Thân người khó được | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thân người khó được

48
30/03/2011 - 00:00
Quỹ Live to Love đã tổ chức được một chương trình chữa bệnh về mắt vô cùng hiệu quả, trợ giúp cho hơn 240 người có thể nhìn lại được. Một khóa lễ cầu trường thọ dài 7 ngày cũng đã được tổ chức bởi Ngài Gyarawa Rinpoche và đứng đầu là Đức Kyabje Namkha Drimed Rinpoche, một trong những hành giả thành tựu bậc nhất thời nay. Tất nhiên những sự kiện này sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự hỗ trợ trong công tác tổ chức của Ngài Jigme Jampal, chủ tịch Drukpa Asia của chúng ta. Tất cả những người đến tham dự, bao gồm cả chư Tăng Ni thành tín và các đạo hữu đến từ khắp nơi, đều đã thực hành vô cùng viên mãn. Thêm nữa, tôi cũng muốn tỏ lời tri ân tới ni chúng đã làm việc không mệt mỏi cả ngày lẫn đêm. Tối qua, một người không quen đã nói với tôi rằng trong suốt thời gian diễn ra khóa lễ mừng sinh nhật tôi, cả khu tự viện Druk Amitabha Mountain sôi nổi hẳn lên và trông vậy ai cũng nghĩ rằng ở đây đang diễn ra rất nhiều hoạt động. Tôi hiểu rằng tất cả những hoạt động này đều không thể được thực hiện nếu như không có sự quyết tâm chuyên cần và tâm chí thành của chư ni.
 

alt

Trận động đất ở Nhật Bản mới đây đã khiến ai nấy đều bàng hoàng kinh hãi. Theo cách nào đó thì điều này cũng không có gì khó hiểu, ở khắp mọi nơi trên thế giới, những thảm họa như thế này đang xảy ra thường xuyên. Chúng ta phải hiểu điều đó và chuẩn bị tinh thần đón nhận. Tôi đã từng đề cập đến vấn đề này rất nhiều lần và tôi vẫn sẽ còn tiếp tục nhắc lại rằng chúng ta cần phải thân thiện với môi trường thì môi trường mới thân thiện với chúng ta. Hãy thôi đổ lỗi thiên tai là do ngoại cảnh, không nên đổ lỗi cả cho Trời hay các thế lực thần linh. Mỗi người đều cần phải đối xử thân thiện với môi trường, như vậy mới có thể hy vọng môi trường sẽ đối đãi tử tế với mỗi người và với cộng đồng con người chúng ta. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta phải tập cách sống sao cho phù hợp và bảo tồn môi trường, đây chính là điểm cốt yếu. Điều quan trọng là bạn cần có ý thức về môi trường sống, đặc biệt là cần trân trọng sự sống của các loài khác.

Chúng ta cần phải sáng tạo trong cách cổ vũ lối sống đúng đắn này, để mỗi người trong chúng ta đều có được sự hiểu biết tường tận về điều đó. Chúng ta nói rất nhiều, trên thực tế có tới hàng triệu hay hàng tỷ người đang nói quá nhiều mà không hề hành động. Chúng ta nên nói ít đi và hành động nhiều hơn, cần có những hành động cụ thể để làm gương cho những người khác cùng noi theo và cảm thấy được khích lệ. Cho phép tôi thay mặt các bạn, xin hồi hướng mọi lời cầu nguyện tới các nạn nhân và cả những người sống sót. Chúng ta không được phép để những thảm họa như vậy cũng như mọi trải nghiệm đau thương dường này trôi qua một cách uổng phí, chúng ta cần biết coi đây là cơ hội để tự cảnh báo với chính mình, trước khi mọi sự trở nên quá muộn màng.
 

alt

Ngay sau chương trình khóa lễ mừng sinh nhật, chúng tôi đã cùng nhau tới chân Bảo tháp Swayambhunath và vi nhiễu bảo tháp 13 vòng. Tiếp theo đó là đại lễ thường niên vô cùng viên mãn, nguyện cầu hòa bình và an lạc cho thế giới. Kết quả, chúng tôi đã cùng nhau hoàn thành 100,000 biến “Phổ Hiền Đại Nguyện Vương” sớm hơn dự kiến. Chư ni từ Tự viện Druk Amitabha và Trung tâm nhập thất của Ngài Kyabje Sengdrak Rinpoche, cùng chư tăng từ Darjeeling và Kathmandu đã cùng nhau vân tập giúp cho đại lễ diễn ra không những hoàn toàn viên mãn mà còn vô cùng cát tường lợi lạc. Ngay sau khi chúng tôi hoàn thành 100,000 biến trì tụng, trời đổ mưa nặng hạt, sấm chớp nổi lên cùng vô số điềm cát tường khác đã thị hiện. Như các bạn đều biết, lúc này ở Kathmandu vẫn đang vào mùa khô, rất hiếm khi trời mưa vào mùa này. Hiện tượng thời tiết bất thường này khiến chúng tôi càng thêm tin tưởng rằng lời cầu nguyện trường thọ của chúng tôi cúng dường lên hết thảy chư thượng sư tôn quý, hồi hướng công đức tới tất cả nạn nhân của những trận thiên tai xảy ra gần đây, cũng như lời cầu nguyện sự an lạc và viên mãn hạnh nguyện gửi tới hết thảy những hành giả thực hành chân chính, nhất định sẽ ứng nghiệm.
 

alt

Sau những tháng dài tu tập làm việc vất vả và nhập thất nghiêm mật, tôi đã đưa ni chúng cùng các đạo hữu của tôi đi một chuyến tới Chitwan và Pokhra để nghỉ ngơi vài ngày. Đến Chitwan, chúng tôi đã được xem những chú voi đáng thương chở khách du lịch và cả chúng tôi cưỡi trên lưng đi tham quan một vòng trong rừng. Cũng phải nói thêm rằng dù sao thì những chú voi này trông vẫn khỏe mạnh và bình an hơn rất nhiều những chú voi được đưa ra phục vụ khách du lịch ở những nơi khác. Khi nhìn bầy voi, tôi chợt nghĩ những chú voi, ngựa, khỉ cũng như những con vật đáng thương khác, đã phải trải qua rất nhiều thế hệ làm việc lao lực mà chẳng nhận được gì ngoài sự ngược đãi. Chỉ nhìn chúng thôi tôi đã thấy nước mắt muốn trào ra. Vì lý do này, tôi vẫn thường nghĩ rằng những người phát minh ra xe hơi, dù là hai bánh hay bốn bánh, cũng đều là những bậc Bồ Tát. Những chiếc xe hơi thời hiện đại không những chạy nhanh mà còn vô cùng hữu ích và hiệu quả, nhờ có chúng mà vô số người đã tránh khỏi việc hành hạ các con vật. Nhờ có chúng mà hầu hết những vết thương đã biến mất trên thân thể những con vật trước kia phải kéo xe, kéo gỗ, v.v. Khi tôi đề nghị ni chúng cho bầy voi ăn chuối, tôi nghĩ rất nhiều về điều này và thầm cầu nguyện mong cho chúng được giải thoát. Rõ ràng đám voi này chưa bao giờ có niềm hạnh phúc được ăn nhiều chuối một lúc như vậy. Thỉnh thoảng, một người hướng dẫn du lịch lại chạy theo một con voi và cho nó ăn một quả chuối. Nhưng một quả chuối thì đâu có thấm tháp gì so với cái dạ dày khổng lồ như vũ trụ, cực kỳ khổng lồ của voi!

alt
 

Tôi rất hoan hỷ xem ni chúng cho voi ăn chuối. Đôi khi, bầy voi cũng hoan hỷ tới mức chúng ăn luôn bằng miệng thay vì dùng vòi lấy chuối, và như vậy chư ni có thể đưa cả nải chuối vào miệng voi. Một vài sư ni thì mạnh dạn nhưng có những vị cũng sợ không dám làm như thế. Tôi biết chắc chắn đây là cách những chú voi này bày tỏ tình cảm của chúng đối với các sư ni. Chúng đã quen và tin cậy các sư, chúng cảm thấy các quý sư ni rất gần gũi và muốn các sư bón thức ăn vào miệng cho chúng. Tôi rất hoan hỷ khi nhìn thấy bầy voi rất thoải mái thảnh thơi, xem ra chúng không hề bị ai hành hạ khi chúng chuyên chở hành khách trên lưng. Tất nhiên có thể chúng đã chịu đựng sự rèn luyện khắc khổ trong nhiều năm cho tới khi trở nên thuần phục. Như thế cũng giống tâm hoang dại của chúng ta, tâm cũng cần phải được rèn luyện để trở nên an nhiên tự tại. 

Tôi được xem các sư ni học cách đi xe đạp ở Chitwan và Pokhra, ngay cả những sư ni tuổi tứ tuần song vẫn rất hăng hái tập đi xe. Các sư ni e ngại rằng nếu như không biết cách đi xe đạp, các sư ni sẽ bị bỏ rơi lại phía sau nếu một ngày nào đó chúng ta tổ chức hành hương bằng xe đạp. Nên tất cả mọi người đều rất chăm chỉ tập đi xe. Tôi cũng chẳng biết các sư đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền, chỉ thấy mặt mũi đỏ gay vì say nắng, có người còn bị ngã và thâm tím cả mình, cũng may không bị thương nhiều lắm. Giờ đây, đa phần chư ni đã bắt đầu thích thú với ý tưởng hành hương bằng xe đạp. Đến lượt tôi bắt đầu lo lắng cho mình, làm sao tôi có thể theo kịp được ni chúng của tôi đây.

Cùng với chư Tăng ni, đệ tử và bằng hữu, chúng tôi vừa mới về đến Tự viện Amitabha, ai nấy đều rạng rỡ nụ cười trên khuôn mặt. Bất cứ khi nào làm được điều gì tốt đẹp và tích cực, chúng ta đều cần hồi hướng công đức, niềm an lạc và hoan hỷ đó tới hết thảy hữu tình, đặc biệt là để cầu nguyện cho sự an lạc và hòa bình của cả vũ trụ. Nếu có khi nào phạm phải lỗi lầm, chúng ta cần sám hối, tịnh hóa và phát nguyện không bao giờ mắc phải lỗi lầm đó nữa. Như vậy, nói một cách tương đối, chúng tôi đều cảm thấy hoan hỷ, mãn nguyện, và giờ đây chúng tôi đều đang ở trên núi để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ nhập thất.

 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,978
Số người trực tuyến: