Cuộc sống yên bình nhờ thiền quán về vô thường | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cuộc sống yên bình nhờ thiền quán về vô thường

288
26/03/2021 - 06:08

Nếu đã có sự phát triển hoặc sự thực hành thiền quán về vô thường thuần thục trong tâm thì bạn sẽ thấy rất an ổn, yên bình. Nhưng vì bạn cho mọi thứ là thường hằng bất biến nên tâm bạn luôn lo lắng, căng thẳng.

Phương tiện thiện xảo giúp tránh căng thẳng

Trong cuộc sống, bạn luôn nghĩ công việc kinh doanh, các mối quan hệ, mọi thứ phải diễn ra theo ý muốn của bạn. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng lo lắng bởi bạn nghĩ mọi thứ sẽ không thay đổi. Đây là hiểu biết sai lầm. Mọi thứ không cố định nên nếu nó diễn ra theo ý muốn của bạn thì thật tốt, còn không thì bạn đã làm hết sức rồi. Nếu nó không như ý muốn của bạn có nghĩa đó là sự vô thường nên bạn không cần phải căng thẳng. Đây là một phương tiện thiện xảo giúp bạn tránh được căng thẳng và lo lắng.

Khi các các đệ tử của tôi bắt đầu một mối quan hệ, họ đến tìm tôi để thỉnh cầu sự gia trì hay lời khuyên cho họ và tôi thường khuyên họ rằng: “Hãy thiền quán về vô thường, chỉ vậy thôi”. Nếu bạn thiền quán về vô thường thì mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp. Thậm chí nếu đó là điều phức tạp nhất trong cuộc sống thì nó vẫn sẽ ổn khi bạn thực sự có hiểu biết sâu sắc về vô thường.

Ví dụ, khi đang trong mối quan hệ tốt đẹp với một ai đó theo kiểu “Anh ấy là bạn trai tôi”, “Cô ấy là bạn gái tôi”, “Anh ấy là chồng tôi, là vợ tôi” v.v…bạn nghĩ rằng nó mãi là như vậy nhưng sau đó, mọi việc thay đổi. Khi đó, nếu đã có sự hiểu biết cơ bản về vô thường bạn sẽ vẫn cảm thấy tốt đẹp: “Đó là sự vô thường, tôi đã chuẩn bị rồi”. Và vì thế, bạn vẫn hạnh phúc và tiếp tục có những giây phút vui vẻ mà không cảm thấy ngạc nhiên.

Hiểu biết về vô thường sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Nếu phải trải qua thời kỳ khủng hoảng giống như một cơn ác mộng mà có sự chiêm nghiệm về vô thường, bạn có thể vượt qua những khó khăn. Sau một thời gian, những trải nghiệm sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp và bạn vẫn hài lòng với cuộc sống.

Hiểu biết về vô thường giúp thay đổi quan điểm sống

Sự hiểu biết về vô thường có thể không giúp thay đổi cuộc sống của bạn nhưng có khả năng giúp bạn thay đổi quan điểm sống, làm bạn cảm thấy tốt hơn.

Ví dụ: Khi đứa con bé bỏng chào đời, hiển nhiên cha mẹ vui mừng khôn xiết, họ mong rằng tình cảm này sẽ dài lâu mãi mãi đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Nhưng rồi tình cảm ngọt ngào giữa cha mẹ với con cái bắt đầu có thêm vị đắng, ngày một nhiều hơn, nhất là khi đứa con đến tuổi vị thành niên. Sau đó tình cảm ngày càng trục trặc, nhiều bất đồng, khúc mắc, đôi khi cha mẹ phải né tránh con cái hoặc con cái xa lánh cha mẹ. Nếu lúc này, trong tâm bạn có sẵn ý thức về sự vô thường và thường xuyên thực hành quán chiếu trong đời sống hàng ngày thì bạn sẽ dễ dàng bỏ qua, không tức giận, không sầu não, không ân hận, không cảm thấy tội lỗi, không có gì hết, bạn hiểu rằng đó chỉ là một phần của cuộc sống.

Thấu hiểu và thực hành quán chiếu vô thường là phương pháp đem lại sự an vui trước những vấn đề bất như ý trong cuộc sống của chúng ta. Việc không hiểu biết thấu đáo về vô thường sẽ khiến bạn bị tổn thương và đau đớn khi bất như ý xảy đến.

Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn những tình huống tương tự đang diễn ra trong cuộc sống. Như việc chúng ta đang già đi, mặt sẽ nhiều nếp nhăn hơn, đầu sẽ nhiều tóc bạc hơn, mình mẩy sẽ đau nhức và đi lại chậm chạp hơn. Khi chúng ta nhận ra những dấu hiệu lão hóa này và hiểu rằng mình đã già, chúng ta cảm thấy rất buồn, một nỗi buồn mà thậm chí nhiều khi người ta không thể nhắc đến.

Trong văn hóa phương Tây (người ta gọi là “văn hóa phương Tây” nhưng tôi không nghĩ đây là văn hóa chỉ riêng phương Tây mà nó đang trở thành văn hóa hiện đại), nếu bạn hỏi ai đó rằng: “Chị bao nhiêu tuổi rồi ạ?” thì đó là một câu hỏi rất tệ, một câu hỏi bất lịch sự, một sự “lỡ lời” đáng tiếc mà bạn đã buột miệng. Chúng ta không chấp nhận câu hỏi này vì sẽ rất bi đát khi phải đưa ra trả lời, chúng ta không thích nhắc đến việc mình đã và đang già đi. Vậy nên văn hóa hiện đại ngày nay là “cấm chỉ”, “kiêng húy” những câu hỏi tuổi tác. Nhiều năm về trước chúng ta không kiêng kị như thế này bởi hồi đó tâm chúng ta mạnh mẽ hơn. Ngày nay tâm của chúng ta ủy mị, yếu đuối vì thiếu sự nhìn nhận, quán chiếu và thiếu hiểu biết về vô thường. Sự yếu đuối thậm tệ tới mức nếu chẳng may ai đó buông một câu: “Bạn bao nhiêu tuổi rồi?” cũng làm chúng ta thực sự cảm thấy tổn thương, tan nát, suy sụp. Cảm xúc đó thực sự rất trẻ con nhưng lại là một loại cảm xúc bản năng. Tóm lại, việc “cấm kị”, “kiêng húy” những câu hỏi về tuổi tác gần như là một “văn hóa ứng xử” ngày nay, tuy nhiên nó lại không phải là một sự “văn hóa”.

Tốt hơn là chúng ta nên chấp nhận sự thật với trí tuệ hiểu biết, để nó trở thành một điều tuyệt vời, một khởi nguồn của hài lòng và hạnh phúc thay vì chỉ đơn giản là gượng ép mình chấp nhận và đương đầu. Đó là sự tự do vĩ đại nếu chúng ta có cách thức để chấp nhận nó. Hãy tri ân về việc bạn đang già đi hay những điều tương tự và bạn sẽ không có điều gì để tiếc nuối, bởi đó đơn giản là quy luật của vô thường, là tiến trình của cuộc sống. Hãy tận dụng tuổi già để hiểu sâu sắc hơn về giá trị của việc già đi theo năm tháng, để cảm thấy hạnh phúc, tự hào và mãn nguyện về tuổi già của bạn. Việc thực hành tri ân tuổi già là điều bạn không nên bỏ qua, đó cũng là cách thực hành để làm chủ vô thường hay thấu hiểu vô thường.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Plouray, Cộng hòa Pháp, 2007)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,429
Số người trực tuyến: