Khoa học tâm linh | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Khoa học tâm linh

322
12/04/2010 - 00:00
Để mở đầu bài giảng pháp, Ni Sư Tôn Quý Jetsunma Tenzin Palmo đã đưa ra quan điểm của một nhà khoa học người Anh về bản chất sự vật, hiện tượng: nội dung quan điểm đó cho rằng, khi ta tiếp xúc với sự vật, hiện tượng bên ngoài, cái ta tiếp xúc với sắc trần bên ngoài, ta chỉ tiếp xúc được rất là ít, chỉ khoảng 20% liên hệ với bên ngoài, 80% còn lại là do kết quả sự hoạt động của bộ não. Theo quan điểm của đạo Phật, toàn bộ thế giới sáu trần là hoàn toàn do sự phóng chiếu của tâm thức. Như vậy, triết học Phật giáo cũng là một môn khoa học vượt xa hơn khoa học thế gian và là một khoa học hướng nội.

Các trạng thái tình cảm cũng như cũng như các xúc tình tích cực hay tiêu cực cũng không phải do thế giới bên ngoài đem lại, mà chỉ là sự phóng chiếu của tâm.

Và thời hiện đại ngày nay, những nhà khoa học tân tiến bắt đầu quay trở lại muốn tìm hiểu về tâm. Họ sáng chế ra những máy móc rất hiện đại, rất tinh tế và thông qua đó, họ có thể chụp các hình tư tưởng và các tần số dao động của các trạng thái cảm xúc. Thế nhưng họ vẫn chưa thể thấy tâm ở đâu. Tại sao lại thế? Bởi vì tư tưởng và trạng thái tình cảm là một dạng hoạt động của năng lượng dưới dạng tần số dao động, nên người ta có thể chụp được, còn tâm bản lai vượt xa ngoài tư tưởng và tình cảm nên không một máy móc hiện đại nào có thể chụp được. Điểm trọng yếu của đạo Phật hướng chúng ta trở lại nhận chân được bản chất tâm của chính mình, biết được dòng tư tưởng từ đâu đến và sẽ về đâu? Tìm hiểu lộ trình hoạt động và bản chất của tâm là điểm quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Toàn bộ sự thực hành Phật pháp, giúp cho tâm chúng ta an tĩnh hơn, tập trung hơn và tỉnh thức hơn. Như trước tôi đã nói, mọi trạng thái tư tưởng, tình cảm hoàn toàn phụ thuộc vào tâm của chúng ta. Bởi vậy ta cần phải hiểu Tâm là gì? Tất cả mọi sắc, thanh, hương, vị ... khi ta tiếp xúc, ta không nhận ra chúng chỉ là hiện tướng tâm. Bởi vô minh chấp thủ, chấp thủ vào sáu căn nên ta không thể thấy bản chất hiện tượng là hiện tướng của tâm. Như vậy chúng ta cần phải học cách làm thế nào để hiểu tâm, rèn luyện tâm mình để có thể hiểu tư tưởng, suy nghĩ tình cảm chúng ta. Bởi vì chúng là một phần tâm chúng ta, chỉ khi đó ta mới có thể sống tỉnh thức trong mọi lúc.

Bạn hãy cố gắng tập trung, an định tâm, để thấy tiến trình hoạt động và bản chất tư tưởng, tình cảm. Từ đó đần dần hiểu được bản chất của tâm. Như vậy khi ta muốn tìm hiểu tâm mình, ta cần tập trung tinh thần nhìn lại tư tưởng tình cảm của mình để dần thấy rõ chúng một phần hiện tướng của tâm. Khi đó chúng ta sẽ là một nhà khoa học đích thực có thể hiểu được tâm mình, mà không cần sử dụng bất kỳ một loại máy móc nào. Máy móc dù là hiện đại hay tinh tế nhất cũng không thể hiểu bản chất của tâm. Như chúng ta biết, các phương tiện khoa học, dù hiện đại, chỉ nghiên cứu tâm bằng cách sử dụng phương tiện bên ngoài, còn ở đây, ta sử dụng trí tuệ để thấy tâm, hiểu tâm mình. Bằng phương tiện đó, mỗi chúng ta sẽ là những nhà khoa học để thấy rõ và hiểu tâm của mình một cách sâu sắc nhất!

Chúng ta cần phải làm gì để hiểu bản chất tâm? Tất cả các Bậc thầy vĩ đại đều dạy rằng việc quán chiếu nội tâm là tinh túy nền tảng của mọi sự thực hành. Như vậy việc đầu tiên chúng ta phải học cách an định tâm. Chúng ta cần những phương pháp tu tập thiền định để lắng đọng tâm mình. Trong phương pháp tu tập, ta có thể sử dụng phương pháp quán hơi thở hay quán tưởng hình tượng đức Phật...Bằng cách nào cũng được miễn là để tâm  ta an định và phát triển khả năng tập trung.

Giống như các nhà khoa học sử dụng một ống kính để xem xét một sự vật nào đó, việc đầu tiên phải lau sạch ống kính, không để kính bị bụi mờ. Sau đó họ phải tập trung nhìn vào những đối tượng mà họ cần khám phá. Khi tâm chúng ta đã an định hơn, tập trung hơn, ta chuyển những đối tượng bên ngoài vào trong tâm chúng ta, tức là ta trở lại quán chiếu tâm của mình.

Trong đời sống thường nhật, dòng tư tưởng không ngừng hiện lên giống như chiếc radio phát liên tục mà chúng ta chưa biết phương pháp để tắt. Khi tôi hỏi bạn là ai? Bạn sẽ trả lời: tôi tên là thế này, thế kia, có thể bạn là người Đức, Pháp, Lhadak, người Anh, tôi là nam hay nữ,... tất cả đó chỉ là danh ngôn mà mình dán nhãn cho mình thôi. Ngay cả những hồi tưởng về kỷ niệm tuổi thơ hay những ký ức của quá khứ  cũng chỉ là những ảo tưởng không thật. Tất cả những tư tưởng vui, buồn, giận, ghét cũng đều là ảo tưởng mà thôi.

Câu hỏi được đặt ra là: Tư tưởng là gì? Suy nghĩ là gì? Hạnh phúc của chúng ta hay khổ đau của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào tâm chứ không phụ thuộc hoàn cảnh bên ngoài. Đôi khi chúng ta nghĩ chúng ta có thể tạo ra những hoàn cảnh để chúng ta có cảm xúc hạnh phúc nhiều hơn, an lạc nhiều hơn. Điều này vô cùng sai lầm bởi vì tất cả khổ đau, hạnh phúc hoàn toàn do tâm chúng ta tạo nên. Đức Phật đã dạy những tham dục của chúng ta như người khát uống nước mặn, càng uống thì càng khát hơn. Khi chúng ta cố gắng cải tạo hoàn cảnh để có được hạnh phúc, thì chúng ta lại càng tạo thêm những khổ đau bất toại nguyện. Chỉ khi chúng ta biết mọi thứ do tâm tạo, chúng ta ít đòi hỏi hơn và tâm ta sẽ an lạc, hạnh phúc hơn. Ta biết chấp nhận mọi thứ bởi vì chúng chỉ do tâm mình biến hiện ra mà thôi!

Ví dụ như ta muốn thỉnh Đức Pháp vương tới viếng thăm nhà mình thì việc đầu tiên ta cần làm là phải lau dọn, trang trí nhà thật đẹp trước khi thỉnh Ngài tới nhà. Cũng như vậy khi ta muốn thỉnh cầu trí tuệ vào tâm chúng ta thì việc đầu tiên ta cũng phải lau dọn những bụi bẩn trong tâm mình như: tham lam, ghanh ty, tật đố... rồi ta trang hoàng cho tâm mình bằng các thiện hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục... rồi sau đó ta mới thỉnh mời trí tuệ tới tâm. Để có thể làm việc này, để có thể biết cần loại bỏ dạng phiền não nào, phát triển thiện hạnh nào, để làm được những việc này ta cần phải quay trở lại, quán chiếu tâm mình. Khi các trạng thái  tham lam, sân giận, tật đố, kiêu căng hiện khởi thì việc đầu tiên là ta phải nhận ra chúng.

Sau khi đã nhận ra những xúc tình hiện khởi trong tâm, ta hãy thư giãn, hãy để các trạng thái tâm như chúng đang là, không bám chấp, không xua đuổi. Tiếp đến chúng ta hãy quyết định xem mình cần phải làm gì. Có rất nhiều phương pháp tu tập chuyển hóa tâm, tùy thuộc vào trình độ hay khả năng của mỗi người.

Khi sân giận, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng trạng thái sân phát khởi bởi tính tình mình hay sân giận, hay do cả bố mẹ bố mẹ mình cũng luôn sân giận nên bản thân chỉ biết buông xuôi bất lực, chẳng làm được gì để thay đổi cả. Hoặc là lại nghĩ mình là một người tử tế, một người tốt, mình giận chẳng qua do người khác chọc tức. Cái cách ta đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác là cách tự dối mình. Khi chúng ta gặp các trường hợp khiến mình sân hận, chúng phải quán chiếu thấy đây là cơ  hội để hiểu được tâm mình và chúng ta học cách giải quyết những vấn đề rắc rối trong tâm. Nếu chúng ta thực sự hoàn hảo, chúng ta chẳng có lỗi lầm nào thì có lẽ chúng ta đã thành Phật. Đức Phật như một bác sỹ hoản hảo bởi vì tất cả chúng sinh đang bị bệnh hoạn, chúng ta bị bệnh nhưng chúng ta lại giả vờ mạnh khoẻ, giống như khi mình bị bệnh, bạn đến với bác sỹ và bạn nói rằng mình không bị bệnh, mình rất khỏe. Nếu khư khư thái độ như vậy thì làm sao bác sỹ có thể chữa lành bệnh cho bạn được.

Cũng như vậy, nếu trong tâm chúng ta đầy những tham, sân, si vậy mà chúng ta cứ tỏ ra mình đang an bình, hạnh phúc, thì ai có thể cứu cuộc đời mình đây? Chỉ vì tâm chúng ta đầy những tham, sân, si nên chư Phật đã thị hiện trên cuộc đời này để cứu độ chúng ta. Việc quan trọng cần nhận biết là mình đang bệnh, những bệnh trầm kha và đức Phật là người bác sỹ hoàn hảo nhất, giáo pháp của Ngài là liều diệu dược để tùy theo căn bệnh mà cứu chữa.

Ví dụ: giáo pháp giống như chai thuốc. Nếu bạn chỉ nhìn thuốc thôi mà không uống thì không thể cứu chữa được căn bệnh của bạn. Thậm chí, bạn để chai thuốc lên ban thờ và lễ lạy, cầu nguyện rằng: Chai thuốc đã từng chữa muôn ngàn bệnh, xin cứu chữa cho con! Con hoàn toàn nương tựa nơi những thần dược này. Làm thế phỏng có ích gì vì thuốc không dùng cũng chẳng thể cứu được bạn.

Cách duy nhất chữa căn bệnh của mình là ta phải uống thuốc. Đức Phật dạy bước đầu tiên là ta phải lắng nghe giáo pháp, tư duy và nghiên cứu sâu xa. Sau khi đã lắng nghe giáo pháp, chúng ta phải suy ngẫm ý nghĩa thâm sâu của giáo pháp. Việc thứ ba, chúng ta phải đưa giáo pháp vào thực hành trong đời sống, để giáo pháp trở thành một với chúng ta. Khi lắng nghe giáo pháp, thì pháp này vẫn thuộc bên ngoài, ta phải để giáo pháp thấm sâu vào tim của chúng ta, thể hiện trọn vẹn trong các hành động, lời nói, việc làm thì giáo pháp này là giáo pháp bên trong của chúng ta.

Ví dụ: khi muốn thành thạo một môn âm nhạc, chúng ta cần học các nốt nhạc và luyện tay điều khiển các phím đàn, và cứ tiêp tục tập luyện cho đến khi nhạc thể hiện trọn vẹn qua các đầu ngón tay của chúng ta. Cũng như vậy, khi ta thực tập giáo pháp, trước tiên là Văn, rồi tiếp tục đến và cuối cùng đến Tu. Chúng ta cần phải luôn giữ sự thực hành không gián đoạn cho đến khi giáo pháp thể hiện trọn vẹn trong mọi suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta.

Khoa học tâm linh chính là một nghệ thuật, một môn khoa học giúp chúng ta tự chủ và hiểu rõ tâm mình. Chúng ta có một tập khí từ nhiều đời, luôn phản ứng theo hướng bất thiện, và bây giờ chúng ta phải lập nên một con đường mới, một thói quen mới tích cực hơn bằng sự nhẫn nhục, bao dung, tha thứ...như thế, dần dần những thói quen cũ, tập khí cũ sẽ được chuyển hóa hoàn toàn. Con đường mới của từ bi và trí tuệ sẽ rộng mở rực rỡ. Khoa học tâm linh giúp giảm thiểu được các phản ứng xúc tình tiêu cực là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của não bộ, phát triển được các xúc tình tích cực, làm tăng lên sự thư giãn, tươi mát cho các tế bào thần kinh của não.

Khoa học tâm linh là phương pháp quan trọng nhất có thể giúp tìm ra chân hạnh phúc, đó là quán chiếu tâm mình, chuyển hóa xúc tình phiền não, tăng trưởng xúc tình tích cực từ bi, trí tuệ. Khi đó tâm ta sẽ tràn ngập sự an bình và chân hạnh phúc.

Vì thời gian đã hết, nên bài pháp xin dừng lại ở đây. Xin chân thành cám ơn sự tham dự của chư tôn đức và quý Phật tử!

12/04/2010

Vô Úy, Druk Amitabaha, Kathmandu, Nepal.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,646
Số người trực tuyến: