Chúng ta tu tập để giải thoát đi đâu? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chúng ta tu tập để giải thoát đi đâu?

2377
12/08/2022 - 19:35

Chúng ta thấy cuộc sống này luôn tràn ngập mọi sự bất ổn cả về vật chất lẫn tinh thần. Vậy tinh thần này xảy ra từ đâu? Đó là do gió nghiệp, có thể là ngọn gió tiêu cực hay thậm chí là tích cực (gió nghiệp và gió trí tuệ) hoặc nói theo cách khác, khí nghiệp và khí trí tuệ. Khí nghiệp chính là thứ điều khiển, thay đổi, chuyển hướng cuộc đời của chúng ta. Do tham dục, chúng ta làm rất nhiều điều để thực hiện ham muốn đó. Do sân giận, chúng ta làm nhiều điều xấu chỉ để thỏa mãn cơn giận dữ của mình. Vì vậy mà chúng ta gặp vô số khó khăn liên quan đến nghiệp trong cuộc sống. Và điều mà chúng ta phải làm ngay sau khi nhận thức được điều đó là chúng ta phải cố gắng giải thoát cho bản thân khỏi mọi sự bất ổn của nghiệp, đó là vô minh hay bản ngã. 

Nghiệp là biểu hiện của vô thường

Nghiệp bao gồm hai loại: không chỉ hành động mà cả kết quả của hành động đều gọi là nghiệp. Trong tiếng Phạn, nghiệp là nhân và quả trong đó nhân là hành động và quả là kết quả. Chính bởi vô thường mà có sự vận hành của nghiệp. Chúng ta phải trưởng dưỡng trí tuệ giác ngộ và tin sâu vào nghiệp để có thể đưa ra định hướng đúng đắn cho cuộc đời mình. Nếu bạn tích lũy bất thiện nghiệp thì những điều bất thiện sẽ đến, nếu tích lũy thiện nghiệp thì điều thiện sẽ đến. Dù cuộc sống tốt hay không thì đều cần phải được giải thoát. Đương nhiên khi cuộc sống không tốt thì cần được giải thoát nhưng ngay cả khi cuộc sống tốt đẹp cũng cần phải giải thoát theo nghĩa là phải có trí tuệ hiểu biết.
 

Vậy giải thoát đi đâu?

Nhiều tôn giáo nói là lên cõi Trời và một số tín đồ đạo Phật cho rằng giải thoát có nghĩa là đạt được quả vị Phật, sinh lên cõi Cực lạc là Cõi tịnh độ của đức Phật A Di Đà, hay giải thoát từ trái đất sang một hành tinh khác. Nhưng ở đây, điều bạn cần làm là giải thoát bản thân khỏi vô minh, giải thoái khỏi nguyên nhân của cả nghiệp tốt và nghiệp xấu. Bạn phải được giải thoát khỏi vô minh, đây là loại giải thoát mà chúng ta đang nói tới.

Một khi bạn thoát khỏi vô minh thì nghiệp cũng được giải thoát. Dù bạn có thể vẫn có hành động nhưng khi đó hành động sẽ không tạo ra vấn đề nào, không tạo nghiệp. Đây là điều mà chúng ta gọi là giải thoát. Bạn phải giải thoát bản thân khỏi nghiệp theo cách không tạo thêm nghiệp dù xấu hay tốt. Từ nay cho tới khi đó, chúng ta cần xây dựng nhận thức và sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp. Để hiểu về nghiệp ban đầu khá dễ, tuy nhiên để hiểu sâu sắc thì lại rất khó. Tất cả mọi hành động đều là nghiệp và tất cả kết quả của hành động đó cũng là nghiệp. Chúng ta gọi cái đầu là nghiệp nhân và cái sau, kết quả của hành động, là nghiệp quả.

Cần phải giải thoát khỏi bản ngã

Chúng ta luôn nói “đừng tạo nghiệp xấu như sát sinh, hãy tạo nghiệp tốt bằng cách cứu mạng, bằng giúp đỡ người khác, thực hành thiền định và suy ngẫm giáo pháp, v.v…” Đúng là chúng ta rất cần phải tạo nhiều nghiệp lành và tránh xa mọi nghiệp ác nhưng đó chưa được coi là giải thoát rốt ráo. Giải thoát chính yếu liên quan nhiều đến bản ngã, đó là nguyên nhân sâu xa của mọi thứ. Bản ngã mới cần phải giải thoát. Theo giáo pháp về nghiệp, chúng ta cần biết tính chất, sự vận hành, mọi chi tiết của nghiệp. Dù không biết hết mọi thứ về nghiệp, rất cần phải biết rằng, toàn bộ thế giới của chúng ta do nghiệp điều khiển, không gì khác ngoài nghiệp. Điều này rất quan trọng. Thực tế là cả thế giới được tạo ra bởi tâm chúng ta, bởi nghiệp của chúng ta. Chính những tư tưởng phân biệt trong tâm đã tô vẽ đầy màu sắc lên vạn pháp, lên thế giới. Chúng ta là người định nghĩa tốt và xấu. Chúng ta phân loại mọi thứ theo cấp độ khác nhau: tốt và xấu, to và nhỏ, … Chúng ta là người tạo ra sự phân biệt, vì vậy mà cả thế giới được tạo ra bởi những tư tưởng nhị nguyên. Chính chúng ta là người dán nhãn lên vạn pháp, lên thế giới.

Khí nghiệp chính là thứ điều khiển cuộc đời của chúng ta

Sau khi dán nhãn cho tất cả mọi thứ quanh mình, bạn tin chắc và không muốn từ bỏ những nhãn dán đó. Sự bất ổn về tâm này xảy ra là do ngọn gió nghiệp, có thể là gió tiêu cực hoặc tích cực (gió nghiệp và gió trí tuệ). Hay nói theo cách khác là khí nghiệp và khí trí tuệ. Khí nghiệp chính là thứ điều khiển, thay đổi, chuyển hướng cuộc đời của chúng ta. Do ham dục, chúng ta làm rất nhiều điều để thực hiện ham muốn đó. Do sân giận, chúng ta làm nhiều điều xấu chỉ để thỏa mãn cơn giận dữ của mình. Vì vậy mà chúng ta gặp vô số khó khăn liên quan đến nghiệp.

Giáo pháp về nghiệp rất dài nhưng tóm tắt lại là: mọi thứ trong thế giới này đều là do nghiệp, là nghiệp quả hay nghiệp báo. Vì vậy, điều chúng ta phải làm ngay sau khi nhận thức được điều đó là nỗ lực giải thoát bản thân khỏi nguyên nhân thực sự của nghiệp chính là vô minh hay bản ngã.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Plouray, Nước Pháp)
Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,490
Số người trực tuyến: