Bạn đang ở đây
Người Quảng Bình rơi nước mắt trong lễ cầu siêu liệt sĩ
Chiều 11/5, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn, Phật tử đã thực hiện lễ siêu độ hương linh anh hùng liệt sĩ, nạn nhân thiên tai tại nghĩa trang Ba Dốc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hơn 500 người dân đất Quảng, trong đó có cựu chiến binh, các em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam tham dự buổi lễ.
Đức Pháp vương chia sẻ, việc ngài đến Quảng Bình là một duyên phận. Mảnh đất này có núi sông hữu tình rất hợp để thực hành Phật pháp. Đây cũng là mảnh đất thấm đẫm máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ, người dân vì hoà bình, độc lập dân tộc. Con người hiện tại vì thế nên thực hành Phật pháp, cầu siêu cho các hương linh anh hùng liệt sĩ để tri ân công đức của họ.
tại nghĩa trang Ba Dốc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Mai Uyên)
Kiếp người ngắn ngủi, không biết tương lai ra sao, khi nào sẽ mất. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, rời cõi trần, chúng ta sẽ thành vong hồn lang thang chẳng siêu thoát. Theo Pháp Vương, lúc tại thế, mỗi người nên thực hành Phật pháp, sống có ý nghĩa, tạo nhiều thiện hạnh để tâm được bình an, lúc qua đời được nương theo cửa Phật và tái sinh thành người tài năng, hạnh phúc. Bỏ việc ác, làm việc thiện là nền tảng giáo lý của đức Phật.
Lắng lòng nghe hiện thân của đức Phật Quan Âm giảng đạo, Phật tử Quảng Bình chắp tay cúi nguyện. "Người cậu liệt sĩ của tôi tuy không nằm ở nghĩa trang Ba Dốc nhưng tôi vẫn đến đây để cầu cho linh hồn cậu và tất cả chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh vì độc lập dân tộc được siêu thoát, sống nhẹ nhàng, hạnh phúc ở kiếp khác", bà Bùi Thị Đơn (57 tuổi, Quảng Bình) nói.
(Ông Lê Duẩn, 62 tuổi, nguyên Chánh án toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình nghẹn ngào
trước phần mộ của người anh trai hy sinh tại chiến trường Lào. Ảnh: Quỳnh Trang.)
Ngồi lặng ở góc cuối sân, ông Lê Duẩn (62 tuổi, Quảng Bình) mắt đỏ hoe, thi thoảng cúi đầu che đi những giọt nước mắt. Ông bảo, lễ cầu siêu khiến mình nhớ về người anh cùng cha khác mẹ đã nằm lại nghĩa trang Ba Dốc. Liệt sĩ Phạm Xuân Liệt nhập ngũ khi tuổi đời mới 17 và hy sinh tại chiến trường Lào năm 1969. Tuy cùng mẹ khác cha với ông Duẩn nhưng sinh thời, liệt sĩ rất thương yêu, chăm sóc chu đáo cho các em. Khi đi bộ đội, ông vẫn thường gửi thư về động viên gia đình, nhắc em học hành chăm chỉ.
"Sang đến Lào chiến đấu, anh viết thư nhắn mẹ, các em giữ gìn sức khoẻ và chờ anh về. Ngờ đâu anh hy sinh. Đồng đội anh kể rằng, anh vấp phải mìn trong lúc đi dân vận. 3 ngày sau đơn vị tìm thấy, lời cuối cùng anh nói là mang quà gồm bút viết, đá lửa, vải dù hoa… về biếu mẹ, tặng các em ở quê nhà", ông Duẩn kể, mắt rưng rưng. Ông bảo mình thành công như ngày nay là nhờ người anh đã hy sinh. Nhớ lời căn dặn của anh, ông Duẩn đã nỗ lực trong học tập, công tác và trở thành Chánh án thành phố Đồng Hới, Chánh án tỉnh Quảng Bình đến năm 2012 về nghỉ hưu.
Các nén hương thơm được người dân địa phương, tình nguyện viên Drukpa cùng nhau thắp trên phần mộ 2.700 liệt sĩ.
(Người cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam do ông tham gia cuộc chiến,
được đưa tới nghĩa trang cầu siêu cho các vong linh. Ảnh: Mai Uyên.)
Chứng kiến sự thành tâm cầu siêu của Đức Pháp Vương và tăng đoàn, ông Lê Bá Quế (79 tuổi, cựu chiến binh sư đoàn 355, chiến trường Quảng Trị) xúc động và cảm thấy đồng đội đã nằm xuống được an ủi phần nào. "Tôi được sống đến ngày nay cũng do may mắn và nhờ đồng đội đã chiến đấu oai hùng", ông Quế nói. Chỉ tay về phía đứa cháu của người đồng đội ngồi đối diện, ông Quế nghẹn ngào: "Ông bé đó cũng giống tôi bị nhiễm chất da cam khi đi kháng chiến nên giờ cháu nó thiệt thòi nhiều".
Kết thúc buổi lễ cầu siêu, cả nghĩa trang Ba Dốc lung linh ánh nến, người người chắp tay trước mộ phần cầu mong người ngã xuống được siêu thoát, sống an bình trong kiếp khác.
Viết bình luận
- 370 reads