt Nam, đặc biệt thắp sáng truyền thống Phật giáo Đại thừa nói chung và Kim cương thừa nói riêng vốn từng được hoằng truyền và để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử nước ta, có một bậc Thầy chân tu đạo hạnh là Hòa thượng Thích Viên Thành, cố Viện chủ chùa Hương và chùa Thầy, đã phát nguyện kết nối với chư Thượng sư giác ngộ. Năm 1992, nhân duyên cát tường hội đủ, theo lời mời của Ngài John (Đại sứ Anh tại Bhutan lúc bấy giờ), Hòa thượng đã viếng thăm Vương quốc Bhutan, hạnh ngộ bậc Thượng sư là Đức Giáo chủ Je Khenpo và thụ nhận các Giáo pháp Quán đỉnh cốt tủy của Truyền thừa Drukpa, truyền thống Phật giáo lừng danh với khả năng tu chứng và sự thực hành tâm linh thanh tịnh của các bậc Yogi giác ngộ. Với sở học uyên thâm, giới đức trang nghiêm, từ bi vô lượng, những tưởng Hòa thượng sẽ trụ thế dài lâu để hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử trên con đường tìm về bến giác. Nào ngờ cơn bạo bệnh chợt đến, Hoà thượng thuận lẽ vô thường bệnh duyên viên tịch năm 2002, để lại tâm nguyện phát triển Truyền thừa bấy giờ còn chưa được viên mãn. 
 
 
Sau sự ra đi của Hòa thượng, các đệ tử của Ngài tiếp tục tu tập theo giáo pháp được trao truyền và theo lời di huấn từ bậc Thầy mình, nỗ lực tìm kiếm sự kết nối với Pháp mạch của Truyền thừa giác ngộ. Hai năm sau, mối nhân duyên cuối cùng đã chín mùi trong Pháp hội Naropa tổ chức tại vùng Ladakh (Ấn Độ), khi họ hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc lãnh tụ tâm linh tối thượng của Truyền thừa Drukpa. Thời điểm Đức Pháp Vương khoác lên mình Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa, Pháp bảo tối tôn quý của Truyền thừa với năng lực tâm linh kỳ diệu trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn người dân và hành giả Kim cương thừa, cũng là lúc Ngài từ bi đón nhận sự trở lại của các đệ tử Việt Nam. Theo lời thỉnh mời tha thiết chí thành của họ, Đức Pháp Vương đã hoan hỷ nhận lời quang lâm Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2007, gieo những hạt giống giác ngộ và đóng góp vào sự phát triển Phật pháp vì lợi ích vô số người dân và hữu tình Việt Nam.
 
 
Theo lời mời của Chính phủ và Giáo hội Phật giáo, chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa đã diễn ra trong ba ngày, từ 07/12 đến 09/12/2007. Đây là dấu ấn lịch sử của Kim cương thừa nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung. Lần đầu tiên, một bậc Kim cương Thượng sư nắm giữ một Truyền thừa quan trọng với di sản 1.000 năm phụng sự nhân loại và vũ trụ, bậc được kính ngưỡng là hiện thân của Đức Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại thành tựu giả trứ danh trong lịch sử như Đức Naropa, Đức Gampopa,... đã từ bi quang lâm miền đất Rồng thiêng xa xôi, cử hành Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an, ban truyền giáo pháp quán đỉnh và khơi nguồn cảm hứng giác ngộ lợi ích vô số người dân và hữu tình tại Việt Nam. Ngay trong chuyến viếng thăm ngắn ngày tại phạm vi Hà Nội và vùng phụ cận, các Pháp hội quán đỉnh Cầu nguyện quốc thái dân an đã thu hút hàng chục ngàn chư Tăng Ni Phật tử tham dự. Cũng giống như vào thời hoàng kim của Đạo Phật, người dân Việt Nam đã cúng dàng của cải quý giá nhất là tâm chí thành và sự kính ngưỡng Phật pháp để thỉnh cầu lòng từ bi và tình yêu thương từ bậc chân hóa thân Quan Âm. Chính nhờ động cơ thanh tịnh khi thỉnh cầu giáo pháp tâm linh mà chuyến hoằng pháp của Đức Pháp Vương cùng Tăng đoàn Truyền thừa đã rất viên mãn. Vô số điềm cát tường thù thắng đã xuất hiện ngay trong chuyến viếng thăm đầu tiên này. Người ta nhìn thấy mây hình Rồng trên bầu trời, những áng cầu vồng rực rỡ hiển lộ, mưa gia trì cát tường thường xuyên rải xuống trước và sau những thời pháp và truyền quán đỉnh.
 
 
 
 
Pháp hội Quán đỉnh Cầu nguyện quốc thái dân an đầu tiên diễn ra vào ngày mùng 7/12/2007 tại chùa Quang Ân, Thanh Trì, Hà nội với sự tham dự của gần 10.000 Tăng Ni Phật tử. Trong khung cảnh linh thiêng tràn đầy pháp vị và ân đức gia trì của hằng sa chư Phật, đại chúng hiện diện đều bày tỏ lòng thành kính cung nghinh bậc chân hóa thân Quan Âm. Tại đây, Đức Pháp Vương đã đăng đàn truyền trao quán đỉnh Đại bi Quan Âm và khẩu truyền trực tiếp ý nghĩa thâm diệu của Kim cương thừa. Thông qua âm thanh, hình ảnh, biểu tượng và sự gia trì của Mandala, đại chúng tham dự lần đầu tiên đón nhận sự chân truyền thừa gia trì từ bậc Kim cương Thượng sư giác ngộ.
Trong Pháp hội này, Đức Pháp Vương nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của quy luật nhân quả, hoan hỷ trước nhân duyên thiện nghiệp đã giúp đại chúng có sự kết nối với Phật pháp và sự thực hành hợp nhất từ bi trí tuệ qua việc thụ nhận giáo pháp quán đỉnh Kim cương thừa. Ngài khuyên mọi người hãy phát Bồ đề tâm, đem năng lực thực hành bây giờ và sau này cầu nguyện hồi hướng đến những hương linh quá cố, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, các loại cô hồn và vô lượng khổ não hữu tình, không chỉ là hữu tình mà cả những loài vô tình như cỏ, cây, hoa, lá... Ngài cũng khai thị thực hành tâm linh không chỉ hướng đến sự hồi hướng cho những người đã khuất mà cả những ai đang còn sống trong sự vô minh, thiếu trí tuệ và tình thương yêu. Cuộc sống đời người rất quý giá nhưng lại tuân theo quy luật vô thường chợt còn, chợt mất. Thật phúc duyên may mắn, ngay trong thời mạt pháp hỗn loạn này, chúng ta có được cơ duyên quí giá hạnh ngộ và thực hành Phật pháp, để tiếp đến có cơ hội ban trải tình yêu thương và lòng bi mẫn thấm nhuần khắp mười phương khổ não chúng sinh.
 
 
Kết thúc Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và chư Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, Thuksey Rinpoche đã từ bi xuống tòa ban cam lồ Pháp dược và pháp khí biểu tượng gia trì Thân, Khẩu, Ý giác ngộ tới từng Phật tử, bất kể già trẻ, gái trai, sang hèn cho đến người cuối cùng. Đàn tràng quán đỉnh thành tựu viên mãn, để lại pháp vị và sự gia trì đầy an bình nơi thân tâm đại chúng có phúc duyên tham dự.
Cùng ngày, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn cũng viếng thăm Thành phố Hà Nội, gặp gỡ chia sẻ với Tăng Ni Phật tử thủ đô. Ngài giới thiệu về hóa thân Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I với những công hạnh và thành tựu thực chứng. Sau khi viên tịch, Đức Pháp Vương đời thứ I đã để lại 35 xá lợi Thánh tượng Quan Âm. Đó là minh chứng chân hóa thân Quan Âm và cũng là biểu trưng cho tình yêu thương và lòng bi mẫn vô bờ. Tôn chỉ của Truyền thừa chính là tâm từ bi, đó là ân đức gia trì để Truyền thừa trường tồn không gián đoạn tới tận ngày nay, đem lại hạnh phúc an vui cho vô lượng khổ não hữu tình. Ngài nhấn mạnh: “Không có tâm từ bi thì không có sự trường tồn của Truyền thừa” và chia sẻ tâm nguyện sẽ “hóa thân chuyển thế vô lượng kiếp để lợi ích chúng sinh”. Ngài khích lệ sách tấn mọi người hãy biết thương yêu, tha thứ, giúp đỡ đồng loại và vạn loài hữu tình, cùng chung sống trong tình tương thân tương ái. Chỉ bằng sự thực hành và năng lực của tình thương yêu, chúng ta mới có thể tìm lại sự an bình nội tâm cũng như hạnh phúc hòa bình thực sự trên toàn thế giới.
 
 
 (Trích ấn phẩm Mandala - Sự hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa *, Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành, 2010)
(* Ấn phẩm giới thiệu các kỳ Pháp hội Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn viếng thăm Việt Nam qua các năm cùng tập hợp các giáo Pháp tôn quý được Đức Pháp Vương chia sẻ trong những kỳ Pháp hội này)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,131,032
Số người trực tuyến: