Bạn đang ở đây
Lắng nghe tiếng nói của bản ngã
358
14/07/2022 - 17:17
Nếu bạn dành thời gian quan sát, lắng nghe tiếng nói của bản ngã, sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy ta thường hay khởi tâm ngã mạn cho rằng: “Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ làm việc này tốt hơn nhiều. Nếu tôi đứng ra tổ chức chương trình đó, chương trình chắc chắn sẽ thành công gấp bội. Nếu tôi lập bản thiết kế này thì chắc chắn sẽ đẹp và hấp dẫn hơn”, vân vân và vân vân. Chúng ta luôn xét đoán lời nói, hành động, cử chỉ và lối sống của mọi người để rồi luôn tự thấy chúng ta giỏi giang hơn, ưu việt hơn tất cả. Từ bên trong, bản ngã của chúng ta luôn lên tiếng: “Tôi giỏi nhất! Tôi mạnh nhất! Tôi nhiều quyền uy nhất! Tôi được yêu thích nhất!”.
Vì tâm thức ngập tràn quan kiến vị kỷ, chấp ngã nên bạn không thể nhìn nhận tích cực về bất cứ ai, bất cứ điều gì ngoài Cái Tôi chật hẹp. Tất cả mọi xúc tình phiền não của chúng ta đều từ đó phát sinh và ngày càng trở nên mạnh mẽ, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính chúng ta. Có thể nói, tâm bạn bị điên đảo, mê mờ, bị thiêu đốt bởi những xúc tình tiêu cực do tâm chấp ngã gây ra rồi luôn tự cho rằng: “Ta là người giỏi giang nhất! Không ai giỏi giang và tốt đẹp hơn ta”. Rốt cuộc, chúng sẽ khiến ba nghiệp thân, khẩu, ý của chính bạn trở nên si mê, mù quáng. Tôi gọi đó là bệnh “kiêu mạn tự hào” luôn coi mình là số một.
Tất cả chúng ta đều rất dễ tự đầu độc mình với ý nghĩ luôn cho mình là nhất này, , đặc biệt là khi những người xung quanh chỉ nói những lời êm tai ngọt ngào mà ta muốn nghe. Lẽ dĩ nhiên, tất cả mọi người, trong đó có tôi, đều muốn nghe những lời động viên, khen ngợi. Vì vậy, bất cứ khi nào được tán tụng, ngợi ca, vì không muốn trở nên mê mờ và mắc căn trọng bệnh ngã mạn ấy nên tôi luôn tự vấn bản thân “Phải chăng mình thực sự tốt đẹp, tuyệt vời đến nhường vậy?”.
Vì thế, trong nhiều năm, tôi đã rèn luyện cho mình đôi tai biết chấp nhận cả những điều “khó nghe” nhất. Tôi luôn lắng nghe những ý kiến trái chiều, những khía cạnh khác nhau của nhiều người về cùng một vấn đề mà không khởi tâm phân biệt, bình luận hay phán xét bất cứ ai, bởi tôi hiểu rằng, trong một chừng mực nào đó, tất cả mọi người đều cho rằng: “Mình luôn đúng. Chỉ người khác là sai”. Tôi đã gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều người, họ đều kể cho tôi nghe những vấn đề khác nhau theo cách nhìn cá nhân của riêng họ. Thậm chí, chú chó, chú mèo tôi nuôi cũng giống vậy, chúng than phiền và chê trách nhau bởi các chú luôn cho rằng mình sạch sẽ nhất, thông minh và tốt đẹp nhất. Một khi bạn mắc phải hội chứng “Ngã mạn” này sẽ là bằng chứng cho thấy bạn còn cần tu tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để có thể rộng mở tâm hồn, trở nên vị tha và thấu hiểu hơn nữa.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn, theo cách ý nhị nhất, một ví dụ khôi hài và đời thường mà tôi chưa có dịp kể bao giờ. Trong câu chuyện hài ấy, chúng ta giống như một nhóm bạn cùng dùng chung nhà vệ sinh của một ai đó, khiến nó trở nên ô uế và bẩn thỉu. Chủ nhân của ngôi nhà tới chứng kiến, vô cùng bức xúc và to tiếng, yêu cầu chúng ta phải dọn dẹp đống bẩn thỉu trong nhà vệ sinh. Vì không muốn dọn dẹp, cọ rửa “đồ” của người khác nên chúng ta phải kiểm tra, xem xét khắp nơi để phân biệt đâu là “đồ” của mình với hy vọng sẽ không phải dọn “đồ” của người khác, vì lý do “đồ” của mình chắc chắn sạch sẽ, dễ chịu hơn “đồ” của người. Đây chẳng phải là cách chúng ta luôn nhìn nhận về người khác hay sao? So với chúng ta, mọi người luôn kém cỏi hơn, bẩn thỉu hơn, xấu xí và bất hợp lý hơn… Chúng ta luôn tốt đẹp hơn mọi người, nếu không muốn nói là tuyệt vời nhất.
Xét trên phạm vi thế giới cũng vậy, thế giới này ngày một trở nên hỗn loạn, bất ổn bởi thái độ “Tôi là nhất” ngự trị. Những cộng đồng, những tập thể bao gồm nhiều cá nhân cùng chung quan kiến này đã, đang và sẽ gây ra vô số bạo động, mâu thuẫn, chiến tranh và khổ đau ở rất nhiều quốc gia, miền, vùng trên thế giới. Sự kiêu mạn làm nảy sinh dã tâm muốn xâm chiếm nước khác, khiến chiến tranh bùng nổ giữa các lãnh thổ, quốc gia. Thái độ vị kỷ cho rằng “Mình cần các tài nguyên thiên nhiên hơn bất cứ ai khác”, dẫn tới việc chiếm đoạt tài nguyên rừng, các mỏ vàng, khoáng sản, v.v… của các quốc gia khác. Hàng loạt những vấn đề tương tự xảy ra mà nguyên nhân đều do ngã mạn gây nên, từ cấp độ cá nhân cho tới tầm quốc tế. Chúng ta cũng luôn luôn xiển dương “cái tôi”, luôn tìm cách chứng tỏ mình là số một, làm như vậy chẳng khác nào chúng ta đã hy sinh trí tuệ hiểu biết và sự giác ngộ của chính mình.
Vì cứ luôn bó mình trong suy nghĩ hẹp hòi của kiêu căng ngã mạn, chúng ta không thể đạt được sự tiến bộ về tâm linh, chúng ta hoàn toàn sai đường, lạc hướng. Cho rằng mình ưu việt hơn tất cả, mình là giỏi nhất, tốt nhất cũng đồng nghĩa là mình đã đi đến cuối con đường, không còn gì hơn để bước tiếp. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực sự biết khiêm cung nhún mình, lùi lại một bước và hồi quang phản chiếu, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mình không nhất thiết phải là người đứng đầu. Thay vào đó, bạn có thể đứng thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là cuối bảng. Đức tính khiêm nhường này sẽ cho bạn vô vàn cơ hội để hoàn thiện mình và biết chấp nhận mọi hoàn cảnh. Chẳng phải đây chính là lý do căn bản khiến bạn quyết định dấn bước trên hành trình tâm linh gian khó này hay sao? Tuy nhiên, đừng hiểu rằng tôi khuyên bạn không nên nỗ lực. Nỗ lực hết sức mình khác hẳn với tính kiêu mạn cho rằng mình luôn là số một. Nỗ lực hết sức mình có nghĩa là bạn cần cố gắng tối đa để làm tốt mọi việc, trong khi sự kiêu mạn chấp ngã bảo bạn rằng ngoài bạn ra, tất cả những người khác đều không đáng phải kể đến. Và bạn cần hiểu được điểm khác biệt căn bản này.
- 358 reads