Điều gì khiến bạn khổ đau và phiền não? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Điều gì khiến bạn khổ đau và phiền não?

2904
28/05/2022 - 20:13
"Đừng cố gắng cắt bỏ mọi hiện tướng vạn pháp mà hãy cắt bỏ nguồn gốc của tâm vô minh. Nếu không hiểu nguồn gốc của tâm vô minh, bạn sẽ không thể nào có được trải nghiệm về tự tính tâm và hạnh phúc chân thật." ~ Thượng sư Liên Hoa Sinh 
 
Đức Phật dạy rằng tâm là nguồn gốc của vạn pháp, tạo ra Luân hồi và Niết bàn, khổ đau và hạnh phúc. Luân hồi là vòng sinh tử không gián đoạn với bản chất khổ đau, bị chi phối bởi nghiệp và xúc tình phiền não. Niết bàn siêu việt khổ đau và phiền não, đây chính là tự tính tâm. Nếu biết điều phục, tâm sẽ là cội nguồn của hạnh phúc giác ngộ. Còn nếu để tâm phóng túng, vọng tưởng, tâm sẽ trở thành ác mộng và kẻ thù tồi tệ nhất trong việc mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.

Nếu chúng ta nói tâm tạo ra Luân hồi và Niết bàn thì sự khác nhau nằm ở đâu? Theo quan kiến Phật giáo, tâm hướng ra ngoài, bám chấp vào các sự vật hiện tượng là tâm phàm, tâm hướng vào bên trong là tự tính tâm, là Niết bàn. Bản chất của tâm vốn thanh tịnh, không phân biệt nhị nguyên, tràn đầy hỷ lạc. Vì vô minh bám chấp vào cái tôi nên tâm bị phiền não nhiễm ô, từ đó phóng chiếu ra luân hồi khổ đau.
 
 
Lý do chúng ta không nhận ra tự tính tâm hay bí mật của hạnh phúc chân thật là do bị chi phối bởi tâm phàm với các vô minh vọng tưởng. Đức Liên Hoa Sinh dạy rằng đừng cố gắng cắt bỏ mọi hiện tướng vạn pháp mà hãy cắt bỏ nguồn gốc của tâm vô minh. Nếu không hiểu nguồn gốc của tâm vô minh, bạn sẽ không thể nào có được trải nghiệm về tự tính tâm và hạnh phúc chân thật.

Trên thực tế, hoạt động của tâm không có giới hạn, chúng tạo thành môi trường xung quanh đời sống. Vạn pháp tồn tại đều sinh khởi từ những hoạt động của tâm cũng giống như những món đồ khác nhau xuất hiện từ ống tay áo của nhà ảo thuật. Tâm bất tịnh khiến mọi thứ xung quanh trơ nên bất tịnh, còn tâm thanh tịnh sẽ tịnh hóa hoàn toàn môi trường này. 

Môi trường “giác ngộ” được Đức Phật tạo ra từ các hoạt động của tâm thanh tịnh không nhiễm ô, còn môi trường của chúng sinh thông thường không được như vậy. Giống như những bánh xe đi theo con bò kéo xe, những khổ đau sẽ luôn bám theo người nói và làm với tâm bất tịnh. Còn với người nói và làm với tâm thiện lành  thì an lạc sẽ xuất hiện với người đó như hình với bóng. Những người hành động ác nghiệp sẽ lưu lại ký ức về hành động này trong Tàng thức và đến khi nhân duyên nghiệp báo chín muồi, thời điểm hoàn trả ác nghiệp sẽ là không thể tránh khỏi. 
 
 
Tâm bất tịnh dễ khiến một người bị vấp ngã và chịu nhiều khổ đau trên các nẻo luân hồi đầy khó khăn, chông gai. Nhưng nếu tâm thanh tịnh, con đường sẽ bằng phẳng và an bình. Người có tâm thanh tịnh sẽ được thuận duyên trưởng dưỡng tâm linh, con đường tu tập sẽ dần phá vỡ mạng lưới của những vọng tưởng bất tịnh, vị kỷ và ham muốn không chính đáng để có được hạnh phúc chân thật.

Đây chính là giáo pháp sâu sắc và chìa khóa mở mọi cánh cửa, khi bạn hiểu nó thì mọi thứ đều dễ dàng. Chúng ta cứ tìm hạnh phúc ở bên ngoài, thực ra hạnh phúc nằm ngay nơi tâm mình bởi “vạn pháp duy tâm tạo”.

(Trích ấn phẩm "Thiền - Năng lượng chữa lành, sáng tạo và hạnh phúc", Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,310
Số người trực tuyến: