Bạn đang ở đây
Hãy kết nối với Thượng sư bằng Tâm chí thành
Sáu trăm Tăng ni đã cùng tôi viên mãn hai ngày tập trung cầu nguyện chí thành. Đối với chúng ta, đây có lẽ là những thời khắc buồn bã nhất, nhưng cũng cần phải lạc quan khi nghĩ đến việc hóa thân của Ngài sẽ sớm trở lại để lợi ích vô số chúng sinh hữu tình như chúng ta. Tôi đề cập đến những điều này là bởi Ngài vẫn chưa hoàn tất ngôi tự viện ở ngay cạnh chỗ của tôi, và rồi có nhiều dấu hiệu khác chứng tỏ rằng một số tâm nguyện của Ngài vẫn chưa viên mãn khi Ngài thị tịch. Như thế lẽ dĩ nhiên Ngài sẽ sớm trở lại để hoàn tất những công hạnh còn dang dở này. Không chỉ trong đời này, đời sau và vô số đời sau nữa, Ngài vẫn còn nhiều công hạnh lớn lao cần hoàn tất, đó là dìu dắt, nâng đỡ chúng ta bằng những lời huấn từ, khai thị về giáo pháp. Đây quả là một trọng trách vĩ đại và như thế hiển nhiên Ngài còn cần một chặng đường khá dài nữa bởi vì những chúng sinh vô minh như chúng ta thật khó thuần dưỡng.
Chúng tôi thực hành pháp Lama Chodpa theo Truyền Thừa Drukpa bởi đó là pháp thực hành về Căn bản Thượng sư và tâm chí thành đối với Thượng sư. Song song với đó là trì tụng 100.000 biến Ganachakra và hôm nay chúng tôi thực hành nghi quỹ Yangti pháp tu đặc biệt liên hệ với đức Thượng sư quá cố của tôi. Tôi có một nhân duyên đặc biệt với pháp thực hành này bởi chính Ngài đích thân trao truyền cho tôi. Ngài đã hướng đạo tôi rằng hãy thực hành pháp tu này vì lợi ích tất cả chúng sinh hữu tình, và nhấn mạnh rằng tôi nên trở thành người nắm giữ thực hành kho tàng giáo pháp đặc biệt này. Ngài đã dành rất nhiều thời gian quý báu để tường tận khai thị, sáng tỏ những giáo pháp cho tôi. Do vậy tôi quyết định cúng dường lên Ngài bằng cách thực hành nghi quỹ Yangti cùng chư Ni và những Phật tử có tâm chí thành mạnh mẽ đôi với pháp tu này.
Thật đáng buồn khi tôi nhận ra rằng Ngài đã thị tịch sớm hơn dự định ít nhất từ 5 đến 6 năm. Có lẽ Ngài hẳn đã rất thất vọng về một số đệ tử và học trò của mình trong nhiều năm, đó là lý do có thể khiến Ngài ra đi sớm đến vậy. Tôi không muốn nói chi tiết bởi chuyện này chẳng tốt đẹp gì. Nhưng nếu tôi là Ngài, có lẽ tôi đã ra đi từ cả vài năm trước rồi. Phụ thân tôi và một số Thượng sư vẫn thườngnói: "Những bậc giác ngộ không nản lòng trước bất cứ hoàn cảnh nào. "Tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thực tế thường không diễn ra như vậy. Tôi luôn cảm thấy rằng, phải có đến 95% sự trường thọ của bậc Thượng sư phụ thuộc vào các đệ tử, đặc biệt là những đệ tử gần gũi thân tín nhất. 5% còn lại là do thuốc men, thực phẩm, môi trường và những thứ khác. Vì vậy bạn cần thấu hiểu sâu sắc tầm quan trọng của một người đệ tử, sự khó khăn để trở thành một đệ tử chân chính và trì giữ những cam kết của bạn. Quả là một mạo hiểm rất lớn bởi thậm chí có thể nói rằng cuộc sống của đức Thượng sư nằm gọn trong lòng tay bạn. Nhưng nếu không có sự kết nối chí thành giữa đệ tử và Thượng sư thì giác ngộ hầu như là điều không thể, thậm chí tôi có thể khẳng định rằng đừng nghĩ đến giác ngộ bởi chúng ta chỉ đang cùng diễn kịch và lừa dối nhau mà thôi!
Nếu người Thầy còn đầy bản ngã và chỉ hành động do sự chi phối của Tám mối bận tâm thế tục thì những việc này chắc sẽ không mấy ảnh hưởng đến họ và khiến họ thất vọng, bởi mục tiêu của họ là hoàn toàn khác biệt. Mục tiêu của những người Thầy này chỉ là đạt được danh tiếng và thu hút được thật nhiều đệ tử, còn việc trưởng dưỡng đạo tâm cho các đệ tử lại không quá quan trọng đối với họ. Tuy nhiên đối với những bậc Thượng sư chân thật thì lại hoàn toàn khác. Mặc dù các Ngài không ngại có nhiều đệ tử, mục tiêu chính của các Ngài vẫn là trưởng dưỡng những đệ tử chân chính có đầy phẩm hạnh. Vì vậy là một đệ tử bạn cần phải biết Thượng sư của bạn thuộc dạng thức nào. Một Thượng sư chân thực cần phải có những đệ tử đầy đủ phẩm hạnh để truyền thừa của Ngài có thể tiếp tục hoằng truyền không chút nhiễm ô. Trong Kim Cương thừa, Tam muội da giới là một vấn đề lớn nhưng chúng ta thường không quan tâm tới nó, và thậm chí một số người còn từ bỏ những buổi giảng pháp, thuyết giảng về chủ đề này, nghĩ rằng mình chỉ phí thời gian nếu giảng dạy về sự quan trọng của lục hòa hay làm thế nào để chuyển hóa những xúc tình nhiễm ô thành tâm chí thành. Một Thượng sư vĩ đại cần sự hỗ trợ của những đệ tử có phẩm hạnh. Đối với vấn đề này, tôi dường như không biết tìm lời gì để nói nữa.
Trước tiên, bạn trưởng dưỡng tâm chí thành với đức Thượng sư. Nếu bạn muốn trở thành một đệ tử ngỗ nghịch thực hành giáo pháp không vì mục tiêu đạt giác ngộ, mang lại lợi ích cho tha nhân, thì phụng sự một người Thầy không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến số lượng sẽ phù hợp hơn đối với bạn. Còn nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn trở thành một đệ tử chân chính, muốn đạt giác ngộ giải thoát thì hãy kiếm tìm đức Thượng sư quan tâm đến đạo tâm của các học trò hơn là số lượng, bởi lẽ như thế bạn mới có thể viên mãn tâm nguyện của Ngài. Đó sẽ là phẩm vật cúng dường vĩ đại nhất giúp Ngài trường thọ và nhờ vậy công đức bạn tích lũy được là không thể nghĩ bàn.
Thật khôi hài khi ngày nay các học trò và đệ tử lại thường hay nảy sinh xúc tình tiêu cực đối với người Thầy. Tôi biết rằng họ thật sự muốn Thượng sư được trường thọ nhưng cách họ hành xử thì giống như nếm mật ngọt trên đầu lưỡi dao. Ban đầu bạn có những ý tưởng rất lãng mạn về bậc Thượng sư, đến cuối cùng thì bạn tự hủy hoại chính mình và lao thẳng xuống địa ngục do tổn hại thọ mạng của bậc Thượng sư. Bạn đã tự lừa dối chính mình bằng những lời nói dối ngọt ngào.
Bạn khởi đầu sự kết nối với bậc Thầy bằng một mối quan hệ hão huyền viển vông phi thực tế để rồi cái giá phải trả cuối cùng là vô cùng nguy hại, không chỉ đối với người Thầy mà còn đối với cả chính vị đệ tử là bạn. Hãy hết sức thận trọng và cảnh giác!
Như các bạn cũng biết, tôi và Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche sẽ cùng trao truyền giảng dạy pháp Throma Nagmo, một hình tướng phẫn nộ của thực hành Dakini, một truyền thừa mà tôi đã thụ nhận một số lần từ phụ thân và các bậc Thượng sư quá cố. Truyền thừa khởi nguồn từ đức Liên Hoa Sinh, và đến tôi trải qua chỉ khoảng 3 hay 4 đời Thượng sư, vì vậy tôi vô cùng hạnh phúc khi được chia sẻ pháp tu này với những ai có mối liên hệ với đức Liên Hoa Sinh và Truyền thừa của tôi. Rất nhiều người băn khoăn mỗi khi tôi nhắc đến "truyền thừa", nhưng thực tế tôi không có ý định thúc đẩy tinh thần phân biệt dòng phái. Trên thực tế, dù là một hành giả không phân biệt dòng phái, bạn vẫn cần phải thực hành theo một truyền thừa nhất định, nếu không bạn sẽ không đón nhận được ân phúc gia trì và sẽ không có cách nào để đạt đến giác ngộ. Trừ khi bạn có tới 240 tiếng một ngày và không phải bận tâm về những đời sống thế tục thông thường, làm sao bạn có đủ thời gian để thực hành đủ mọi thứ? Phương cách thông minh nhất là thụ nhận từ bi và trí tuệ quảng đại từ một truyền thừa mà bạn có sự kết nối. Nhưng đồng thời chúng ta cần phải tôn trọng những truyền thừa khác,và không chỉ vậy mà tất cả các truyền thống tâm linh có thể giúp chúng sinh đạt giác ngộ. Đây là tất cả những gì tôi muốn chuyển tải.
Đối với Tam muội da giới (samaya) và những pháp thực hành liên quan, nói chuyện tạp và nói lời vô nghĩa là một hiểm họa thực sự không chỉ tới mối liên hệ chí thành giữa Thượng sư và đệ tử, mà tới cả samaya giữa các huynh đệ kim cương cùng là đệ tử của một bậc thầy. Lời khuyên của tôi dành cho những hành giả lâu năm là từ bỏ những đàm luận vô nghĩa và có hại, thay vì thế hãy xem đó là cơ hội để thực hành sự cảm thông, thấu hiểu và lòng từ bi. Đối với những đệ tử sơ cơ, tôi muốn chia sẻ vài điều:
Thứ nhất, đừng tham dự với những người thích bình luận, tán gẫu về người khác, tránh xa nhóm thị phi, đưa chuyện. Nếu bạn thân cận với những người kiểu này, sớm hay muộn bạn sẽ trở nên như họ. Những đệ tử sơ cơ thực sự muốn tìm kiếm cho mình một con đường tâm linh dẫn tới hạnh phúc chân thực hãy nhớ rằng hạnh phúc chỉ đạt được khi bạn giúp đỡ người khác được hạnh phúc. Vì thế xin đừng tổn hại tha nhân dù chỉ với một lời nói không đẹp hay gây mối bất hòa trong cộng đồng bằng những câu chuyện thêu dệt, chỉ trích người khác. Tạo dựng sự bất hòa trong cộng đồng hành giả tâm linh, đặc biệt những người phụng sự cùng một bậc Thầy, là cách tích lũy ác nghiệp lớn lao và nhanh chóng nhất.
Thứ hai, trước khi nói bất cứ điều gì, hãy dừng lại để suy nghĩ xem những điều bạn sắp nói có làm tổn hại ai hay không, nó sẽ mang lại lợi ích hay chỉ là những câu chuyện phiếm đơn thuần để thỏa mãn cái tôi của mình. Nếu những lời nói đó không có lợi cho việc trưởng dưỡng tâm linh của chính bạn thì hãy để nó tan vào trong tính không và giữ im lặng.
Thứ ba, hãy kiệm lời. Nếu bạn là người thích nói thì hãy dành thời gian đó để trì tụng những chân ngôn bạn Thượng sư trao truyền.
Cuối cùng, hãy nghĩ về những điều tốt lành trong thế giới này khiến bạn hạnh phúc. Tôi tin rằng nếu tâm hồn bạn hạnh phúc thì những cảm xúc tiêu cực như ghen tỵ, kiêu mạn, vô minh, sân hận và tham đắm sẽ giảm thiểu. Kết quả là những lời nói của bạn trở nên lợi ích, hiệu quả hơn và tâm bạn sẽ trở nên tươi sáng và tích cực hơn.
Điều sau chót, hãy bớt tạp niệm, lăng xăng, thay vào đó, hãy chú tâm vào việc của bạn để trưởng dưỡng nội tâm bên trong. Tốt hơn hết là nhìn lại chính mình thay vì chĩa mũi tên về phía người khác. Khi đó, bạn sẽ luôn tìm thấy cơ hội để cải thiện bản thân. Ngược lại, bạn sẽ chỉ xây đắp những cảm xúc tiêu cực và kết quả là gây ra thù oán.
Tôi không ám chỉ một ai cả khi đề cập đến tất cả những điều này. Đừng bận tâm về việc đó, bởi những huấn từ này dành cho tất cả mọi người để quay trở về chiếu soi chính mình, bao gồm cả chính tôi. Ngay cả khi viết những dòng này, tôi cũng đang tự quán xét lại bản thân mình!
Bạn có thể cho rằng lời nói là vô hại, nhưng những lời ác khẩu tiêu cực, đặc biệt là những lời chi trích và đàm tiếu vô căn cứ có thể làm tổn hại bạn nhiều hơn bất cứ thứ gì. Chính vì vậy tôi cho rằng trong quãng thời gian ngắn nhập thất thực hành pháp Throma Nagmo sắp tới tại tự viện Druk Amitabha, tất cả hành giả tham dự sẽ nghiêm cẩn giữ giới tịnh khẩu. Nhờ vậy khả năng tập trung vào hiểu biết tâm linh của chúng ta sẽ dần tăng trưởng.
- 459 reads