Miền "Tịnh độ có thật" | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Miền "Tịnh độ có thật"

468
21/03/2016 - 20:02

Cùng với thời gian, tiếng vang của bộ phim tài liệu Pad Yatra - A green Odyssey (tạm dịch: Đi bộ - Hành trình phiêu lưu xanh) có thể sẽ vơi dần sự nổi tiếng. Nhưng cảnh sắc hùng vĩ đầy khắc nghiệt cũng như đời sống tâm linh trong “vùng đất chư thiên” miền núi tuyết Himalaya được phác họa trên phim thì vẫn mãi thường còn - là huyền thoại chân thực, sống động.

Người ta gọi Pad Yatra - A green Odysee là một siêu phẩm. Đó là một bộ phim tâm linh lấy chủ đề sinh thái và đức tin; sự kiên định và triết lý nhân sinh làm trọng tâm. Tuy nhiên, không phải đợi cho đến khi những cảnh quay chân thực về dòng người (700 người) bộ hành trong mưa tuyết - nhân loại mới biết đến “miền Tịnh độ” trải rộng dài trên dãy Hymalaya.

Song có điều là dưới sự hướng đạo của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Bậc Thượng sư tôn quý của Phật giáo Kim Cương thừa, đoàn hành hương (cũng là các nhân vật trong phim) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường trái đất đang hứng chịu ngày càng nhiều thảm họa thiên tai. Trong đó có Himalaya – nóc nhà thiêng của thế giới- nơi con người cùng vạn vật cỏ cây đều bình đẳng sinh tồn. Hành hương Pad Yatra cũng là “hành trình tâm linh” trong Phạn ngữ, là một truyền thống cổ xưa vùng Himalaya.


Himalaya tâm linh

Hãy thử vào google và gõ “nature Himalayas - thiên nhiên Himalayas”, sẽ có khoảng 8.890.000 kết quả tìm kiếm chỉ trong 0.23 giây. Hoặc tìm trên trang web chia sẻ video clip trực tuyến Youtube, bạn nhanh chóng thu được 718.000 kết quả - đủ thấy sức cuốn hút mạnh mẽ đầy thần lực của thiên nhiên, con người vùng Himalaya.

Cư dân vùng Himalaya (Ấn Độ, Butal, Nepal…) sống ở độ cao 3.000-7.000 mét so với mặt nước biển. Chạm tay là với mây trời. Mây ngũ sắc cuộn bay ôm phủ những triền núi đá ngập băng tuyết. Mây, băng giá, điệp trùng những rặng núi tuyết đan cài thung lũng và thảo nguyên là “giao diện” thường trực của cảnh sắc vùng Himalaya. Sự sống của muông thú, cư dân bản địa, các tự viện Phật giáo cùng những dòng người hành hương trên dãy Himalaya hầu như chưa bao giờ tách ra khỏi thiên nhiên hùng vĩ.


 

Như Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - “nhân vật chính”  trong bộ phim Pad Yatra - A green Odysee đã nhận định: Nếu không có thiên nhiên chúng ta không thể tồn tại trong thế giới này. Mọi chúng sinh đều kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy con người phải xây dựng mối quan hệ tốt lành với thiên nhiên. Điều này không chỉ đúng trên quan điểm tâm linh mà còn là một quan điểm khoa học.



 

Cư dân bản địa có lẽ là phần thú vị nhất về văn hoá Himalaya. Họ rất có chiều sâu tâm linh (tâm linh chứ không phải tôn giáo). Ví dụ, Nepal là một trong những nơi hi hữu trên thế giới mà các tôn giáo có thể chung sống hoà bình. Ở cùng một địa phương, người ta có thể bắt gặp đền thờ của đạo Hindu và đạo Phật. Nhờ gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên nên những người dân Sikim (một tiểu bang của Ấn Độ nằm sâu trong đất liền, chân dãy núi Himalaya) tiếp nhận thông điệp về môi trường rất nhanh. Ở Bhutan, phẩm chất Bồ đề tâm thấm đượm trong mỗi con người. Trước mỗi bữa ăn, người Bhutan bốc một hạt gạo thả xuống đất hoặc bàn ăn, cầu nguyện cho các loài quỷ đói cũng được no đủ; các chúng sinh trong cõi trời người thoát khỏi mê lầm…


Nghệ thuật giác ngộ
 

Himalaya đặc biệt nổi tiếng với Nghệ thuật Mật giáo có khả năng tạo ấn tượng mạnh qua các hình thái biểu hiện như: lễ nhạc pháp khí Kim Cương thừa, vũ điệu múa Phật linh thiêng, bích họa, nghệ thuật tranh đá, thangka, điêu khắc tinh xảo…

Có xuất xứ từ đạo Phật, trường phái nghệ thuật này không thuần túy mô tả những biểu tượng, giáo lý (vòng luân hồi, cảnh giới Niết bàn) mà là nghệ thuật của các thứ lớp chứng ngộ và hướng đến sự giác ngộ. Nghệ thuật Mật giáo là thế giới của sự chuyển hóa bên trong và bên ngoài, thể hiện tự tính tâm của mỗi người. Do Phật giáo có nền học vấn rộng khắp vũ trụ nên cùng với chức năng miêu tả cái đẹp, nghệ thuật Mật giáo còn thể hiện nhân sinh quan, triết lý sâu sắc, các pháp tu tập và phương tiện độ thế của đạo Phật.  

Nếu đã từng chiêm bái các điệu múa Phật (Đức Phật A Di Đà, Đức Quán Âm Bồ tát, Đức Phật Tara, Dakani Bồ tát…), bạn sẽ cảm nhận rõ sự rung động vi tế trong từng giác quan. Các hành giả vũ công thể hiện vũ điệu với động lực xuất phát từ lòng bi mẫn để giảm nhẹ nỗi khổ đau của chúng sinh. Trên nền nhạc pháp khí Kim Cương thừa mạnh mẽ, linh thiêng, họ nhảy múa theo hàng nghìn vũ điệu oai nghiêm. Những động tác di chuyển tinh tế, tự nhiên không bó buộc diễn tả hoạt động vì lợi ích hết thảy hữu tình - có tác dụng di chuyển những năng lượng tiêu cực, đưa thân tâm trở về sự bình quân an tịnh.

Tiếp đến là hội họa Thangka thể hiện dưới dạng tranh vẽ, thêu, đính hoặc dệt bằng lụa). Chư Phật Bản tôn cùng các bậc Thượng sư  trong tư thế thiền định… là chủ đề miêu tả trong hội họa Thangka. Nét đặc sắc nổi bật trong nghệ thuật tranh tượng chính là hình ảnh “đôi mắt Phật” - kể cả hiền từ hay phẫn nộ đều rất có chiều sâu, lập tức tạo ấn tượng cho người xem. Những bức họa trong nghệ thuật Mật giáo còn đặc tả sự nội chứng tâm linh sâu kín nhất của loài người.


 

Điêu khắc Tây Tạng được thể hiện sinh động và linh thiêng qua các bức tượng, dù tác phẩm có nhỏ như những chiếc Tsa Tsa. Đây là những bảo tháp nhỏ bằng nắm tay được nặn hình bảo tháp, yểm kinh rồi phết sơn vàng và đỏ. Loại hình điêu khắc này được đặt ở nhiều nơi và được tin là sẽ tạo ra năng lượng tích cực cho người nặn tượng và môi trường xung quanh. Tranh tượng, Tsa Tsa do các vị đại sư làm hoặc có chứa tro của các vị bậc chân tu đắc đạo được coi là những phẩm vật vô cùng linh thiêng. Himalaya cũng nổi tiếng với những mật chú được điêu khắc chạm trổ công phu trên vách núi đá. Đứng từ xa, du khách đã có thể chiêm bái câu chân ngôn OM MANI PADME HUM của Đức Quan Âm, vị Phật của lòng Từ bi với thệ nguyện cứu độ hết thảy hữu tình.


 

Được kính ngưỡng là hóa thân của Đức Quan Âm và cũng là một bậc Thầy về Nghệ thuật Mật thừa, - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chỉ dạy: Nghệ thuật Mật thừa là cánh cửa huyền diệu dẫn đến giác ngộ. Do tính chất cao siêu thâm diệu nên các Phật tử cũng như người dân bản địa rất cần sự chỉ dạy từ bậc Thượng sư giác ngộ để có thể cảm nhận một cách chân thật, sâu sắc giá trị, ý nghĩa của nghệ thuật Mật giáo. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của truyền thống Phật giáo Kim cương thừa. Truyền thống văn hóa này đã phần nào được khắc họa trong bộ phim tài liệu Pad Yatra - A green odyssey, qua một vài khoảnh khắc cảm động giữa Đức Pháp Vương và người dân bản địa vùng núi tuyết Himalaya. Hướng tâm chí thành sâu sắc lên bậc Thượng sư, họ đã không thể ghìm nước mắt xúc động khi được hạnh ngộ Đức Pháp Vương trong chuyến bộ hành.
 

Pad Yatra - A green Odyssey: Một chủ trương nhân sinh






Không chỉ là một “hành trình tâm linh”, chuyến bộ hành xuyên Himalaya lịch sử của Đức Pháp Vương cùng với 700 tình nguyện viên - được thế giới ngợi ca là một chủ trương nhân sinh lớn. Trong vòng một tháng, đoàn người đã đi bộ 700 km. Họ đi qua hàng trăm ngôi làng vừa đi vừa lượm nhặt rác thải và phát động phong trào trồng cây. Đến cuối hành trình, đoàn bộ hành thu gom được 300 kg nilông từ chất thải các loại. Họ đã chinh phục những đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya - “cực thứ 3” của thế giới - trong băng giá. Một hành trình dài, gian nan, trải nghiệm muôn vàn thử thách khắc nghiệt nhưng cũng đầy vi diệu của thiên nhiên Himalaya.
 

Ngay khi chuyến bộ hành kết thúc, phong trào trồng cây đã khởi phát, bùng nổ tại nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ, Sri Lanka. Ngày 10/10/2010 hưởng ứng cuộc vận động trồng cây từ Đức Pháp Vương đã có 9.313 tình nguyện viên tới thành phố Leh (Ladakh, Ấn Độ) và trồng được 50.033 cây xanh trong vòng 33 phút - một kỷ lục Guinness mới. Tháng 10/2012, lại có gần 10.000 tình nguyện viên tham gia trồng 100.000 cây tại một thành phố khác ở tỉnh Ladakh.Sau đó, Chính phủ Sri Lanka cũng đã thỉnh mời Đức Pháp Vương dẫn dắt một “hành trình Pad Yatra tâm linh” tương tự tại đất nước này.
 

Hiệu ứng lan tỏa cũng như công hạnh lớn lao từ những cuộc “hành trình Pad Yatra tâm linh” vì môi trường trái đất thêm một lần nữa minh chứng cho lời chỉ dạy vĩ đại của Đức Pháp Vương rằng: Nếu không có thiên nhiên, loài người không thể tồn tại trong thế giới này. Những chuyến bộ hành vì môi trường cũng là sự trải nghiệm tâm linh để mỗi người kết nối sâu sắc hơn với thế giới tự nhiên - những “miền tịnh độ” vốn luôn hiện hữu - nhưng do vô thức mà chúng ta đã lơ đãng bỏ qua…  

Himalaya trong lịch sử và Himalaya hôm nay dưới “thời đại” của những bậc Kim Cương Thượng sư giác ngộ - trong đó có Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã và sẽ đi vào tâm thức nhân loại -là giai điệu cao vút vang vọng trên thảo nguyên bao la. Là hình ảnh tuyệt đẹp về miền đất cực lạc với những lời kinh niệm gửi gắm bao ước nguyện nhân sinh.  



 

 

PAD YATRA: A Green Odyssey [Trailer]

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,093
Số người trực tuyến: